Viết tiếp bài "Bà hội đồng lắm chiêu" tỉnh Hải Dương "xù" nợ hơn trăm tỷ đồng của dân

Cơ quan chức năng không thể thờ ơ!

Thứ Năm, 29/08/2013, 10:39

Như số báo trước chúng tôi đã phản ánh việc bà Lê Thị Thúy - đại biểu HĐND huyện Nam Sách và tỉnh Hải Dương dụ dỗ người dân cho bà vay tiền để xúc tiến dự án dạy nghề và làm ăn, với thống kê chưa đầy đủ đã hơn một trăm tỷ đồng, nhưng cố tình chây ỳ không trả nợ, dẫn đến nhiều hệ lụy đau lòng, gây mất an ninh trật tự ở địa phương.

Thế nhưng trao đổi qua điện thoại, ông Lê Văn Hiệu, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch HĐND huyện Nam Sách cho biết, về việc bà Thúy vay nợ, ông mới chỉ "nghe nói", và ông Hiệu khuyên chúng tôi nên gặp "tỉnh" để hỏi vì bà Thúy là đối tượng doanh nghiệp, thuộc "tỉnh" quản lý. Hình như những vị lãnh đạo huyện Nam Sách như ông Hiệu rất ngại gặp nhà báo để nói về câu chuyện không mấy hay ho liên quan đến "bà hội đồng" này.

Đi tìm kiếm câu trả lời của lãnh đạo địa phương

Để có cách nhìn khách quan, đa chiều về sự việc người dân tố cáo bà Thúy, ngay buổi sáng ngày 6/8/2013, chúng tôi đã đến HĐND huyện Nam Sách đề nghị gặp lãnh đạo để làm việc. Sau khi biết nhóm phóng viên đến để tìm hiểu về đại biểu Lê Thị Thúy, ông Trần Khoái - Phó chủ tịch HĐND huyện đã ngay lập tức từ chối trả lời, với lý do thẩm quyền tiếp báo chí thuộc ông Lê Văn Hiệu - Bí thư huyện ủy kiêm Chủ tịch HĐND huyện Nam Sách. Theo hướng dẫn của ông Khoái, chúng tôi đến tìm gặp ông Hiệu nhưng vị này không có ở văn phòng.

Qua điện thoại, ông Hiệu cho biết mặc dù ông có nghe dư luận phản ánh việc bà Thúy có vay nợ của dân, nhưng cho đến nay HĐND huyện chưa nhận được bất cứ báo cáo nào của các cơ quan chức năng về những sai phạm của bà Thúy. Do đó chưa có căn cứ để xem xét, xử lý. Khi được hỏi ông có biết người dân đã có đơn thư kiến nghị gửi các cơ quan pháp luật trong tỉnh, thậm chí đã gửi đơn lên HĐND tỉnh Hải Dương hay không, thì ông Hiệu trả lời không biết. Các cơ quan này chưa có thông báo gì về huyện.

Theo chỉ dẫn của ông Hiệu, chúng tôi đã cố gắng liên lạc với ông Bùi Thanh Quyến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương thì được biết, vụ việc liên quan đến bà Thúy, ông đã nắm được sơ bộ qua báo chí, hiện ông đang bận họp và ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Hợp, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp nhà báo.

Trong lúc chưa có câu trả lời chính thức từ lãnh đạo địa phương, thì chồng đơn tố cáo của người dân về bà Thúy thêm dầy. Trong đó, có những vụ việc có dấu hiệu về hình sự khá rõ nét.

"Mượn" hàng của con nuôi đem bán luôn

Xã Nam Trung, Nam Sách, Hải Dương là địa bàn chuyên canh hoa màu như hành, tỏi. Người nông dân tự trồng cấy, thu hoạch, sơ chế (thái lát, sấy khô) rồi đóng bao xuất bán cho các chủ vựa và các công ty kinh doanh thương mại trong vùng.

Anh Nguyễn Bá Nguyện – 32 tuổi, trú tại thôn Mạn Đê, xã Nam Trung, Nam Sách, Hải Dương, làm thuê đóng gói hành khô cho Công ty TNHH Hanh Thuý của vợ chồng bà Lê Thị Thuý từ năm 2000. Trong thời gian làm việc ở đây, Nguyện được bà Thuý nhận làm con nuôi. Đến năm 2005 thì công ty này bắt đầu nợ lương công nhân. Anh Nguyện cho biết hiện nay còn khoảng 50-60 người làm công chưa nhận được xu tiền công nào từ bà Thuý. Chán ngán, anh Nguyện bỏ việc về nhà trồng hành, tỏi. Vụ thu hoạch năm 2011, anh thu được 2,2 tấn hành lát (đã qua sơ chế). Toàn bộ số hành thành phẩm được chất cao trong kho trước nhà.

Tháng 6/2011, bà Thuý gọi điện cho anh Nguyện: "Mẹ đang cần tiền có việc gấp, con còn chuyển cho mẹ mấy trăm". Anh Nguyện nói tiền thì không còn, vì đầu tư vào gieo trồng, thu hoạch, chế biến hành tỏi hết rồi. Bà Thuý xoay sang chuyện khác: "Mẹ đang vay vốn ngân hàng, sắp tới họ về công ty thẩm định. Nhà còn hàng (hành lát) thì cho mẹ mượn ít hôm, để cán bộ ngân hàng xuống kiểm tra kho công ty, thấy có hàng mới cho vay vốn". Nể lời mẹ nuôi, anh Nguyện bàn với vợ là chị Nguyễn Thị Hoa việc cho bà Thuý mượn hàng. Chị Hoa nhất trí, 2 vợ chồng hì hục đẩy xe bò chở toàn bộ số hành lát trong kho đến công ty TNHH Hanh Thuý ở thôn Đồng Lạc, xã Nam Trung. Đến nơi, bà Nguyễn Thị Hộp là người giúp việc của bà Thuý mở kho nhận hàng, cân lên được 2,2 tấn.

Cho mượn hành mãi mà không thấy mẹ nuôi gọi vào trả lại, khoảng 1 tháng sau, anh Nguyện đi qua công ty, tiện thể ngó vào kho thì thấy kho trống hoác. Toàn bộ số hàng của mình đã "bay hơi" từ lúc nào không rõ. Tá hoả, Nguyện đi tìm hiểu thì được biết trước đó mấy tuần, bà Thuý đã sai nhân viên là các ông Nguyễn Quang Khởi, Nguyễn Quang Nghĩa và bà Hộp xuất kho bán 2,2 tấn hành cho anh Nguyễn Bá Phường ở cùng thôn Mạn Đê. Lúc này anh Nguyện mới chạy đến chất vấn bà Thuý vì sao tự ý bán hàng của anh. Bà Thuý không giải thích được nên đã viết giấy nhận nợ anh Nguyện 132 triệu đồng. Từ đó đến nay anh Nguyện nhiều lần đòi nợ nhưng bà Thuý chây ì không trả.

Người dân huyện Nam Sách nghe chuyện anh Nguyện bị bà Thuý lừa cả kho hành, đều chép miệng: "Đến con nuôi còn không tha thì tha gì hàng xóm"!.

"Bảo tôi ký nhận nợ để tôi đi tù à?"

Mới trò chuyện với chúng tôi được hai câu, ông Nguyễn Quang Khởi, vừa là hàng xóm, vừa có họ với chồng bà Thúy, đã ôm mặt nghẹn ngào. Tiếng khóc của lão nông lục tuần như trút nỗi căm hận đã kìm nén lâu ngày. Lời kể ngắt quãng của ông rồi cũng chắp lại thành một câu chuyện buồn. Ông Khởi là nông dân, nhưng có "tay" làm bếp. Thời buổi ruộng đất chẳng còn mấy tý, ông để vợ ở nhà chăm mấy sào hành tỏi, còn mình thì đi nấu cơm thuê cho nhà hàng Gió Nam của bà Lê Thị Thuý. Trước tháng 6/2007, bà Thúy tìm đến nhà hỏi vay 2 tỷ với lãi suất 1,7%/tháng (đúng bằng lãi suất ngân hàng). Lúc đó, ông Khởi đang gửi giúp con 1,5 tỷ đồng trong ngân hàng nên thật thà nói: "2 tỷ tôi không có đâu, chỉ có tỷ rưỡi thôi". Và ngày 15/6/2007, ông Khởi giao cho bà Thúy 1,5 tỷ đồng. Cho đến nay, toàn bộ số tiền gốc và lãi ông Khởi vẫn chưa được nhận. Nhắc đến chuyện này ông Khởi lại khóc vì ân hận.

Ông Miến (bố anh Nguyện) ân hận vì đã vay 50 triệu đồng của người thân đưa cho bà Thúy.

Đầu năm 2011, vay mượn mãi ông bà mới mua được chiếc xe ôtô Chevrolet, BKS: 34A-00740 với giá hơn 500 triệu, để cho con trai là anh Nguyễn Quang Nghĩa lái chở khách kiếm sống. Bà Thuý biết chuyện ông mua xe cho con trai chở khách, liền rủ con trai ông đến làm việc cho bà tại Công ty TNHH Hanh Thuý. Công việc của Nghĩa là hàng ngày chở bà Thuý đi giải quyết công việc. Đến tháng 5-2011, bà Thuý bảo Nghĩa mang xe đi cầm cố tại hiệu cầm đồ để vay tiền cho bà giải quyết công việc. Nể bà chủ, anh Nghĩa đã mang xe ôtô đến "cắm" tại hiệu cầm đồ của anh Tuyên ở Lai Khê, Hải Dương, vay được 400 triệu chuyển cho bà Thuý.

Vài ngày sau, bà Thuý bỏ tiền ra chuộc xe về nên anh Nghĩa thấy yên tâm, không chút nghi ngại về bà Giám đốc. Khoảng một tuần sau, bà Thuý lại bảo Nghĩa mang xe đi cắm để vay tiền. Lần này, bà Thuý trực tiếp đi cùng Nghĩa đến hiệu cầm đồ ở phố Tuệ Tĩnh - TP Hải Dương. Chiếc xe được cầm cố vay 400 triệu trong thời hạn 1 tháng. Anh Nghĩa trực tiếp viết giấy vay. Nhận tiền xong, Nghĩa đưa ngay cho bà Thuý. Sau thời hạn một tháng, anh Nghĩa liên tục giục bà Thuý đi chuộc xe về, nhưng bà này nói không có tiền. Sợ bị bán mất xe, gia đình Nghĩa đã nhờ anh Hiền và anh Lưu - Hạnh (là chủ hiệu cầm đồ ở thị trấn Nam Sách) ứng trước tiền ra để chuộc xe về. Xe để tại nhà anh Lưu - Hạnh. Sau một tháng, anh Nghĩa không có tiền để trả nên đã phải viết giấy bán chiếc xe đó cho anh Lưu.

Trong toàn bộ sự việc này, bà Thuý tỏ ra rất "tỉnh táo", không thò bút ký bất cứ giấy tờ, biên nhận nợ nào, tỏ rõ là kẻ làm chủ "cuộc chơi". Bởi vậy mà vào cuối năm 2011, khi bố con ông Khởi khóc lóc, năn nỉ bà Thuý viết cho cái giấy nhận nợ chiếc xe ôtô, thì bà này đã sẵng giọng: "Ông bảo tôi viết nhận nợ để tôi đi tù à?". Hai bố con lủi thủi ra về với lời hứa lần thứ "n" của bà chủ: "Khi nào có tiền tôi khắc trả"! Họ cũng như nhiều người dân thôn Mạn Đê, đã đánh mất cả gia sản bởi vẻ hào nhoáng, lời nói như rót mật vào tai, bởi cái danh đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh của bà Thuý.

"Bà hội đồng" không còn khả năng trả nợ

Trước đây, với cơ ngơi tọa lạc ngay mặt đường huyện Nam Sách gồm tổ hợp khách sạn, nhà hàng, quán karaoke, kiêm thêm cả việc kinh doanh nông sản, bà Thúy dễ dàng khiến nhiều người dân tin tưởng rằng công việc làm ăn của bà Thúy rất hiệu quả nên đã gom góp vốn liếng cả đời tích cóp được cho bà Thúy. Nhất là khi bà Thúy đưa ra dự án thành lập "Trung tâm dạy nghề nông nghiệp Hải Dương" thì nhiều người đã ù tai, hoa mắt trước tài khua môi múa mép của bà Thúy. Hiện tại, toàn bộ cơ ngơi nhà hàng, khách sạn của bà Thúy đã bị ngân hàng phát mại.

Dự án dạy nghề nông nghiệp Hải Dương chỉ là cái biển như thế này.

Hiện Công ty Hanh Thúy do bà Lê Thị Thúy làm giám đốc chỉ còn lại duy nhất một dãy nhà cấp bốn lúp xúp với tấm biển đề "Trung tâm dạy nghề nông nghiệp Hải Dương". Thời điểm chúng tôi vào là 2h chiều 7/8/2013, cả công ty chỉ có hai người, và theo quan sát của chúng tôi thì công ty của bà Thúy đã dừng hoạt động. Dự án dạy nghề nông nghiệp giờ chỉ còn duy nhất cái biển "Trung tâm dạy nghề Hải Dương" chứ chưa có khóa dạy nghề nào được diễn ra tại đây. Vậy mà, với "dự án dạy nghề" này, bà Lê Thị Thúy đã coi đó là bùa hộ mệnh để dụ dỗ nhiều người đưa tiền cho bà ta xúc tiến dự án.

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có hàng chục công nhân bị bà Thúy "bùng" tiền lương nhiều năm nay, trong đó có những người làm thuê cho bà Thúy bị "bùng" tới hàng chục triệu đồng, nếu tính mức lương bà Thúy trả cho họ trung bình 3 triệu/năm thì nghĩa là có những người đã làm không công cho bà Thúy gần 2 năm trời. Khi biết chúng tôi là phóng viên, đến tìm hiểu sự việc, rất nhiều người dân thôn Mạn Đê, hàng xóm của bà Thúy đã tỏ ra hết sức bức xúc.

Họ cho biết, bà Thúy dụ dỗ vay tiền người dân không trả, nợ tiền hàng của nhiều người, thậm chí hầu hết những người đưa hàng cho bà Thúy như người cung cấp gà, trứng, gạo, đều bị bà Thúy nợ, tính sơ sơ cũng lên tới tiền tỷ. Dù nợ nhiều người nhưng bà Thúy lại có tiền cho con đi du học nước ngoài theo hệ tự túc, vô cùng tốn kém và có lối ăn tiêu, sinh hoạt không khác gì đại gia, tiêu tiền cả quyển. Mỗi lần đi lễ bái, hầu đồng, bà Thúy vung tiền không tiếc tay. Có người bảo: "Tiền có phải của bà ta đâu mà bà ta tiếc".

Đại tá Cao Ngọc Lan - Phó Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương cho biết: Vụ việc liên quan đến bà Lê Thị Thúy khiến dư luận địa phương khá bức xúc, hiện cơ quan điều tra đang xem xét, nếu có dấu hiệu hình sự, cơ quan điều tra sẽ xử lý nghiêm minh, không để sót người, lọt tội.

Nhóm PVĐT
.
.
.