Chuyện về “o du kích” sông Lam và bức ảnh gây chấn động thế giới

Thứ Tư, 27/03/2013, 08:38
Tôi không ngờ rằng một ngày lại được gặp “o du kích” anh hùng của núi Hồng sông Lam ở ngay giữa Sài Gòn. Không để tuột mất cơ hội, tôi đi tìm bà – “o du kích” trong bức ảnh từng gây chấn động thế giới hơn 40 năm về trước.

Một khoảnh khắc bấm máy trong cánh rừng ngùn ngụt khói súng ở quê hương Hà Tĩnh đã đưa “o du kích” 17 tuổi trở thành biểu tượng sức mạnh của cả nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Hình ảnh gây chấn động thế giới

Bà là Nguyễn Thị Kim Lai - người con gái sông Lam trong bức ảnh “Giải giặc lái Mỹ” của tác giả Phan Thoan từng làm chấn động thế giới những năm tháng đất nước chiến tranh và cả khi hòa bình lập lại. Gần nửa thế kỷ sau sự kiện trọng đại của đời mình, bà gần như sống lặng lẽ, âm thầm bên gia đình nhỏ bé.

Chuyện chiến tranh làm nên câu chuyện cuộc đời bà để rồi có một ngày, tên của bà cả thế giới đều biết. Một nữ dân quân chỉ nặng 37kg, cao 1m47 hiên ngang dẫn giải tên phi công Mỹ nặng 125kg, cao 2,2m. Đó là sự tương phản không chỉ về hình thể mà còn về sức mạnh con người. Hình ảnh ấy như lời tố cáo tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ, đồng thời thể hiện tinh thần chiến đấu ngoan cường, bất khuất của những người dân Việt Nam nhỏ bé mà anh dũng.

Chất giọng Hà Tĩnh đầm ấm nguyên sơ năm nào dù nay đã ở tuổi “thất thập” vẫn không lẫn vào đâu được. Chiến tranh đã đi qua hơn nửa cuộc đời, cô dân quân nhỏ thó ngày xưa nay đã lên chức bà, mái tóc bạc nhiều hơn đen nhưng gợi lại chuyện năm xưa, bà như trẻ lại nhiều lần.

Buổi chiều ngày 20/9/1965, máy bay Mỹ vần vũ trên bầu trời Hà Tĩnh, chúng quần đi quần lại để ném bom oanh tạc và tìm kiếm đồng bọn đã bị ta bắn rơi trên chiếc máy bay trước đó. Một trong số những chiếc máy bay tiếp tục dính đạn, gãy cánh, bọn giặc lái nhảy dù trốn vào rừng lánh nạn. Ngay lập tức, toàn bộ lực lượng dân quân, du kích xã Hương Phong (Hương Khê – Hà Tĩnh) được huy động vây bắt.

Ngày đó, cô gái Nguyễn Thị Kim Lai vừa tròn 17 tuổi, vừa chân ướt chân ráo vào dân quân. Cứ xung phong là ra chiến trường chứ nào có thời gian tập huấn súng đạn. Kim Lai còn chưa rành hết súng đạn, mọi thứ vũ khí đều rất mới mẻ và bỡ ngỡ nhưng chẳng ngại ngần vẫn hăng say vác súng đi tìm giặc. Không khí bắn máy bay, tìm giặc lái bắt sống rầm rầm như phong trào. Già trẻ, trai gái bỏ hết việc cày cấy hòa mình cùng anh chị em du kích truy lùng giặc lái máy bay.

Tìm kiếm cả buổi mà vẫn không thấy tung tích lính Mỹ, vào đầu giờ chiều, Kim Lai một mình đi xuống bờ suối. Bỗng cô nhìn thấy một “sinh vật” lạ trong lùm cây. Chưa nhận dạng được đó là người hay thú rừng, cô tiến gần lại hơn thì nhận ra một tên Mỹ to cao lực lưỡng đang cố ẩn mình vào hốc đá. Lai bắn liên tiếp ba phát súng chỉ thiên báo cho đồng đội tới giúp sức.

Sau khi tên Mỹ bị còng tay, mọi người đề cử Kim Lai áp giải về huyện. Và hình ảnh về một nữ dân quân Việt Nam bé nhỏ giương cao họng súng áp giải tên lính Mỹ to gấp 4 lần thân hình cô đã vô tình lọt vào ống kính của một phóng viên chiến trường làm chấn động cả thế giới.

Kim Lai trong tấm hình từng gây chấn động thế giới.

Sau sự kiện đó, Kim Lai được đề bạt giữ chức xã đội phó trẻ nhất Hà Tĩnh lúc bấy giờ. Sự học dang dở vì chiến tranh ngày càng khốc liệt. Cũng như bao chàng trai cô gái ở quê hương Hà Tĩnh khác, Kim Lai chiến đấu hết mình, cô hy sinh chuyện nhà, chuyện học dành cho nhiệm vụ chung của quê hương. Máu của đồng bào đổ xuống mảnh đất quê hương hoang cằn, tiếng khóc của những gia đình có người hy sinh đã thôi thúc cô cầm súng ra trận.

Do yêu cầu của chiến trường, Kim Lai học lớp y tá cứu thương rồi xung phong vào mặt trận B5 (miền Tây Quảng Trị). Chiến trường Quảng Trị được cho là ác liệt nhất, công việc của Kim Lai như càng gánh nặng hơn khi ngày càng nhiều những đồng đội được chuyển về tuyến sau điều trị. Trách nhiệm, tình yêu Tổ quốc cô dồn vào đôi bàn tay hết lòng cứu thương cho bộ đội.

Hai năm sau đó, Lai được các anh em thông báo một tin “động trời” là hình mình được lên tem thư. Cô quá đỗi bất ngờ, vẫn chưa hiểu gì về thế sự. Ngay trong thời đểm đó, rất nhiều phóng viên, nhà đài phương Tây ráo riết truy tìm tung tích người trong ảnh. Nếu không gặp được “nhân vật” thật ngoài đời thì họ không tin và cho đó là hình ảnh giả. Nhưng mãi đến năm 1973, cánh nhà báo phương Tây mới được diện kiến người thật trong ảnh. Bà cho biết: “Suốt từ năm 1973 – 1980, tôi không làm gì được vì ngày nào cũng phải tiếp báo đài. Họ tới phỏng vấn, quay phim, chụp hình nhiều ngày trời đến nỗi những câu chuyện của tôi kể đã thuộc lòng”.

Những người khách phương xa không khỏi ngạc nhiên khi tiếp xúc với một “nữ anh hùng” nhỏ bé của Việt Nam. Họ trân trọng gửi đến cô những tình cảm chân thành, mến yêu và cảm phục. Nữ diễn viên nổi tiếng Giên Phonda của Mỹ nhận cô làm em gái, một nhà báo Đức nhận cô làm con nuôi. Đối với Kim Lai thì đó là niềm hạnh phúc vô bờ không có món quà nào sánh bằng.

30 năm cuộc gặp mặt lịch sử

Trở thành người nổi tiếng khắp thế giới, Kim Lai từng tâm sự: “Tôi cầm súng chiến đấu vì lòng căm thù giặc, vì tình yêu với mảnh đất mẹ đã sinh ra tôi. Tôi cũng như bao người lính khác chỉ mong đuổi khỏi giặc ngoại xâm để lại quay về với thân phận là người dân lao động sản xuất trên những cánh đồng không còn tiếng súng nổ. Chẳng ai nghĩ rằng mình chiến đấu để được nổi tiếng cả. Thật lòng, tôi chẳng muốn mình nổi tiếng đâu. Tôi như vậy đã là hơn rất nhiều người đã phải gửi lại xương máu của mình nơi chiến hào”.

Trong những ngày ở Quảng Bình công tác, Kim Lai may mắn được gặp nhà thơ Tố Hữu. Nhà thơ đã gọi Lai tới hỏi chuyện và bất ngờ ông tặng cô những vần thơ cảm động: “O du kích nhỏ giương cao súng/ thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu/ ra thế to gan hơn béo bụng/ anh hùng đâu cứ phải mày râu”. Kim Lai hạnh phúc vô cùng, cô không ngờ việc làm nhỏ bé của mình cả lãnh đạo Trung ương đều biết.

Chiến tranh đã lùi xa, hạnh phúc đơn sơ của những người lính cầm súng năm nào là niềm vui trên những cánh đồng ngập tràn tiếng cười lao động sản xuất. Do những kinh nghiệm về ngành y từng được học ở chiến trường, Nguyễn Thị Kim Lai trở về làm một thầy thuốc y học cổ truyền của tỉnh Hà Tĩnh.

Chuyện năm xưa tưởng đã ngủ yên trong quá khứ cùng với mất mát, hy sinh thời chiến tranh nhưng không ngờ vào một ngày đẹp trời năm 1995, Kim Lai được thông báo có đoàn làm phim Trung ương về làm phim tài liệu về cô và có mang theo một nhân vật đặc biệt. Kim Lai không thể ngờ rằng, “món quà” mình nhận được lại chính là Ariam Robinxơn – viên phi công trong bức ảnh ngày xưa đã tạo dấu ấn trong cuộc đời cô. Phút gặp nhau ngỡ ngàng ở cả hai phía, câu đầu tiên Robinxơn nói với Kim Lai là: “Trông cô vẫn không lớn hơn ngày xưa là bao, chỉ mập hơn một chút thôi”. Mọi người cười ồ lên vì so với ông ngày xưa thì “o du kích” ấy vẫn như thuở nào.

Sang Việt Nam lần này, Robinxơn đưa người vợ thứ hai cùng đi theo số tiền 20 ngàn USD do hãng phim của Nhật tài trợ. Cuộc gặp sau hơn 30 năm giữa hai con người ở hai chiến tuyến trở nên ấm cúng khi gia đình “o du kích” thiết đãi vợ chồng người Mỹ một bữa khoai lang luộc. Hai con người từng cầm súng đối đầu nhau và chỉ trong tích tắc nếu như Robinxơn không nhận ra được sự hồn nhiên, yêu đời của cô gái Việt Nam có lẽ ông đã bóp cò trước.

Robinxon kể: “Ngày đó, tôi nhìn thấy cô Lai trước, tôi nằm trong bụi cây quan sát cô ấy rất lâu. Tôi định bóp cò nhưng rồi thấy cô ấy còn rất trẻ lại quá hồn nhiên. Tôi nghĩ nếu bắn trước thì cô ấy sẽ chết nhưng mình cũng chẳng thể sống vì đồng đội của cô ấy sẽ bao vây mình ngay”.

Những ngày làm tù binh ở Việt Nam, Robinxon cảm nhận được tấm lòng vị tha, cao thượng của nhân dân Việt Nam. Dù họ đang đói ăn, đói mặc nhưng họ vẫn dành cho ông những bát cơm ấm nóng. Bản thân Robinxơn được nhận xét là “tù binh ngoan” nên được trả tự do ngay sau đó.

Trở về Mỹ, Robinxơn vẫn canh cánh một nỗi lòng, ông muốn tìm gặp lại những con người ngày xưa từng áp giải mình để nói chuyện và tỏ lòng cảm ơn đến họ. Tuy nhiên, đâu phải người Mỹ nào cũng đều giàu có. Cuộc sống của Robixơn gặp rất nhiều khó khăn. Ông phải ở nhà thuê, phải đi làm đủ thứ nghề để lo cho gia đình và bất hạnh hơn khi ông không còn khả năng sinh con mặc dù đã trải qua hai đời vợ.

Những ngày sang Việt Nam, vợ chồng Robinxơn được đối xử thân thiện như những người bạn. Theo tinh thần “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, dù sao chiến tranh cũng đã lùi xa, vết thương cũng dần lành sẹo. “O du kích” luôn mong muốn những gì tốt đẹp nhất sẽ đến với Robinxơn để tâm hồn ông được thảnh thơi những ngày cuối đời

Ngọc Thiện
.
.
.