Cơ quan quản lý có làm khó doanh nghiệp?

Chủ Nhật, 07/06/2020, 14:32
Những ngày qua, dư luận đang xôn xao trước thông tin Tổng cục Du lịch Việt Nam bất ngờ có công văn gửi các hãng hàng không kêu gọi hãng bay cấp vé máy bay miễn phí.


Văn bản số 167/TCDL-TTDL ngày 2-6-2020 do Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu ký và gửi tới các hãng hàng không có nội dung: "Triển khai kế hoạch phát động chương trình kích cầu nội địa "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", Tổng cục Du lịch đang và sẽ phối hợp với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, các hãng hàng không tổ chức các hội nghị, sự kiện nhằm kết nối, kích cầu du lịch nội địa trong cả nước, cũng như chuẩn bị phục hồi du lịch quốc tế hậu COVID-19 khi điều kiện cho phép.

Trên tinh thần chung tay, đồng hành, hợp tác phát triển giữa du lịch và hàng không, Tổng cục Du lịch kêu gọi sự vào cuộc của các hãng hàng không đóng vai trò tiên phong kích cầu du lịch nội địa.

Vì vậy, Tổng cục Du lịch Việt Nam trân trọng đề nghị các hãng hàng không cung cấp vé miễn phí các chặng bay nội địa cho đoàn công tác của Tổng cục Du lịch triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa tại các địa phương từ tháng 6 đến tháng 12-2020".

Trong đó, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) được đề nghị cung cấp 200 vé; Công ty CP Hàng không Vietjet (Vietjet Air) được đề nghị cung cấp 100 vé và Hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) được đề nghị cung cấp 100 vé.

Về việc sử dụng các vé máy bay miễn phí, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho hay sẽ thông tin "chi tiết về hành trình cũng như nhân sự đoàn công tác sẽ được cung cấp 1 tuần trước thời gian đoàn khởi hành".

Ngay sau khi thông tin này được báo chí đăng tải, đã có rất nhiều ý kiến bất ngờ và không đồng tình với chuyện "xin xỏ" doanh nghiệp của cơ quan quản lý nhà nước. Cần phải nhắc lại rằng trong số các ngành bị thiệt hại vì dịch COVID-19, các hãng hàng không thuộc nhóm bị thiệt hại nặng nhất khi máy bay phải "nằm đắp chiếu" ở sân bay nhiều tháng trời trong khi vẫn phải chi phí.

Theo báo cáo tài chính quý I của Vietnam Airlines, hãng ghi nhận lỗ 2.600 tỷ đồng. Đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử của Vietnam Airlines và nhiều hơn lợi nhuận ròng 2.500 tỷ của cả năm 2019.

Tính riêng về doanh thu so với quý I/2019, Vietnam Airlines đã hụt 6.700 tỷ đồng vì dịch COVID-19. Để mong muốn vực dậy kinh doanh sản xuất, vượt qua khủng hoảng COVID-19, Vietnam Airlines đã đề nghị Nhà nước hỗ trợ 12.000 tỷ đồng.

Vietjet Air cũng ghi nhận mức lỗ 989 tỷ đồng trong quý I. Đây là lần đầu tiên hãng ghi nhận lỗ trong quý kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Tính riêng về doanh thu vận tải hàng không, Vietjet Air hụt khoảng 2.800 tỷ đồng vì đại dịch COVID-19 trong 3 tháng đầu năm 2020. Trong khi đó, hãng hàng không Bamboo Airways cũng báo lỗ tới 1.500 tỷ đồng.

Theo một lãnh đạo Cục hàng không Việt Nam, chúng ta mới xoá bỏ giãn cách hơn một tháng nay nên hàng không nội địa chỉ mới bắt đầu được phục hồi. Ngay cả khi hoạt động trở lại bình thường như trước thì doanh thu của các DN hàng không vẫn vô cùng khó khăn do bị "mất trắng" thị trường quốc tế. Dự báo, đến cuối năm 2021, thị trường hàng không mới có thể phục hồi.

Với tình hình kinh doanh của các hãng hàng không bị sụt giảm nghiêm trọng và đang phải cầu cứu tới Chính phủ có các chính sách hỗ trợ, thì việc Tổng cục Du lịch đề nghị 3 hãng cung cấp 400 vé máy bay là không phù hợp. Thực tế với 1 hãng hàng không, việc cho vài trăm chiếc vé không phải là chuyện lớn và họ có thể thu xếp được và có thể họ sẽ không từ chối. Nhưng là cơ quan Nhà nước, Tổng cục Du lịch chắc chắn đều được cấp kinh phí hoạt động hàng năm, trong đó có cả tiền mua vé máy bay cho cán bộ đi công tác.

Vì vậy, việc phát văn bản đi "xin" như vậy chắc chắn không phải vì Tổng cục Du lịch không có tiền mua vé cho cán bộ đi công tác mà nó thể hiện tư duy "xin-cho", thứ tư duy rất không ổn với những người lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước. Bởi nếu như cơ quan nào cũng phát văn bản "xin" doanh nghiệp kiểu này thì doanh nghiệp chỉ có phá sản.

Tân Lương
.
.
.