Tiền mất tật mang vì mua thuốc chữa viêm gan siêu vi B,C trên mạng

Thứ Hai, 14/11/2016, 14:51
Thời gian gần đây, trên một số trang mạng xuất hiện nhan nhản những mẩu quảng cáo của cả những dược sỹ "dỏm" lẫn bác sỹ thật về một số loại thuốc có thể chữa dứt điểm viêm gan siêu vi B,C có xuất sứ từ Ấn Độ và một số nước có tiếng trên thế giới về sản xuất tân dược.


Với giá rẻ bất ngờ, chỉ bằng ½ so với giá thuốc nhập khẩu chính ngạch. Không phải tất cả nhưng có một số loại thuốc không có đầy đủ nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ và không được dán tem chống hàng giả của Bộ Công an nhưng đã có rất nhiều người bệnh vẫn ham giá rẻ sử dụng.

Trước thực trạng này, ngay từ những ngày đầu tháng 6-2016, lãnh đạo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (C7 4) đã chỉ đạo cho các trinh sát vào cuộc và ngăn chặn được một số đường dây mua bán thuốc giả này.

Lực lượng chức năng lập biên bản thu giữ tân dược giả tại một công ty ở quận 12, TP Hồ Chí Minh.

Cụ thể vào cuối tháng 7 vừa qua, các trinh sát Phòng 6, Cục C74B đã bắt quả tang đối tượng Mai Thị Xuyến, SN 1978, ngụ tại phường Hiệp Phú, quận 9, TP. Hồ Chí Minh đang mua bán 37 hộp thuốc chữa bệnh viêm gan C các loại.

Khám xét nhanh nơi ở của Xuyến, các trinh sát còn phát hiện một lượng lớn thuốc mà vỏ hộp được ghi bằng tiếng nước ngoài nhưng không được dán tem chống hàng giả của Bộ Công an và cũng không rõ nguồn gốc xuất xứ với tổng trị giá được Xuyến ghi trong sổ sách là trên 200 triệu đồng.

Làm việc với cơ quan Công an, Xuyến khai nhận cả hai vợ chồng đều chưa từng học về ngành y hay ngành dược. Thời gian gần đây, nhận thấy nhu cầu về điều trị các bệnh viêm gan siêu vi B,C và cả ung thư tăng cao nhưng rất nhiều người bệnh không có đủ tiền hoặc một số người có tiền nhưng lại thích mua những loại thuốc giá rẻ nên Xuyến đã thuê bằng cấp của một người đã tốt nghiệp đại học để mở công ty kinh doanh ngành dược. Phát hiện vợ chồng Xuyến làm ăn không trung thực nên đối tượng trên đã đòi lại bằng cấp, không  cho thuê nữa.

Không chịu từ bỏ miếng mồi ngon, Xuyến tìm gặp một số đối tượng mua bán tân dược trôi nổi chuyên đánh hàng từ khu vực cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn và Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đặt mua những loại thuốc không rõ nguồn gốc, thậm chí có loại không có nhãn mác mang về đóng vào hộp ghi xuất xứ từ các nước như Ấn Độ, Mỹ, Đức… rồi mang bán cho một số nhà thuốc tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Để bán được nhiều hàng, thu nhiều lợi nhuận, Xuyến còn thuê người lập hẳn một trang web rồi biến chồng từ một người từ nhỏ đến lớn chưa có giây phút nào được học trong ngành dược trở thành "Dược sỹ Phương" với đầy đủ email, số điện thoại liên lạc cùng những lời rao rất kêu như: "Tư vấn miễn phí cho người bệnh, hỗ trợ thông tin về các loại thuốc để người bệnh không mua phải thuốc giả…".

Ngoài ra để chứng minh về hiệu quả của việc dùng thuốc, vợ chồng Xuyến còn lấy các đơn thuốc, phiếu xét nghiệm trước, trong và sau khi uống thuốc của người khác mang tẩy sửa rồi điền tên của chính mình vào rồi cho đăng tải trên trang web để câu nhử người mua.

Với cách làm này, mỗi tháng vợ chồng Xuyến mua vào một lượng hàng dao động trên dưới 200 triệu đồng, sau khi bán ra thị trường thu về trên dưới 300 triệu đồng.

Trước đó vào ngày 4-7-2016, các trinh sát Cục C74 phối hợp với Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất tiến hành kiểm tra 13 kiện hàng trên chuyến bay từ Nhật Bản về Việt Nam của 3 chị em Vũ Thị Ngọc Diệp, Vũ Thị Hương Huyền, Vũ Thị Ngọc Thảo cùng ngụ quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.

Qua kiểm tra, lực lượng phối hợp phát hiện trong lõi của 13 kiện hàng có giấu 300 hộp thực phẩm chức năng mà 3 đối tượng này không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ và không được dán tem nhập khẩu của cơ quan chức năng. Theo lời khai của các đối tượng này, lô hàng trên có tổng giá trị lên đến trên 800 triệu đồng.

Nếu vượt qua sự kiểm soát của lực lượng chống buôn lậu, số thuốc này sẽ được 3 chị em Diệp, Thảo, Huyền đóng gói vào các loại bao bì gắn tên MyHep, Hepcinat.LP đặc trị các bệnh về gan rồi mang bỏ cho một số nhà thuốc trong thành phố.

Thuốc điều trị viêm gan B,C không rõ nguồn gốc thu giữ tại nhà Xuyến.

Ngoài ra, 3 chị em Diệp còn lập trang web giới thiệu trên mạng và nếu khách hàng nào cần mua các loại thực phẩm chức năng nhập ngoại với giá cao thì cũng lấy loại thuốc này ra bán luôn.

Chia sẻ với chúng tôi, một trinh sát Cục C74 cho biết: Trước khi công ty của Xuyến bị lập biên bản xử lý, các trinh sát của đơn vị đã phát hiện có rất nhiều trang web, trong đó có cả những bác sỹ, dược sỹ đang công tác tại một số bệnh viện có uy tín ở TP. Hồ Chí Minh cũng đăng đàn giới thiệu về các loại thuốc đặc trị viêm gan siêu vi B,C với những lời lẽ hết sức thống thiết như: "Hỡi các đồng bệnh, đã từng có thời gian phải quằn quại chống đỡ với căn bệnh này và đến nay đã chữa khỏi hẳn nên muốn chia sẻ với các đồng bệnh về phác đồ điều trị"…

"Là bác sỹ với nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực khám và điều trị cho bệnh nhân viêm gan B,C nên đã đúc kết được rất nhiều kinh nghiệm. Đến nay muốn truyền lại kinh nghiệm đó để những người bị bệnh viêm gan B,C không phải lo sợ nữa mà yên tâm điều trị theo cách của tôi chắc chắn bệnh sẽ được khống chế…

Nếu ai lỡ mắc phải căn bệnh này thì hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và chúng tôi sẽ cung cấp cho quí vị những loại thuốc đặc trị được nhập khẩu từ Ấn Độ, Đức… với giá hết sức ưu đãi (từ 6-8,5 triệu đồng/hộp 28 viên)". Tuy nhiên, khi công ty của Xuyến bị phanh phui thì rất nhiều trang web đã biến mất trên mạng cho đến nay không thấy xuất hiện nữa.

Hiện các trinh sát được lãnh đạo đơn vị yêu cầu tăng cường lực lượng phối hợp với các đơn vị chức năng tiếp tục sử dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm đấu tranh, phát hiện và xử lý thật nghiêm đối với các trường hợp vi phạm theo dạng này.

Theo dược sỹ H hiện đang công tác tại Công ty Vimedimex, các loại thuốc điều trị viêm gan B,C được đơn vị này nhậu khẩu từ Ấn Độ, Mỹ, Đức về Việt Nam có giá thành bán ra trên thị trường lên đến 14,5 triệu/hộp, trong khi trên mạng có giá rẻ đến bất ngờ (chỉ từ 6,5-8 triệu đồng/hộp) thì không thể bảo đảm chất lượng được.

Với giá thành như vậy thì chỉ có thể mua các loại thuốc không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ được bán trôi nổi trên thị trường và chắc chắn không thể đảm bảo chất lượng, có khi còn là thuốc giả.

Người bệnh khi mua phải các loại thuốc này sẽ xảy ra hai trường hợp: Một là thuốc kém chất lượng sẽ kéo dài thời gian điều trị dẫn đến mệt mỏi cơ thể do uống thuốc nhiều ngày và tốn kém rất nhiều tiền bạc.

Hai là mua phải thuốc giả thì không những không giảm bệnh mà còn có nguy cơ bệnh nặng dẫn đến xơ gan hoặc ung thư. Cũng theo dược sỹ H. nếu người bệnh không muốn dùng thuốc tây thì nên đến các cơ sở đông y có uy tín để khám và bốc thuốc thì mới kéo giảm được bệnh tình.

Đối tượng Mai Thị Xuyến bị bắt quả tang khi đang bán tân dược không rõ nguồn gốc.

Trao đổi với chúng tôi, một bác sỹ chuyên khoa gan mật Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: Hiện nay có rất nhiều người sau khi đi xét nghiệm tổng quát thấy mình bị nhiễm các loại vi rút viêm gan B,C là lập tức lên mạng tìm mua các loại thuốc mang về uống.

Thực tế thì không phải bất cứ trường hợp nào bị nhiễm đều phải điều trị mà phải đến các khoa gan mật của các bệnh viện để các bác sỹ kiểm tra theo dõi. Nếu bác sỹ phát hiện có kháng nguyên bề mặt, kháng nguyên nội sinh và có dấu hiệu lâm sàng thì mới cần phải dùng thuốc.

Riêng những trường hợp phát hiện có vi rút nhưng không có dấu hiệu sinh sôi và không có dấu hiệu lâm sàng rõ ràng thì không cần phải sử dụng thuốc vì đây là trường hợp người lành mang bệnh.

Nói về các loại thuốc được rao bán trên mạng, bác sỹ này không khẳng định là thuốc giả hay thuốc thật, thuốc có chất lượng cao hay thấp nhưng khuyến cáo người bệnh nếu phát hiện có nhiễm vi rút viêm gan B,C thì không nên tự mua thuốc uống mà hãy đến các bệnh viện, các cơ sở y tế chuyên khoa gan mật để các bác sỹ trực tiếp thăm khám và đưa ra những phác đồ điều trị thích hợp nhất.

Qua thời gian dài công tác, vị bác sỹ này đã ghi nhận một số trường hợp bệnh nhân do quá lo sợ đã tự mua thuốc trôi nổi ngoài thị trường, thậm chí có người còn mua cả thuốc tễ không rõ nguồn gốc về sử dụng dẫn đến tình trạng bệnh không thuyên giảm mà còn biến chứng làm thận bị ứ nước, tràn dịch màng phổi.

Một số người do được cấp cứu kịp thời nên đã qua được cơn hiểm nghèo, nhưng một số đã phải trả giá cho sự nôn nóng của mình bằng cả tính mạng hoặc chí ít cũng phải làm bạn với giường bệnh trong quãng thời gian còn lại của cuộc đời.

Nguyễn Cương
.
.
.