Có một làng cắt tóc giữa Thủ đô

Thứ Ba, 18/06/2013, 10:54

"Sang sang một tráp gương, lược, dao/ Chơi ngông gọt gáy khách anh hào". Đó chính là hai câu thơ tự họa của người làng Kim Liên xưa (nay thuộc phường Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội) về nghề cắt tóc của làng mình.

Dù đã qua rồi thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của cái nghề "vít đầu thiên hạ" nhưng với nhiều người thì đó vẫn là một quá khứ đáng để tự hào. Những ai tâm huyết với nghề vẫn canh cánh nỗi lo đến một ngày nào đó nghề sẽ bị thất truyền do lớp trẻ của làng hiện nay nhiều người không trân trọng nghề của cha ông nữa… 

Cắt tóc cho vua và chu du thiên hạ

Chiều muộn, tôi ghé quán cắt tóc của nghệ nhân Phạm Duy Hào - người được 3 lần liên tiếp nhận danh hiệu "Cây kéo vàng" do Hội làng nghề trao tặng. Quán khi đó không đông khách, ông chủ cửa tiệm cắt tóc lơ đãng nhìn xuống dòng người đang hối hả ngược xuôi trên đường. Thoáng thấy cảm tình với chút mơ hồ ấy của người thợ cắt tóc lừng danh.

Nhưng có nói chuyện mới hiểu những lúc vắng khách là những khoảnh khắc anh Hào hay gặm nhấm về một thời quá khứ huy hoàng của cái nghề mà mình đang theo đuổi. Anh bảo: "Thời Pháp thuộc chính là thời kỳ mà cái nghề cắt tóc ở làng tôi phát triển rực rỡ nhất. Hồi đó, cứ mỗi buổi sáng các cụ rộn ràng kéo nhau ra khỏi nhà, ăn mặc lịch sự lắm, vest trắng, vest đen đủ cả. Họ ăn sáng, uống cà phê rồi sau đó mới tỏa đi các phố để cắt tóc.

Mà ngày ấy, những người làm nghề như chúng tôi rất trân trọng nghề của mình. Trước khi làm đẹp cho thiên hạ thì phải làm đẹp cho mình cái đã. Thế nên đầu tóc của những người thợ cắt tóc khi nào cũng bóng mượt, tay thường được rửa rất sạch trước khi bắt đầu cắt tóc cho khách".

Nghề cắt tóc của làng Kim Liên trong thời Pháp thuộc đã giúp dân trong làng giàu lên trông thấy. Những người làm nghề đều có thể tậu được cho mình những chiếc xe đạp, thậm chí là cả xe máy oách nhất thời đó.

Thắp hương thành kính ông tổ làng nghề.

Thời kỳ đỉnh cao trong làng có tới hơn 1000 người làm nghề cắt tóc. Có gia đình có tới 3 thế hệ cùng lúc đều làm nghề này. Những tay kéo lẫy lừng ngày ấy như các cụ Phạm Duy Hiển, Phạm Văn Cam, Nguyễn Văn Mừng, Nguyễn Đức Hiền đã mang danh tiếng làng đi khắp thiên hạ.

Đặc biệt trong số những người được xếp vào bậc "thiên hạ đệ nhất kéo" ấy phải kể đến cụ Phạm Duy Hiển - người được vua Bảo Đại "chiêu nạp" để cắt tóc cho vua và hoàng tộc. Là cháu nội đích tôn của cụ Hiển, anh Hào không giấu được niềm tự hào khi khoe với chúng tôi về vinh dự đó: "Hồi ấy, tay kéo của ông nội tôi nổi tiếng lắm, ai ai cũng đều biết cả. Trong một chuyến vi hành, vua Bảo Đại đã ghé vào quán rồi bảo ông tôi cắt tóc cho.

Nhìn những đường lia kéo như đang múa của ông tôi và ngắm mái tóc vừa được cắt vua Bảo Đại rất ưng ý nên đã "vời" ông tôi vào cung để cắt tóc cho Vua và hoàng tộc. Ông tôi vào Huế và phục vụ chuyện làm đẹp cho vua khoảng 6, 7 năm gì đó cho tới khi vua trao ấn lại mới thôi.

Tôi nhớ là hồi đó cứ hàng tháng, ông nội đánh điện dây thép cho bà tôi ra lĩnh tiền. Nhiều tiền lắm, nhiều đến mức mà sau đó bà nội tôi dành dụm mua được tới mấy cái nhà. Nghề cắt tóc của ông đã nuôi cả gia đình tôi sống sung túc khi đó".

Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, mô hình hợp tác xã ra đời. Làng Kim liên có Hợp tác xã Đồng Tiến là tập hợp các cửa hàng cắt tóc của người làng trên các phố Hàng Quạt, Hàng Đào, Cầu Gỗ… Hợp tác xã cắt tóc ấy hoạt động rất quy củ và nghiêm túc. Những người được chọn vào Hợp tác xã đều được tuyển lựa rất kỹ càng và sát hạch liên tục.

Về Kim Liên, hỏi bất cứ người nào nếu là người dân gốc của làng thì ai ai cũng kể vanh vách xuất xứ cái nghề mà người ta vẫn gọi vui là nghề "vít đầu thiên hạ". Từ lâu ở Kim Liên đã lưu truyền giai thoại về ông thầy địa lý Tả Ao có lần đi qua làng. Lúc dừng chân ngồi uống nước, ông đã được các cụ bô lão mời vào đình hỏi ý kiến xem nên chọn nghề nào là nghề chính cho trai làng.

Sau một hồi bàn luận, ý tứ của mọi người muốn chọn nghề mà bảo sao người ta phải nghe vậy, cụ Tả Ao liền bảo vậy mọi người chọn nghề "vít đầu vít cổ thiên hạ". Mọi người đều vui vẻ đồng ý và nghề cắt tóc của làng Kim Liên ra đời từ đó.

Ông Hiền, một trong những người thợ cắt tóc từ thời Pháp và cũng là một trong số ít những người thợ lâu năm nhất của làng Kim Liên hiện vẫn dành phần lớn thời gian mỗi ngày để truyền nghề cho thanh niên trong làng. Ông Hiền kể, thời Pháp thuộc nghề cắt tóc ở làng Kim Liên phát triển rất mạnh, nổi tiếng đến mức người ta gọi làng Kim Liên là làng cắt tóc.

Với ông Hiền, những vật dụng cắt tóc xưa cũ là những kỷ vật quý giá nhất vì nó lưu giữ những kỷ niệm của một người thợ cắt tóc luôn hãnh diện với cái nghề mà mình đã miệt mài theo đuổi. Thời của ông Hiền, nhiều người vẫn đi cắt tóc dạo với một chiếc hòm gỗ đựng đồ nghề và một chiếc ghế cao su. Đi đến đâu là cắt tóc đến đấy. Đến thời buổi kinh tế mở cửa, có những người con của làng Kim Liên đã mang nghề của ông cha ra nước ngoài sinh sống như anh Hào, anh Kiên…

Nghệ nhân Phạm Duy Hào đang cắt tóc cho khách.

Đau đáu nỗi lo thất truyền

Thời kỳ Pháp thuộc nghề cắt tóc ở Kim Liên phát triển là thế nhưng đến thời bao cấp, cả làng Kim Liên chỉ còn khoảng 10% người dân bám trụ với nghề này do cơ chế khó khăn hơn và những người cắt tóc ở Kim Liên thời điểm đó không còn được tự do sáng tạo nữa.

Tính tới thời điểm hiện nay, làng Kim Liên chỉ còn khoảng xấp xỉ 30 hộ còn theo đuổi nghề của ông cha. Con số này thực sự đem lại một nỗi lo âu, muộn phiền cho những người còn rất tâm huyết với nghề. Nỗi lo thất truyền không phải là không có cơ sở. Bởi thực tế hiện nay, với vị trí nằm ngay giữa trung tâm Thủ đô, người dân nơi đây có thể buôn bán, kinh doanh nhiều ngành nghề khác mang lại lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần so với nghề cắt tóc.

Mang nỗi trăn trở này, ông Phạm Duy Cốc, tuổi đã ngoại 60 chia sẻ: "Thời cực thịnh hầu hết những người trong làng đều làm nghề này. Một nhà có ba thế hệ cùng làm nghề không hiếm. Thời chúng tôi cắt tóc là nghề chính, nuôi sống cả gia đình. Thế nhưng đến thời nay, bọn trẻ không nghĩ thế, đa số đều không trân trọng nghề này mà chỉ coi đó là một nghề phụ, làm tạm trong lúc sa cơ lỡ vận mà thôi. Thế nên không còn nhiều thanh niên tha thiết với nghề nữa. Tôi cảm thấy rất buồn vì dù gì đó cũng là một nghề làm cho làng Kim Liên nổi danh khắp cả nước".

Biết bao những bậc cao niên của làng Kim Liên chỉ đành lòng rời xa cái nghiệp của mình khi chân đi không vững, tay không cầm nổi cái kéo. Có những buổi chiều, cụ Phạm Văn Cam (87 tuổi), tay chống gậy, chân dò dẫm lặng lẽ lần ra những quán cắt tóc trong làng rồi đứng ngắm từ xa bần thần, ngơ ngẩn.

Còn có hôm, cụ thuê hẳn xe ôm, nhờ người ta đưa đến gốc cây xà cừ trước cổng rạp xiếc Trung ương - nơi mà những năm về trước cụ đã từng thỏa trí sáng tạo để làm đẹp cho biết bao người. Hai năm trở lại đây, sau một trận ốm thập tử nhất sinh, sức khỏe của cụ giảm sút nghiêm trọng nên không thể trụ lại với nghề. Khi nào nhớ quá cụ lại mang bộ đồ nghề của mình ra lau chùi, ngắm nghía. Con cháu bảo, có lẽ cái nghề ấy nó đã ngấm vào từng mạch máu của cụ mất rồi.

Có tiếp xúc với những người thuộc lớp trước của làng Kim Liên mới hiểu họ yêu nghề của mình đến nhường nào. Họ yêu luôn cả những tình cảm trân trọng mà những khách hàng đã dành cho họ.

Khó có thể tin rằng, khi kể lại một kỷ niệm đặc biệt trong cuộc đời hành nghề cắt tóc của mình, anh Phạm Duy Hào đã bật khóc: "Có một lần, giữa đêm khuya tôi nghe thấy có người gọi cửa nhà mình rất gấp. Tôi hốt hoảng lao ra mở cửa thì thấy một người lạ. Họ nói bố họ đang hấp hối trong bệnh viện Xanh pôn, trước khi nhắm mắt ông cụ có một ước nguyện là được đích thân tôi cắt tóc cho cụ lần cuối.

Ban giám khảo cuộc thi “Cây kéo vàng”.

Thấy người ta yêu quý mình như thế tôi không nỡ lòng nào từ chối nên vội vã phi vào viện cùng con của cụ. Đến nơi, tôi nhận ra đấy chính là khách quen của mình. Khi ấy cụ yếu lắm rồi, các con phải đỡ hai bên để cụ hơi ngả ra phía sau còn tôi thì cắt tóc. Khi tôi cắt xong, cụ quờ quờ tay nắm lấy tay tôi rồi mấp máy môi chắc là nói lời cảm ơn. Và ngay sau đó thì cụ qua đời. Với một người làm nghề như tôi thì đó chính là phần thưởng vô giá cho những đam mê của mình".

Kể từ năm 2005, cứ tới dịp lễ hội truyền thống cuộc thi "cây kéo vàng" lại tưng bừng diễn ra tại đình làng Kim Liên với các cuộc thi tài của những tay kéo gốc làng đến từ mọi miền đất nước. Thi đấu khi ấy không phải để hơn thua mà là để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Và đó cũng là cách đánh thức niềm tự hào làng nghề trong thế hệ trẻ để "làng cắt tóc Kim Liên" sẽ không trở thành chuyện cổ tích

Phong Anh
.
.
.