Có cần quy định xe máy lưu thông phải bật đèn nhận diện?

Thứ Bảy, 16/05/2020, 06:59
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) với nhiều quy định mới. Trong đó, quy định xe máy phải bật đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế suốt quá trình lưu thông trên đường. Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất này không phù hợp với điều kiện thời tiết tại Việt Nam. Bên cạnh đó cũng có không ít ý kiến lại đồng tình với mong muốn áp dụng quy định này sẽ giúp giảm số vụ TNGT.


Cái lý của Bộ GTVT

Tại Khoản 3 Điều 27 của dự thảo Luật Giao thông quy định: “Trong suốt cả ngày, xe môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất, hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau”. Như vậy, người lái xe máy khi tham gia giao thông phải bật đèn được trang bị theo thiết kế của xe.

 Ông Hoàng Thế Tùng, Phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) cho biết, quy định xe máy bật đèn cả ngày được Bộ GTVT căn cứ theo Công ước Vienna 1968 mà Việt Nam là thành viên từ năm 2014. Loại đèn được bật vào ban ngày gọi là Daytime Running Light (DRL - khác với đèn pha, cos) nhằm tăng khả năng nhận biết các phương tiện khi tham gia lưu thông trên đường, đặc biệt tại các nước châu Âu có nhiều sương mù...

Người dân lo ngại lúc ùn tắc, hàng loạt xe máy đều bật đèn thì sẽ dẫn tới tình trạng ô nhiễm ánh sáng.

Tại Việt Nam, một số dòng xe nhập về Việt Nam như Honda SH, Honda Lead, Winner X... đều đã loại bỏ công tắc đèn. Đèn nhận diện được bật bất cứ khi nào xe nổ máy.

Lãnh đạo Vụ An toàn giao thông cũng cho biết, nếu các dòng xe cũ chỉ có 2 chế độ pha, cos thì ban ngày phải bật đèn cos thay cho đèn nhận diện. Điều khoản này nếu được áp dụng sẽ tạo ra thay đổi lớn trong thói quen sử dụng đèn xe của người tham gia giao thông ở Việt Nam. Có thể xây dựng theo hướng không hồi tố với các loại xe máy cũ chưa được thiết kế đèn nhận diện, chỉ áp dụng với các xe sản xuất mới.

“Chúng tôi nhìn nhận quy định mới bao giờ cũng gặp rất nhiều ý kiến trái chiều. Đây cũng chỉ mới dự thảo nên chúng tôi xin tiếp thu các ý kiến chuyên gia, người dân đóng góp cho dự luật để chỉnh lý cho phù hợp với quy định của Việt Nam. Quan điểm của chúng tôi không cứng nhắc, việc nội luật hóa các quy định chung của quốc tế phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam”, lãnh đạo Vụ An toàn giao thông chia sẻ.

Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng: Việt Nam chính thức tham gia công ước quốc tế về giao thông vào ngày 20-8-2014 và cam kết thực hiện đầy đủ các nội dung trong công ước quốc tế (trừ điều 52 liên quan tới nội dung về pháp lý).  Việc sử dụng đèn nhận diện ban ngày được quy định rất rõ Khoản 32 Điều 6 với nội dung "Vào ban ngày, xe máy lưu thông trên đường phải bật ít nhất một đèn chiếu sáng phía trước và một đèn đỏ ở sau".

Công ước quốc tế có giá trị như luật và sau 5 năm bắt buộc phải thực hiện. Vì thế, nội dung trong dự thảo hiện nay thể hiện sự nhất quán của Việt Nam với công ước quốc tế về giao thông mà chúng ta đã tham gia cam kết thực hiện. Công ước này đang được phần lớn các quốc gia trên thế giới tham gia và thực hiện. 

Hiện phần lớn các ôtô tại Việt Nam đều đã được trang bị loại đèn này. Với xe máy, nhiều mẫu trên thị trường đã được trang bị đèn chạy ban ngày (đèn trước luôn sáng mỗi khi xe chạy), được người dân đón nhận một cách hết sức bình thường và tích cực. 

Về mặt khoa học, xe máy là phương tiện dễ bị tổn thương, rất nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan tới xe máy là do các phương tiện khác không nhìn thấy xe máy (kể cả vào ban ngày), bởi vậy cần nâng cao khả năng nhận diện với xe máy.

Để nâng cao khả năng này, thế giới đã chứng minh cách tốt nhất là dùng đèn nhận diện, có thể là đèn thiết kế theo xe của nhà sản xuất (hoặc là DRL hoặc AHO), hoặc đơn giản là dùng đèn chiếu gần đều đạt được mục tiêu như nhau là nâng cao khả năng nhận diện với xe máy.

Đừng xây dựng luật kiểu máy móc, xa thực tế

Ngay sau khi thông tin này được công bố, trên các diễn đàn, nhiều người dân cho rằng đây là đề xuất không sát thực tế, bởi thời tiết nóng bức, khí thải từ xe các loại đã làm tăng nhiệt độ, nếu quy định thêm việc bật đèn xe sẽ làm nóng thêm. Khi người dân đi đường mà kẹt xe lúc 12 giờ trưa thì bao nhiêu khí thải từ các loại xe, cộng thêm chiếc xe nào cũng bật đèn thì không khí ngay chỗ đó sẽ ra sao?

Việc cải thiện tốt nhất là nên mở đường, xây thêm cầu vượt để hạn chế xe tập trung vì đường nhỏ mà lượng xe cộ nhiều. Ngoài ra, việc quy định và bắt buộc các phương tiện tuân thủ đi đúng làn đường là đã hạn chế tối đa TNGT rồi.

Nguy cơ ô nhiễm ánh sáng khi quy định xe máy bật đèn nhận diện cả ban ngày.

Đâu cứ phải đưa ra các yêu cầu bắt buộc bật đèn chiếu sáng ban ngày cho xe máy. Xe máy đi làn xe máy, ôtô đi làn ôtô, không vượt ẩu, lấn làn đường, không sử dụng điện thoại khi lái xe... chắc chắn sẽ hạn chế rất nhiều TNGT.

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải, Việt Nam khí hậu nhiệt đới trên 80% là ngày nắng, do đó điểm tối mù rất ít. Việc bật đèn sẽ phản cảm và không hợp lý. Lúc mưa gió, hay sương mù vào mùa đông, khi thấy không đảm bảo ATGT thì người điều khiển phương tiện sẽ tự bật đèn cảnh báo với các phương tiện lưu thông đối chiều diện.

Chứ không nên quy định bắt buộc. Cũng theo TS Nguyễn Xuân Thuỷ, khi xây dựng chủ trương đề xuất có cái đúng vì trên thế giới nhiều nước đã áp dụng việc bật đèn xe 24/24h. Tuy nhiên, việc áp dụng một biện pháp, chính sách nào cũng phải tuỳ thuộc vào điều kiện của từng quốc gia.

“Đối với Việt Nam, tôi không nhất trí với đề xuất này trong thời điểm này vì việc hàng triệu ôtô, xe máy cùng bật đèn trong khi thời tiết 39 đến 40 độ C, hàng triệu phương tiện lưu thông trên đường dẫn đến kẹt xe, khói bụi, nóng bức… nhiệt độ từ các phương tiện phát thải ra không khí cùng đèn xe chiếu thẳng giữa mặt người đi ngược chiều sẽ làm tăng nhiệt độ, ảnh hưởng đến môi trường và lãng phí không cần thiết, phản cảm cùng với ánh sáng mặt trời sẽ chói mắt gây bất hợp lý về tâm lý và xử lý dẫn đến mất an toàn giao thông”, TS Thuỷ nhấn mạnh.

Cùng quan điểm với ông Thuỷ, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng, Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ có quy định về bật đèn chiếu sáng cả ngày đối với phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, quy định này chỉ phù hợp với các nước châu Âu, ánh sáng ban ngày không đủ, sương mù nhiều, cần bật đèn để nhận diện.

Còn Việt Nam là đất nước nhiệt đới, nhiệt độ luôn ở mức cao vào mùa hè nên việc bật đèn xe máy vào ban ngày là không cần thiết. Việc bật đèn cũng không giảm thiểu được tai nạn giao thông, mà còn gây tác dụng ngược như ô nhiễm môi trường, gây chói mắt.

Ông Quyền dẫn chứng, Việt Nam hiện nay có khoảng 60 triệu xe máy, mỗi ngày có khoảng 20 triệu xe hoạt động sẽ tiêu hao lượng nhiên liệu rất lớn. Do đó, dẫn đến tình trạng ô nhiễm ánh sáng trên đường phố, tăng phát thải khí nhà kính, làm khí hậu nóng lên.

Trong khi đó, theo BS Ngô Chí Thanh, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện GTVT, việc ánh sáng chiếu vào mặt sẽ bị loá mắt người đối diện khi trời tối, còn về ban ngày thì không ảnh hưởng. Ưu điểm khi bật đèn thì sẽ cảnh báo được phương tiện phía trước và phía sau và những lúc trời mưa hoặc sương mù, nhưng khi trời nắng thì không cần thiết. Hiện rất nhiều phương tiện gắn đèn ánh sáng cao gây loá mắt người đối diện gây mất an toàn giao thông, do đó cũng cần có quy định về ánh sáng đèn pha của các phương tiện.

Luật Giao thông đường bộ Việt Nam hiện hành có quy định rõ thời gian cụ thể bắt buộc người điều khiển xe phải bật đèn chiếu sáng khi tham gia lưu thông. Thời gian được quy định rõ là từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau. Nếu không bật đèn chiếu sáng trong thời gian này, bạn sẽ bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Mức phạt có thể từ 100.000đ đến 200.000đ đối với người điều khiển môtô không sử dụng đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn (điểm l, khoản 1, điều 6). Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển ôtô không sử dụng đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn (điểm g, khoản 3, điều 5). Ngoài ra, người vi phạm còn bị CSGT tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng. Tuy nhiên, cần lưu ý, đèn chiếu sáng bắt buộc phải bật khi tham gia giao thông trong khoảng thời gian này là đèn chiếu gần. Nếu sử dụng đèn chiếu xa khi lưu thông trong đô thị, khu đông dân cư, bạn sẽ bị phạt tiền 100.000 đồng đến 200.000 đồng (đối với môtô) hoặc từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng (đối với ôtô).
Phạm Huyền
.
.
.