Chuyện về những người tố cáo "chuồng cọp"

Thứ Hai, 29/08/2016, 14:12
Chuồng cọp, chế độ giam giữ tù nhân hà khắc như thời trung cổ của chính quyền Sài Gòn đã bị phơi bày khi năm học sinh đầu tiên được trả tự do trở về vẽ lại sơ đồ cho nhà báo Hoa Kỳ Don Luce.

Ngay lập tức, ông cùng các cộng sự thâm nhập phanh phui sự thật được nhà chức trách Côn Đảo bưng bít suốt một thời gian dài. Cả thế giới đã vô cùng sửng sốt, phẫn nộ khi đồng loạt các tờ báo lớn trong nước lẫn quốc tế đăng bài về "tội ác trần gian" ở chuồng cọp.

46 năm qua, Mười Thắng (biệt danh hoạt động của Nguyễn Minh Trí) vẫn nhớ như in sự kiện tố cáo chuồng cọp. Ngày chia tay các chú các anh ở Côn Đảo, tuy không nói với ai câu gì vì xung quanh là đám trật tự hung hăng cùng cai ngục mắt long sòng sọc như chực ăn tươi nuốt sống, nhưng qua ánh mắt, Mười Thắng ánh lên một niềm tin gởi gắm: "Hãy chờ tin của tôi. Rồi đây chuồng cọp sẽ bị phanh phui và các anh sẽ không còn phải chịu tra tấn, tù đày trong một xà lim chỉ dành để giam giữ cọp".

Mười Thắng (ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội về Côn Đảo thăm lại “chuồng cọp”.

Để tố cáo và vạch trần chế độ lao tù ở chuồng cọp không hề dễ, nếu chỉ nói suông thì sẽ chẳng đi đến đâu. Một điều may mắn và cũng thật đặc biệt, khi ấy Mười Thắng là một trong năm học sinh được trả tự do từ Côn Đảo trở về. Ông bị bại liệt do giam cầm, tra tấn dã man của cai ngục. Tin tức này ngay lập tức lọt đến tai của nhà báo Hoa Kỳ Don Luce.

Từ đầu năm 1968, hai học sinh Nguyễn Minh Trí và Cao Nguyên Lợi đã quen biết nhà báo Don Luce nên việc gặp gỡ truyền tin giữa họ không mấy khó khăn. Bằng trí nhớ và kí ức giam cầm nghiệt ngã, Mười Thắng cùng bốn học sinh đã dốc hết tâm trí để phác thảo ra sơ đồ chuồng cọp, cung cấp cho nhà báo.

Cùng với đó là cuộc đấu tranh quyết liệt của họ nhằm phơi bày sự thật về chế độ lao tù ở Côn Đảo, tham luận của năm học sinh có đoạn viết: "Do những lôi cuốn vật chất đê hèn mà một số tù nhân thường phạm đã thêm một lần bán rẻ lương tâm trong nhiệm vụ trật tự. Họ được sử dụng như cán bộ cải huấn vì họ trực tiếp đánh đập, coi sóc cuộc sống tù nhân ở các sở, các trại và các hầm.

Từ việc đánh đập cho đến việc giết, thủ tiêu chúng tôi, những hành động phi nhân này càng làm tăng thêm "uy tín" của bọn giám thị và càng được chính quyền tin tưởng và ưu đãi, nhiều hy vọng được ân giảm, ân xá.

Qua báo cáo của ban Quản đốc "họ là những người có hạnh kiểm tốt''. Do đó việc giết người trong nhà tù đối với đám trật tự trở nên dễ dàng hơn nhiều nếu không muốn nói là cái thú tiêu khiển". Sau khi đọc hết bản tham luận tố cáo chuồng cọp, phái đoàn Mỹ cùng nhà báo Don Luce lập tức có chuyến "viếng thăm" Côn Đảo.

Nhận được tin báo chuẩn bị tiếp khách nước ngoài, Nguyễn Văn Vệ ra lệnh cho lính ngụy trang thật cẩn thận. Các lối vào chuồng cọp phải xóa sạch dấu vết, trồng rau xanh phủ đường mòn, lấy củi chặn kín cánh cửa dẫn vào chuồng cọp. Chúa ngục dẫn phái đoàn đi thăm hết các phòng giam, nhà ăn, huyên thuyên kể về cuộc sống "không đủ đầy nhưng chẳng thiếu thốn" của tù nhân.

Hắn đâu biết rằng, nhà báo Don Luce đang vừa nghe vừa hình dung ra sơ đồ về chuồng cọp để tìm lối vào. Theo sơ đồ nhóm sinh viên vẽ lại thì cuối vườn rau sẽ có cánh cửa nhỏ dẫn sang chuồng cọp.

Nhưng lúc này, một tình huống khó đặt ra do các sinh viên bị bịt mắt nên họ không nhớ qua cửa ngoài thì quẹo trái hay phải. Don Luce khéo léo hỏi chúa ngục Nguyễn Văn Vệ: "Nghe nói ở đây tù nhân có được cải thiện bữa ăn bằng cách trồng trọt phải không"?.

16 tuổi, Mười Thắng gia nhập vào lực lượng T4 sau đó bị bắt và bị đày ra Côn Đảo.

Nguyễn Văn Vệ hăng hái dẫn cả đoàn rẽ phải và đến được vườn rau. Theo bản đồ, qua đám rau lang có lối nhỏ dẫn đến bức tường chắn ngang có một cửa nhỏ để vào bên trong. Nhưng phái đoàn đến đây thì không có lối dẫn tới cánh cửa. Lối đi đã được phủ bằng đám rau lang xanh mơn mởn.

Don Luce hỏi Nguyễn Văn Vệ đây là rau gì? Vệ ngỡ mấy ông Tây này thì biết gì về các loại rau Việt Nam nên trả lời cho xong đấy là rau muống. Thật may, Don Luce còn là kỹ sư canh nông (ông là giáo sư của trường Canh nông Sài Gòn).

Ông cúi xuống nhấc cây lên để thấy rõ đây là rau lang mới trồng, rễ chưa ăn sâu vào lòng đất. Don Luce dần hiểu ra ý đồ che giấu cánh cửa bí mật của Nguyễn Văn Vệ. Ông tiến đến chỗ cánh cửa yêu cầu mở cửa để phái đoàn vào bên trong.

Nguyễn Văn Vệ từ chối, nói rằng đây là cổng phụ, nếu phái đoàn muốn vào sẽ cho xe chở vào theo cổng chính. Don Luce hiểu rằng nếu như vậy sẽ không bao giờ vào được bên trong nên không đồng ý, với lý do đã trưa nắng, phái đoàn vào cổng phụ cũng được.

Nguyễn Văn Vệ tiến đến sát cánh cửa, dùng chiếc ba toong luôn bên mình gõ gõ vào cửa, nói rằng: "Cửa đã chốt ở bên trong, làm sao mà tôi mở cho các ngài vào được". Không ngờ lính gác bên trong đã quen với tiếng gõ ba toong của sếp, lại nghe đúng tiếng của Vệ nên vội vã mở cửa ra. Vậy là phái đoàn lọt vào được bên trong.

Nguyễn Văn Vệ quá bất ngờ, cố ngăn lại nhưng không kịp. Vệ cố tình dẫn phái đoàn đi thăm các phòng giam lớn ở trên trại, vào nhà bếp, nhưng John Helmil, Don Luce và hai dân biểu hạ nghị viện Mỹ August Hawkins, William R. Anderson đã luồn sang bên hông, leo lên cầu thang. Và sự thật về chuồng cọp đã được phơi bày.

Một cảnh tượng đúng như trong tham luận diễn tả của nhân chứng, những người tù bên dưới chắn song sắt mặt xanh như tàu lá chuối, đói rách, tiều tụy vì bị đánh đập.

Dãy chuồng cọp bên kia, chúng đang nhốt cả phụ nữ, trẻ em, những người bệnh tật. Phía trước là dãy phòng "tắm nắng", không có mái để phơi nắng phơi mưa người tù và là nơi mang tù ra đánh đập...

Đi dọc trên đầu tường, hai bên là hai dãy hầm, trên là chắn song sắt, bên dưới là những người tù tàn phế, đang nằm trên vôi. Nghe tiếng rên la, tiếng trẻ con khóc không thành lời, phái đoàn Mỹ có người lấy khăn lau nước mắt.

Họ đã chứng kiến toàn bộ cái gọi là chuồng cọp, một sự thật tàn khốc được phơi bày. Họ đã chụp ảnh để làm bằng chứng. Không ai có thể tưởng tượng nổi những cực hình, những cung cách mà con người có thể nghĩ ra và dùng để đối xử với con người độc ác đến vậy.

Sau giải phóng, ông làm nghề luật sư.

Sáng 2-7-1970, một sự kiện gây chấn động dư luận thế giới đã diễn ra khi báo Tin sáng Sài Gòn và tạp chí Time đồng loạt đưa tin bài của nhà báo Don Luce và nhà báo John Helmil với thiên phóng sự điều tra "Tố cáo vụ chuồng cọp Côn Đảo".

Lần đầu tiên, cả thế giới được biết đến sự thật "rùng mình" về cái gọi là "chuồng cọp", nơi giam giữ, đày ải tù nhân dã man, phi nhân tính mà trước đó, chính phủ Mỹ và chính quyền Sài Gòn luôn cố tình bưng bít.

Sau đó, các hãng thông tấn xã phương Tây đều đồng loạt đưa tin về cuộc họp báo của hai dân biểu Hạ nghị viện Hoa Kỳ là ông Williamm R. Anderson và ông August Hawkins về "Vụ chuồng cọp Côn Đảo" trình lên Hạ nghị viện tại tòa Bạch Ốc. Những bức ảnh mà Harkin chụp đã được đăng trên tạp chí Life vào ngày 17-7-1970. 

Chuồng cọp bị phát hiện và bị đem ra chất vấn ở Hạ nghị viện Mỹ cũng như bị tố cáo trên các tờ báo lớn gây ra một làn sóng phản đối chiến tranh ở Việt Nam trên toàn thế giới.

 Kết cục với chàng trai trẻ Tom Harkin khi đó là bị đuổi ngay lập tức ra khỏi văn phòng Quốc hội vì tội "phản bội" cùng với lời đe dọa "sẽ không bao giờ trở lại đây được". Quốc hội Mỹ đưa Tom Harkin ra điều trần về vụ việc.

"May mắn là tôi có một máy ghi âm nhỏ trong chiếc vali nhỏ xách theo để ghi lại toàn bộ sự việc. Tôi không nói với ai về chiếc máy ghi âm này, kể cả với Don Luce và cuốn băng đã cứu tôi qua được tất cả", Tom Harkin cho biết.

Sau này, Tom Harkin không trở lại được Quốc hội với tư cách là nhân viên văn phòng nhưng đã trở lại với tư cách là nghị sĩ sau khi trúng cử vào Quốc hội năm 1975 và tiếp tục công việc ở Quốc hội trong một thời gian dài.

Năm 1995, đúng 25 năm sau ngày tố cáo chuồng cọp, Tom Harkin trở lại Côn Đảo trong một chuyến đi vô cùng xúc động. Còn số phận Don Luce cũng không yên. Nhà cầm quyền Sài Gòn trục xuất ông khỏi Việt Nam vào năm 1971. Ông gởi thư cho Nguyễn Minh Trí để nói lời chia tay.

Năm 2005, nhân kỷ niệm 30 năm Giải phóng miền Nam, cầu truyền hình "Thiêng liêng Côn Đảo" đưa hình ảnh Don Luce cùng câu nói ấn tượng: "Người phát hiện và tố cáo chuồng cọp, với những người nằm trong chuồng cọp có cơ may sống còn để gặp lại nhau".

Những cựu tù Côn Đảo đã tới gặp Don Luce tại khách sạn Majestic (quận 1, TP Hồ Chí Minh) và đón tiếp ông thật nồng hậu. Từ đó đến nay Don Luce vẫn thường xuyên liên lạc với các cựu tù chính trị Côn Đảo và có nhiều nỗ lực giúp đỡ Việt Nam xoa dịu vết thương chiến tranh, hàn gắn mối quan hệ...

Ngọc Thiện
.
.
.