Chuyện về những cử tri "đặc biệt"

Thứ Bảy, 21/05/2016, 13:32
Họ là những cử tri "đặc biệt". Trong 4 bức tường của phòng giam, hầu như không được tiếp xúc với bên ngoài, họ vẫn được thực hiện quyền công dân của mình là góp phần bầu ra những người đủ đức đủ tài vào cơ quan quyền lực cao nhất của đất  nước và những người đại diện cho thành phố Hà Nội - nơi họ từng mắc lỗi lầm, đang nuôi khát khao phục thiện.


Lời thổ lộ của nữ phạm nhân từng là Phó Chủ tịch phường

Nhớ lại những ngày từng là cán bộ của UBND phường, từ cán bộ văn xã đến Phó Chủ tịch UBND phường Văn Miếu - một trong những phường trung tâm của quận Đống Đa, TP Hà Nội, Nguyễn Thị Ngọc Ánh, SN 1969 đã nhiều lần được tham gia vào Uỷ ban bầu cử của phường. 

CBCS Trại Tạm giam số 2 Công an TP Hà Nội tuyên truyền bầu cử cho những người bị tạm giam, tạm giữ.

"Thời điểm này, trước tôi bận lắm. Năm nào bầu cử thì ngay từ sau tết Phường đã có kế hoạch triển khai rất cụ thể. Từ lên danh sách cử tri, đến từng nhà tuyên truyền, rà soát danh sách, đến những việc nhỏ nhất như loa, đài tuyên truyền đều phải sẵn sàng, không được có bất cứ một sơ suất nào. Thường mỗi phường có nhiều điểm bầu cử, các cán bộ trong Uỷ ban bầu cử sẽ phụ trách một điểm nên gần như chúng tôi "ở rịt" tại điểm ấy, chỉ về nhà ngủ buổi tối. Nhất là trước hôm bầu cử, cảm giác rất lạ, không ngủ được vì lo không biết sáng mai thế nào, chuẩn bị đã chu đáo chưa, có xảy ra vấn đề gì không, cử tri có đi bầu cử đủ 100% không. Đến khoảng 9-10h sáng mà lượng cử tri đạt hơn 95% được coi là thành công. Còn người nào chưa đến bầu, chúng tôi phải đến tận nhà vận động họ…" - chị Ánh cho biết.

Kể chuyện về những ngày còn đương chức, đương quyền, mắt Ánh như sáng lên. Văn Miếu là phường trung tâm của thành phố Hà Nội, lại có Văn Miếu - Quốc Tử Giám nên lượng người đến tham quan rất đông. Chính vì vậy, phụ trách công tác văn xã rất vất vả, nhiều việc, nhất là những dịp lễ, tết, hay có những sinh hoạt cộng đồng tại Văn Miếu, lãnh đạo phường - nhất là người phụ trách văn hoá- xã hội như Ánh thường được tham gia vào Ban Tổ chức. Ánh chia sẻ: "Bận nhưng mà vui lắm, được tham gia vào hầu hết các sự kiện lớn của đất nước, của thành phố. Đây là vinh dự mà không phải ai cũng có được".

Rồi giọng Ánh chùng xuống khi nghĩ về tội lỗi của mình: "Tôi cũng chả biết sao nữa, mình làm sai thì phải chịu, 20 năm tù là quá dài đối với tôi. Hi vọng Toà phúc thẩm sẽ giảm án để tôi sớm có cơ hội sửa sai lầm". Tội của Ánh bắt nguồn từ lòng tham, cũng xuất phát từ thuận lợi của chức vụ chị ta đảm nhiệm. Đó là vào tháng 5/2011. Thời điểm đó, việc vay vốn kinh doanh thế chấp bằng bất động sản gặp nhiều khó khăn. 

Chính vì vậy, khi có nhu cầu vay vốn, bà Nguyễn Thị Hiền Anh đã mượn của vợ chồng ông Nguyễn Dũng và bà Nguyễn Thúy Vân ngôi nhà ở quận 10, TP Hồ Chí Minh để làm tài sản đảm bảo vay tiền ngân hàng. Ông Dũng và bà Vân đồng ý giao ngôi nhà cho bà Hiền Anh sử dụng làm tài sản đảm bảo để vay khoản tiền 10 tỷ đồng của ngân hàng An Bình. 

Tuy nhiên, thời điểm đó, quy định của Ngân hàng An Bình không cho vay đối với bất động sản. Chính vì vậy, bà Vân đã "cậy" nhờ đến Ánh - người đang giữ chức Phó Chủ tịch UBND phường, có nhiều mối quan hệ với ngân hàng. Ánh đồng ý sẽ vay giúp 10 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là ngôi nhà nói trên, đổi lại, bà Hiền Anh phải "lại quả" 300 triệu đồng. Hai bên thoả thuận xong, Ánh đã liên hệ với Trần Thị Thanh Xuân - Giám đốc Phòng Giao dịch Nguyễn An Ninh - Ngân hàng Techcombank xin vay vốn, đồng thời thỏa thuận với ông Nguyễn Văn Tạo - Phó Giám đốc Công ty TNHH Hóa chất Châu Giang sử dụng pháp nhân Công ty này đứng tên làm hồ sơ vay 10 tỷ đồng tại ngân hàng với lý do bổ sung vốn kinh doanh 2011-2012, hứa sẽ cho ông Tạo sử dụng 1 tỷ đồng trong số 10 tỷ đồng vay được. Do có nhu cầu kinh doanh nên ông Tạo đã đồng ý với Ánh.

Nguyễn Thị Ngọc Ánh.

Ngày 30/5/2011, ngân hàng đã ký hợp đồng cung cấp hạn mức tín dụng cho Công ty TNHH Hóa chất Châu Giang với hạn mức 10 tỷ đồng; giải ngân gần 9,3 tỷ đồng và 34.000USD. Sau khi hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp được ký kết, để được ngân hàng giải ngân số tiền vay, Ánh đã nhờ Tôn Sỹ Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Đức Thành, Nguyễn Quốc Khánh - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ Huy Anh Phát tạo lập các chứng từ mua bán hàng khống.

Nhận được tiền từ ngân hàng, ông Tạo đã giữ lại 1,6 tỷ đồng, Ánh chỉ chuyển cho bà Hiền Anh 2,7 tỷ đồng và nói dối rằng ngân hàng chưa giải ngân hết. Nghi ngờ, bà Hiền Anh đã tìm gặp đại diện Công ty TNHH Hóa chất Châu Giang thì hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt hơn 5,5 tỷ đồng của Nguyễn Thị Ngọc Ánh bị bại lộ.

Với hành vi trên, Nguyễn Thị Ngọc Ánh bị tuyên án 20 năm tù giam. Cho rằng, mức án trên là quá nặng, còn nhiều uẩn khúc trong vụ án nên chị ta đã kháng án, đang đợi phúc thẩm. Ánh cho biết, khi tôi ở ngoài thì chưa có Luật cho người đang tạm giam, tạm giữ như tôi được bầu cử. Không ngờ, mình lầm lỡ thế này vẫn được nhà nước quan tâm, cho hưởng quyền công dân trong việc bỏ phiếu bầu cử, tôi càng thấm thía hết tội lỗi mình đã gây ra. Tôi sẽ tham gia bầu cử theo đúng quy định, kỳ vọng cuộc bầu cử lần này sẽ bầu được các đại biểu có đức, có tài để đại diện cho nhân dân. Với việc làm nhân văn này, chúng tôi tự thấy mình càng phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật để xứng đáng là công dân của đất nước".

Nguyên Tổng giám đốc Công ty chờ ngày bỏ phiếu

Đó là Đào Thành Long, SN 1974, trú ở phố Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa, Hà Nội, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển nguồn nhân lực và dịch vụ dầu khí  (Công ty dịch vụ Dầu khí) Việt Nam. Có lẽ, Đào Thành Long cũng không ngờ có ngày mình được tham gia bầu cử trong hoàn cảnh này. 

Trước kia, khi còn giữ chức vụ ở Công ty Dịch vụ Dầu khí, mỗi dịp bầu cử, Long thường phối hợp với Uỷ ban bầu cử của Phường tổ chức cho cán bộ, nhân viên đi bầu cử và coi đây là trách nhiệm lớn của mình. Khi mắc sai lầm, những tưởng sẽ mất đi hoàn toàn quyền công dân của mình, nhưng vẫn được nhà nước cho bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố, Long rất vui, mong chờ đến ngày được bầu cử. 

Long cho biết: "Dù trong hoàn cảnh này nhưng được Nhà nước cho phép đóng góp phần nhỏ bé của bản thân để xây dựng đất nước, tôi rất xúc động. Tôi và các bị can khác đã được nghe cán bộ quản giáo phổ biến về quy chế bầu cử, tiểu sử cũng như quá trình công tác, năng lực của các ứng cử viên, được nghe đài truyền thanh, đọc báo về các thông tin bầu cử khiến tôi bớt đi cảm giác bị cách biệt với thế giới bên ngoài…"

Đào Thành Long bị bắt về tội "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", đã bị Toà sơ thẩm tuyên án 9 năm tù giam, đang trong thời gian đợi xử phúc thẩm.Vụ án bắt đầu từ tháng 10/2010 đến tháng 9/2011, Đào Thành Long thay mặt Công ty Dịch vụ Dầu khí Việt Nam đứng ra ký hợp đồng mua 2 thửa đất của 2 hộ dân ở phường Trung Hòa với tổng diện tích gần 800 m2. Quá trình thương thảo, 2 hộ dân đã nhất trí chuyển nhượng cho Công ty Dịch vụ Dầu khí Việt Nam quyền sử dụng diện tích đất của mình với tổng số tiền hơn 58,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với ý đồ chiếm đoạt bất chính tiền của doanh nghiệp và Nhà nước (Công ty Dịch vụ Dầu khí Việt Nam có 3,682% là vốn Nhà nước), Long đã thương lượng và "nhờ cậy" đại diện 2 hộ dân nói trên ký lại hợp đồng chuyển nhượng với giá trị thực tế từ hơn 58,8 tỷ đồng lên thành 85 tỷ đồng. Ngoài ra, cựu Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Dầu khí Việt Nam còn chỉ đạo hàng loạt nhân viên giả mạo chứng từ, hồ sơ để hợp thức hóa số tiền mua đất thành 85 tỷ đồng.

Liên quan đến vụ án, Đào Thành Long chuyển cho Nguyễn Thị Bích Huấn 14,7 tỷ đồng để  đối tượng này "chạy sổ đỏ" 2 thửa đất của 2 hộ dân nêu trên. Nhận tiền, Huấn tìm gặp Nguyễn Khánh Tuấn - khi ấy đang là cán bộ địa chính phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy nhờ cậy. 

Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND (năm 2015) quy định, những người bị tạm giữ, tạm giam cũng được ghi tên vào danh sách cử tri để thực hiện việc bầu cử ở nơi người đó đang bị tạm giữ, tạm giam. Đây là quy định mới, chưa từng có tiền lệ, vì vậy, những ngày này, cán bộ, chiến sĩ Trại Tạm giam số 2 đang tích cực tập trung cho công tác chuẩn bị bầu cử.

Cùng với việc tuyên truyền bằng loa truyền thanh, các cán bộ quản giáo đã mang danh sách cử tri, danh sách ứng cử viên đến từng phòng giam để tuyên truyền và cho các đối tượng đang bị tạm giam, tạm giữ trong Trại.

Việc được bầu cử cũng là niềm vui của các đối tượng bị tạm giam, tạm giữ để phục vụ quá trình điều tra, xét hỏi, chuẩn bị xét xử và chuẩn bị đi thi hành án. Với họ, việc được bỏ phiếu, được thực hiện quyền công dân thể hiện sự nhân văn, nhân đạo của chế độ ta.

Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử, Trại Tạm giam số 2 đã cử đại diện lãnh đạo Ban giám thị và đội tham mưu phối hợp chặt chẽ với chính quyền phường Kiến Hưng, quận Hà Đông - nơi đơn vị đứng chân để triển khai các nội dung phục vụ cho cuộc bầu cử. Thượng tá Phạm Văn Hân, Phó Giám thị cho biết: "Để chuẩn bị cho công tác bầu cử, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể yêu cầu các đội nghiệp vụ triển khai công tác. Trong đó, đội Quản giáo có trách nhiệm cử cán bộ đến từng buồng giam tuyên truyền cho các cử tri; phối hợp với đội tham mưu sử dụng hệ thống loa truyền thanh để tuyên truyền hàng ngày;  đưa danh sách cử  tri và các đại biểu ứng cử đến từng phòng giam để những người bị tạm giam, tạm giữ đọc, lựa chọn, giúp họ hiểu được quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân của mình, đánh giá quá trình hướng thiện"...

Nhờ đó, 2 thửa đất của 2 hộ dân phường Trung Hòa được UBND phường Trung Hoà xác nhận đủ điều kiện cấp sổ đỏ, được UBND quận Cầu Giấy cấp "sổ đỏ". Để có "động lực" xúc tiến nhanh hồ sơ đề nghị cấp "sổ đỏ", Tuấn yêu cầu và thực tế đã nhận đủ 1 tỷ 50 triệu đồng tiền "bôi trơn" từ tay "cò" đất Nguyễn Thị Bích Huấn.

Với hành vi trên, Long bị tuyên án 9 năm tù, Nguyễn Thị Bích Huấn và Nguyễn Khánh Tuấn bị 10 và 15 năm tù về tội đưa và nhận hối lộ. Nhóm đối tượng từng  là cán bộ, nhân viên Công ty Dịch vụ dầu khí Việt Nam cũng lần lượt phải nhận từ 3 năm tù đến 3 năm 6 tháng tù vì đã tiếp tay cho Long chiếm đoạt tài sản.

Vậy là, vì lòng tham, Long đã phải trả giá, không những thế, anh ta còn "lôi" thêm một số thuộc cấp của mình vào vòng lao lí. Chính vì vậy, Long luôn tỏ ra rất ân hận, coi việc góp phần nhỏ bé của mình thông qua lá phiếu bầu đại biểu Quốc hội, HĐND thành phố là để hướng thiện, để phấn đấu vượt qua tội lỗi của mình…

Thượng tá Nguyễn Văn Thịnh, Phó Giám thị cho biết: "Trong quá trình thực hiện kế hoạch bầu cử, chúng tôi luôn quan tâm đến việc đảm bảo an ninh, an toàn trại giam trong mọi tình huống; dự kiến một số tình huống có thể xảy ra và có phương án xử lí kịp thời. Chúng tôi luôn quan tâm đảm bảo đúng chế độ, chính sách đối với người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân. Đã làm tốt công tác tuyên truyền, nhận thức của CSBS và người bị tạm giữ, tạm giam thấy được quyền và nghĩa vụ của mình được tham gia bầu cử. Do cử tri là người tạm giữ, tạm giam luôn có sự biến động nên hàng ngày, chúng tôi đều rà soát, cập nhật danh sách để đảm bảo quyền lợi đối với họ, không để sót lọt bất cứ trường hợp nào. Do người bị tạm giam, tạm giữ không được ra ngoài để bỏ phiếu tập trung nên để đảm bảo yêu cầu an ninh trật tự trong bầu cử, các cán bộ trong tổ bầu cử của Trại sẽ mang hòm phiếu đến từng buồng giam."

Phương Thuỷ
.
.
.