Thi giáo viên giỏi; học sinh kém không được đến lớp:

Có nên đánh giá năng lực giáo viên bằng các giải thưởng?

Thứ Sáu, 18/01/2019, 12:44
Học sinh có học lực kém phải ở nhà, không được đến lớp vào những ngày giáo viên thi giáo viên giỏi - câu chuyện làm nóng truyền thông những ngày qua ở Hải Phòng cũng là câu chuyện của giáo dục nhiều địa phương khác trên cả nước. Một lần nữa dư luận cho rằng, bệnh thành tích trong giáo dục đã trở nên trầm trọng.


Giáo dục thay vì hướng vào con người, chỉ nhăm nhăm hướng vào thành tích, khiến cho các kết quả hoạt động của nhà trường, của thầy cô và của học trò chỉ là hình thức, thiếu thực chất. Câu hỏi đặt ra là, liệu có nên tiếp tục duy trì các cuộc thi giáo viên giỏi như hiện nay?

Có thể kết luận 1 giáo viên giỏi trong 45 phút giảng bài?

Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng thừa nhận, có việc học sinh nghỉ ở nhà trong giờ giáo viên thi dạy giỏi ở Trường C.V.A. Lý do được đưa ra là, cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố chỉ chọn 20 em vào danh sách đi học vì phòng học chỉ chứa được khoảng 20 học sinh, còn lại phải dành chỗ cho đoàn dự giờ.

Việc các em có thành tích học tốt mới được chọn đi học là đương nhiên vì đây là bộ mặt của nhà trường. Dĩ nhiên, với quá nửa số học sinh trong lớp phải nghỉ học như vậy thì không chỉ có học sinh kém, mà ngay cả các học sinh có lực học khá cũng có thể phải nằm trong danh sách học sinh phải nghỉ ở nhà.

Đừng câu nệ thành tích mà làm mất đi niềm vui đến lớp của học sinh.

Câu chuyện ở Hải Phòng không hề cá biệt. Những thầy cô giáo hoạt động lâu năm trong giáo dục đều biết một điều rằng, việc chọn học sinh giỏi tham gia vào các giờ giảng của giáo viên thi giáo viên giỏi là chuyện chả có gì lạ, chuyện thường ngày, đã diễn ra trong nhiều năm.

Trước tiên, chúng ta nên tìm hiểu vì sao cuộc thi giáo viên giỏi trong các trường lại quan trọng đối với từng cá nhân thầy cô giáo và của  cả nhà trường như vậy. Vì thành tích của các giáo viên trong các cuộc thi này có ảnh hưởng trực tiếp đến việc xếp hạng, quyền lợi của chính các giáo viên, cũng như của nhà trường. Theo quy định biên chế, giáo viên đạt chiến sĩ thi đua liên tiếp sẽ được tăng lương trước hạn.

Các tiêu chí giáo viên được công nhận là chiến sĩ thi đua, ngoài số học sinh giỏi trong lớp, bằng tin học, tiếng Anh, sẽ còn một phần rất quan trọng là thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, sáng kiến kinh nghiệm. Thậm chí, những giáo viên giành giải cao trong các cuộc thi giáo viên dạy giỏi khi xin chuyển trường từ nông thôn về thành phố chẳng hạn cũng sẽ dễ dàng hơn.

Hoặc khi cấp trên chọn dự nguồn hiệu phó, hiệu trưởng thì những người có thành tích tốt cũng sẽ được lưu tâm hàng đầu. Bởi rất nhiều quyền lợi như vậy mà cuộc đua của các giáo viên trong cuộc thi giáo viên dạy giỏi các cấp rất căng thẳng.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, liệu trong một giờ giảng bài 45 phút có thể đánh giá toàn diện năng lực của một giáo viên để kết luận giáo viên đó dạy giỏi hay không? Theo dõi các diễn đàn trên mạng xã hội, trên báo chí truyền thông những ngày qua, nhiều chuyên gia giáo dục đều tỏ ra không đồng tình với việc đánh giá trình độ một giáo viên qua một tiết dạy như vậy.

Vì 45 phút thì không thể nào nhận định chính xác về năng lực sư phạm của một người. Đấy là chưa kể, nếu các cuộc thi đó không công bằng thì rất nguy hại cho giáo dục. Ban giám khảo của những cuộc thi này là ai? Phần lớn ban giám khảo là giáo viên hay chuyên viên cấp trường, cấp quận, cấp thành phố chấm, tùy vào cuộc thi đó ở cấp nào.

Tin nhắn nhà trường gửi học sinh thông báo chỉ học sinh được chọn mới dự buổi thi của giáo viên.

Phần lớn ban giám khảo này không bị công luận và ban giám sát độc lập nào theo dõi hay kiểm soát. Kết quả trong tay họ, và trong nhiều trường hợp giáo viên đi thi phải lụy ban giám khảo, hoặc giảng bài theo chiều hướng vừa lòng ban giám khảo chứ chưa chắc đã phải để vừa lòng người thu hưởng giáo dục là các em học sinh.

Giáo viên được nhận danh hiệu, giấy khen, phần thưởng, nhưng rất khó có cơ sở khoa học cụ thể nào để nói họ có tay nghề tốt hơn, cống hiến cho giáo dục tốt hơn các giáo viên không đạt danh hiệu khác. Chúng ta nói một giáo viên giỏi, nhưng giỏi với ai, với học sinh, đồng nghiệp, hay ban giám khảo thì vẫn còn bỏ ngỏ.

Đã đến lúc bỏ các cuộc thi giáo viên giỏi?

Cô giáo Vương Thị T (Thanh Xuân, Hà Nội) kể về hành trình tham dự cuộc thi giáo viên dạy giỏi của mình: "Trong suốt quá trình chuẩn bị cho cuộc thi giáo viên giỏi, tôi luôn căng thẳng, lo lắng. Nói thật, tâm lý của phần lớn giáo viên là sợ các cuộc thi này, chứ không phải hồ hởi phấn khởi gì cả. Vì quá trình chuẩn bị cho một tiết học như vậy gian nan lắm.

Thông thường, chúng tôi được bốc thăm bài giảng trước hôm thi 3 ngày. Và sau đó là ráo riết chuẩn bị. Thầy trò chúng tôi phải ôn, luyện thành thục trong 3 ngày. Và việc phải diễn trong giờ giảng thi là không thể tránh khỏi. Những học sinh khá được chọn để luyện cùng với cô. Chúng tôi phải lên khuôn cho bài giảng của mình.

Mọi thứ phải chuẩn bị bằng một kịch bản hoàn chỉnh, không được sơ sót. Cô sẽ giảng, sẽ hỏi những gì, học trò trả lời ra sao, có kịch bản hết. Và cô trò chúng tôi phải cùng nhau học thuộc, bằng cách diễn trước, lặp đi lặp lại nhiều lần. Nỗi ám ảnh nhất của tôi là không được để "cháy" giáo án, mọi thứ phải tuần tự hoàn hảo như kịch bản đã đề ra".

Những buổi dự giờ như thế này có thể khiến giáo viên và học sinh căng thẳng.

Mặc dù đã chuẩn bị kỹ càng như vậy, nhưng không ít lần các thầy cô giáo và các em học sinh đã không diễn chuẩn trong các giờ thi. Việc "lộ vở" là không hiếm. TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội kể lại: "Tôi tham gia chấm thi giáo viên dạy học sinh lớp 1, trẻ phần lớn đều chưa đọc thông, viết thạo. Khi cô giáo chưa kịp đọc câu hỏi của trò chơi học tập là giải câu đố, học sinh đã đứng lên đọc đáp án. Có khi cô giáo vừa bật hình từ máy chiếu, học sinh ở dưới đã đọc vanh vách kiến thức. Thậm chí, có em đang trong tiết học đứng lên nói: "Cô ơi, bài này hôm qua chúng ta vừa học rồi mà nay lại học lại".

Liệu có thể ''đo đếm'' được gì nhiều ở những tiết dạy mà giáo án thì giáo viên đã chuẩn bị kỹ càng, học sinh được chọn lọc, tập đi tập lại nhiều ngày trước đó để cho một buổi thi? Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (Hà Nội), cho rằng,  Bộ Giáo dục và Đào tạo nên bỏ các cuộc thi "GV dạy giỏi"; "GV chủ nhiệm giỏi", "Tổng phụ trách giỏi"... vì các cuộc thi này đã không còn thực chất, gây áp lực cực kỳ lớn cho các giáo viên. Bên cạnh đó, cần bỏ việc "dự giờ theo chuyên đề cấp quận/huyện" vì ở những buổi dự giờ này, cả giáo viên và học sinh không học tập được gì, thường tâng bốc hoặc soi mói lẫn nhau, phản tác dụng.

Giáo viên cần có thêm thời gian và công sức để tập trung cho việc dạy dỗ và chăm sóc học sinh của mình. TS. Vũ Thu Hương, Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng, nên chấm dứt việc đánh giá năng lực của giáo viên bằng giải thưởng. Những tiết học chỉ để phục vụ việc thi của thầy cô là  hoàn toàn vô giá trị với học trò. Đáng lo ngại hơn, học sinh sẽ học từ cô việc trình diễn đối phó từ cuộc thi.

Kết quả thi của thầy cô không xuất phát từ một buổi học đúng nghĩa, là chỉ là diễn lại những gì đã tập luyện trước đó, vô hình chung manh nha tính cách dối trá, coi nặng hình thức trong tâm lý của học sinh. Khi gắn quyền lợi của giáo viên vào giải thưởng cũng sẽ dễ nảy sinh gian dối, tiêu cực. Thay vào đó, hãy đánh giá người dạy qua sự tiến bộ của người học thì chắc chắn giáo viên sẽ phải giảng dạy bằng thực chất.

Thanh tra giáo dục sẽ kiểm tra trình độ của một số học sinh bất kỳ trong lớp, so sánh với kết quả học tập các năm trước là có thể nhận định để đánh giá giáo viên trực tiếp giảng dạy. Đừng chỉ để đánh giá giáo viên mà làm hại học sinh..

Thực chất của giáo dục là thầy cô phải lan tỏa cảm hứng đến cho học sinh. Kết quả của giáo dục có lẽ không phải là kết quả của những cuộc thắng thua, mà nó bền vững hơn, dài lâu hơn. Muốn đánh giá một giáo viên giỏi hay không phải nhìn vào con người (là những sản phẩm giáo dục mà họ tạo ra), và phải chờ đợi một quá trình, khi những học sinh đã ra trường, tốt nghiệp, đóng góp cho xã hội.

Giáo viên cần có thời gian hơn, ít phải đối mặt với áp lực hơn để toàn tâm toàn ý với học trò của mình, đưa ra những phương pháp phù hợp để dạy dỗ các em. Bệnh thành tích trong giáo dục, nếu cứ chạy theo mải miết thì thiệt thòi sẽ luôn thuộc về học trò. Nên chăng, chúng ta bỏ các cuộc chạy đua giải thưởng, thành tích như vậy để giáo dục đi vào thực chất hơn, chiều sâu hơn, mọi học sinh đều được bình đẳng hơn dưới mái trường…

Phan Hữu Phượng
.
.
.