Kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống Lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam (20/7/1962 - 20/7/2017)

Chuyện "tầm nã" ở miền sông nước

Chủ Nhật, 23/07/2017, 12:35
Có một nét đặc trưng chúng tôi cảm nhận được khi trò chuyện với các anh, đó chính là màu da "đặc quánh" nắng gió bụi đường. Giọng ai cũng hào sảng, thấm đậm vị sông nước.


1. Một ngày rảnh rỗi hiếm hoi của anh em Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện thú vị sau những chuyến "tầm nã" dọc dài đất nước. Trở về nhà, cởi bỏ chiếc áo lấm lem bụi đường, họ là những người chồng, người cha bình dị, chất phác đời thường.

Có lẽ cái dáng hao gầy, giọng nói trầm đều, miệng hay tủm tỉm cười là đặc điểm dễ nhớ nhất của Thượng tá Võ Văn Công, Phó trưởng Phòng PC52 Công an Đồng Tháp. Anh là một trong những người có thâm niên truy nã tội phạm, với trên 30 năm tuổi nghề. Thượng tá Võ Văn Công vừa tham gia truy bắt đối tượng truy nã nguy hiểm Cao Thanh Vũ.

Đại tá Đào Trọng Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp họp bàn triển khai công tác truy nã năm 2017.

Cao Thanh Vũ là đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp, hoạt động liên tỉnh và đã có hai tiền án ở TP. Hồ Chí Minh và An Giang. Một lần, khi đang trích xuất phạm nhân Cao Thanh Vũ để phục vụ cho việc xét xử của Tòa án nhân dân huyện Cao Lãnh trong một vụ trộm cắp tài sản, Vũ đã lợi dụng sơ hở bỏ trốn.

Xác định đối tượng bỏ trốn, không thể xét xử là một khó khăn. Điều quan trọng nữa là phải bắt bằng được Cao Thanh Vũ để cắt đứt hoạt động gây án của hắn, tránh được mối nguy hiểm cho xã hội.

Chuyên án được xác lập do Đại tá Đào Trọng Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp làm Trưởng ban. Qua công tác xác minh, nắm được thông tin Vũ đang lẩn trốn tại thị trấn Chhuk (tỉnh Kampot, Campuchia).

Thượng tá Võ Văn Công, thành viên Ban chuyên án được giao nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Kiên Giang lên đường bắt tội phạm truy nã. 17 ngày, Thượng tá Công "ăn dầm nằm dề" bên nước bạn lần theo dấu vết Cao Thanh Vũ nhưng bặt vô âm tín.

Do Vũ có người thân bên Campuchia nên hắn thông thạo đường đi lối lại, được giúp sức ẩn náu rất khôn ngoan. Nhiều lần Thượng tá Công tìm đến địa chỉ đối tượng ở nhưng vừa tới thì hắn đã biến mất. 

Lại có thông tin hắn đã trở về Việt Nam, nhưng ở đâu thì không rõ. Chắc chắn Vũ phải bắt tín hiệu với người thân ở quê nhà, phải bám vào nhận định này để lần theo dấu vết. Cùng với đó, các trinh sát tỏa ra nhiều hướng, xác minh tất cả các đầu mối có liên quan tới đối tượng sau đó chắt lọc thông tin đắt giá nhất để củng cố hướng truy bắt.

Cuối cùng, Ban chuyên án phát hiện Cao Thanh Vũ đang lẩn trốn tại Khu phố Đông (P. Vĩnh Phú, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) với một tên giả và thân phận mới. Tổ công tác do Thượng tá Võ Văn Công dẫn đầu ngay lập tức đến Bình Dương nhờ sự giúp đỡ của các đơn vị tỉnh bạn đã xác minh và tiếp cận chính xác đối tượng. Vì nơi Vũ ở là khu dân cư đông đúc, nên việc bắt giữ phải rất cẩn thận, đề phòng phương án Vũ chống cự hoặc bắt con tin...

Anh em trong Tổ công tác ẩn mình mai phục suốt đêm, khi đồng hồ điểm 3 giờ sáng, Thượng tá Võ Văn Công đạp cánh cửa đổ sập xuống, nhanh như chớp, anh lao vào quật ngã đối tượng. Bị đột kích quá bất ngờ, Cao Thanh Vũ không có cơ hội chống trả.

Nhớ lại thời điểm bắt Cao Thanh Vũ, Thượng tá Võ Văn Công kể: "Lúc tiếp cận với đối tượng, mình sung sướng quá, chỉ nghĩ đến việc lao vào bắt giữ mà quên mất phải đeo găng tay vì Vũ bị nhiễm HIV. Bắt xong rồi mới giật mình".

2. Năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, Phòng PC52 Công an tỉnh Đồng Tháp đã lập được nhiều chiến công trong lĩnh vực bắt tội phạm có lệnh truy nã. Tuy nhiên, theo Thượng tá Trần Trung Quốc, Trưởng phòng PC52, hiện nay phương án đầu tiên được đưa ra với đối tượng truy nã chính là vận động đối tượng đầu thú. Đây là phương án thể hiện sự nhân đạo, khoan hồng của pháp luật đồng thời cũng giúp cơ quan thực thi nhiệm vụ giảm bớt công sức. 

Điển hình nhất là vụ vận động thành công đối tượng truy nã Huỳnh Minh Tấn (25  tuổi), ngụ ấp Thới Mỹ 1, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, bị truy nã về tội cố ý gây thương tích. Đối tượng truy nã nguy hiểm Huỳnh Minh Tấn từng có một tiền án về tội gây rối trật tự công cộng, được xem là một "đại ca" có nhiều mối quan hệ xã hội phức tạp nên công tác xác minh gặp nhiều khó khăn.

Qua các nguồn tin, trinh sát nắm được manh mối Tấn đã trốn sang Campuchia. Xét thấy tính chất nghiêm trọng và mức độ nguy hiểm của đối tượng, chuyên án được xác lập để tập trung lực lượng đấu tranh, sớm truy bắt được Huỳnh Minh Tấn.

Trốn sang Campuchia một thời gian, nghe ngóng thấy tình hình yên ổn nên Tấn đã quay trở về Việt Nam, ẩn dật tại Biên Hòa (Đồng Nai) trong nhà người anh tên Chín. Trung tá Nguyễn Lê Nhân, Phó Đội trưởng Đội 2, được phân công trực tiếp xác minh, theo dõi về Tấn. Tuy nhiên, khi trinh sát đến nơi thì Tấn đã tẩu thoát ngay trong đêm. 

Tổ công tác nằm vùng thêm một tuần nữa, rà soát khắp các công ty, xí nghiệp tìm manh mối đối tượng nhưng không có kết quả. Ngay sau đó, Ban chuyên án nhận được tin, Tấn đã "vọt" lên Tây Ninh làm thuê cho các chủ lô cao su. Trung tá  Nhân tới Tây Ninh, với quyết tâm sẽ "cất lưới" lần này.

Giữa những cánh rừng cao su bạt ngàn sau thanh lý, tầm nhìn có thể xa vài cây số, thật khó để tiếp cận đối tượng. Mặt khác, Tấn vô cùng tinh ranh, chủ động đề phòng, chỉ cần phát hiện ra dáng dấp của người lạ, hắn lập tức cao chạy xa bay. Ngay cả công việc làm thuê, hắn cũng có ba trung gian, đó là người dắt đến, một người nhận và một người đưa vô làm.

Thông tin báo về chỉ biết là Tấn đang ở khu vực đó, mà không rõ địa chỉ cụ thể. Tổ công tác chỉ còn cách tiếp cận trực tiếp ông chủ đang thuê Tấn làm việc. Khi Trung tá Nhân đưa hình ảnh nhận dạng đối tượng truy nã và đề nghị giúp đỡ thì ông chủ rất bất ngờ, nói rằng ở đây không có người như thế này. Ngay sau đó, ông ta mật báo cho Tấn nhanh chóng ra khỏi nơi nguy hiểm. Bị truy đuổi liên tục, Tấn bắt xe trốn thẳng sang Campuchia. 

Thượng tá Võ Văn Công (ngoài cùng bên phải) trong lần "xuất ngoại" bắt tội phạm truy nã.

Công tác truy bắt Huỳnh Minh Tấn trở nên vô cùng khó khăn. Bản thân đối tượng đã hai lần "xộ khám" nên hắn rất ranh mãnh, nghĩ ra nhiều phương án đối phó với lực lượng Công an. Những ngày ở Campuchia, Tấn không hề liên lạc về cho gia đình ở Việt Nam.

Đầu mối duy nhất để Ban chuyên án bám vào là người mẹ. Ban chuyên án họp bàn, đưa ra phương án vận động đầu thú. Trước tiên là gặp gỡ tuyên truyền, thuyết phục người mẹ. Thượng tá Trần Trung Quốc trực tiếp tới tận nhà nói chuyện với mẹ của Huỳnh Minh Tấn. Vận động gia đình kêu gọi Tấn trở về để hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.

Công tác vận động trong trường hợp này gặp nhiều khó khăn, bởi đây là gia đình có nhiều người phạm pháp, sự giác ngộ luật pháp của họ còn thấp, nhưng "mưa dầm thấm lâu", sau nhiều lần tuyên truyền, phân tích có tình có lý, bà mẹ nghe đã thấm nên đồng ý thuyết phục Tấn ra đầu thú. Cuối cùng, sau 6 lần vận động, Huỳnh Minh Tấn đã phát tín hiệu từ Campuchia sẽ trở về Việt Nam đầu thú sau vài ngày nữa.

Tuy nhiên, Ban chuyên án cảnh giác cao độ với lời hứa của đối tượng, ra "tối hậu thư" với gia đình bằng mọi giá phải tiếp cận được Tấn. Thượng tá Trần Trung Quốc dẫn đầu đoàn công tác lặng lẽ xuất phát từ Đồng Tháp lên vùng biên giới Dầu Tiếng (Tây Ninh) đưa Huỳnh Minh Tấn trở về an toàn, kết thúc một chuyên án tốt đẹp.

Ngọc Hoa
.
.
.