Có một buồng hạnh phúc duy nhất ở trại phong

Thứ Ba, 06/01/2015, 07:00
28 năm chồng vào trại phong điều trị là chừng ấy thời gian bà Kính đi đi về về vì còn ba đứa con trai nhỏ. Tới khi lo cho các con yên bề gia thất, bà vào trại phong ở với chồng để tiện bề chăm sóc. Cảm phục tấm lòng của bà, ban giám đốc trại phong đã dành hẳn một gian cho hai người. Đó là buồng hạnh phúc duy nhất ở trại giam mà mỗi khi có ai hỏi đến, mọi người đều trêu rằng túp lều của đôi uyên ương già.

Đói khổ vẫn không bỏ chồng hủi

Tiếp chuyện với chúng tôi, thấy chúng tôi tò mò hỏi về câu đùa “đôi uyên ương già”, bà Đỗ Thị Kính, 65 tuổi, cứ mủm mỉm cười. Chuyện người ta sợ hủi, ghét hủi ở đâu chứ với bà thì đó cũng chỉ là một căn bệnh giống như bao nhiêu căn bệnh khác. Thế nên không giống nhiều người, có người thân mắc bệnh là gửi gắm trại rồi lờ tịt chuyện thăm nom như thể sợ bị thiên hạ biết thì bản thân liên lụy.

Kể với chúng tôi cái ngày son trẻ, bà bảo không hiểu sao ngày đó dư sức khỏe thế. Một mình đi làm nuôi ba đứa con, rảnh lại sấp mải đạp xe vào trại chăm chồng, vất vả thế mà chưa khi nào bà nghĩ tới chuyện bỏ ông. Chồng bà, ông Trương Văn Đức, 68 tuổi, cư dân ở trại phong Ba Sao (Hà Nam) gần 30 năm nay, vì nghễnh ngãng nên không nghe được những điều vợ kể. Bà bảo, chính ra như ông lại hay bởi chẳng nghe thấy gì sẽ không phải buồn lòng vì những điều tiếng người ta nói về mình.

Cùng sinh ra và lớn lên ở thị trấn Kiện Khê, Thanh Liêm (Hà Nam) nên ông bà Kính hiểu rất rõ về hoàn cảnh của nhau. Thương ông Đức mồ côi từ nhỏ, bà Kính càng thấy tội cho ông mỗi khi bị bạn bè trêu chọc chỉ biết cười trừ. Tai bị điếc nào có nghe thấy gì thành ra những lúc đó trông ông thật tội. Lòng thương người đã đưa đẩy bà đến với ông, dám cùng ông nên nghĩa vợ chồng trong khi nhiều người chỉ muốn lấy một người chồng khá giả, năng động.

“Ngày tôi thông báo lấy ông Đức, bố tôi giận lắm. Mẹ thì chửi rồi khóc nhưng mà tôi không nỡ rời xa ông ấy. Ông ấy cũng có dám hỏi cưới tôi đâu mà là tôi viết ra giấy, hỏi có muốn cưới tôi không, ông ấy gật, thế là cưới”, bà Kính kể, hai tay vẫn không ngừng xoa lên đôi tay sưng tấy, bệnh tật của chồng.

Nên vợ nên chồng, ngày ngày ông bà dắt nhau đi làm. Công việc ở xí nghiệp sản xuất đá vôi nặng nhọc, độc hại trong khi thu nhập chẳng được là bao nhưng vì kinh tế không có nên ông bà chỉ biết nhìn nhau, động viên nhau cố gắng. Ba đứa con trai lần lượt ra đời càng làm cuộc sống của gia đình công nhân ăn lương theo sản phẩm như bà thêm khốn khó. Bà Kính bảo không riêng gì gia đình bà mà thời đó, tất cả đều thế cả. Đều là chạy ăn từng bữa, là những tấm áo chằng đụp mảnh vá và những bữa cơm độn, rau khoai là chính. Đang cùng vợ gánh vác chuyện gia đình, đùng một cái thì ông vào trại phong.

“Tôi còn nhớ năm 1986, lũ lụt kinh khủng, mất mùa nên ở đâu cũng đói, xí nghiệp ít việc nên ai cũng tranh làm, cố giữ đồng lương ít ỏi. Mỗi khi đi làm về, thấy hai chân ông nhà tôi cứ phồng rộp lên, đỏ mọng, tôi cứ nghĩ ông ấy bị bỏng vôi nên kiếm đủ các thứ lá bôi rồi đắp nhưng mãi không khỏi mới đưa ra bệnh viện khám”, bà Kính kể. Nghe bác sỹ thông báo chồng mắc bệnh phong, bà Kính sững người, chết lặng. Vậy là ngay năm lũ lụt đó, chồng bà vào trại phong sống, để lại gánh nặng con cái cho người vợ.

Còn lại một mình vừa đi làm vừa chăm ba đứa con, bà Kính chẳng lúc nào ngơi tay. Sáng ra bà chuẩn bị cơm nước chu tất cho các con rồi sửa soạn đi làm, sau đó tranh thủ đạp xe vào trại phong xem chồng ăn ở ra sao. Đường vào trại phong ngày đó tuy chỉ có 20 cây số nhưng đầy những ổ trâu, ổ gà, nhiều chỗ phải dắt bộ nhưng bà vẫn không nản. Đều đặn ngày nào cũng thế, dù công việc ở nhà, ở xí nghiệp bừa bộn, vất vả, bà Kính vẫn cố gắng đạp xe vào thăm chồng, nhiều khi chỉ để ngồi với ông một lát, kiểm tra xem đồ ăn thức uống, áo quần của ông thế nào rồi lại quày quả quay về lo cơm nước, tắm giặt cho các con. Ăn uống kham khổ lại tốn sức vì lao động và chăm chồng con nên bà Kính lúc nào cũng vêu vao, ai nhìn thấy cũng thương. Nhiều người khuyên bà cứ kệ chồng trong trại đã có y tá chăm sóc, hơi sức đâu mà ngày nào cũng đi lại thế nhưng cái tính bà vẫn vậy, không nhìn thấy là không yên tâm. Bà bảo tại chồng bà không nghe được nên cứ nghĩ tới những lần ông bị bạn bè trong xí nghiệp đem ra làm trò đùa là bà lại thương ông, lo cho ông.

Thấy vợ xanh xao, gầy còm, ông Đức biết vợ ở ngoài cực khổ nên nhúc nhắc đi làm.

Ông nhận chăn thả bò, nhận dê, mượn đất của trại cùng vợ trồng ngô khoai. Những ngày cuối tuần, vợ ông lại đèo các con vào, cùng ông chăn nuôi trồng trọt và ăn những bữa cơm sum họp. Chính vì thế nên ba đứa trẻ chưa khi nào cảm thấy xa cách hay mặc cảm về thân phận có cha mắc bệnh “hủi”, chúng nô đùa trong khuôn viên trại với các bệnh nhân phong khác, không một chút e dè, xa lánh. Cuộc sống của gia đình ông bà Đức - Kính cứ thế quay vòng rồi cũng qua cơn bĩ cực. Khi các con trưởng thành, bà Kính yên tâm giao toàn bộ nhà cửa cho con cái trông nom, vào hẳn trại phong ở với chồng.

Tuổi thất thập vẫn ngập tràn hạnh phúc

Thời gian đầu bà Kính vào với chồng, chẳng ai nghĩ bà sẽ ở lâu vì còn con cháu và thông gia nhưng khi biết bà có ý định ở lại chăm chồng, ban giám đốc bệnh viện đã dành cho ông bà một căn phòng nhỏ sát với phòng y tế. Kể từ đó, mọi người trong trại vẫn trêu đùa rằng đó là căn buồng hạnh phúc. Hôm chúng tôi tới thăm, bà Kính đang ngồi theo dõi máy trợ tim cho chồng. Đã gần tới tuổi 70 nhưng bà Kính vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Bà thoăn thoắt làm việc trong khi vẫn vui vẻ trò chuyện với chúng tôi. Bà bảo cũng có lúc nghĩ quẩn, nhất là những khi trưa nắng, bụng thì đói mà nhễ nhại mồ hôi đạp xe lên với chồng; rồi những lần từ trại phong trở về, trời tối thui, vừa đạp xe vừa sợ gặp cướp dọc đường, về đến nhà, bếp vẫn nguội tanh nguội ngắt… nhưng rồi nghĩ tới con, nghĩ đến những cơn đau co rút tay chân và cả tuổi thơ nghèo khổ, không cha mẹ của chồng, bà lại thấy mình quá ích kỷ.

Bà Kính cười hạnh phúc bên chồng.

 “Tôi phải tự túc ăn uống nhưng già cả như chúng tôi ăn uống được bao đâu mà lo, nuôi vài con gà là đủ. Sống đến tuổi này rồi, tình nghĩa mới là quan trọng”, bà Kính thủ thỉ. Có bà lên chăm, tự tay nấu những món ăn ưa thích, ông Đức vui lắm, béo khỏe hơn trước. Bà bảo ngày nào các bạn của ông Đức cũng sang chơi, xem tivi, nói chuyện thời sự và cả đánh cờ tướng. Những lúc ấy bà lăng xăng đun nước, pha trà rồi để ông Đức tiếp bạn, còn bà tranh thủ đi chợ hay ra vườn lam làm. Mùa nào thức ấy, bà trồng rau, ngô đỗ, ăn không hết còn chia cho mọi người trong trại. Bà còn làm chuồng nuôi gà, thả dê để có cái cải thiện và tăng thu nhập. Nhờ có tiền tăng gia của bà mà năm 2007, khi phát hiện ông Đức suy tim độ ba, bà đủ tiền mua máy cho chồng điều trị rồi vài ngày lại một lần đưa chồng ra bệnh viện thăm khám, tiền thuốc thang tốn kém nhưng bà đều xoay sở được. Bà bảo không phải tới lúc này khi ông bị bệnh tim bà mới quanh quẩn bên chồng mà ngay từ ngày còn trẻ, bà vẫn thu xếp công việc để ngày ngày đạp xe vào thăm chồng. Noi gương mẹ, các con bà thi thoảng lại vào thăm bố mẹ. Theo lời bà Kính thì giờ bà đã có 6 cháu nội, có đứa đã lấy chồng, tuy các con trai của bà đều chỉ là những người lao động bình thường, làm đá, làm vôi như vợ chồng bà ngày trước nhưng luôn thương yêu, quý trọng nhau. Chưa khi nào bà phải phiền lòng hay lo lắng về các con.

Tạm biệt căn buồng hạnh phúc của đôi uyên ương già, chỉ có những cái gật, lắc, ra hiệu bằng cử chỉ của ông nhưng chúng tôi cảm nhận cuộc sống của ông bà thật hạnh phúc. Hóa ra giữa cuộc sống xô bồ này vẫn còn đó những người phụ nữ tần tảo, thương chồng như bà Kính. Hiếm nhưng vẫn có để mọi người cùng suy ngẫm và học tập.

Gia Khánh
.
.
.