Colombia:

Điều tra nguyên nhân dẫn tới thảm họa lở đất ở Mocoa

Chủ Nhật, 16/04/2017, 13:37
Đây là câu hỏi được dư luận và Viện Công tố đặt ra bởi thiệt hại trong vụ lũ bùn và lở đất ở thành phố Mocoa, thủ phủ tỉnh Putumayo hiện vẫn chưa được thống kê đầy đủ cho dù diễn ra từ hôm 1-4.


Tổng thống Juan Manuel Santos cho biết, số người chết sau thảm họa trên vẫn tiếp tục gia tăng và nhiều người đang mất tích, trong đó có 7 người nước ngoài. Binh lính, cảnh sát và tình nguyện viên vẫn đang cố gắng khắc phục hậu quả và tìm kiếm hơn 300 người mất tích và khoảng 300 người chết cùng 400 người bị thương.

Ngoài số nhân lực kể trên, Chính phủ còn huy động 10 máy bay trực thăng, 6 máy bay thương mại, thuyền và ôtô để tham gia tìm kiếm nạn nhân bị mất tích. Lực lượng không quân và cảnh sát Colombia còn thiết lập cầu hàng không giữa Bogota với các căn cứ quân sự phía Nam nước này để triển khai hoạt động nhân đạo.

Tổng thống Juan Manuel Santos cam kết xây lại nhà ở và cung cấp gần 6.500 USD cho những gia đình bị ảnh hưởng để khắc phục hậu quả của trận lở đất vừa qua. Ông Juan Manuel Santos cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở tỉnh Putumayo, đồng thời chỉ định Bộ trưởng Quốc phòng Luis Carlos Villegas điều hành công cuộc tái thiết thành phố Mocoa.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân vụ lở đất.

Quân đội khẳng định sẽ ở trong khu vực thảm họa cho đến khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ. Bộ trưởng Quốc phòng Luis Carlos Villegas khuyến cáo, phải sơ tán những người bị ảnh hưởng khỏi khu vực nguy hiểm.

Đồng thời cho rằng, Colombia sẽ phải mất 3 năm để tái thiết thành phố Mocoa. Trong khi đó, người dân cảnh báo về nạn cướp bóc tại những khu vực phải sơ tán.

Giới truyền thông dẫn thông báo của Viện Công tố cho biết, đang điều tra nguyên nhân dẫn tới thảm họa và sẽ chất vấn Thị trưởng thành phố Mocoa, Thống đốc tỉnh Putumayo và các quan chức hữu trách bởi đã chậm trễ và không triển khai các biện pháp phòng chống khi lở đất ập đến.

Viện Công tố cũng gọi hỏi cựu quan chức của Cơ quan Hợp tác phát triển bền vững phía Nam Amazon (tổ chức bảo vệ môi trường) về vấn đề này. Các điều tra viên cho biết, có bằng chứng cho thấy từ năm 2003 đã có nhiều cảnh báo về nguy cơ lũ lụt sạt lở đất tại thành phố Mocoa, nhưng một số quan chức đã chậm trễ trong việc đưa ra phương án phòng chống.

Họ cho rằng, từ năm 2014 đến nay, các nhà chức trách đã có thể ngăn chặn được thảm họa này khi thành phố Mocoa phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt vì mưa lớn. Thống đốc Putumayo Sorrel Aroca coi đây là thảm kịch chưa từng có tiền lệ.

Trong khi đó Thị trưởng Mocoa Jose Antonio Castro nói với báo chí địa phương rằng, thành phố bị cô lập hoàn toàn, không có điện và nước. Thị trưởng Jose Antonio Castro còn tuyên bố, người dân đã được cảnh báo trước và nhiều người đã giữ được mạng sống, nhưng nhiều khu phố và 2 cây cầu đã bị phá hủy.

Được biết, ngôi nhà của ông Jose Antonio Castro cũng bị phá hủy trong trận lở đất hôm 1-4. Nhiều nhân chứng cho biết, nhiều người thân bị kẹt vì lũ bùn ập đến khi họ đang ngủ nên không kịp chạy.

Theo giới truyền thông, sau trận càn quét của lũ bùn, Mocoa trở thành một thành phố hoang tàn - đường phố không rõ hình hài do bùn, đá lấp đầy; xe cộ biến dạng, lăn lóc khắp nơi… Nhiều nhà cửa, cầu đường, xe cộ và cây cối tại thành phố Mocoa bị cuốn trôi để lại đống đổ nát và bùn đen.

Giám đốc Viện Y học và Pháp y Quốc gia Colombia (IMLCF), ông Carlos Eduardo Valdes cho biết, IMLCF đang cố gắng nhận dạng tất cả những người thiệt mạng để giảm bớt nỗi đau cho các gia đình nạn nhân và cử nhân viên tham gia tìm kiếm những người mất tích.

Theo giới truyền thông, mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày đã khiến 3 con sông lớn (Sangoyaco, Mulatos và Moroa) tràn bờ, gây ra lũ quét và lở đất nghiêm trọng từ ngày 1-4, chôn vùi phần lớn diện tích thành phố Mocoa.

Khoảng 45.000 trong tổng số 70.000 cư dân tại Mocoa bị ảnh hưởng trong vụ sạt lở nghiêm trọng này. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đánh giá, mưa nhiều gây nên sạt lở đất tại Colombia, nhưng lượng mưa đó, không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra thảm họa, mà do nhiều yếu tố cấu thành.

Người phát ngôn  WMO Clare Nullis cho rằng, bên cạnh tác động của khí hậu, các nhân tố kinh tế-xã hội như nạn phá rừng cũng góp phần gây ra hiện tượng lũ quét và sạt lở đất tại thành phố Mocoa. Và khẳng định, nguyên nhân của thảm họa lở đất không phải do hiện tượng thời tiết El Nino gây ra.

Viện Thủy văn, Khí tượng và Môi trường Colombia (IDEAM) cảnh báo, hơn 500 thị trấn Colombia có nguy cơ bị lở đất và gần 12 triệu người phải đối mặt với đe dọa lũ lụt trong mùa mưa năm nay.

Anh Phương
.
.
.