Chuyện về ca mổ đặc biệt trên đảo Trường Sa

Thứ Bảy, 23/04/2016, 07:39
Nhiều năm đã trôi qua nhưng ký ức về những tháng ngày làm việc ở Trường Sa luôn ăm ắp trong lòng vị bác sĩ Trần Văn Phụng. Ông bảo, đó là những tháng ngày tuy vất vả nhưng hào hùng. "Tôi đã từng phải mổ ruột thừa cho hai chiến sĩ bằng dao lam và làm ống thụt để chống bệnh táo bón kinh niên cho họ" - bác sĩ Phụng kể lại.


Chúng tôi gặp bác sĩ Trần Văn Phụng vào một buổi chiều đầu hè. Khi ấy, ông đang kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân tại Trạm y tế xã Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội). Nhìn ông, ít ai nghĩ rằng ông đã bước sang tuổi lục tuần. Có thể, tác phong quân đội khỏe khoắn và nhanh nhẹn đã tạo nên sự trẻ trung ấy ở ông.

Hỏi chuyện ông về những tháng ngày công tác ở Trường Sa, gương mặt ông trở nên tươi tắn và giọng nói thì hào sảng đến lạ. Ông tâm sự, đó là những năm tháng không thể nào quên. Phải làm việc trong hầm ngầm, dưới ánh sáng leo lắt của bình ắc quy, vậy mà, chính trong điều kiện thiếu thốn ấy, bác sĩ Phụng đã mổ ruột thừa cho hai chiến sĩ của Trường Sa chỉ bằng một chiếc dao lam. Đó cũng là ca bệnh đầu tiên trong chuyến đi ra đảo của bác sĩ Phụng.

Gia đình hạnh phúc của bác sĩ Phụng.

Ông kể lại: "Tôi nhận nhiệm vụ ra đảo Trường Sa từ tháng 3/1988. Lần đầu tiên đặt chân tới đảo là khoảng hơn 1 giờ chiều. Tôi bị say sóng nên người lúc đó như trên mây, cứ lử khử lừ khừ, vật vờ lắm. Chiều muộn, vừa ăn cơm và nghỉ ngơi để lại sức thì có người tới báo một chiến sĩ bị đau bụng dữ dội.

Qua chẩn đoán, tôi khẳng định anh này bị đau ruột thừa và phải mổ gấp, nếu chậm trễ rất có thể sẽ bị vỡ ruột và dẫn đến tử vong. Nhưng khi nhìn vào chỗ thiết bị y tế của đảo thì tôi choáng bởi hầu hết các dụng cụ đều cũ rích và hoen rỉ hết cả vì bị nhiễm mặn. Chỉ có vài cái dao lam bọc trong giấy là vẫn còn ổn. Trong hoàn cảnh đó thì không còn sự lựa chọn nào khác, tôi đành cho mấy cái dao lam vào nồi rồi luộc lên để lấy đó làm "dao mổ".

Dụng cụ y tế thì là vậy nhưng điều kiện ánh sáng còn khủng khiếp hơn. Tôi mổ dưới ánh đèn ắc quy 25W. Hồi đó thuốc tê cũng không có đâu nên phải cột chân tay bệnh nhân".

Cũng theo bác sĩ Phụng, ca mổ tiến hành được một lúc thì mất điện. Hoảng quá, bác sĩ Phụng đã cho huy động gần 20 chiếc đèn pin của anh em trên đảo và nhờ mọi người đứng quanh giường mổ để chiếu sáng. "Cũng may trước lúc bị mất điện tôi đã kịp ghim xong mạch máu, chứ nếu chưa làm được công đoạn đó thì bệnh nhân sẽ mất máu mà tử vong. Ca mổ thành công mà tôi thì mồ hôi vã ra như tắm vì hoảng. Quả là đời tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ phải làm việc trong hoàn cảnh như vậy" - bác sĩ Phụng tâm sự.

Người may mắn được bác sĩ Phụng cứu sống hôm ấy là chiến sĩ Đinh Thế Quang, trú tại TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Bác sĩ Phụng khoe rằng, cho đến tận bây giờ anh Quang vẫn thường xuyên liên lạc với ông và hứa nhất định sẽ thu xếp thời gian và công việc để có thể ra thăm vị ân nhân của mình.

Chưa kịp quen với những khó khăn trong điều kiện công tác mới thì bốn ngày sau bác sĩ Trần Văn Phụng lại tiếp nhận thêm một ca mổ ruột thừa khác. Người phải mổ ruột thừa hôm đó là chiến sĩ Lưu Văn Thông, trú tại xã Thanh Sơn, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Vẫn trong ánh đèn của bình ắc quy, vẫn phải cột chân, cột tay bệnh nhân vào thành giường và dụng cụ mổ vẫn là chiếc dao lam luộc kỹ, bác sĩ Phụng tiến hành ca mổ.

Bác sĩ Trần Văn Phụng khám chữa bệnh cho bệnh nhân tại trạm xá xã Mễ Trì.

Ông nhớ lại: Cột hết chân tay anh ấy rồi nhưng tôi vẫn phải nhờ các chiến sĩ khác giữ anh ấy mới tiến hành mổ được. Lúc anh Thông tỉnh lại, tôi trêu anh ấy, nhìn chân tay xây xước nhiều thế kia đủ thấy anh khỏe thế nào. Yên tâm dưỡng sức vài hôm nữa là khỏe lại như cũ".

Bác sĩ Trần Văn Phụng sinh ra và lớn lên tại mảnh đất nghèo Ân Thi, Hưng Yên đúng lúc cuộc chiến tranh ác liệt. Năm 18 tuổi, cũng như bao thanh niên khác, bác sĩ Phụng lên đường nhập ngũ mang theo nhiệt huyết thanh niên sẵn sàng cống hiến.

Năm 1970, bác sĩ Phụng tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc sau đó được đơn vị cử đi học ngành y để phục vụ chiến sĩ. Năm 1979, bác sĩ phụng thi đỗ vào Học viện Quân y. Sau khi ra trường bác sĩ Phụng về công tác Lữ đoàn bệnh xá 172 rồi về Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội đóng quân. 

Tại Mễ Trì, Từ Liêm, một người mẹ sống đơn thân nhận bác sĩ Phụng làm con nuôi và cũng trong thời gian đóng quân tại đây, bác sĩ Phụng quen người con gái tên Nguyễn Thị Hiền. Hai người nhanh chóng có tình cảm với nhau và có ý định tiến tới hôn nhân. Nhưng nhiều lần việc tổ chức đám cưới bị "hụt" vì bác sĩ Phụng đột ngột nhận công tác đặc biệt.

Bác sĩ Phụng hài hước pha trò: "Vừa mới đặt chân lên đảo mà "dính" hai ca hiểm quá. Sau này nhiều chiến sĩ có bảo với tôi rằng dù quen với thiếu thốn trăm bề nhưng việc chứng kiến bác sĩ mổ bằng dao lam thì trần đời chưa thấy ai làm thế".

Không chỉ lập kỳ tích mổ ruột thừa bằng dao lam mà bác sĩ Phụng còn được nhắc tới như là ân nhân của các chiến sĩ đảo Trường Sa trong việc phát minh ra ống thụt táo bón, "giải cứu" nhiều pha dở khóc dở cười của lính đảo. Lần thứ hai, bác sĩ Phụng trở lại Trường Sa và được nhận lệnh công tác ở đảo Sinh Tồn.

Ở đây, vì không có rau xanh, các chiến sĩ hầu hết chỉ ăn lương khô, thịt hộp nên gần như ai cũng bị mắc bệnh táo bón. Nhiều người dí dỏm nói với ông rằng họ ngồi nửa ngày mà vẫn không ra "sản phẩm". Dù biết họ đang cố gắng hài hước hóa thực tế nhưng điều đó thực sự ám ảnh ông. Trong đầu ông luôn trăn trở suy nghĩ, làm gì để "giải cứu" các chiến sĩ của mình.

Chị Ngô Thị Nhàn cho biết, người dân nơi đây ai cũng yêu quý bác sĩ Phụng.

 "Tôi nghĩ sẽ làm một cái ống thụt nhưng giữa biển khơi mênh mông lấy đâu ra nguyên liệu để làm thứ đó. May mắn làm sao, một hôm tôi nhặt được chiếc phao cứu sinh của Philippines trôi dạt vào bờ biển. Nói thật, nhìn thấy mà mừng hơn bắt được vàng, tôi mang về cắt, khoan lỗ hình quả bầu, lấy van bếp khò rồi làm thêm một cái dây dẫn, mỗi lần thông sẽ cho một lít nước vào đó rồi "giải cứu" các chiến sĩ.

Quả thật, từ khi có cái ống thụt đó mà tinh thần của các chiến sĩ tại đảo sảng khoái hơn hẳn. Họ không còn nỗi ám ảnh "bế tắc" nữa". Chiếc ống thụt ấy sau này được lưu trong phòng truyền thống của Lữ đoàn 146, vùng 4 Quân chủng Hải quân.

Vẫn giọng hài hước, dí dỏm, bác sĩ Phụng pha trò: "Vì thường xuyên phải nhận lệnh công tác đột xuất nên tôi còn tưởng mình bị ế vợ cơ đấy. Có ai mà cưới vợ hụt tới 3 lần như tôi không?". Lần cưới vợ hụt đầu tiên xảy ra vào năm 1988, khi ấy thiệp mời đã in đầy đủ, bác sĩ Phụng đang trên đường đi mời mọi người chuẩn bị tới dự lễ cưới mình thì nhận được lệnh ra công tác Trường Sa gấp.

"Thật lòng khi nhận lệnh, tôi đã không biết sẽ phải nói thế nào với người vợ sắp cưới của mình. Cả hai chúng tôi đều đang rất hoan hỉ chuẩn bị cho lễ cưới. Giờ mọi việc đã hoàn tất thì nhận lệnh lên đường. Cả đoạn đường trở về nhà tôi cứ bần thần lo cho cô ấy. Cũng may, khi cô ấy nghe tin dù rất đau khổ nhưng vẫn cố động viên tôi phải làm việc công trước rồi mới tính đến hạnh phúc riêng tư".

Hai lần sau, mọi chuyện cũng tương tự, may mắn thay bác sĩ Phụng đã chọn được người bạn đời thực sự hiểu và cảm thông cho công việc của mình. Thế nên người phụ nữ ấy vẫn gắng chờ đợi tới một ngày họ sẽ đoàn viên và cử hành lễ cưới. Hai tháng sau ngày hôn lễ, bác sĩ Phụng lại tiếp tục nhận công tác tại đảo Sinh tồn Đông. Sau 18 tháng công tác, bác sĩ Phụng được trở về đất liền.

"Vừa về đến đầu ngõ, tôi thấy vợ bế con gái trên tay ra đón. Thực sự tôi không cầm nổi nước mắt xúc động, vì đó là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy con gái của mình. Vợ tôi đã hy sinh vì tôi quá nhiều, cô ấy đã phải một mình vượt cạn và lo lắng cho cả hai bên nội ngoại. Thương vợ nên năm 1991, tôi xin về phục viên phục vụ quê hương.

Tôi nghĩ, mình cứ cố gắng làm tốt công việc của mình thì dù ở đâu cũng đều là đang phục vụ Tổ quốc. Về quê, bác sĩ Phụng được bổ nhiệm làm Trạm trưởng Trạm y tế xã Mễ Trì (Hà Nội). Không quản ngại mưa gió, đêm hôm, hễ có người bệnh gọi cửa hay tiếng chuông điện thoại reo là bác sĩ Phụng bật dậy, lấy túi đồ nghề và lên đường. Tác phong quân đội ấy luôn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng những người dân nơi ông sinh sống.

Phong Anh
.
.
.