Có một thị trường đen ngang nhiên buôn bán ngà voi

Chủ Nhật, 28/07/2019, 22:17
Bất chấp đạo lý và luật pháp, để đáp ứng nhu cầu chơi của một số người có tiền, người ta sẵn sàng đoạt mạng, bẻ răng, đẽo xương, lột da voi để làm đồ trang sức, đồ trưng bày thể hiện “đẳng cấp” của mình.


Những kiểu tận diệt voi để lấy ngà

Pắc Kú, một con voi nhà đang xích ở bìa rừng khu du lịch Thác Bảy Nhánh, tỉnh Đắk Lắk thì bị chém tới 219 nhát dao rựa. Chưa giết được voi Pắc Kú dũng mãnh, tên trộm còn đang tâm tẩm xăng dầu đốt chết chú để đập vỡ hộp sọ, nhổ lấy cặp ngà dài. Lũ trộm chỉ nghĩ đến một điều duy nhất: răng (ngà) của Pắc Kú quá to, dài, có cặp ngà ấy là có thể bán ra chợ đen với giá 30 triệu đồng/kg. Pắc Kú vẫn sống sót ít ngày nữa sau thảm họa, với một cơ thể bị băm vằm.

Con voi Pắc Kú bị kẻ săn trộm chém.

Bất kỳ ai nhìn vào cảnh đó cũng đau lòng và ghê sợ trước sự tàn ác vô song của con người. Một con voi nhà khác ở huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk bị giết chết. Gia chủ đem chôn thành viên từng nửa thế kỷ sống như người thân với tên riêng. Nhưng vừa chôn xong thì kẻ xấu lại nửa đêm xông đến quật mồ voi lên hòng lóc xương để đẽo làm vật trưng bày lưu niệm. 

Ông Đàn Năng Long ở huyện Lắc, tỉnh Đắk Lắk, người sỡ hữu đàn voi nhà nhiều nhất Tây Nguyên hiện nay cho chúng tôi xem những bộ ảnh voi của ông bị trộm giết chết. “Chúng tôi đã phải chôn con voi xấu số dưới hồ nước, bằng cách buộc đá vào rồi thả trong thế giới bí mật của hồ sâu để kẻ xấu không tìm ra mộ voi.

Bởi chúng luôn tìm kiếm, đào bới để lấy... lông đuôi, ngà, xương, da đem bán”. Để tìm ra kẻ giết voi của mình, ông Long đã phải âm thầm truy tìm bằng chứng rồi tố cáo lên cơ quan Công an. “Voi tặc” cuối cùng đã bị Tòa án nhân dân huyện Lắc xử tù.

Câu hỏi đặt ra là ngà voi đó đã được tiêu thụ ra sao? Ngoài ngà voi do đám “voi tặc” trong nước giết voi nhà thì còn có lượng ngà voi buôn lậu qua biên giới vào Việt Nam. Phải nói, đây là những hành vi bị lên án, vi phạm luật pháp Việt Nam và công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ngang nhiên buôn bán ngà voi và đồ mỹ nghệ từ ngà voi

Theo khảo sát của chúng tôi, tình trạng buôn bán ngà voi và sản phẩm từ ngà voi trên mạng xã hội khá phổ biến. Các đối tượng vô tư chụp ảnh, quay video đưa hàng lên rao bán, sẵn sàng chuyển hàng đến tận nhà, vận chuyển qua bưu điện “dù bạn ở bất cứ đâu”. Nhiều công ty bán hàng qua mạng thuộc loại rất lớn ở Việt Nam cũng bán sản phẩm nhẫn, vòng ngà voi trên hệ thống của mình.

Tại đầu Cầu Treo nổi tiếng khu du lịch Bản Đôn (xã Krong Ana, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), H - một nhân viên có đeo thẻ, làm nhiệm vụ bán vé cho khách tham quan, tự nhận mình là nhân viên phục vụ du lịch, chị ta và chồng “ngả bài” bán rất nhiều vòng, nhẫn tự giới thiệu là làm bằng ngà voi. Chị ta cũng bật đèn điện thoại lên dạy khách cách phân biệt ngà voi thật và ngà voi giả.

Hàng giả làm bằng nhựa hoặc xương động vật có giá vài chục nghìn đồng/ chiếc. Thứ này, vì không sợ ai bắt giữ nên họ để cả rổ trên mặt bàn để khách chọn mà không cần kiểm soát. Còn hàng thật thì họ giấu kỹ. Giấu để tránh bị Công an bắt, tránh bị ăn trộm, vì giá chợ đen một vòng tay bằng ngà voi thật đã lên đến 5 triệu đồng.

Khi chúng tôi đòi xem hàng thật, hai vợ chồng cô nhân viên du lịch đưa ra một nắm vòng và nhẫn. Sau này, khi “vào vai” sâu, chúng tôi còn được họ gửi qua mạng xã hội cả hình ảnh những khúc, những chiếc ngà voi lớn, trị giá (chợ đen) vài trăm triệu đồng.

“Hàng nào cũng có, to bé có cả. Vấn đề là anh chị có nhu cầu không. Và có đồng ý với hàng em gửi qua zalo không thôi, đặt hàng là có”, họ cho biết khi gửi ảnh cho chúng tôi.  Cán bộ của tổ chức điều tra về bảo tồn vào vai du khách đi cùng chúng tôi đã khẳng định: vợ chồng H. bán ngà voi thật.

Trên bàn làm việc của H. vẫn có bưu kiện chuẩn bị chuyển qua đường bưu điện cho một khách hàng ở huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Đủ địa chỉ người gửi, người nhận kèm theo số điện thoại. Vợ chồng H cam kết, nếu khách mua mà không đem được hàng lên máy bay, họ sẵn sàng đền bù sản phẩm mới, dù là hơn 5 triệu đồng một cái vòng tay ngà voi thật, bởi họ bán đã nhiều năm và chuyển cho khách đã nhiều lần.

Chồng H người Hà Tĩnh, anh ta cho biết, đã về quê và mang cả nắm vòng về bán cho người quê, anh ta cầm hàng lên máy bay vô tư. Chị H thì thường xuyên chuyển hàng cho khách qua bưu điện, xem hàng qua zalo, cam kết hàng không đúng chất lượng (ngà thật) thì sẽ đền bù và chịu mọi hình phạt.

“Anh chị xem đi. Cái vòng tay ngà voi này có giá  5,5 triệu đồng. Ở đây có thợ gia công chế tác, làm theo ý của khách luôn. Mẫu gì em cũng có, em hay đăng lên zalo để bán. Nếu đeo mà vòng nó lên màu vàng thì mới là ngà thật. Khi nó bị vàng thì tẩy bằng chanh hoặc kem đánh răng là trắng dần, lên vân đẹp lắm, có màu trắng vân, có huyết vân, tức là vân đo đỏ như mạch máu. Đưa đi máy bay thoải mái không vấn đề gì, em cam đoan luôn vì em bán hàng suốt mà!”.

Tại phố Y Ngông, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi vào một cửa hàng đồ lưu niệm, mỹ nghệ, buôn bán xương và ngà “khét tiếng”. Đi theo chỉ dẫn của họ, chúng tôi tiếp xúc với người bán hàng trẻ tuổi.

Quan sát đầu tiên, quán mặt phố, biển hiệu bé, cái ôtô màu đỏ như vô tình che chắn cho các hoạt động tấp nập bên trong. Ở phòng khách, có anh bạn trẻ tuổi cặm cụi lấy thước ngoàm đo bán kính của từng chiếc vòng ngà voi một. Một bịch to, anh ta là người đến lấy hàng mua buôn. Hàng nghìn sản phẩm được giới thiệu, cam kết là từ ngà voi, từ răng, xương của động vật hoang dã quý hiếm như gấu được trưng bày. Người bán hàng khẳng định, hàng vô thiên lủng.

“Nếu anh mua nhẫn, vòng ngà voi ở đây, dùng vài năm mà phát hiện ra nó là hàng rởm đến đây, mỗi vòng em đền 100 triệu đồng, đền cả cái ôtô kia”, anh ta chỉ ra cái ôtô đỏ chót đỗ ở cửa quán. Quả thật, có đến 100% các lý do ban đầu để người ta tin đại bản doanh ngà voi này không phải hàng rởm.

Ở khu du lịch Biệt điện Bảo đại 3, tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cũng trong dịp khảo sát này, chúng tôi còn ghi nhận, thậm chí người ta còn trưng bày tủ kính, treo biển bán “lông đuôi voi” trước hàng vạn khách trong và ngoài nước. Tại cửa hàng đồ lưu niệm rất to, bán đủ thứ mặt hàng đắt đỏ và khá sang trọng tên là Minh T ở phố Nguyễn Văn Cừ, TP Buôn Ma Thuột, người bán hàng tự giới thiệu mình tên là  N., vô tư mở tủ kính cho khách xem đủ thứ hàng từ ngà voi.

Cũng không nên thận trọng nói “giống như ngà voi” mà đây chắc chắn là ngà voi. Bởi anh ta đem ra cả khúc nặng mấy cân, to như bắp đùi. Có chuyên gia đi cùng, nhưng không có chuyên gia thì chúng tôi vẫn không bao giờ tin đó là ngà voi giả. Khi chúng tôi vào vai con buôn, muốn làm ăn phát đạt, muốn trưng bày trong nhà một bức tượng cầu Lộc bằng ngà voi to và tự tay mình đi đặt thợ chế tác theo mẫu của mình, sau một hồi thăm dò và xin ý kiến ông chủ, người bán hàng đã đưa ra một khúc ngà voi Châu Phi nguyên khối nặng 2,2kg. Anh ta cho biết bán với giá 70 triệu đồng/kg.

Tại một tiệm bán nhiều đồ cổ và giả cổ, trưng bày rất nhiều các sản phẩm “giống như ngà voi”, chúng tôi chỉ nói ngắn gọn: “Tôi muốn mua hàng thật”. Thấy khách có cả dụng cụ kiểm tra chất lượng ngà, cô ta mất hút vào phía trong nhà, mang ra một túi màu đen. Theo lời cô và theo chuyên gia đi cùng chúng tôi, đó đích thị là ngà voi. “Hàng” thật nặng hơn, vân trắng và vân hồng đẹp hơn, nhìn thật hơn.

Ngang nhiên quảng cáo bán vòng làm từ ngà voi.

Và giá thì đắt hơn rất nhiều, dĩ nhiên. Họ đưa ra 10 chiếc vòng tay bằng ngà voi thật. “Ngà voi nhiều khi mình đeo liên tục nó cũng bị xước, nó ố vàng. Thì lúc ấy mình phải đánh bóng đi. Ngà huyết là ngà đỏ đỏ, khi gí sát soi vào nguồn sáng mạnh (như đèn pin của điện thoại) sẽ thấy có sọc rất tinh thế này thì là ngà thật. Còn xương với nhựa tổng hợp làm giả ngà voi không có được các điều đó. Ngà thật đốt không cháy, ngà giả đốt cháy ngay”.

Khi đem tài liệu trên đến gặp lãnh đạo và cán bộ Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an TP Hồ Chí Minh, nhóm phóng viên đã được các đồng chí nhiệt tình tiếp đón và nhận nguồn tin rất trân trọng. Trong cuộc gặp gỡ này, các đồng chí cho biết trước đây, đơn vị đã phối hợp với Hải quan Sân bay Tân Sơn Nhất bắt được hai cặp ngà voi nặng mấy chục ký. Bắt một lúc 600kg xương hổ và sư tử chuyển từ Nam Phi về Việt Nam qua đường hàng không.

Với hàng ngà voi, đơn vị đang xác minh, các cửa hàng bán, các khu vực chế tác là có nhưng thực tế số lượng không nhiều. Do lực lượng mỏng, nên các vụ việc kiểu này làm không xuể. Nhiệm vụ của phòng đâu phải chỉ xử lý riêng các vụ liên quan đến động vật hoang dã mà còn cả các vấn đề môi trường nói chung, nạn phá rừng, đốt rừng, tình trạng khai thác khoáng sản...

Thực tế thời gian qua, cơ quan Công an, Hải quan đã từng bắt nhiều vụ buôn bán ngà voi. Tại Đắk Lắk, năm 2018, Nguyễn Thành Lợi, sống ở phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột đã bị bắt quả tang vận chuyển 11kg ngà voi. Cả rổ nhẫn, vòng, các sản phẩm chế tác từ ngà voi bị bắt giữ.

Lợi khai với cơ quan Công an rành mạch: từ đầu năm 2018, Lợi đã lên mạng xã hội Facebook giao dịch với một đối tượng chuyên nhập các sản phẩm chế tác ngà voi châu Phi. Trong khoảng thời gian từ tháng 3-2018 đến tháng 6-2018, Lợi đã 9 lần giao dịch các sản phẩm trên.

Bản kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an khẳng định: “Tất cả mẫu vật màu trắng ngà thu giữ từ Nguyễn Thành Lợi gửi giám định đều được chế tác từ ngà voi, tổng trọng lượng là 10,9kg”. Tương tự, Nguyễn Thị Việt Hà, SN 1987, cũng ở phường Thắng Lợi, TP Buôn Ma Thuột cũng bị bắt để điều tra về hành vi như trên. Tang vật mà Hà buôn bán và cất giữ tại nhà là hơn 7kg ngà voi cùng nhiều máy móc chế tác đồ trang sức từ ngà voi nguyên khối.

Trước đó, tháng 10-2016, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phối hợp Cục Cảnh sát phòng chống buôn lậu, Bộ Công an phát hiện 2 container chứa nhiều ngà voi được trung chuyển qua cảng Cát Lái. Thủ đoạn của các đối tượng khá tinh vi: trong ruột những khúc gỗ dày, dài hơn 2m, cơ quan điều tra đã phát hiện hàng trăm ngà voi châu Phi được dán chặt bằng keo.

Ở vài vụ, họ còn đổ cả thạch cao, cả các chất chống lại máy soi của lực lượng kiểm sát, đồng thời tạo cho “khúc gỗ rỗng” có trọng lượng gần như cũ ngay cả khi tống ngà voi vào trong ruột. Lô ngà voi nặng hơn 1 tấn trên do Công ty TNHH TM DV Diệu Tiên và một công ty khác tại TP Hồ Chí Minh đứng tên pháp nhân.

Ba công ty khác là Kim Thành, Huỳnh Phát và Tam Phúc cũng bị hải quan phát hiện đứng tên nhập các container chứa gần 2 tấn ngà voi bằng thủ đoạn tương tự. Có khi, chỉ một vụ bắt giữ lô hàng ngà voi, giá chợ đen sản phẩm trên đã lên tới khoảng 20 tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ thực tế việc buôn bán ngà voi vẫn đang diễn ra ngang nhiên, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cơ quan chức năng.

Với tinh thần thượng tôn luật pháp, thông qua một nữ nhà báo đang sống ở Đắk Lắk, chúng tôi đã gửi toàn bộ các bức ảnh, tư liệu về các địa điểm rao bán ngà voi vi phạm pháp luật ở Đắk Lắk tới Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về Môi trường, Công an tỉnh Đắk Lắk.
Lam Quân
.
.
.