Có hay không việc cán bộ xã cố tình "ngâm" hồ sơ phong tặng Bà mẹ VNAH?

Thứ Sáu, 25/08/2017, 09:57
Với những bà mẹ Việt Nam "3 lần tiễn con đi, 2 lần khóc thầm lặng lẽ", việc Nhà nước có chủ trương phong tặng, truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" chính là thể hiện tinh thần dân tộc "uống nước nhớ nguồn". Thế nhưng, tại xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, người ta dường như đang cố tình lờ đi những cống hiến ấy chỉ vì những vụ lợi của một số cá nhân.


Không đòi hỏi gì, chỉ cần làm đúng

Ngôi nhà bà Phạm Thị Thơm (67 tuổi, thôn Tổ Cầu, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản) không có gì đáng giá ngoài chiếc quạt cũ. Những trận mưa dầm, trời đất u ám càng khiến ngôi nhà thêm hiu quạnh. Nhiều năm nay, bà Thơm lặng lẽ sống một mình.

Kể về gia đình mình, bà Thơm nghẹn ngào: "Nhà tôi bây giờ chẳng còn ai, chỉ có một mình trong ngôi nhà này thôi. Bố mẹ tôi mất hết rồi, trước ông bà sinh được 4 người con (2 trai, 2 gái), hai anh tôi đã hy sinh trong chiến tranh.

Anh Phạm Văn Mùi hy sinh năm 1968, anh thứ hai là Phạm Văn Tuấn hy sinh ít năm sau đó. Giờ thì chị gái tôi cũng mất. Tôi hàng năm được hưởng các chế độ chính sách cho gia đình có công và lo hương khói cho cả nhà".

Đầu năm 2014, bà Thơm được mời lên UBND xã để hướng dẫn làm thủ tục đề nghị xét tặng mẹ bà là cụ Phạm Thị Chú danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" khi có 2 con là liệt sĩ. Nhưng rồi, đã 3 năm trôi qua, bà không nhận được phản hồi nào từ chính quyền địa phương.

Bà Thơm cho biết: "Cách đây vài hôm, cán bộ xã Liên Bảo đã tìm đến gia đình và nói sẽ làm lại giấy tờ. Họ báo với tôi, toàn bộ giấy tờ trước đó đã bị mất".

Nói tới đây, bà Thơm rưng rưng: "Gia đình tôi chẳng còn ai ngoài tôi, người ta bảo sao thì biết vậy, cho gì hưởng đó chứ có dám đòi hỏi gì đâu. Hàng năm lễ tết, ngày Thương binh - Liệt sĩ thấy xã vẫn dành 2 suất liệt sĩ của các anh cho tôi".

Bà Chu Thị Thơm nghẹn ngào nói về gia cảnh của mình.

Câu chuyện của bà Trần Thị Hường (61 tuổi), trú tại xóm 6, thôn Cao Trường, xã Liên Bảo cũng khiến không ít người bức xúc. Bố mẹ bà sinh được 4 người con (2 trai, 2 gái), hai người anh trai bà đều là liệt sĩ.

Vào tháng 4-2014, bà Hường nhận được thông báo để làm các thủ tục đề nghị xét tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" cho mẹ là cụ Bùi Thị Gái. Sau khi hoàn thiện giấy tờ thủ tục, từ đó tới nay, bà Hường không nhận được phản hồi nào từ chính quyền địa phương.

Nhiều lần bà Hường hỏi thì được cán bộ phụ trách TB - XH của xã trả lời với lý do "bận" nên chưa có thời gian giải quyết. Sau rất nhiều lần đi lại, đầu năm 2017, chính quyền địa phương mới thông báo cho bà Hường hồ sơ bị sai sót, cần bổ sung, hoàn thiện. Điều đặc biệt, cán bộ địa phương yêu cầu phải làm lại hồ sơ mới để xét tặng từ năm 2017, chứ không phải từ năm 2014.

"Bố tôi cũng là lão thành cách mạng, các anh tôi hy sinh khi cụ còn sống, gia đình tôi tuyệt đối không đòi hỏi Nhà nước điều gì cả. Giờ tôi còn có một mình, thờ cúng hương khói bố mẹ và các anh liệt sĩ. Đây là chính sách của Nhà nước đối với gia đình có công. Tôi chỉ mong làm đúng, cũng chỉ là nghĩa cử để ghi nhớ công ơn liệt sĩ, giáo dục thế hệ con cháu".

Đại tá quân đội về hưu Phạm Văn Hoàn (77 tuổi, thôn Tổ Cầu, xã Liên Bảo) cũng không khỏi băn khoăn vì sự chậm trễ của chính quyền địa phương trong việc hoàn thiện thủ tục, hồ sơ phong tặng "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng".

Ông Hoàn chia sẻ: "Gia đình tôi đóng góp cho đất nước 2 liệt sĩ, tôi cả đời trong quân đội. Bây giờ tôi đã về hưu, cũng mong cuộc sống con cháu ấm áp, vui vẻ. Chính sách của Nhà nước thực hiện đến đâu thì mình hưởng đến đó, tuyệt đối không đòi hỏi gì".

Theo chia sẻ của ông Hoàn, năm 1977, bố mẹ ông là cụ Phạm Văn Tuyên và Phạm Thị Thoa đã được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng ba vì có 3 con tòng quân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trong đó có 2 liệt sĩ là Phạm Văn Bội, Phạm Văn Định và quân nhân Phạm Văn Hoàn. "Sau khi có chủ trương của Nhà nước về xét truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tôi được UBND xã Liên Bảo mời lên làm thủ tục xét truy tặng cho mẹ tôi.

Thế nhưng từ đó đến nay đã 3 năm tôi chẳng nhận được thông báo gì. Gần đây nhất lên xã hỏi thì được họ trả lời vì hồ sơ còn thiếu tên mẹ 2 liệt sĩ. Họ làm việc như vậy là tắc trách, nếu có thiếu gì phải thông báo với chúng tôi để hoàn thiện chứ, ai lại cứ "ngâm" thế" - ông Hoàn chia sẻ.

Bản danh sách do UBND xã Liên Bảo cung cấp.

Đi tìm câu trả lời thỏa đáng

Qua tìm hiểu của phóng viên, không chỉ có 3 trường hợp đã nêu trên mà tại địa phương này có tới 11/12 hồ sơ vẫn chưa được xét truy tặng.

Chúng tôi đã liên hệ với các cơ quan ban ngành để có câu trả lời thỏa đáng vì sao hàng loạt hồ sơ truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" lại bị om trong thời gian lâu đến vậy.

Ông Phạm Văn Đằng - Phó Chủ tịch UBND xã Liên Bảo phụ trách khối văn xã thừa nhận, có việc tồn đọng hồ sơ xét truy tặng "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" ở xã.

Ông Đằng giải thích, có việc này là những năm qua cán bộ phụ trách mảng này có nhiều biến động. Việc chuyển đổi qua nhiều lần, không riêng gì công tác xét tặng "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" mà một số công tác, một số đối tượng khác cũng bị chậm trễ.

"Hồ sơ gì còn thiếu thì tạo điều kiện hết cỡ để các đối tượng sớm hơn được hưởng chế độ chính sách chứ không được phép gây phiền hà, khó khăn gì cho đối tượng. Những tồn đọng trước đây thì UBND xã cương quyết chỉ đạo. Nếu hồ sơ còn thiếu chuyển đi, chuyển về phải cùng các lực lượng chức năng xuống tận nơi để làm triệt để" - ông Đằng cho hay.

Để làm rõ hơn việc "ngâm" hồ sơ, chúng tôi có tìm gặp ông Đỗ Đồng Ngung - Cán bộ phụ trách TB - XH của xã từ năm 2013 -2016, ông Ngung giải thích nguyên nhân của việc chậm trễ này: "Bổ sung 2 -3 lượt, hiện đã được gửi lên Phòng LĐ-TB-XH huyện 2 tháng rồi.

Phòng chưa có thông tin phản hồi gì. Thông tin giữa gia đình khai và thông tin đưa lên Sở sai lệch quá nhiều, thậm chí là tên bà mẹ không có trong hồ sơ. Trong 8 trường hợp đều xảy ra trường hợp sai lệch thông tin. Hồ sơ gửi về Sở thậm chí không có tên mẹ hoặc tên bố".

Theo quy định, một bộ hồ sơ gồm rất nhiều loại giấy tờ khác nhau, trong đó có biên bản "Xét truy tặng danh hiệu vinh dự của Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng", biên bản này có đủ thành phần của xã tham dự và đương nhiên phải có đối tượng cụ thể là mẹ liệt sĩ. Vậy thiếu tên mẹ thì hồ sơ đề nghị tặng cho ai? Theo chúng tôi, cách giải thích của các vị cán bộ trên là chưa hợp lý, ngụy biện.

Huân chương kháng chiến hạng ba của gia đình ông Phạm Văn Hoàn.

Nói về việc "ngâm" hồ sơ nhiều năm của xã Liên Bảo, ông Trần Phạm Nghệ - Trường Phòng LĐ - TB - XH huyện Vụ Bản khẳng định: "Trên địa bàn huyện không có xã nào để tồn đọng như xã Liên Bảo. Không chỉ đối tượng là "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" mà còn những đối tượng khác ở đây vẫn chưa giải quyết được dứt điểm.

Chúng tôi tiếp nhận từ Phòng Nội vụ huyện từ năm ngoái, chúng tôi chỉ thực hiện chính sách thôi. Khi có quyết định phong tặng rồi thì chuyển sang bên tôi thực hiện chế độ chính sách, thực hiện chế độ về sau".

Theo các chuyên viên quản lý vấn đề này tại phòng LĐ - TB - XH huyện Vụ Bản thì mới đây có tiếp nhận 8 hồ sơ, trong đó xã Liên Bảo có 6. Tại thời điểm tháng 5-2017 mới chỉ có 1 trường hợp đủ điều kiện, 5 hồ sơ phải trả lại cho xã để tiếp tục bổ sung hoàn thiện. Riêng trường hợp của mẹ Bùi Thị Gái (mẹ bà Hường, thôn Cao Phương) được trực tiếp phòng hướng dẫn hồ sơ, chuyển đi trước 6 trường hợp nói trên.

Ông Nghệ khẳng định: "Quy định thời gian nào nộp hồ sơ là rất rõ ràng, đơn vị nào không nộp phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện và trước đối tượng".

Chúng tôi đã liên hệ với Sở LĐ - TB - XH tỉnh Nam Định, ông Nguyễn Quốc Lưỡng vui vẻ tiếp nhận thông tin từ báo chí và nói "Sở sẽ chuyển lại cho Phòng chuyên môn để tìm hiểu và cung cấp thông tin cho báo chí về những trường hợp cụ thể". n

Theo Khoản 1, Điều 2, Nghị định số 53/2013/NĐ-CP của Chính phủ Đối tượng được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng": 1. Những bà mẹ thuộc một trong các trường hợp sau đây được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng": a) Có 2 con trở lên là liệt sĩ; b) Chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sĩ và 1 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; c) Chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sĩ; d) Có 1 con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ; đ) Có 1 con là liệt sĩ và bản thân là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên…

Phong Anh
.
.
.