Chuyện tình cảm động của "đôi uyên ương" 80 tuổi trong túp lều 2m2

Thứ Năm, 29/05/2014, 11:31

Tấm vải bạt căng lên với diện tích chưa đầy 2 mét vuông nằm cạnh gác chắn tàu Nguyễn Thái Học (Ba Đình, Hà Nội) là tổ ấm suốt 14 năm trời của cặp "vợ chồng" già hơn 80 tuổi. Họ - hai con người bất hạnh, từng bị nửa kia của mình phụ bạc, ruồng rẫy, đã tìm đến với nhau, yêu thương và bù đắp cho nhau. Ngày ngày ông đi làm trật tự, bà đi nhặt ve chai, dù nghèo nhưng ấm áp biết bao. Dù nghèo nhưng ông bà vẫn lặng lẽ làm công việc từ thiện giúp những người khốn khó hơn mình.

Tình già nương tựa vào nhau

Đến ngã tư đường Nguyễn Thái Học cắt Điện Biên Phủ hỏi thăm "vợ chồng" ông lão Phạm Ngọc Sơn (83 tuổi) và bà Chu Thị Mận (74 tuổi) không ai là không biết. Người quanh khu phố ấy kể rằng, hai ông bà đã sống ở túp lều căng vải bạt đó hơn một thập niên rồi. Lúc ấy bà Mận mới chỉ 60 tuổi, còn ông Sơn cũng xấp xỉ 70.

Gọi là túp lều cho oai, chứ thực chất nơi cư ngụ của ông Sơn và bà Mận chỉ là một tấm vải bạt căng lên với diện tích chưa đầy hai mét vuông và chiều cao cũng chỉ quá đầu người. Một phía giáp tường, một phía bạt được phủ từ hơn một mét xuống mặt đất, hai phía còn lại đều thông thống. Trong túp lều bé tí tẹo ấy chả có gì đáng giá ngoài tấm phản, ước vừa đủ hai người nằm. Một chiếc bếp than tổ ong, và chiếc tủ nhỏ đã mục nghe nói là đồ xin được.

Ông Sơn kể: "Bây giờ đỡ nhiều rồi, chứ hồi tôi và bà ấy mới dọn về đây, mỗi buổi sáng tỉnh dậy vơ vội cũng được cả nắm kim tiêm của bọn nghiện vứt ở đường tàu".

Những ngày nắng còn đỡ, chứ gặp phải những ngày mưa hay trời nổi dông bão thì coi như cả đêm hôm đó ông bà thức trắng. "Cô chú nhìn thử xem, chỉ có tấm vải bạt này thì làm sao chắn được gió mưa. Có lần bão, gió thổi mạnh quá lật tung cả "mái nhà" lên. Tôi với ông ấy ướt như chuột lột. Mỗi lần như thế lại thấy thương ông ấy lắm. Dù gì thì ông ấy cũng nhiều tuổi hơn mình, lại còn vết thương thời chiến tranh nữa chứ nên yếu" - bà Mận bùi ngùi chia sẻ.

Ông Phạm Ngọc Sơn và bà Chu Thị Mận.

Hỏi duyên cớ nào mà ông mãi tận Nam Định, bà ở tận Hải Dương lại gặp được nhau, mà lại là gặp giữa Thủ đô Hà Nội thì ông Sơn mủm mỉm cười: "Nó cũng là duyên số thôi. Hồi ấy tôi buồn chuyện gia đình nên bỏ nhà lên Hà Nội kiếm việc làm. Tôi xin làm gác tàu ở chính cái điểm này này. Mỗi lúc rảnh rỗi thường hay ra quán chè nước gần ga ngồi nhâm nhi. Nhiều lần ngồi đó tôi hay thấy bà này gánh ốc, gánh trai qua bán. Nói thật hồi đó trông bà ấy lem nhem, tả tơi lắm. Tôi thấy thương quá nên có lần được lĩnh lương, tôi gửi bà bán nước chè một số tiền, nhờ bà ấy chuyển cho bà Mận. Lúc bà ấy biết tôi cho tiền thì đến trả, bảo là có đói cũng không nhận đâu. Bà ấy không muốn ai thương hại mình. Tôi hỏi thăm chuyện gia đình. Biết bà ấy bị chồng con ruồng rẫy nên tôi bảo hay là bà về ở với tôi. Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, nương tựa vào nhau mà sống. Thế là bà ấy đồng ý".

Sau khi hai người quyết định đến với nhau, ông Sơn và bà Mận đã chọn gác chắn tàu trên đường Nguyễn Thái Học làm tổ ấm. Vậy mà thấm thoắt đến nay đã mười bốn năm.

Với bà Mận, dù mười bốn năm nay bà sống cảnh màn trời chiếu đất nhưng đó chính là quãng thời gian hạnh phúc nhất của đời bà. Bà bảo: "Đói mà yêu thương nhau còn hơn là giàu mà thất đức". Trước đó, bà Mận cũng đã từng có chồng và một người con gái. Nhưng chồng bà, vì nghe lời chị gái xúi giục, đã đơn phương làm thủ tục ly hôn khi bà còn làm công nhân ở nông trường chè Thái Nguyên. "Chồng tôi nghe lời chị gái nói là tôi không biết đẻ con trai. Thế nên lúc tôi đi làm công nhân ở xa, ông ấy đã dẫn gái về chung sống. Ly hôn rồi nhưng ông ấy cũng cướp mất quyền nuôi con của tôi. Tôi chả còn gì nữa nên bỏ lên Hà Nội. Ngày đi mò ốc ở Hồ Tây, đêm lại về ngủ ở vỉa hè Nguyễn Thái Học. Có lần bị bọn nghiện lột hết tất cả tiền dành dụm" - bà Mận nhớ lại.

Kể từ lúc ấy bà không thể nào liên lạc được với đứa con gái cho mình dứt ruột đẻ ra. Con gái bà nghe lời bố và các bác nên cũng ruồng rẫy bà. Từ khi bà Mận lên đây, cô con gái duy nhất của bà chưa từng một lần hỏi thăm tới mẹ. Nhiều đêm rét mướt không ngủ được, bà Mận nằm mà nhớ thương con. Bà cứ ao ước một lần nó đến thăm bà thì coi như có chết bà cũng nhẹ lòng.

Chuyện tình cảm của ông Sơn cũng bi đát chả kém gì bà Mận. Ông là bộ đội giải ngũ, năm 1986 ông Sơn trở về quê với mảnh đạn vẫn còn găm trong đầu. Thế nên mỗi lần trái gió trở trời ông Sơn lại ôm đầu vật vã. Năm 1987, khi vết thương tái phát quá nặng, ông Sơn được gia đình đưa lên Bệnh viện 103 điều trị suốt một thời gian dài. Lúc về, ông nghe hàng xóm láng giềng xì xèo chuyện vợ ông ở nhà có nhân tình. Ban đầu ông không tin nên ai nói ông cũng gạt đi, rồi còn quát người ta đừng có đặt điều. Chỉ đến khi chính tận mắt ông chứng kiến cảnh "gian phu dâm phụ" giữa vợ và gã nhân tình ông mới chết lặng. "Hôm đó, tôi nói với vợ tôi là đi đến nhà người bạn trước cùng trong quân ngũ chơi vài ngày. Tôi thấy bà ấy chuẩn bị tư trang cho tôi chu đáo lắm. Thế nhưng tôi không đi mà đến nhà người anh họ gần đó, đúng 12 giờ đêm tôi trở về nhà thì bắt quả tang họ đang quấn lấy nhau trên chính chiếc giường của vợ chồng tôi. Tôi gọi hết các con tôi dậy nói rằng từ giờ bố và mẹ không liên quan gì đến nhau nữa. Và tôi quyết định ra đi" - ông Sơn tâm sự.

Dù rằng, từ đó đến nay vợ ông Sơn cũng không đi thêm bước nào nữa nhưng ông Sơn vẫn không thể nào quên được những gì mà mình tận mắt chứng kiến. Ông không coi bà là kẻ thù, ông vẫn đối xử tử tế: "Lần bà ấy bị bệnh phải lên Hà Nội nằm viện, tôi vẫn đến thăm nom, chỉ là tôi không thể quay lại mà thôi. Nó giống như bát nước đã hắt đi thì không bao giờ lấy lại cho đầy được".

Không có nhà nhưng vẫn miệt mài đi làm từ thiện

Phía trước bên phải túp lều của ông bà là rất nhiều hộp các tông được đóng kín và che đậy cẩn thận. Hỏi ông bà đó là cái gì thì bà nhanh miệng trả lời: "Đó là quần áo cũ ông nhà tôi đi gom ở nhiều nơi về. Gom rồi giặt sạch sẽ, khi nào có tiền sẽ thuê xe ôm chở đến các Hội Chữ thập đỏ để họ phân phát cho người nghèo. Tính ông ấy thế đấy, có khi mình ăn còn chưa đủ nhưng lúc nào cũng nghĩ đến những người khổ hơn mình". Nói rồi bà Mận lom khom đứng dậy trèo lên tấm phản lôi ra một chiếc cặp cũ.

Trong đó là một xấp các loại giấy biên nhận của các tổ chức từ thiện gửi lại cho ông Sơn để ông yên tâm xe ôm đã giao đầy đủ hàng mà ông nhờ chuyển. Số tiền hỗ trợ thương tật hằng tháng là một triệu tám trăm nghìn đồng mà ông Sơn được nhận ông cũng chắt chiu để giúp đỡ những người nghèo khó hơn mình. "Chúng tôi già rồi, ăn uống cũng có đáng là bao đâu. Rau thì có khi ra ven đường tàu hái cũng nên bữa. Trước rau rền trứng nó mọc nhiều lắm, ăn vừa đảm bảo lại không mất tiền. Bây giờ người ta cuốc để đổ sỏi lên nên cũng chả còn mấy. Thức ăn thì nhiều người dân sống xung quanh họ xót cảnh vợ chồng già nên cũng hay đem cho lắm”.

Ông Phạm Ngọc Sơn.

Ông Sơn nhớ có năm Quảng Bình bị lũ lụt, ông nghe radio thấy cảnh bà con mình khổ quá. Những ngày đó ở Thủ đô ông miệt mài đi xin từng tấm chăn, màn cũ, đến những nhà quanh khu phố xin giấy bút, sách vở rồi thuê xe ôm chở đến Trung ương Hội Chữ thập đỏ ở 82 Nguyễn Du nhờ họ chuyển chút lòng thành tới bà con vùng lũ.

Giờ đây, ông Sơn dù đã ngoài tám mươi tuổi nhưng vẫn tham gia vào đội trật tự phường Cửa Nam, thu nhập mỗi tháng 900 nghìn đồng. Bà Mận thì ngày ngày vẫn đi nhặt ve chai ở các con phố quanh nơi ông bà sống. Bà Mận bảo: "Còn sức thì vẫn phải làm thôi. Chúng tôi nghèo thật nhưng vẫn có quyền tự hào vì chưa từng ngửa tay xin của bố thí của ai. Ông ấy lúc nào cũng động viên tôi, chả gì sung sướng bằng mình tự làm ra".

Thấy chúng tôi tỏ vẻ ái ngại khi nhìn vào "tổ ấm" của ông bà, ông Sơn cười cười trấn an: "Không sao mà, chúng tôi đã ở thế mười mấy năm rồi. Giả sử đêm nay gió tốc bạt thì ngày mai lại che lại thôi. Cái cốt yếu nhất vẫn là tình người. Có bà ấy bên cạnh chăm sóc những ngày tháng cuối đời là tôi thấy mình hạnh phúc lắm rồi, chả mong gì hơn nữa". Nghe những lời tâm sự gan ruột của ông Sơn, chúng tôi hiểu tình yêu thương thực sự đã đến và lưu lại mãi mãi trong túp lều tranh giữa Thủ đô hoa lệ này

Phong Anh
.
.
.