Chuyện về các “công ty hai ngón” ở trời Tây

Chủ Nhật, 10/03/2019, 10:24
Đó là những "thần" móc túi, với "công ty hai ngón" liên quốc gia; đó là những cú lừa mà tiểu thuyết gia hay đạo diễn tài danh cũng chưa chắc nghĩ ra nổi. Sự trắng trợn ấy đã làm hoen ố cái nhìn của du khách về các quốc gia mà họ lâm nạn…


Tháo ống kính máy ảnh trên cổ nhà báo

Cuối năm 2018, chúng tôi được mời sang Liên bang Nga đưa tin một sự kiện. Trong đêm trắng kinh thành cổ tích Saint Petersburg, chúng tôi đã gặp một chuyện bi hài. Anh bạn đồng nghiệp của Báo Đại Đoàn Kết đã bị các "trùm" hai ngón ở Saint Petersburg bám theo. Họ giả vờ bắt chuyện, hỏi thăm đường, hỏi có đồ lưu niệm không? 

Anh D. là người từng đi nhiều quốc gia, rất am hiểu tình hình trộm cắp ở các điểm du lịch lớn và đông đúc. Tuy nhiên, anh không nghĩ ở cung điện trứ danh của thế giới thế này, mà họ áp sát rồi lấy trộm đồ của anh một cách... hoàn hảo như vậy. Vài đứa xông vào hỏi han. Anh gạt họ ra và đi tiếp. Dù rất cảnh giác, anh D và cả đoàn gồm nhiều nhà báo từng trải đi cùng nữa cũng không tài nào hình dung nổi làm thế nào mà vẫn bị chúng áp sát lấy đồ. 

Điều lạ hơn, khi giơ máy lên bấm chụp các tác phẩm nghệ thuật lừng danh của loài người ở cung điện do Nga hoàng xây, anh D mới phát hiện ra: Máy vẫn treo ở cổ nhưng… không có ống kính. Cái ống kính ấy trị giá 40 triệu đồng. 

Nhìn vào thân máy thấy nó hổng hoác, trơ lơ, như một nạn nhân vừa bị tấn công với các vết thương sâu hoắm vậy. Mà nói thật, tôi là nhà báo 20 năm, đi đâu cũng khư khư cả giàn máy ảnh, nhưng bảo tôi tháo cái ống kính Canon để trên bàn, tôi cũng còn ngắm, xoay xở xem nút nhấn nút vặn nó ở đâu. Vì mỗi đời máy, mỗi dòng máy nó có lẫy tháo ống kính không giống nhau lắm. Vậy mà các đối tượng "thần thông quảng đại", lẻn vào giữa đoàn tùy tùng cao cấp, có ít nhất hai ông Trung tướng cả Việt Nam hâm mộ, chúng nẫng ống kính to đùng đeo trên cổ nhà báo luôn.

Itanbul, Thổ Nhĩ Kỳ sôi động và quyến rũ, nhưng bạn cần nhớ rõ, túi đeo sau lưng là của kẻ cắp, đeo phía trước may ra của mình.

Những nàng công chúa với bàn tay "thần sầu"

Hôm ở Paris, khi đi tàu điện ngầm, chúng tôi đã bảo nhau: Ba lô túi xách đeo đằng trước là của mình, ba lô túi xách đeo phía sau là của kẻ cắp. Lúc đầu, khi bước xuống tàu điện ngầm, tôi bảo, chắc dưới ấy âm ti địa ngục tối tăm lắm. Tiền nong, hộ chiếu, máy ảnh điện thoại, ta nhét vào áo gi lê phía trong cho chắc. Nhập nhoạng quáng gà biết đâu mà lần. Lúc đi thì khoác áo to sụ, kéo khóa vống lên tận cằm. "Mày có vật ông ra, cũng chả biết tiền để đâu".

Ai ngờ dưới tàu điện ngầm điện sáng quắc, lại nóng nực, đông đúc, thế là lột hết. Bạn tôi làm doanh nghiệp, vợ làm đầu bếp ở một khách sạn 5 sao. Cả hai thích vi vu và đã trải nghiệm Tây Tàu rất nhiều rồi. Cũng đã đeo túi trước ngực rồi. Nhưng ai ngờ lúc bước lên tàu, rất đông. Nghe nói nhiều đô thị họ còn có dịch vụ, mỗi sáng ra đứng ở cửa tàu để đẩy khách vào rồi thu tiền kiếm ăn. Vì không chen lên được, mà tàu thì đến giờ nó tự động chạy mất. Thấy mấy cô bé người Mondova, rồi Slovakia gì đó khoảng 13-14 tuổi trò chuyện ríu ran. Má đỏ hây hây, tóc vàng tết hai dải trước ngực như công chúa. Các cháu bị chen lấn, vẫn ríu ran nói chuyện. 

Làm quen với khách về quê hương các cháu và cái nghèo đẩy cháu đi làm thuê ở Paris. Cô chú cứ nghe và cứ thương xót các cháu bị chen lấn. Lúc tàu dừng lại, mới thấy túi ôm trước ngực mình đã bị mở lanh tanh bành. Hộ chiếu không mất, tiền Việt Nam cũng không mất, ví và điện thoại iphone đời mới cũng không mất. Chỉ tiền Euro là mất không còn xu nào. Sau này, chúng tôi quay lại đó lần nữa tìm hiểu, thì vẫn mấy nhóc tì xinh đẹp ấy vào vai đau khổ.

Các sách hướng dẫn du lịch đều nói về các công ty hai ngón (móc túi) ở trời Âu. Mà chẳng riêng gì trời Âu. Những tình huống phổ biến kiểu này rất nhiều: Nửa đêm, bạn đang ngái ngủ, tự dưng có người gọi ầm ĩ vào điện thoại trong phòng bạn, nói rằng họ là lễ tân khách sạn, cần thông số về quý khách. 

Rằng ngàn lần xin lỗi vì đã làm phiền, chúng tôi đã có hộ chiếu của quý vị, song lại thiếu thông tin về tài khoản ngân hàng để hoàn thiện thủ tục. À. Vâng, thông tin về thẻ tín dụng của bạn đang có vấn đề khi lễ tân nhập dữ liệu. Bạn vui lòng cung cấp lại số hộ chiếu và số thẻ tín dụng được không? Thế là bạn ngái ngủ đọc hết. Thế là bằng vài động tác công nghệ cao, họ móc hết hầu bao của bạn.

Châu Âu có nhiều thành phố được ''bầu chọn'' là ''thủ phủ'' của dân hai ngón lừa đảo.

Nhúm bỏng ngô Paris và ly rượu Budapest có giá 10 triệu đồng

Hôm đến Paris, một anh trong đoàn nhà báo chúng tôi muốn ngắm cảnh nên đi bộ tha thẩn ở công viên giữa lòng nước Pháp. Tự dưng có anh chàng to cao trông rất mơ mộng đến ngồi cạnh. Anh ta khen bồ câu nhiều và con nào cũng đẹp, giống chim biểu tượng của tình yêu và hòa bình kia đã tạo nên vẻ đẹp nao lòng cho Paris hoa lệ. 

Giữa mối đồng cảm của người bạn mới quen, nhà thơ Việt Nam tiện tay nhặt vài cái bỏng ngô từ tay anh bạn da màu ném ra cho bồ câu ăn. Anh ta ném trước và mời người khách phương xa bày tỏ tình cảm với Paris. Ném xong anh ta đứng dậy tính tiền, 5 euro một cái bỏng ngô. Vị chi nhà thơ của chúng ta, không dùng bát múc bỏng ngô cho bồ câu ăn nhưng cũng ném mất 12 viên cả thảy. Đừng có to gan không trả tiền nhé. Gần hai triệu đồng Việt Nam cho nhúm bỏng ngô ném ơ hờ ra hè phố.

Có một doanh nhân đi thăm Hungary. Tối đi bộ ở thủ đô Budapest, ghé vào quán rượu ngồi nhâm nhi ngắm đô thành cổ kính bên dòng Danube xanh huyền thoại. Anh gọi một chai bia. Thấy trên kia các cô vũ công nhảy múa bắt mắt, anh uống và ngồi ngắm. Thế rồi ca sỹ xinh đẹp xuống ngồi hỏi thăm quê quán nghề nghiệp. Và trong ánh điện lập lòe mờ tỏ, bà chủ mắt sắc như dao cau đưa ra một cái menu của quán bằng chữ và tiếng của người Hungary. Mắt chả nhìn thấy chữ li ti, có nhìn cũng chả đọc được, anh cũng nghĩ chai bia thì bất quá vài chục nghìn tiền Việt Nam. 

Cô nàng mắt xanh, mũi cao, tóc vàng bồng bềnh như áng mây trong hoàng hôn thì cứ phập phồng hỏi: "Anh mời tôi ly bia được không?". Cơ thể phập phồng, vũ nữ đong đưa. Họ hỏi đến câu thứ hai, anh bạn đành đồng ý. Lúc anh đứng dậy cáo từ, thì bà chủ đưa ra một cái phiếu viết tay, ở đó số tiền cần trả là tiền Hungary, quy ra nó khoảng… 12 triệu Việt Nam đồng. 

Lý do là giá bán rượu rum và bia ở nhà hàng này được viết trong menu mà anh bạn tôi không đọc. Kiểm tra menu thì đúng, dù cái giá đó nó chẳng đúng với bất cứ quy định nào ở một đô thị có luật pháp cả. Và họ áp tải anh ta về khách sạn lấy tiền. Họ đem theo cả cái cục để quẹt thẻ visa, đề phòng bạn ấy không có tiền mặt.

Ở nhiều nơi, cảnh sát có nhiệm vụ chính là bảo vệ khách du lịch.

Lừa ở châu Âu đủ mánh rồi, giờ quay về với thành phố duy nhất trên thế giới nằm chung chiêng hai nửa ở hai lục địa Á và Âu là Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Cách Istanbul khoảng 1 giờ bay, thành phố Cappadocia là nơi tuyệt nhất thế giới để thăng thiên ngắm cảnh bằng cách để quả bóng sặc sỡ khổng lồ phun khí nóng đẩy lên chín tầng mây. Mỗi ngày có 6.000 người đến Cappadocia để "bay". Nhưng cũng có khối người bỏ đống tiền, trải qua nhiều phi trường, vượt nhiều nghìn cây số đến Thổ Nhĩ Kỳ rồi về không, vì không kịp đăng ký tour khinh khí cầu. Hết chỗ. Vì thời tiết xấu, việc bay bị cấm hoàn toàn.

Khách đến, đầy hồi hộp. Họ sợ về tay trắng, không thực hiện được giấc mơ bay với các chân trời lộng lẫy. Nắm được tâm lý này, nhiều bẫy được giăng ra để lừa đảo đến mức thần sầu. Không mắc bẫy mới là chuyện lạ! 5 giờ sáng, trời còn tối, xe đón tôi trong một hang núi sâu, ở đó họ khoét thành các cái khách sạn ba sao trong lòng đá để kinh doanh. 

Mắt nhắm mắt mở, khách sạn giúp tôi mua dịch vụ của Red Tour - bay khinh khí cầu với giá 135 euro (cả phụ phí, bằng khoảng gần 4 triệu đồng tiền Việt). Tôi chưa trả tiền, vì khách sạn giữ cả hộ chiếu của tôi nên họ cũng chưa có ý định đòi. 

Khi lên xe, khách sẽ luôn thấy một gã đi lại trong xe, xuống xe lên xe thu vén đủ thứ với vẻ mặt đầy trách nhiệm. Hắn đòi thu tiền bằng thứ tiếng Anh bắn như súng liên thanh, hơi giống giọng Ấn Độ. Anh ta bảo, sắp hết chỗ rồi, ai đã nộp tiền hoặc nộp tiền ngay bây giờ thì mới được bay. Khách lần lượt khai báo, ai đã nộp tiền 135 euro, ai chưa nộp thì lẳng lặng đem tiền nộp. Nộp xong bay. 

Thú thật, lúc đó tôi vẫn nhớ lời dặn của lễ tân khách sạn, là tôi đăng ký bay cho anh, anh sẽ trả tiền cho tôi để tôi trả nhà tổ chức. Và tôi nói điều đó ra với gã "lơ" xe. Anh ta bảo, trả cho anh ta thì cũng thế. Vì nếu không trả kịp thì không đủ điều kiện để bay. Mà anh không bay hôm nay, thì có thể đời anh không còn cơ hội bay lên với các thiên thần vùng Cappadocia nữa đâu. Quá có lý. Tôi quay ra hỏi lái xe, anh ta gật gù nói rằng mình không biết tiếng Anh. Thế là nộp.

Nộp xong, về khách sạn lại bị đòi lần nữa. Của đáng tội, cậu lễ tân nói không hề biết cái trò lừa đảo ở trên đường bay khinh khí cầu. Hoặc cậu ta biết? Và lái xe cũng biết, chứ làm sao không biết? Nhưng đúng là trong email đặt phòng và đặt tua bay khinh khí cầu, có điều khoản nộp tiền cho lễ tân khách sạn. Nhưng tình huống họ "nắm bắt tâm lý" và lừa đảo thì quá sức thần sầu. Khó ai không mắc bẫy. Tôi còn nguyên ghi âm, các bức ảnh liên quan đến chuyện này, kể cả việc cãi nhau với lễ tân khách sạn và anh ta thừa nhận tôi đã bị lừa. 

Đỗ Doãn Hoàng
.
.
.