Chuyện tình cảm động của một cựu binh mù

Thứ Hai, 10/08/2015, 11:00
Bị mù đôi mắt sau một lần trinh sát, vấp phải mìn của giặc Mỹ, ông đã viết thư về cho người yêu khuyên bà đi lấy chồng, đừng chờ đợi ông nữa, nhưng bà vẫn lặn lội tìm đến tận nơi ông đang chữa trị để đưa về nhà chăm sóc. Một đám cưới hạnh phúc diễn ra, nhưng bất hạnh thay, những đứa con sinh ra đều bị dị tật bẩm sinh vì nhiễm chất độc da cam từ cha.

Một tay bà chăm chồng, nuôi con khôn lớn. Trước khi mất, vì sợ không có ai chăm sóc người chồng mù và những đứa con bệnh tật, bà lại nhờ cậy cô em gái về chăm sóc anh rể và các cháu. Người em gái mặc dù chồng mất chưa lâu, nhưng vì thương chị, thương anh đã chấp nhận về chung một nhà làm tròn bổn phận của một người vợ, người dì, người em.

S phn éo le

Đã bước sang tuổi 70, nhưng nhìn cựu chiến binh Trần Văn Thuận, trú tại Đông Hưng, Đông Quang, Thái Bình còn trẻ, khoẻ. Có lẽ, cuộc sống gia đình hạnh phúc, con cháu đề huề đã khiến ông trẻ ra rất nhiều. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng với ông Thuận, trở về từ cuộc chiến khốc liệt, là một thương binh nặng, lại nhiễm chất độc da cam, thì việc có một gia đình êm ấm, con cái tuy bị ảnh hưởng chất độc da cam từ cha nhưng vẫn tìm được hạnh phúc riêng của mình là quá may mắn, trong khi nhiều đồng đội của ông nằm xuống, không biết xương cốt còn ở nơi nào. May mắn hơn cả là cuộc đời ông được hai người đàn bà hết mực yêu thương, chăm sóc.

Ngày còn 18, đôi mươi, ông Thuận đã thầm yêu trộm nhớ cô thôn nữ Vũ Thị Rần, người trong xóm. Gia đình hai bên cũng hết lòng ủng hộ, nhưng vì chiến tranh, ông Thuận lên đường tham gia vào đội Thanh niên xung phong đi mở đường ở Tuyên Quang, với lời thề non hẹn ước cùng người ở lại. Ba năm sau, ông Thuận xin vào bộ đội và được biên chế vào đơn vị trinh sát C7 - D25 - Đoàn 559, tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Trung.

Năm 1971, trong một lần đi làm nhiệm vụ ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), tổ trinh sát vấp phải mìn của địch. Mìn nổ, ông Thuận ngất đi, một tuần sau mới tỉnh dậy. Nhưng vì quá nhiều mảnh mìn găm vào mặt, vào mắt, khiến bác sĩ phải khoét bỏ đôi mắt mới cứu được mạng sống cho ông. Sau đó, ông Thuận được chuyển về điều trị tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thanh Hóa.

Gia đình hạnh phúc của ông Thuận, bà Xuân.

Biết mình trở thành người tàn phế, không muốn để người yêu phải đợi chờ và đau khổ khi phải lấy một người tàn tật như mình, ông đã nhờ đồng đội viết thư về cho bà Rần khuyên bà đi lấy chồng và không cho biết địa chỉ của mình. Thế nhưng thư chưa gửi được một tuần, thì tuần sau, bà Rần đã lặn lội vào tận Nghệ An, Quảng Trị rồi tìm được đến Trung tâm điều dưỡng thương binh Thanh Hoá để gặp ông.

Bà bảo, dù chưa cưới, nhưng bà đã coi ông là chồng và sẽ theo ông đến bất cứ đâu cho dù ông đã bị mù hai mắt và mất 80% sức khoẻ, khiến ông cảm động rơi nước mắt. Những ngày sau đó, bà lại theo ông đi điều trị ở một số trung tâm điều dưỡng, Viện Quân y 108...

Năm 1973, bà đưa ông về quê và hai người làm đám cưới trong sự chúc phúc của gia đình, đồng đội. Nhưng rồi cuộc sống lại tiếp tục thử thách vợ chồng ông khi đứa con trai đầu tiên ra đời bị dị tật. Đứa trẻ sơ sinh da trắng bệch, tóc vàng, hai mắt lồi ra, xanh lè, mũi lại đỏ hoe, mình mẩy mọc đầy lông lá... Nhìn con, ông bà khóc cạn nước mắt, lúc ấy ông Thuận mới biết mình bị nhiễm chất độc da cam trong thời gian làm trinh sát ở chiến trường. Đứa bé sống được hai năm thì mất.

Khát khao làm cha, mẹ thôi thúc ông bà sinh thêm ba người con nữa. Người con trai thứ hai bị dị tật như người anh đã mất. Người con trai thứ ba may mắn bình thường, nhưng đến người con gái thứ tư, ông bà một lần nữa phải rơi nước mắt khi chứng kiến đứa con càng lớn càng èo uột, yếu ớt, lúc thì khóc sướt mướt, khi lại cười phá lên, rồi lăn đùng ngã ngửa, sùi bọt mép... Gánh nặng gia đình đè nặng lên vai bà Rần. Một mình bà tần tảo hôm sớm, lo việc đồng áng, mò cua bắt ốc, kiếm tiền nuôi 5 miệng ăn.

Đằng đẵng như thế 30 năm trời, đến khi anh con trai thứ hai lập gia đình, thì bà Rần phát hiện bị ung thư giai đoạn cuối. Năm 2003, bà Rần mất khi chưa một ngày nào được hưởng an nhàn, sung sướng. Đó cũng là điều ông Thuận day dứt nhất.

"Tình ch duyên em" và kết thúc có hu

Tưởng rằng ông Thuận sẽ phải sống cảnh gà trống nuôi con đến suốt đời, bởi sẽ chẳng ai chấp nhận về chăm sóc một người chồng mù, một đứa con gái điên dại, nhưng thật không ngờ, trước khi mất, bà Rần đã kịp trăng trối, nhờ vả em gái mình là bà Vũ Thị Xuân về chăm sóc anh rể và các cháu.

Khi ấy bà Xuân đang sinh sống ở Điện Biên. Năm 18 tuổi, bà Xuân theo người quen lên Điện Biên làm công nhân nông trường, lấy chồng, sinh được một cô con gái. Năm 2000, chồng bà Xuân mất vì bệnh nặng, chưa đoạn tang chồng, bà Xuân lại vội vã đưa con về Thái Bình chăm sóc chị gái bị bệnh nặng.

Những tháng ngày bà Rần nằm viện, một mình bà Xuân vừa lo chăm sóc chị, vừa tranh thủ về quê thăm nom anh rể và các cháu. Biết mình không qua khỏi, thương ông Thuận mù loà, không người đỡ đần, đứa con gái út nửa tỉnh nửa điên, bà Rần đã nhờ cậy bà Xuân thay mình chăm sóc chồng và các con.

Ông Trần Văn Thuận cười tươi khi nhắc đến câu chuyện "tình chị duyên em".

Chồng mất chưa được bao lâu, nhưng vì thương chị, thương các cháu, bà Xuân vẫn gạt nước mắt gật đầu đồng ý. Bà Xuân lên Điện Biên bán vườn, đất đai, đem con gái về Thái Bình làm tròn lời hứa với người chị gái đã mất. Thấy căn nhà của anh rể dột nát, lại mù lòa trông hai đứa con tật nguyền, lòng bà nghẹn lại. Ngày hai người về sống với nhau, gia đình làm mấy mâm cơm mời họ hàng. Rất nhiều người cảm thông, thương cho thân phận, cho những con người bất hạnh. 

Hôm chúng tôi đến nhà, bà Xuân vừa đi cấy về. Một mình bà lo cấy cày hơn một mẫu ruộng để chăm lo cho gia đình và cô con gái riêng đang đi học Cao đẳng Lao động Thương binh và xã hội. Nhắc lại câu chuyện cũ, bà Xuân chỉ tủm tỉm cười. Còn ông Thuận thì dí dỏm: "Càng ngày càng thấy yêu nhau hơn".

Nói thế thôi, nhưng ông thương bà nhiều lắm, bởi bà đã bỏ tất cả để đưa cô con gái về sống cùng gia đình ông, chăm sóc cho bố con ông lúc trái gió, trở trời, bất chấp lời đàm tiếu, dị nghị của hàng xóm láng giềng và cả gia đình chồng bà Xuân khi ấy. Hai người cùng cảnh ngộ, lại thêm trách nhiệm với con với cháu, một bên là bác, một bên là dì nên càng thông cảm và sẻ chia nhiều hơn.

Điều hạnh phúc với ông Thuận hơn cả là anh con trai đầu Trần Văn Tộ tuy bị dị dạng, song đã lấy được một người vợ rất ngoan hiền, đảm đang. Chị Tâm vốn là một thôn nữ cao ráo, khỏe mạnh, sống cách thôn vài cây số, khi được mai mối với anh Tộ đã lắc đầu quầy quậy, nhưng duyên trời đã định, nhiều lần tiếp xúc với anh, thấy anh hiền lành tốt bụng nên chị vẫn gật đầu đồng ý. Dù gia đình phản đối, hàng xóm dị nghị nhưng chị Tâm vẫn quyết tâm theo anh Tộ về làm vợ.

Câu chuyện của người con trai thứ hai là anh Trần Văn Tiện cũng khiến nhiều người cảm phục. May mắn cho anh khi sinh ra là một đứa trẻ bình thường, nhưng vì bị tiếng bố nhiễm chất độc da cam, anh em đều dị tật, nên anh và chị Nghĩa, quê Nghệ An bị nhà gái phản đối rất nhiều. Họ sợ con gái họ về làm dâu một nhà hoàn cảnh như nhà anh Tiện sẽ khổ, cháu họ sau này sinh ra biết đâu lại dị tật như bác và cô nó. Nhưng cuối cùng, với sự quyết tâm của cả hai người, một đám cưới hạnh phúc, giản dị diễn ra trong sự quây quần, đầm ấm của anh em, họ hàng.

Bà Vũ Thị Xuân chỉ tủm tỉm cười khi nhắc đến chuyện cũ.

Còn gì hạnh phúc hơn khi những đứa cháu lần lượt ra đời đều lành lặn, ngoan ngoãn và thông minh, học giỏi. Được sự giúp đỡ của chính quyền và các nhà hảo tâm, ông Thuận đã xây được hai căn nhà khang trang cho hai người con trai ra ở riêng ngay cạnh nhà mình. Hằng ngày, đứa con gái út lại đưa bố đi đến nhà anh chị chơi với các cháu hay sang họ hàng, làng xóm cho khuây khoả.

Còn bà Xuân thì vẫn tất bật lo ruộng đồng, cơm nước cho bố con ông Thuận và việc học hành của cô con gái riêng. Với bà thế là mãn nguyện, hạnh phúc nhất rồi.

Ngọc Mai - Ngọc Minh
.
.
.