Chuyện tình trên tuyến lửa Truông Bồn huyền thoại

Thứ Ba, 05/02/2019, 09:23
Cách đây tròn 50 năm, Tiểu đội 2, (Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước tỉnh NghệAn) dự định tổ chức bữa cơm chia tay 8 người có quyết định hết thời hạn TNXP được đi học Trung cấp Y, chuyển ngành, và trở về quê hương.


Trong đó, anh Cao Ngọc Hòa (trú  xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu) và chị Nguyễn Thị Tâm (trú xã Hợp Thành, huyện Yên Thành) đã cầm trên tay quyết định hết thời hạn với dựđịnh về quê tổ chức đám cưới. Thế nhưng, bữa cơm chia tay và những kế hoạch trọng đại của cuộc đời của những người TNXP ấy đã vĩnh viễn không trở thành hiện thực...

Gặp nữ Tiểu đội trưởng sống sót trở về

Đã 50 năm kể từ ngày 13 chiến sỹ TNXP Nghệ An hy sinh trên tuyến lửa Truông Bồn khi đang san lấp hố bom, mở đường cho xe ra tiền tuyến ở xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An, bà Trần Thị Thông, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Đại đội 317 - Đội N65 Tổng đội TNXP Nghệ An, người may mắn sống sót sau trận máy bay Mỹ trút bom vẫn còn nhớ như in nét mặt, nụ cười và ánh mắt của từng đồng đội mình. 

Bà Thông nghẹn lòng nhắc lại kỷ niệm với đồng đội. Ngày 31-10-1968, các chị Trần Thị Doãn, Hà Thị Đang, Nguyễn Thị Phúc cầm trên tay giấy báo nhập học của Trường Trung cấp Y; còn chị Đàm Thị Bốn, Đinh Thị Vinh, Phan Thị Dung, Vũ Thị Hiên... có quyết định chuyển ngành, nhưng trước yêu cầu cấp bách phải san lấp hố bom để đoàn xe quân sự vượt qua dốc Truông Bồn an toàn, các chị đã tình nguyện ở lại làm nhiệm vụ. 

Anh Cao Ngọc Hòa và chị Nguyễn Thị Tâm đã cầm trên tay quyết định hết thời hạn với dự định về quê tổ chức đám cưới cũng tình nguyện ở lại. “Nó bảo, tới đây em và anh Hòa tổ chức hôn lễ chị phải hát mừng cho chúng em 4 bài chị nhé… rồi nó cười…vậy nhưng…Và nếu như không có ngày 31 đó… chắc đâu có nỗi đau lòng này”, bà Thông ngẹn lòng nói trong nước mắt.

Các cựu TNXP trở về Truông Bồn (Mỹ Sơn - Đô Lương) dâng hương, dâng hoa   tri ân 13 cán bộ TNXP hy sinh “Tọa độ lửa” Truông Bồn . Ảnh: Tư liệu.

8 giờ tối ngày 30-10-1968, Tổng đội trưởng Lê Lượng nhận được lệnh hỏa tốc, tối mật do đồng chí Nguyễn Sỹ Hoà, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Đảm bảo giao thông ký, nội dung lệnh: "0 giờ ngày 1 tháng 11 năm 1968 Mỹ ngừng ném bom";" 7 giờ sáng ngày 31-10 (nhằm 10-9 Mậu Thân PV) có đoàn xe quân sự đi qua, các đơn vị đóng quân trên tuyến đường 30 nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu. 

Khẩn trương sửa chữa cầu đường, san lấp hố bom, bảo vệ an toàn cho đoàn xe chở vũ khí, lương thực vào Nam vượt qua"; Ban chỉ huy Tổng đội cử đồng chí Hồ Minh Đàn, Nguyễn Văn Thân kỹ sư giao thông, cán bộ quân sự, y tá, y sỹ xuống hiện trường cùng đơn vị trực tiếp chỉ huy các đơn vị làm nhiệm vụ. 

Nhận lệnh, Ban chỉ huy  phân công đơn vị làm nhiệm vụ. Tiểu đội 2 nhận được lệnh: "Bằng mọi giá phải mở con đường máu để đoàn xe của bộ đội đi qua trước khi trời sáng...". 

4 giờ sáng 31-10-1968, ăn sáng xong, toàn đơn vị tập trung san lấp hố bom cho đoàn xe quân sự vượt qua Truông Bồn. Đến 6 giờ 10 phút cùng ngày, khi công việc sắp hoàn thành thì bất ngờ máy bay Mỹ xuất hiện thả hàng trăm quả bom xuống con đường, nơi 14 TNXP thuộc Tiểu đội 2 đang làm nhiệm vụ.

Lúc này, cả Truông Bồn chìm trong khói lửa. "13 TNXP đã hy sinh mà không kịp nói với nhau lời cuối, trong đó có anh Hòa và chị Tâm. Còn duy nhất tôi bị thương. Nhờ đồng đội tìm kiếm, đào cát kịp thời, nếu không…tôi cũng chung số phận như các đồng nghiệp của mình rồi…", bà Thông nghẹn ngào gọi tên từng người.

Sau tiếng bom nổ, máy bay ngừng gầm rú, Ban chỉ huy đơn vị cùng Ban chỉ huy Tổng đội TNXP chạy đến hiện trường, bàng hoàng chỉ thấy toàn hố bom sâu hoắm. 

Cả đơn vị chạy ra tìm kiếm anh chị em bị thương đi bệnh viện cấp cứu, đồng thời đưa thi hài các đồng chí đã hy sinh còn nguyên là các chị Hà Thị Đang, Đàm Thị Bốn, Nguyễn Thị Phúc, Trần Thị Doãn, Đinh Thị Vinh về xã Mỹ Sơn. 

Còn lại 8 chiến sỹ thi thể không còn nguyên vẹn, Ban chỉ huy Tổng đội và đơn vị tiếp tục tìm kiếm đào bới nhặt những phần còn lại chia 8 phần để mai táng, trong đó có anh Hòa, chị Tâm. 

Riêng chị Thông được tìm thấy khi phát hiện ra nòng súng nhô lên khỏi mặt đất, đồng đội đưa chị về sân kho HTX Mỹ Thái (thuộc xóm 9 xã Mỹ Sơn ngày nay) trong cảnh đầu tóc rũ rượi, áo quần bê bết bùn đất, hơi thở rất yếu. May mắn là chị Thông được cứu sống.

Chuyện tình nơi tuyến lửa Truông Bồn

Chia tay Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, chúng tôi tìm về xã Hợp Thành, huyện Yên Thành - quê hương của liệt sỹ Nguyễn Thị Tâm. Anh Nguyễn Văn Đàn (cháu ruột liệt sỹ Tâm) cho biết: bà Trần Thị Đàm (mẹ liệt sỹ Tâm) đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng".

Năm 1948, mẹ Đàm tiễn người con trai đầu là Nguyễn Dơn lên đường nhập ngũ. Năm 1951, anh Dơn đã anh dũng hy sinh ở chiến trường Điện Biên Phủ. Đến năm 1965, một lần nữa mẹ tiễn người con gái thứ 6  là Nguyễn Thị Tâm (17 tuổi) lên đường gia nhập lực lượng TNXP, phục vụ tại các tuyến giao thông trọng điểm. Sau đó, chị Tâm được điều về đường 15A - tuyến đường độc đạo phục vụ cho chiến trường miền Nam thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương.

"Ba năm tham gia lực lượng TNXP nhưng o Tâm chỉ về nhà 2 lần. O Tâm có giọng hát rất hay, hay khâu vá và thêu giỏi, thùy mị. Lần thứ 2 o về nhà cũng là lần cuối. Lần đó, o Tâm tâm sự với bố mẹ là o yêu anh Hòa ở cùng Tiểu đội 2, quê ở xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu cách nhau khoảng 50km. Sắp tới, gia đình anh đưa lễ vật sang dạm hỏi thì bố mẹ hãy vui vẻ nhận lời. O Tâm còn nói như hứa với gia đình, đầu tháng 11, khi hết thời gian phục vụ lực lượng TNXP, chúng con sẽ về quê tổ chức đám cưới”.

Sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi đó, o Tâm vội vàng trở lại đơn vị. 4 ngày sau (30-10-1968), mẹ và anh trai của anh Hòa mang lễ từ xã Diễn Lộc đi bộ lên nhà o Tâm để dạm hỏi. Vì đường xa nên gia đình mời họ ngủ lại qua đêm. Sáng 31-10-1968, khi gia đình tiễn người nhà anh Hòa ra về thì nghe tiếng bom nổ dữ dội nhưng không biết cụ thể ở đâu. “Đến chiều, bố tôi, lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thành vội vàng đạp xe về nhà thông báo o Tâm và anh Hòa đã hy sinh. Hai năm sau,  mẹ o Tâm đổ bệnh rồi qua đời", anh Nguyễn Văn Đàn kể lại...

Di ảnh anh Hòa - chị Tâm

Anh Đàn còn cho biết thêm, bà Trần Thị Đàm còn có người con tên là Nguyễn Văn Vấn, hy sinh năm 1968 tại mặt trận phía Nam. Liệt sỹ Vấn là con ông Nguyễn Ngân (em chồng bà Đàm). Khi Vấn sinh ra được 1 tuổi, ông Ngân lâm bệnh nặng, qua đời, mẹ đi lấy chồng khác, bà Đàm đưa Vấn về nuôi. Năm 18 tuổi, anh Vấn nhập ngũ và hy sinh ở chiến trường miền Nam đến nay vẫn chưa tìm được phần mộ.

Rời nhà anh Đàn, tôi tìm về gia đình liệt sĩ Cao Ngọc Hoà ở xóm 11, xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu. Bà Hợp nghẹn lòng kể tiếp, anh Hòa là con thứ 3 trong gia đình có 4 người con. Bố mất khi anh lên 4 tuổi. Năm 1965, anh làm đơn tình nguyện gia nhập TNXP. 

Trong 3 năm, anh chỉ ghé về thăm gia đình 2 lần. Lần thứ 2 là trước khi hy sinh khoảng 4 ngày, anh Hòa đưa chị Tâm về nhà giới thiệu với gia đình chị Tâm là con dâu tương lai sắp cưới. Anh nói với mẹ, vài hôm nữa gia đình đưa trầu cau lên nhà chị Tâm ở xã Hợp Thành để dạm hỏi. Sau đó, 2 anh chị vội vàng trở lại đơn vị. 

Biết gia đình nghèo đói, khó khăn, trước khi đi, anh Hòa nói như động viên mẹ: "Con quyết định cưới vợ trong tháng tới. Mẹ đừng lo, đám cưới chúng con tổ chức đơn giản thôi, có các đồng đội trong tiểu đội TNXP về giúp đỡ nên đâu sẽ vào đó". Thế nhưng, mọi dự định cho cuộc đời đôi bạn trẻ đã mãi mãi không thành hiện thực.

50 năm đã qua, Truông Bồn giờ là di tích lịch sử để nhắc thế hệ sau luôn nhớ về một thời oanh liệt, nơi đây đã có những con người ngã xuống giữa tuổi thanh xuân phơi phới. Các chị đã mãi mãi ra đi, mang theo những ước mơ, hoài bão, khát vọng. Xin được tri ân những cô gái, chàng trai làm nên bản tráng hùng ca bất tử Truông Bồn.

Nguyễn Hữu Trọng
.
.
.