Chuyến tàu đêm giao thừa

Thứ Năm, 29/12/2016, 11:15
Xuân nào cũng vậy, xen lẫn niềm vui là nỗi khắc khoải về những đồng đội đã nằm lại ngay giữa thời khắc chuyển giao của đất trời. Đêm giao thừa năm ấy, với những người lính tàu không số là một đêm không thể nào quên.


1. Để tiếp tế vũ khí kịp thời cho quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân (1968), Đoàn 125 (Đoàn Tàu Không số) nhận được kế hoạch tuyệt mật chuẩn bị cho 4 tàu xuất phát và đi theo 4 hướng để cùng vào bờ, nhằm phân tán sự theo dõi của địch trên biển Đông.

Hành trình để làm sao đúng đêm giao thừa, tàu 43 vào Quảng Ngãi, tàu 56 vào Bình Định, tàu 235 vào Nha Trang và tàu 165 vào Cà Mau. Tết Mậu Thân đã để lại trong lòng người bản anh hùng ca bi tráng về lòng quả cảm, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của những người lính thủy thủ Tàu Không số.

Tàu mang ký hiệu 43 do thuyền trưởng Nguyễn Đức Thắng và chính trị viên Trần Ngọc Tuấn chỉ huy, chở gần 40 tấn vũ khí vào Đức Phổ (Quảng Ngãi). Ở ngoài khơi đã thấy "mắt địch" theo dõi. Chỉ còn ít giờ nữa là đến giao thừa, khi tàu còn cách bờ khoảng 20 hải lý, xuất hiện một loạt tàu địch bao vây. Tàu 43 đã bị lộ. Không phải một vòng mà tới ba vòng.

Vòng trong cùng là tàu PCF tốc độ nhanh, lượn ào ào, kế đến là tàu hộ vệ hạm, vòng ngoài là khu trục hạm Mỹ to lớn, hùng hổ lao đến áp sát con tàu vỏ sắt. Trên bầu trời đêm, có ba máy bay yểm trợ, phun đạn xuống sáng lóe. Lúc này, các tàu địch bắt đầu nã súng vào tàu không số để quyết bắt sống hoặc tiêu diệt.

Thuyền trưởng Nguyễn Đức Thắng nhận định tình hình không thể chần chừ, lập tức ra lệnh cho thủy thủ tập trung hỏa lực, chuẩn bị chiến đấu. Cuộc đối đầu giữa một bên đơn độc, bé nhỏ, đang thu mình hết sức để lẩn tránh với một bên đông đảo, to lớn, bao vây tứ phía.

Thuyền phó hỏa lực Nguyễn Xuân Thơm lệnh anh em hướng mục tiêu bên phải. Hàng loạt DKZ, 12 ly, 82 ly, AK đồng loạt nhằm tàu địch gần nhất bắn. Khẩu DKZ bắn trúng đuôi tàu địch, nó bốc cháy ngùn ngụt, vội tháo chạy ra ngoài.

Tiếng thuyền phó tiếp tục vang lên dũng mãnh và đanh thép: "Nhằm mục tiêu bên trái, bắn máy bay phía trước". Một chiếc trực thăng trúng đạn chao đảo rồi rơi ùm xuống biển.

Thuyền trưởng Nguyễn Xuân Thơm (giữa) trong ngày gặp lại đồng đội.

Địch bị đáp trả, chúng siết chặt vòng vây, điên cuồng phản công. Giữa tâm lửa đạn, tàu 43 ngoan cường chống trả, thêm chiếc máy bay nữa trúng đạn lao xuống biển.

Bầu trời đêm giao thừa không trăng không sao, ở giữa lòng biển, một cuộc chiến cam go, không cân sức đang diễn ra. Ánh sáng của pháo, của đèn pha máy bay, tàu hộ vệ tỏa sáng như ban ngày, soi rõ con tàu nhỏ bé đang căng mình chiến đấu nhằm thoát vòng vây.

Tàu địch dội pháo sáng vào tàu 43 như mưa. Thân tàu bị găm thủng lỗ dày đặc. Thủy thủ bị thương và hy sinh gần hết, người còn sống vẫn chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Thuyền phó Xuân Thơm đánh một trái mù, khói mù mịt tỏa ra, tàu lụi vào bóng khói đen đặc lẩn tránh. Giữa màn đêm, tàu 43 lúc lao lên hướng Bắc, lúc quay 180 độ xuống phía Nam vẫn không thoát khỏi vòng vây như giăng lưới của địch.

Lái tàu Ruệ trúng đạn gục xuống khi trên tay anh vẫn còn ghì chặt vòng lái. Thủy thủ Võ Nho Tòng hy sinh ngay trên khẩu DKZ, tay anh vẫn ôm chặt quả đạn chưa kịp khai hỏa. Thuyền phó Thơm bị súng từ trên máy bay bắn xuyên mông, nhưng đang chiến đấu hăng máu nên không thấy đau. Khi nhảy xuống biển, thấy xót và máu loang một vùng mới biết mình bị thương.

Những con người nhỏ bé mà kiên cường còn lại trên tàu 43 tiếp tục chiến đấu. Vừa bắn trả vừa lạng lách né tránh làn đạn như mưa dội từ vòng vây ngoài biển, trên trời.

Thời trai trẻ của vị thuyền trưởng trên con tàu 43.

Sấm chớp bão lửa ầm ầm giữa đêm giao thừa, một vùng biển chìm trong khói súng. 4 giờ 30 phút sáng mồng một, tàu 43 cách bờ khoảng 200 mét thì bị mắc cạn vào bãi đá. Tàu địch vẫn bao vây dày đặc, vẫn nã đạn liên hồi.

Biết không thể xoay chuyển được tình thế, nếu để tàu nằm lại thì vũ khí sẽ rơi vào tay giặc. Thuyền trưởng Thắng, Chính trị viên Tuấn họp bàn thống nhất phương án sẽ đánh bộc phá, hủy tàu, lệnh anh em nhảy xuống biển.

Ít phút sau, một tiếng nổ xé trời, rồi cột lửa bốc cao ngất như ánh hào quang của đêm pháo hoa mừng năm mới. Ngoảnh lại nhìn con tàu thân yêu mà lòng ai cũng rơm rớm muốn khóc, đau đớn, tiếc nuối vô cùng.

Sau một đêm chiến đấu, ai cũng bị thương, sức lực cạn kiệt, họ dìu nhau giữa biển để tìm đường vào bờ. Thuyền phó Xuân Thơm nhường mảnh áo phao trên người cho thủy thủ Hoa đang sắp chìm, rồi Thơm cũng chìm vì mất máu quá nhiều. Nhờ con sóng hất vào bờ, Xuân Thơm tỉnh lại.

Tàu không số (ảnh tư liệu)

2. Tàu 235 là tàu cao tốc với 20 thủy thủ, chở 14 tấn vũ khí do thuyền trưởng Phan Vinh chỉ huy, đêm giao thừa đột nhập vào Hòn Hèo (Nha Trang). Tàu 235 ở ngoài khơi đã bị máy may địch theo dõi, vào gần bờ thì bị bao vây. Tàu lớn tàu nhỏ hàng chục chiếc lao đến như chực ăn tươi nuốt sống con tàu chở vũ khí.

Tàu 235 tắt đèn len lỏi né tránh rồi lợi dụng màn đêm lao nhanh, biến mất hút như con tàu ma, vào gần bờ thả hàng xuống biển, gắn phao ký hiệu để đơn vị bến tiếp nhận.

Chỉ còn tích tắc là tàu 235 sẽ thoát ra biển, nhưng tàu địch đã khép chặt vòng vây. Cả vùng biển rực pháo sáng và đạn từ tàu địch nã sang tàu 235 như những bó đuốc dày đặc. Tàu trúng đạn, một số thủy thủ hy sinh và bị thương. Cuộc chiến đấu dù không cân sức nhưng diễn ra rất ác liệt, tàu 235 vừa né tránh đạn vừa luồn lách tìm đường cắt vòng vây lao ra.

Một quả đạn pháo rót xuống, chính trị viên, thuyền phó Vũ Tá Tu hy sinh ngay trên bánh lái. Vòng vây tưởng như con kiến cũng không thể lọt qua, tàu 235 đã không còn cách nào thoát được, buộc phải dùng đến phương án ba.

Thuyền trưởng Phan Vinh cùng ba thủy thủ khác thực hiện điểm hỏa hủy tàu. 9 người còn lại trên tàu 235 đều bị thương nhưng vẫn quàng vũ khí vào người nhảy xuống biển bơi vào bờ.

20 phút sau, một cột khói lửa hình nấm bùng lên đen cuồn cuộn, bốc cao đến vài chục mét. Ca bin tàu bị thổi văng lên đến lưng chừng núi Hòn Hèo. Hàng tấn thuốc nổ đã hoàn thành sứ mệnh phá hủy tàu. Giặc bàng hoàng kinh hãi, một lúc sau chúng mới hoàn hồn để tiếp tục huy động bao vây bắt sống thủy thủ bơi vào bờ.

Những người lính tàu không số năm xưa nay chỉ còn vài người, họ là "tài sản" quý giá của lịch sử.

Thuyền trưởng Phan Vinh và thủy thủ Ngô Văn Thú chạy một hướng và leo lên được một ngọn núi đá nhỏ ven biển. Một lực lượng địch đông đảo bao vây, liên tục tấn công.

Trên đỉnh núi, chỉ hai chiến sĩ với khẩu AK, mấy băng đạn, vài chục trái lựu đạn đã chiến đấu anh dũng, ngoan cường khiến địch tưởng như đang đụng độ với cả trung đoàn Bắc cộng. Địch tấn công đến lần thứ ba mới áp sát được mục tiêu. Cuối cùng, Phan Vinh và đồng đội đã hy sinh khi bình minh năm mới vừa rực lên.

Thuyền trưởng Phan Vinh sau này được truy tặng danh hiệu AHLLVT nhân dân và tên của ông được đặt cho một hòn đảo thân yêu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Hai con tàu 56 và 165 nhận lệnh vào bến đêm giao thừa cũng anh dũng chiến đấu trước hòn tên mũi đạn quân thù và trở thành những con tàu Không số huyền thoại của đường Hồ Chí Minh trên biển.

Những thủy thủ còn sống trên chuyến tàu không số năm ấy, cứ dịp Tết đến là cảm xúc lại ùa về. Đại tá, AHLLVT nhân dân Nguyễn Đức Thắng,Thiếu tá, Thuyền trưởng Nguyễn Xuân Thơm nay đã bước vào tuổi "thất thập cổ lai hy". 

Trong niềm vui ngày Tết hiện tại, họ vẫn không giấu được nỗi bồi hồi, khắc khoải khi nhớ về đồng đội đã ngã xuống giữa biển trời mênh mông ngay đêm giao thừa Mậu Thân.

Ngọc Thiện
.
.
.