Chuyện ở bản gái tiến vua: Hoa hậu đến từ đại ngàn

Thứ Hai, 10/09/2012, 16:03
Một bản nghèo người đồng bào dân tộc Dao vỏn vẹn có hơn 100 hộ dân nhưng đã có tới 2 hoa hậu mang tầm cỡ quốc gia. Và chỉ khi những cô gái Dao mộc mạc này "đem chuông đi gõ xứ người" thì người ta mới biết đến nơi thâm sơn cùng cốc đó hàng trăm năm nay vẫn tồn tại một bản gái đẹp, mọi người vẫn gọi là bản "gái tiến vua".

Hoa hậu giữa đại ngàn

Bất kỳ ai trước khi vào bản Mậu (xã Tuấn Mậu, Sơn Động, Bắc Giang) đều được cảnh báo "sẽ bị con gái ở đây chài cho không về được". Thưc hư của lời cảnh báo "xanh rờn" này, cụ Minh một cao niên của bản Mậu giải thích: "Chẳng có chài, bùa ngải gì cả. Đây là cách để người xưa nói về con gái bản Mậu thôi. Ý là vì con gái bản Mậu đẹp đến mức chàng trai nào vào đây cũng ngơ ngẩn và không muốn về".

Những trận mưa rừng liên tục trút xuống con đường lầy lội đi vào bản Mậu nhưng cũng không làm mất đi vẻ đẹp của nó. Dòng An Châu như dải lụa xanh dịu dàng uốn quanh những sườn núi đầy hoa dại. Dãy Yên Tử linh thiêng ôm gọn cả bản Mậu khiến cho nơi đây thật đẹp, thật huyền bí. Thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp ánh mắt ngượng ngùng của những cô gái Dao với nụ cười nghiêng cả trời chiều sơn cước.

Chúng tôi tìm đến gia đình ông Trịnh Tiến Hiện, Bí thư chi bộ thôn Bản Mậu là người am hiểu về lịch sử cũng như những truyền thuyết "bản gái tiến vua". Đã ngoài 60 tuổi nhưng ông vẫn còn quắc thước và tráng kiện. Ông Hiện cho biết, truyền thuyết "bản gái tiến vua" có từ thời Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Những tháng năm Phật Hoàng xuống tóc lên Yên Sơn xuất gia lập nên thiền phái Trúc Lâm. Khi đó trong triều đình có rất nhiều quan lại không phục với quyết định đó của nhà vua. Họ bèn nghĩ ra một kế, đó là dùng các cung tần mỹ nữ đẹp nhất, được vua sùng ái nhất lên núi. Những mong đức vua hồi tâm chuyển ý. Ý nhà vua đã quyết là không gì lay chuyển được.

Ngài ra lệnh cho các cung tần mỹ nữ xuống núi và trở về quê hương sinh sống và truyền lại ngôi cho thái tử. Biết được tâm can của nhà vua, ai nấy đều lủi thủi xuống núi. Người thì hồi quê hương lập gia đình, người thì lang thang các vùng khác để lập nghiệp, có người quy y cửa phật. Một số người còn nặng lòng với nhà vua bèn kiếm mảnh đất ngay chân núi Yên Tử để sinh sống.

Rồi thời gian cứ thế trôi đi, các cung tần mỹ nữ dưới dãy Yên Tử cũng lấy chồng rồi sinh con đẻ cái. Cứ như thế hàng trăm năm sau nơi bản nghèo này vẫn còn lưu lại biết bao con cháu của những cung tần một thời. Mỉm cười tự hào, ông Hiện nói: "Có lẽ do gen di truyền của các cung tần mỹ nữ xưa kia mà con cháu bản Mậu bây giờ ai nấy đều xinh đẹp như hoa".

Ông Hiện đứng cạnh khu vực Giếng tiên.

Để minh chứng con gái bản Mậu đẹp, ông Hiện chỉ tay về phía một ngôi nhà sàn nằm cách gia đình ông chừng 100 mét, ông nói: "Đó là nhà Hoa hậu Trịnh Thị Hương đó. Bản của tôi vỏn vẹn có 100 hộ nhưng đã có bao cô gái "đem chuông đi gõ xứ người" rồi đó".

Hoa hậu Trịnh Thị Hương được người trong bản Mậu ngưỡng mộ cả nhan sắc và tài năng. Tuổi thơ của Hương sớm phải theo mẹ lên nương làm rẫy, chăn trâu, cắt cỏ. Là con gái nhưng cô hoa hậu này cáng đáng nhiều công việc nặng nhọc, vượt hàng chục cây số đường rừng cò tre về bán (kéo tre). Ông Trịnh Tiến Liên (bố đẻ của Hương) tâm sự: "Khoảng 6 tuổi Hương đã phải lên nương rồi. Cò tre một ngày cũng được khoảng 8.000 đồng, chỉ đủ mua sách vở thôi".

Và rồi nhan sắc của Hương được nẩy nở qua tài năng và tri thức của mình. Là người duy nhất của bản học đại học (Đại học Ngoại Ngữ - Đại học QGHN) nên Hương có cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Bên cạnh giải Người đẹp Hoa cúc trong cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, Trịnh Thị Hương đạt được nhiều giải thưởng tài năng: Giải nhì đẩy tạ tỉnh Bắc Giang, giải nhất chạy 100 mét, giải A bài hát dân tộc Dao...

Hiện nay, cô hoa hậu tài sắc vẹn toàn của bản Mậu này đang là Giám đốc Công ty TNHH Kinh Thiên (trụ sở tại Bắc Ninh), là phiên dịch tiếng Trung cho Công ty Xây dựng Trung Kiên (tại Nhà máy Nhiệt điện Đồng Rì, Sơn Động). Đồng thời chị cũng là bà chủ thành đạt của nhà hàng Hương Gia, chuyên món ăn Trung Quốc.

Ông Hiện cười hỉ hả: "Nếu cho đi thi hoa hậu có khi bản tôi có vài chục người. Những năm 90 của thế kỷ trước, người bản Mậu chúng tôi còn tự hào về chị Bàn Thị Giảng cũng lọt vào Top 10 hoa hậu vùng núi phía Bắc đấy".

Nói đến đây, chúng tôi không còn hoài nghi về "bản gái tiến vua" và nó không còn chỉ có trong truyền thuyết. Một thầy giáo Trường THPT thị trấn An Châu, người đi cùng đoàn chúng tôi cũng vui vẻ chia sẻ: "Cả xã Tuấn Mậu có 7 thôn bản nhưng quả thực con gái bản Mậu đến trường này học vẫn có sắc đẹp nổi trội so với nhiều thôn. Cái đó là không thể phủ nhận được!".

Truyền thuyết Giếng tiên

Nơi đây vẫn thường truyền tai nhau câu ví "nếp bản gà, đàn bà Tuấn Mậu". Câu ví von này bao đời nay đã trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây. Trước kia bản Mậu có tên là bản Mẫu hay Tuấn Mậu, tên đó muốn chỉ nơi đây có những bà mẹ đẹp và chỉ sinh ra những cô con gái xinh đẹp.

Xưa kia con gái bản Mậu cứ đến tuổi cập kê là lại bị trai làng khác đến lấy về làm vợ. Hoặc, những cô gái vượt trội hơn cả thì được nhà vua chọn vào cung làm cung tần, các quan lại đem về làm thê thiếp. Gần như không có chuyện trai gái trong bản lấy nhau. Chỉ một điều đơn giản là con trai bản Mậu lại vô cùng xấu xí.

Ông Hiện chia sẻ: "Không hiểu tại sao ngày đó con trai bản Mậu lại xấu xí đến thế. Còn con gái thì cứ ngày một xinh đẹp trắng trẻo. Ngày đó họ truyền tụng nhau rằng con gái xinh là do chiếc giếng dùng làm nước sinh hoạt cho cả làng, mà mọi người vẫn gọi là Giếng tiên".

Trên đường mục sở thị Giếng tiên, ông Hiện kể lại giai thoại của nó. Bản Mậu nằm ngay chân núi Yên Tử nên được hưởng một mạch nước ngầm rất sạch và khác lạ. Các bậc cao niên trong làng bàn bạc rồi cho dân làng đào một chiếc giếng để dùng vào việc sinh hoạt. Nước giếng quanh năm trong vắt và đầy ăm ắp. Và rồi một ngày họ nhận ra từ khi có chiếc giếng này con gái ở bản Mậu trở nên xinh đẹp lạ thường. Ai nấy đều trắng trẻo, thân hình ngọc ngà, tóc luôn dài và đen.

Và rồi cái bản nghèo có con gái đẹp nơi thâm sơn cùng cốc đó cũng đến tai vua và các quan lại. Ông Hiện kể: "Các cụ ở bản này kể lại, ngày đó có lần đức vua đã đến tận bản này để tuyển chọn cung tần. Triều đình đã chọn những người xinh đẹp nhất, hiền lương nhất vào cung hầu hạ cho nhà vua”.

Thế rồi một ngày mâu thuẫn lớn cũng xảy ra tại bản làng vốn bình yên này. Ai nấy cũng mừng vì có được giếng nước thần làm cho con gái trở nên xinh đẹp. Thế nhưng con trai trong bản thì ngày càng xấu đi. Anh Bàn Văn Thành, Trưởng thôn bản Mậu chia sẻ: "Lúc nhỏ tôi cũng từng được nghe các cụ kể chuyện này. Trai làng thì ngày một xấu đi, trong khi con gái lại xinh đẹp vô cùng. Họ đành ngậm ngùi nhìn con gái trong bản lần lượt sang bản bên lấy chồng. Những cô gái xinh đẹp hơn thì lần lượt vào cung hầu hạ vua hay làm thê thiếp cho các quan lớn".

Chính vì điều này, trai trong bản Mậu bàn với nhau là phải lấp Giếng tiên, gieo những lời nguyền độc địa lên đó. Chọn ngày lành tháng tốt, tất cả trai bản lấy mảnh bát, chai lọ vỡ lấp cho đầy giếng. Sau đó nhờ thầy cúng giỏi nhất vùng đến làm lễ. Sau đó dùng tiết của một con chó mực đổ xuống giếng mà lập nên lời thề cho tất cả mọi người trong bản "không ai được ăn nước giếng này nữa. Nếu không sẽ bị dân làng xa lánh". Từ đó chiếc Giếng tiên chỉ còn là một câu chuyện dân gian mà người ta truyền tai nhau.

Ông Trịnh Tiến Hiện đưa chúng tôi đến cánh đồng Tám nơi vẫn còn lại những dấu tích của Giếng. Đó là một hũm nước đường kính khoảng 2 mét, sâu khoảng 1,5 mét nằm ẩn dưới đám cây dại um tùm. Ông Hiện chia sẻ: "Vì những lời nguyền xưa kia mà cho đến nay chẳng ai còn dám bén mảng đến chiếc giếng này nữa. Cách đây khoảng 50 mét vẫn còn những bậc thang, nơi mà người dân đi xuống lấy nước sinh hoạt trước đây”.

Cho đến ngày nay, không còn Giếng tiên nhưng con gái của bản Mậu vẫn rất đẹp. Những tranh luận để tìm câu trả lời cho câu hỏi tại sao con gái bản Mậu xinh đẹp như thế vẫn còn chưa có giải đáp. Người thì cho rằng do gen để lại từ các mỹ nữ xưa kia, còn người dân bản Mậu lại tin rằng họ xinh đẹp là nhờ nguồn nước quý từ dãy Yên Tử đổ về.

Và dẫu có vì lý do gì, người ta vẫn muốn đến bản Mậu để ngắm thiên nhiên cảnh vật nên thơ, những con người chất phác và cả những cô gái đẹp tựa như tiên. Câu chuyện về Giếng tiên vẫn được đồng bào Dao coi là có thật và lâu nay nó đã trở thành nột nét văn hóa tâm linh ở nơi đây.

Trao đổi với ông Bàn Văn Thành, Trưởng thôn bản Mậu cho biết:

Những truyền thuyết như trên là có thật. Hàng ngày các bậc cao niên vẫn thường kể lại cho con cháu nghe. Giếng tiên cũng là một di tích thuộc địa bàn thôn bản Mậu. Việc tắm nước giếng Tiên trở nên xinh đẹp cũng chỉ là những truyền thuyết mà chưa có chứng lý khoa học nào giải thích.

Con gái bản Mậu xinh đẹp có tiếng là hoàn toàn có cơ sở bởi những gì truyền thuyết kể lại và cả những nhân chứng sống hiện nay. Bản Mậu chỉ có 100 hộ nhưng đã có tới 2 hoa hậu. Đây là một điều không phải ở đâu cũng có được. Những năm của thập niên 90 thế kỷ trước có người đẹp Bàn Thị Giảng đoạt giải người đẹp miền núi phía Bắc. Gần đây nhất là Trịnh Thị Hương, đứng trong top 10 hoa hậu các dân tộc. Cô được nhận danh hiệu "Hoa hậu hoa cúc" năm 2007.

Trả lời báo chí, Phó Chủ tịch xã Tuấn Mậu cho biết:

Những truyền thuyết về "bản gái tiến vua" là một tài sản phi vật thể quý giá của xã Tuấn Mậu. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đề xuất khai thác tiềm năng du lịch "làng mỹ nhân" và một số địa danh tâm linh như: Bãi đá Nứng, Giếng tiên, Thác ba tia… Và chúng tôi sẽ khai thác cả tiềm năng về du lịch tâm linh nhằm thu hút khách du lịch đến với bản Mậu này.

Tiêu Phong
.
.
.