Chuyện ở bãi đá quý

Thứ Ba, 21/07/2020, 08:29
Bãi Kim Kang, Cổng Trời, Vắt Xanh, Sắc Phất, Sắc Cút, Tát Đình, Chùm Chăn… ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái những năm 1990 từng được coi là "Thủ phủ" của đá quý...


Có những trận mưa rào, đá quý nhô lên cả mặt đất. Người đi cào nương cũng nhặt được đá quý. Có người tìm được viên hàng nghìn đến chục nghìn đô la. Tại đây đá đẹp và có giá. Đá Ruby, Tuốc xanh, Aquamarin, Sapphiare… ở các bãi Tát Đình, Kim Kang… được xếp vào hàng đẹp nhất thế giới?!

Mất an ninh trật tự vì... đá

Đi đến đâu cũng gặp người ta kháo nhau người nọ người kia được đá quý. Tin đó lan rộng, nơi này trở thành bãi khai thác đá quý lớn nhất nước. Người dân trong tỉnh và ngoài tỉnh đổ xô về Lục Yên đào đá quý. Đồi núi Lục Yên thâm nghiêm bình lặng bỗng trở nên huyên náo, hỗn độn, nham nhở. Được coi là "Miền đất hứa" đối với những người dân mang khát vọng đổi đời. Ở đó ranh giới giữa cái tốt và cái xấu thật mong manh, khi buồn hoặc khi vui người ta có thể khao nhau bằng một bi thuốc phiện, hậu quả của nó vẫn dai dẳng đến bây giờ.

Không biết số người đổi đời, giàu lên từ đá được bao nhiêu phần trăm so với những người bị xập hầm, đá đè, cờ bạc, nghiện hút rồi bị nhiễm HIV. Sau những đợt khai thác đá quý trước đây, Lục Yên như trải qua trận bão khủng khiếp. Trận bão ấy không chỉ làm cho đồi núi tan hoang mà nó đã quật ngã bao thanh niên trai tráng. Lục Yên rộ đá quý, Thái Lan, Ấn Độ đã nhanh chân nhảy vào khai thác, cùng với đội quân đào đá tự do, đá quý Lục Yên đã trở nên cạn kiệt.

Có không ít người đổi đời nhờ đá quý, nhưng cũng có biết bao gia đình tan nát vì đá quý.

Hơn hai mươi năm đi qua kể từ "cơn lốc đá quý" đầu tiên. Với sự quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương, kiên quyết dẹp bỏ nạn đào đá quý bừa bãi của Công an huyện Lục Yên, an ninh trật tự đã được lập lại. Bây giờ không còn cảnh nổ mìn, đào hầm nham nhở như trước nữa, màu xanh dần hồi sinh. Nhưng đây đó trong khe núi, giữa rừng sâu, vẫn có người đào bới. Tuy lẻ tẻ, hoạt động không thường xuyên nhưng rất khó quản lý. Giải quyết được nơi này thì họ lại rủ nhau đi nơi khác vì cuộc sống mưu sinh, nghèo khó, trong khi con đường làm giàu vẫn còn mù mịt và khát vọng đổi đời vẫn âm ỉ cháy trong họ.

Đá quý giữa rừng sâu

Bí mật theo chân những người dân đi đào đá quý, chúng tôi chân trèo đá, tay vén cây rừng, cứ men theo khe núi ngược lên. Leo từ sáng gần đến trưa thì chúng tôi đến bãi đá quý. Ở đó, tôi gặp vài người đàn ông đang hì hục đào bới. Vì trên núi không có nước nên họ đào một cái hố rộng, trải hai lượt bạt để hứng nước mưa. Đất đá đào được mang xuống cái hố nước ấy đãi và xét kỹ.

Ngay cạnh là cái lán bằng nứa tạm bợ, lụp xụp dựng cheo leo trên sườn dốc. Trong lán trống hoác chẳng có thứ gì ngoài vài cái chăn, chiếu, quần áo cũ và xoong, nồi, bát, đĩa. Thức ăn ở đây chỉ có cá khô và rau rừng.

Trước đây, khi còn nhiều người khai thác, cũng có người mang thức ăn tươi lên bán với giá "cắt cổ", còn bây giờ những tốp khai thác lẻ tẻ như thế này phải thay nhau xuống núi gùi gạo và cá khô lên dự trữ ăn cả tuần. Nước sinh hoạt thiếu thốn phải đi gùi từng can. Muốn tắm cũng phải đi xa hơn cây số. Cái hố khoét vào núi sâu hoắm, người chui xuống moi đất đá như đang đùa với tử thần. Muỗi, vắt, cực nhọc, kham khổ nhưng họ vẫn ngày ngày đào bới, soi tìm và hi vọng.

Cảnh người dân khai thác đá quý ở Lục Yên trước đây.

Đến chợ đá quý Lục Yên, đá Ruby (hồng ngọc), Opal (ngọc mắt mèo), Sapphiare, Amethyst (thạch anh tím), Amber (hổ phách), Aquamarin (ngọc xanh) và rất nhiều loại đá khác lung linh sắc màu được bày bán khiến ai cũng mê mẩn. Ai biết rằng có được nó người ta đã phải đổi biết bao mồ hôi, máu, có khi là cả tính mạng.

Chuyện sau "cơn lốc" đá quý

Người Lục Yên gọi đào đá quý là "trò chơi tỉ phú", nhiều may rủi. Có người bỗng chốc giàu sang, ôtô mới lượn vè vè khắp thị trấn. Có người đào mãi không được đá, nghèo lại càng nghèo hơn. Có người được đá rồi cũng khuynh gia bại sản vì "đỏ đen", "chẵn lẻ". Có người vào bãi đá bị rủ rê hút chích rồi nhiễm HIV. Kẻ khóc, người cười, người lắc đầu tiếc nuối.

Có thể kể ra rất nhiều ví dụ, như: Quang "lợn", từ một tay mổ lợn, sửa xe đạp nhờ buôn bán mấy viên đá lãi tiền tỉ, Quang trở thành chủ buôn đá quý lớn. Sau vài vụ mua bán, Quang thành người giàu nhất thị trấn Yên Thế, Lục Yên. Có người kể, một lần Quang mở tủ, cái tủ bị nghiêng, tiền trong tủ xô ra trải kín một gian phòng. Thế nhưng chỉ vài năm Quang bị lũ đàn em vét hết số tiền đó trên sòng bạc. Canh bạc cuối cùng Quang thua nặng phải trốn nợ rồi mất tích, bỏ vợ, bỏ con không biết sống chết ra sao. Hoặc chị Hà Thị T, thôn 11 xã Liễu Đô, Lục Yên. Ngôi nhà tre rách nát xiêu vẹo. Chị T vừa đi làm cỏ vườn về. Thân hình xanh xao tiều tụy, tay cầm chén nước còn run run. Sức chị đã yếu lắm.

Một hầm khai thác đá quý ở Lục Yên.

Nhà nghèo, ruộng ít không đủ ăn. Nghe bạn bè rủ rê, chồng chị cũng khăn gói vào rừng sâu tìm vận may. Lúc đầu được vài viên, gửi về được chút ít, sau chẳng thấy tiền đâu. Hơn hai năm anh về với tấm thân gầy quắt queo chị mới phát hiện anh nghiện hút. Một thời gian sau anh ốm yếu rồi ra đi để lại cho chị căn bệnh HIV và ba đứa con thơ dại.

Còn chị, không biết lúc nào sẽ ra đi. Ông Lường Văn H, xã Minh Tiến, buổi sáng vừa họp thôn, được bình xét hộ nghèo, buổi chiều chủ nhà đào được viên đá quý nghe nói tiền vài trăm triệu. Với số tiền ấy ông H trả hết nợ và có vốn để làm ăn, gia đình dần khấm khá. Ông Lưu Anh Tuấn quê Kim Sơn, Ninh Bình lên Lục Yên đào đá. Được ít tiền, ông quay sang mở xưởng mài đá. Tích cóp lấy ít vốn ông mở xưởng làm tranh đá quý. Hiện nay ông là chủ xưởng tranh đá lớn nhất Lục Yên, ăn nên làm ra với trên hai mươi người làm…

Những chuyện được, mất từ đá quý ở Lục Yên kể sao cho hết. Ước mơ làm giàu là chính đáng nhưng làm sao không sa ngã, không đánh bạc với đất trong ảo tưởng và đặc biệt không xảy ra những câu chuyện đau buồn là điều mà ai cũng mong muốn.

Nông Quang Khiêm
.
.
.