Cơ hội hồi sinh TPP

Thứ Tư, 25/04/2018, 09:33
Ngày 17-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có cuộc gặp gỡ tại Florida, Mỹ. Ðây được coi là cơ hội vàng để giúp “hồi sinh” Hiệp định Ðối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).


Tng thng M đi ý

Sở dĩ có kỳ vọng này, vì Tổng thống Trump hôm 12-4 đã yêu cầu Ủy viên Thương mại Mỹ Robert Lighthizer xem xét khả năng nối lại TPP. Trên Twitter, Tổng thống Mỹ viết: 

“Chúng tôi sẽ tham gia TPP nếu hiệp định này cơ bản tốt hơn so với văn bản thời Tổng thống Obama. Mỹ đã có được các thỏa thuận song phương với 6/11 quốc gia TPP, và sẽ bàn bạc để đạt đến thỏa ước với nước lớn nhất trong số đó là Nhật Bản, vốn đã gây khó khăn cho thương mại Mỹ trong nhiều năm qua”.

Trước đó, Nhà Trắng đã loan báo là ông Trump đã giao cho một trong những cố vấn kinh tế là Larry Kudlow, cùng với Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer “xem xét khả năng thương lượng một hiệp định tốt hơn hay không”. 

"Tổng thống luôn nói ông ấy để ngỏ khả năng cho một thỏa thuận tốt hơn cho nước Mỹ", phát ngôn viên Nhà Trắng Lindsay Walters nói trong một tuyên bố. "Để đạt mục tiêu đó, ông đã đề nghị ông Lighthizer và ông Kudlow xem xét đã có một thỏa thuận (TPP) tốt hơn hay chưa".

Ông Trump rút Mỹ khỏi TPP ngay trong tuần đầu tiên nhận chức Tổng thống Mỹ. Thỏa thuận, được coi là một đối trọng đối với sự nổi lên về kinh tế của Trung Quốc trong khu vực, đã được đàm phán dưới thời Tổng thống Barack Obama nhưng chưa được Quốc hội Mỹ phê chuẩn.

Ông Abe được kỳ vọng sẽ thuyết phục thành công ông Trump quay lại TPP.

Sau khi Mỹ rút đi, 11 quốc gia còn lại, chiếm 13% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, Nhật Bản và Canada, đã hoàn tất phiên bản điều chỉnh của thỏa thuận vào tháng trước. Thỏa thuận cũng đã được đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), còn được gọi là TPP 11.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump phát tín hiệu muốn quay lại TPP. Hồi tháng 2 vừa qua, ông đã để ngỏ khả năng trở lại TPP trong một cuộc họp báo với Thủ tướng Malcolm Turnbull của Australia, quốc gia cũng là một thành viên của thỏa thuận. 

Một quan chức Nhà Trắng nói rằng ông Trump thích đàm phán các thỏa thuận thương mại song phương hơn, nhưng một thỏa thuận đa phương với các nước TPP sẽ giúp Mỹ đối trọng với sự cạnh tranh của Trung Quốc và nhanh chóng hơn là đàm phán riêng với từng nước trong TPP 11.

Phát biểu vào ngày 12-4, ông Trump cũng đề cập đến bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, xem đây như tín hiệu cho thấy Trung Quốc sẵn sàng mở rộng hơn cánh cửa thị trường cho hàng hóa Mỹ. "Ông ấy sẽ cắt nhiều loại thuế và thuế quan", ông Trump nói về ông Tập.

Kế hoạch của Thủ tướng Nhật

Ngay sau đó, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố ông đã có kế hoạch đề xuất khung mới cho các cuộc đối thoại về thương mại tại cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 17-4 tại Florida. Thủ tướng Abe hy vọng sẽ thuyết phục được Tổng thống Trump chấp thuận việc Mỹ tái gia nhập TPP.

Ông Trump nhấn mạnh rằng Mỹ hiện đã có thỏa thuận song phương với 6 trong 11 nước thuộc TPP và đang cố gắng sẽ có thỏa thuận với Nhật Bản - nền kinh tế lớn nhất trong các nước tham gia TPP. 

Theo ông Trump, Mỹ chịu thiệt nhiều với Nhật về thương mại đã nhiều năm. Trên thực tế, thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật giảm gần 20% trong thập kỷ qua xuống 69,7 tỷ USD vào năm 2017. Con số này chỉ tương đương 8,6% tổng thâm hụt thương mại Mỹ, thấp hơn tỷ lệ 30% của 20 năm trước. Trong khi đó, thâm hụt thương mại với Trung Quốc trong tổng thâm hụt thương mại Mỹ lớn hơn nhiều.

Mỹ đang thúc đẩy mạnh mẽ phía Nhật Bản để bắt đầu các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do song phương, tìm hiểu nhu cầu về chính sách ngoại hối và xuất khẩu khi Thủ tướng Shinzo Abe tới Mỹ vào ngày 17-4. Washington đã nhiều lần đề nghị Tokyo ngồi lại bàn đàm phán. Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ thì đây chỉ là vấn đề thời gian.

Trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra vào tháng 11 tới, ông Trump đang phải đối mặt với áp lực mạnh mẽ từ các nhóm nông dân và một số đối thủ khác. Áp lực này khiến Tổng thống Trump muốn nhanh chóng ký một thỏa thuận thương mại với Nhật Bản. Mới đây, Nhật Bản đã ký một số điều khoản sửa đổi của TPP với 10 thành viên còn lại, để cho ra đời hiệp định mới là CPTPP.

CPTPP cắt giảm thuế mà Nhật áp đối với thịt bò nhập từ Úc xuống mức 9%, trong khi Mỹ vẫn phải chịu mức thuế 38,5%. Điều này khiến các nhà sản xuất thịt bò ở Mỹ lâm vào thế bất lợi. Ngành công nghiệp ô tô đóng góp nhiều nhất vào sự mất cân bằng thương mại giữa Nhật Bản và Mỹ. Tuy nhiên, Nhật Bản đã bỏ thuế đối với xe ô tô của Mỹ, trong khi Mỹ vẫn duy trì mức thuế 2,5% đối với ô tô chở khách và 25% đối với xe tải từ Nhật Bản. Thay vì thảo luận thêm về thuế, ngành công nghiệp ô tô của Mỹ muốn có các biện pháp ngăn cản Nhật Bản làm suy yếu đồng tiền của họ, tờ Nikkei Asia trích lời một nguồn tin từ Nhà Trắng.

Trước thềm cuộc gặp ngày 17-4 tại Florida, Tổng thống Trump vẫn chưa đề nghị đàm phán thương mại song phương trong các cuộc gặp mặt trực tiếp với ông Abe. Tờ Nikkei Asia nhận định "tuần trăng mật giữa Trump và Abe dường như đang kết thúc" khi ông Trump tìm kiếm các cuộc đàm phán trực tiếp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, việc hợp tác với Nhật Bản trở nên không quan trọng. Theo một nguồn tin từ Nhà Trắng được Nikkei Asia trích lời thì "ông Trump thiếu kinh nghiệm kinh doanh đáng kể ở Nhật Bản và ít quan tâm đến nước này".

Phải có “thỏa thuận tốt hơn”

Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tại Washington ngày 23-2, Tổng thống Trump đề cập tới khả năng đưa Mỹ tái gia nhập TPP "nhưng họ phải đưa cho chúng tôi một thỏa thuận tốt hơn nhiều". Vẫn giữ nhận định cứng rắn như khi quyết định rút Mỹ ra khỏi TTP, Tổng thống Trump cho biết Hiệp định TPP ban đầu là "một thỏa thuận rất tệ". Nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng hiệp định này đã lấy đi số lượng việc làm đáng kể của người Mỹ - điều mà ông đã luôn hô hào sẽ giành lại trong quá trình vận động tranh cử của mình.

Vào ngày 25-1, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sĩ), Tổng thống Trump cho biết sẽ cân nhắc đưa Mỹ tái gia nhập TPP nếu Washington đạt được một thỏa thuận tốt hơn nhiều so với thỏa thuận mà ông mô tả là "kinh khủng" trước đây. Và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng đề cập đến khả năng Mỹ quay trở lại TPP trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso hồi đầu tháng 2 ở Tokyo khi ông Pence có chuyến thăm tại đây trước khi bay sang Hàn Quốc dự khai mạc Olympic mùa Đông.

Điều đó cho thấy rõ Mỹ cũng muốn quay lại TPP nhưng phải thương lượng có lợi hơn cho Mỹ. Chủ trương chính sách thương mại của ông Trump là "Nước Mỹ trước tiên", mục tiêu chủ yếu là thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của Mỹ, chấn hưng ngành sản xuất, củng cố thành quả việc làm. 

Ông Trump áp dụng phương thức kết hợp giữa phá bỏ cái cũ và lập lên cái mới để thúc đẩy mục tiêu chính sách thương mại của mình; ở trong nước thì thông qua cải cách, tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng để giải phóng sức sống của doanh nghiệp, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Mỹ, đối với bên ngoài thì nỗ lực xây dựng lại hệ thống thương mại, thực hiện thương mại bình đẳng.

Chính sách thương mại trong năm cầm quyền đầu tiên của ông Trump phần nhiều được thể hiện qua việc phá vỡ cơ chế thương mại hiện đang "gây bất lợi cho Mỹ", cho thấy rõ xu thế bảo thủ, trong đó có việc rút khỏi TPP, đàm phán lại các hiệp định thương mại như Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), thực thi Luật Thương mại để tăng cường thẩm tra vốn nước ngoài đổ vào Mỹ, khởi động điều tra theo "Điều khoản 301" đối với Trung Quốc về tình hình thực thi quyền sở hữu trí tuệ, phát động điều tra 79 vụ việc mới về chống bán phá giá và chống trợ cấp...

Bàng Cương
.
.
.