Con đường ai đã đặt tên?

Thứ Năm, 08/08/2019, 14:03
Chúng ta quen tên đường là những danh nhân, anh hùng dân tộc, những địa danh hào hùng, thơ mộng trong truyền thống nghìn đời lưu lại. Thế nên có lúc giật mình thấy những tên phố giời ơi đất hỡi. Thí dụ như vừa rồi phát hiện biển tên đường Ngô Minh Dương (phường Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ông Dương họ Ngô ơi, ông là ai mà không hề có trong ngân hàng tên phố?


Cái biển này thậm chí còn thoắt ẩn thắt hiện như truyện liêu trai. Cán bộ ở khu vực này than phiền: "Biển này có lúc tôi đi thì có, lúc lại không có. Khi chúng tôi đi kiểm tra thì không còn. Về việc này, phường đã sớm có tờ trình về những khó khăn khi nhiều tuyến phố khu vực này chưa có tên đường". 

Tên đường này đã được chính quyền yêu cầu dỡ bỏ. Tuy vậy, lên Google tìm kiếm thì thấy nhiều đơn vị đã gắn chặt với tên đường này rồi. Thay đổi sẽ là một bước rắc rối về nhận diện thương hiệu.

Dân tình cho là có ai đó đã cắm trộm biển này. Vậy động cơ là gì? Nên chăng tra hộ khẩu ở đây xem có ai tên là Ngô Minh Dương không. Biết đâu lại là tên phụ thân của người cắm biển trộm thì sao? Đùa dai quá.

Minh họa Tả Từ

Một số tên phố khác cũng tặng người qua đường những cái giật mình. Thí dụ như đường Ướp Lạnh (Cầu Diễn, Từ Liêm), đường Hyundai (quận Hà Đông). Người sống ở đây chẳng biết cái tên Hyundai có từ bao giờ, nhưng cả làng gọi thế thì em cũng theo. Có người cho rằng đường này có chung cư Hyundai HillState nên quen mồm rồi thành tên.

Việc tiện mồm cũng dễ hiểu. Mấy chục năm trước, huyện Kinh Môn (Hải Dương) được Đan Mạch xây dựng cho nhà máy xi măng Hoàng Thạch rất to. Dân xung quanh được tuyển vào làm công nhân quen mồm sang nhà máy lại bảo đi Đan Mạch. Để nói tắt thì có thời, dân buôn gọi đi Hải Phòng là đi Phòng. Đó là dân gian không ai chấp, nhưng chữ nghĩa sổ sách chính thống thì không thể tùy tiện được.

Có nhiều nơi có kiểu tên viết tắt tạo ra "ma trận" gây điên đầu. Tại TP Hồ Chí Minh, các phường thuộc quận 12 như Trung Mỹ Tây, Tân Chánh Hiệp, Tân Hưng Thuận, Đông Hưng Thuận có hơi nhiều đường ghi biển tên bằng số, chữ cái hoặc kết hợp cả đôi. Thí dụ như: HT (phường Hiệp Thành), TA (phường Thới An), TMT 01 (phường Trung Mỹ Tây), TMT 02, TMT 2A, TMT 14A… Quận Bình Thạnh thì có nhiều đường có tên D1, D2, D3, D4, D5... Quận Tân Phú cũng không kém, phường Tây Thạnh có các đường: S1, S2...S9, C1, C2, C4A… Cứ như bản danh sách... điệp viên.

Bên những cái tên đánh số vô hồn, cũng trên thành phố từng được coi là "hòn ngọc viễn Đông" này lại có những tên đường lạnh sống lưng như đường "Mẫu giáo nghĩa địa". Một cái tên "minh triết" gói trọn đời người.

Đô thị hóa từ Bắc chí Nam làm những tuyến đường mở như nấm sau mưa. Hiện tượng "đói" tên đường luôn cồn cào xóm mới. Địa chỉ là cái đầu tiên cho người ta an cư lạc nghiệp. Các công trình mới đều được các nhà đầu tư đặt tên mỹ miều toàn tiếng Anh "thả thính" thị trường nhưng phần tên đường phố thì vẫn phải chờ dài cổ mới được đặt.

Việc đặt tên đường tự phát thì khó mà trách dân. Người quản lý hãy tự trách mình đã đủ nhạy bén phục vụ chưa. Chúng ta đâu chỉ có tên danh nhân. Còn rất nhiều tên đẹp như địa danh, truyền thống văn hóa bản địa hay đơn giản là tên các loài hoa đẹp, vật thiêng… Vấn đề chỉ là phải thấy rõ tầm quan trọng của đặt tên đường trong đời sống nhân dân. Địa danh không chỉ là sự định vị, mỗi cái tên đẹp khiến chúng ta nao lòng, yêu đời hơn. Chỉ một câu hỏi "Dòng sông ai đã đặt tên" cũng đã trở thành một ca khúc đi cùng năm tháng cơ mà.

Còn bạn, bạn thích tên phố là Hàng Da hay là HD?

Lê Tâm
.
.
.