Chuyến tàu lỗi hẹn và chuyện niềm tin

Thứ Sáu, 03/05/2019, 19:38
Vậy là thêm một lần nữa, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại lỗi hẹn khi không đưa vào vận hành vào ngày 30-4 như trước đó lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải tuyên bố.


Khởi công tháng 10-2011, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài hơn 13km, đường đôi, khổ đường 1,435m. Toàn tuyến có 12 nhà ga trên cao và khu Depot (ga đầu mối). Dự án có 13 đoàn tàu (mỗi đoàn tàu có 4 toa), khai thác với tần suất 3-5 phút/chuyến, tốc độ thiết kế tối đa 80km/h, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ.

Để vận hành tuyến đường này cần tới hơn 600 người, trong đó, trực tiếp đào tạo lực lượng cho dự án là 651 người,  (có 201 người được đào tạo ở Trung Quốc, số còn lại được đào tạo ở Việt Nam), còn 30 nhân sự quản lý thông qua đào tạo.

Để thực hiện Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông, tổng mức đầu tư ban đầu là 552 triệu USD (trong đó, vay ODA của Chính phủ Trung Quốc là 419 triệu USD) đến nay đã tăng lên 891,92 triệu USD (tương đương 18.792 tỷ đồng, tăng thêm trên 40%) do chậm tiến độ.

Theo dự kiến ban đầu thì toàn bộ công trình sẽ được hoàn thành tháng 6-2014, tháng 6-2015 đưa vào khai thác. Thời điểm đó, người dân Hà Nội rất háo hức khi biết Hà Nội sẽ có đường sắt trên cao, giúp giảm tải một phần cho các tuyến phố mà đường sắt trên cao đi qua. Tuy nhiên, sau đó vì nhiều lý do khác nhau, nhất là phải xác định lại tổng mức đầu tư, vướng giải phóng mặt bằng, dự án đã nhiều lần phải điều chỉnh tiến độ.

Ngày 12-5- 2018, Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể đi kiểm tra toàn tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và yêu cầu "tháng 10 sẽ vận hành kỹ thuật, tháng 12 vận hành thương mại".

Bốn tháng sau, ngày 20-9-2018, đoàn tàu đã chạy thử và dự kiến sẽ chính thức khai thác thương mại sau 3 - 6 tháng. Trong đợt kiểm tra giữa tháng 3-2019, Bộ trưởng Giao thông  - Vận tải Nguyễn Văn Thể chỉ đạo tổng thầu và các đơn vị liên quan cần nỗ lực để dự án đi vào vận hành thương mại vào cuối tháng 4.

Tại buổi họp báo của Bộ Giao thông - Vận tải ngày 28-3-2019, đại diện Ban quản lý dự án đường sắt một lần nữa khẳng định đang chỉ đạo tổng thầu hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, phấn đấu hoàn thành trong tháng 4. 

Ngày 9-4-2019, HĐND TP Hà Nội ban hành ngay một nghị quyết về hỗ trợ giá vé đối với người sử dụng dịch vụ đường sắt công cộng trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.  Theo đó, Hà Nội sẽ hỗ trợ 100% giá vé sử dụng cho người có công, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi. Hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với học sinh, sinh viên, người lao động các khu công nghiệp, người cao tuổi. 

Hỗ trợ 30% giá vé tháng cho người lao động tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể. Nghị quyết cũng quy định hỗ trợ 100% giá vé cho toàn bộ hành khách trong 15 ngày đầu kể từ khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông bắt đầu khai thác vận hành thương mại. Mức dự kiến kinh phí hỗ trợ cho chính sách này khoảng 14,4 tỉ đồng/năm.

Tưởng rằng mọi điều kiện đã sẵn sàng chỉ còn chờ ngày tàu chạy. Tuy nhiên, cho tới lúc này công trình vẫn chưa biết khi nào được hoàn thành.

Theo quy định, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trước khi đưa vào vận hành chính thức phải có đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, được thực hiện độc lập bởi Liên danh nhà thầu quốc tế Apave-Certifier-Tricc và được Cục Đăng kiểm cấp chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật. 

Sau đó, dự án còn được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước kiểm tra, đánh giá tổng thể lần cuối. Cuối tháng 4, các công tác này vẫn chưa hoàn thành, Cục Đăng kiểm cho biết, khối lượng kiểm định 13 đoàn tàu đạt 98%, đơn vị chưa hoàn thành việc kiểm định phương tiện do vẫn phải chờ tổng thầu cung cấp các hồ sơ thiết bị. 

Theo đánh giá của Ban quản lý dự án đường sắt, đơn vị Tổng thầu thiếu kinh nghiệm triển khai dự án, không bố trí nhân lực có trình độ bao quát, chậm trễ hoàn thành các hồ sơ, tài liệu kỹ thuật, hồ sơ nghiệm thu hoàn thành, hồ sơ hoàn công... 

Bên cạnh đó, Tổng thầu Trung Quốc vẫn chưa hoàn thiện hạng mục kiến trúc các nhà ga và các đơn thể khu depot; mái che thang cuốn các nhà ga; đấu nối thoát nước khu gian ga vành đai 3, cảnh quan, cây xanh... Do đó, dự án còn thiếu các thủ tục để đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, nghiệm thu và bàn giao dự án…

Vậy là cho tới lúc này vẫn chưa thể chốt được ngày vận hành chính thức tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Sau một thời gian chứng kiến đoàn tàu chạy thử, người dân Hà Nội đã bắt đầu quen mắt với hình ảnh đoàn tàu màu xanh chạy một mình một đường trên cao. 

Nhưng sau quá nhiều lần lỗi hẹn, sự háo hức của ngày đầu đã thay bằng sự thất vọng, người dân không còn tin vào những lời hứa nữa. Không biết rồi đây khi đi vào hoạt động, sẽ có bao nhiêu người hàng ngày sử dụng tàu điện trên cao để đi lại? Trong khi đó, do đội giá thêm 40%, mỗi ngày dự án phải trả lãi, gốc phát sinh 1,8 tỷ đồng. Nếu cộng cả 2 khoản vay (khoản vay ban đầu và khoản vay phát sinh do chậm tiến độ), mỗi ngày phía Việt Nam đang phải trả cả lãi, gốc khoảng 2,4 tỷ đồng.

Tân Lương
.
.
.