"Cô gái vàng" của đất học Nam Định

Thứ Bảy, 25/03/2017, 16:42
Đinh Thị Hương Thảo khá nhỏ bé trong vóc dáng của một sinh viên năm thứ nhất, với đôi mắt luôn sáng lấp lánh sau cặp mắt kính cận dày cộp. Khi được hỏi, Thảo ngại ngùng chia sẻ về mình, bởi so với nhiều người thì thành tích của em chỉ là rất nhỏ và trong phạm vi học tập.


2 năm liền giành Huy chương vàng (HCV) Olympic Vật lý quốc tế, được Hội Vật lý châu Á Thái Bình Dương trao giải đặc biệt "Nữ sinh châu Á đạt kết quả cao nhất", 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2016, Đinh Thị Hương Thảo, sinh viên Trường Đại học (ĐH) Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) gây ấn tượng mạnh bởi bảng thành tích học tập đáng nể trọng.

Ngày 19-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp với 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và 10 gương mặt trẻ triển vọng năm 2016.

Đinh Thị Hương Thảo nhận giải đặc biệt “Nữ sinh châu Á đạt kết quả cao nhất”.

Trong buổi gặp gỡ trang trọng ấy, Đinh Thị Hương Thảo gây ấn tượng mạnh với nhiều người bởi em là gương mặt nữ duy nhất và là người sở hữu bảng thành tích học cực "khủng".

Đinh Thị Hương Thảo khá nhỏ bé trong vóc dáng của một sinh viên năm thứ nhất, với đôi mắt luôn sáng lấp lánh sau cặp mắt kính cận dày cộp. Khi được hỏi, Thảo ngại ngùng chia sẻ về mình, bởi so với nhiều người thì thành tích của em chỉ là rất nhỏ và trong phạm vi học tập.

Xã hội còn nhiều người tốt, nhiều người giỏi giang, và có nhiều cống hiến lớn hơn em gấp nhiều lần. Nhưng khi nghe đến thành tích học của Thảo thì quả thật nhiều người phải ngưỡng mộ sức học phi thường của cô gái nhỏ bé này.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo của vùng đất hiếu học Nam Định, nhà không có ai theo truyền thống nghiên cứu khoa học hay chuyên ngành Vật lý, nhưng ngay từ khi đi học, Thảo có một niềm đam mê lớn với môn Vật lý.

Cha mẹ em không có ai có điều kiện được học hành tử tế, cộng với cuộc mưu sinh vất vả, nên hai người không có nhiều thời gian chăm lo việc học tập cho cô con gái lớn. Nhất là khi ông bà mở một quán cơm nhỏ ở thành phố Nam Định để kiếm tiền nuôi hai con ăn học.

Ngay từ nhỏ, Thảo đã có tính tự lập, tự giác cao. Chẳng cần bố mẹ giục, cứ đi học về hay ăn cơm xong là em tự giác ngồi vào bàn học cho đến khi hết bài mới thôi. Thậm chí, học xong bài trên lớp, Thảo lại tự học, tự tìm tòi nghiên cứu thâu đêm, suốt sáng, khiến bố mẹ nhiều khi phải lo lắng, nhắc nhở cô con gái nghỉ sớm, biết giữ sức khỏe để ngày hôm sau đi học.

Đặc biệt, Thảo rất yêu thích những môn tự nhiên và học rất giỏi. Nhiều năm liên tiếp Thảo nằm trong đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh. Môn học mà Thảo đam mê nhất vẫn là Vật lý.

Thảo chia sẻ, mới đầu Thảo cũng chăm chỉ học Vật lý như các môn học khác, nhưng càng ngày, em càng phát hiện ra sự thú vị của nó khi có những ứng dụng khá hay vào thực tiễn khiến em tò mò, từ đó đâm ra "nghiện".

Ngày học trên lớp, đêm về lại mày mò tìm cách giải mới cho những bài Vật lý, học nhiều khiến cho đam mê ngấm vào máu của Thảo. Ngoài kiến thức sách giáo khoa, thầy cô truyền dạy, Thảo còn dành tiền tiết kiệm, tiền mừng tuổi, hay tiền bố mẹ cho ăn sáng đi mua những cuốn sách vật lý  hay để tự học.

Ham học đến nỗi, nhiều cuốn sách không tìm được ở Nam Định, Thảo còn lặn lội lên tận Hà Nội hoặc nhờ bạn bè, anh em hay các thầy cô mỗi lần đi công tác, đi chơi tìm cho.

Đinh Thị Hương Thảo - “cô gái vàng” vật lý.

Quyết tâm đam mê theo đuổi môn Vật lý, Thảo chọn thi vào Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), một trong những ngôi trường danh giá để mong muốn có một môi trường học chuyên sâu, thỏa mãn đam mê nghiên cứu của mình.

Thảo đỗ thủ khoa đầu vào, một niềm vinh dự, tự hào lớn cho em và gia đình, bởi để thi được vào Trường Lê Hồng Phong quả thực rất khó. Từ đó, Thảo bắt đầu con đường chinh phục giấc mơ trở thành nhà vật lý học trong tương lai của mình. Được thầy cô định hướng, bạn bè truyền cảm hứng, niềm đam mê trong em càng cháy bỏng hơn.

Năm 2015, Thảo giành được giải nhì kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đồng thời giành "cú đúp": HCB Olympic Vật lý châu Á và HCV Oympic Vật lý quốc tế. Năm 2016, Thảo tiếp tục giành HCV Olympic Vật lý quốc tế; nhận giải đặc biệt "Nữ sinh châu Á đạt kết quả cao nhất" do Hội Vật lý châu Á Thái Bình Dương trao tặng.

Đồng thời, Thảo cũng là nữ sinh duy nhất trong 3 người vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng.

Có được thành tích xuất sắc như vậy, nhưng Thảo chỉ tự nhận mình là cần cù bù thông minh. Em bảo, muốn học tốt, làm tốt, quan trọng là phải có đam mê, phải tìm được những cảm hứng, thích thú trong chính những môn học đó. Khi đã có hai yếu tố ấy thì sẽ có đam mê và học sẽ rất hiệu quả.

Thảo học giỏi Vật lý cũng vì tìm được niềm vui và nhiều điều thú vị trong đó. Chia sẻ trong lễ tuyên dương 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016 vào tối 19-3 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Báo Tiền phong tổ chức, Thảo cho hay: "Nếu đã là đam mê, là sở thích thì bạn sẽ không phân biệt nam hay nữ, không phân biệt môn học là khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội, hoặc là môn học là khó hay dễ. Nếu mọi người thay đổi cách suy nghĩ một chút, không phải là một bạn nữ học môn Vật lý, mà là một bạn yêu thích một môn học và muốn học tốt môn học ấy, thì câu chuyện sẽ đơn giản và dễ hiểu hơn".

Qua các kỳ thi tại đấu trường quốc tế, Thảo nhận thấy học sinh Việt Nam đã không còn yếu thế trong phần thực hành. "Các bạn học sinh của Việt Nam đang có những bước phát triển mới, nhưng so với bạn bè quốc tế thì có lẽ điều mà chúng ta còn thiếu là sự tự tin. Và để hướng tới các thành tích cao hơn ở đấu trường quốc tế thì cần phải khắc phục được điều này và có sự chuẩn bị thật chu đáo", Thảo tâm sự.

10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2016.

Chia sẻ thêm về cách học, Thảo cho biết, môn Vật lý có nhiều công thức phải nhớ. Vì vậy, em áp dụng cách học từ vựng tiếng Anh vào học công thức Vật lý, hơn nữa bản thân người học phải đặt nó vào tình huống. Đồng thời phải ứng dụng nhiều vào bài tập mới nhớ được. Mặt khác, ý tưởng viết sổ tay công thức cũng giúp Thảo nhớ lâu hơn.

Thảo tâm sự, để có được thành công ngày hôm nay, đó là nhờ công lớn của các thầy cô đã giúp đỡ, truyền lửa đam mê cho mình, và đặc biệt là bố mẹ đã tạo mọi điều kiện để Thảo thực hiện ước mơ của mình. Hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả, bố mẹ lặn lội, bươn chải kiếm tiền nhưng lúc nào ông bà cũng dành mọi thời gian cho các con học hành.

Từ nhỏ, chị em Thảo đã được chiều chuộng, không bao giờ phải làm việc nặng nhọc hay phụ giúp ông bà trông nom hàng quán. Ăn uống xong dọn dẹp rồi lại ngồi vào học. Ngoài những lúc học tập căng thẳng, Thảo cũng như bao cô cậu học sinh khác với đam mê: đọc truyện, tiểu thuyết, xem phim, nghe nhạc, chơi cùng bạn bè sau.

Trong khi nhiều gia đình chiều con quá mức khiến con hư hỏng thì trái lại, Thảo càng thương bố mẹ nhiều hơn. Chứng kiến bố mẹ phải thức khuya, dạy sớm, lăn lộn mưu sinh, Thảo càng quyết tâm học thật giỏi để không phụ công bố mẹ và làm gương cho đứa em noi theo.

Khi nhận được tin cô con gái bé nhỏ giành được thành tích cao trong những kì thi quốc tế, bố mẹ Thảo đã không kìm nén được những giọt nước mắt sung sướng, hạnh phúc, tự hào, bởi từ trước đến giờ, họ chỉ nghĩ rằng, cố gắng tạo mọi điều kiện cho con học hành để sau này có được nghề nghiệp ổn định, đỡ vất vả như mình.

Còn mẹ Thảo hay động viên con học tốt vì thấy con dáng ốm yếu, mong con sau này thoát khỏi công việc lam lũ chân tay.

Mong ước lớn nhất của cô sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên là được đi du học nước ngoài, được trở thành nhà khoa học, giảng viên giảng dạy của môi trường học thuật chuẩn quốc tế.

Để biến ước mơ thành hiện thực, Thảo đang gấp rút luyện tập, đầu tư học tiếng Anh thật tốt để làm hành tranh bước tiếp con đường mình đã chọn. Hi vọng rằng ước mơ của Thảo sẽ sớm thành hiện thực để em tiếp tục cống hiến và mang vinh quang về cho đất nước.

Ngọc Mai
.
.
.