Con người một chiều trong xã hội hiện đại

Thứ Sáu, 09/10/2020, 07:12
Nhà triết học và nhà xã hội học người Đức Herbert Marcuse cho rằng việc cá nhân bị mất đi khả năng tư duy và năng lực sống theo ý mình là mặt trái của sự tiến bộ công nghệ, của nền dân chủ, và của Chủ nghĩa Tư bản nói chung.


Chúng ta hãy xem những quá trình nào xảy ra trong xã hội đã khiến Marcuse và nhiều nhà triết học khác đi đến những kết luận như thế, vì sao theo ông cuộc khủng hoảng tinh thần lại là mặt trái của phúc lợi vật chất và "con người một chiều" đã xuất hiện trên sân khấu lịch sử như thế nào, con người này rất sợ phải đối diện với mình bởi vì thực tế là hắn chẳng còn có gì của mình một khi hắn đã bị tước đi nhu cầu thông tin cũng như nhu cầu vật chất.

Sự tiến bộ công nghệ làm lật nhào nhanh chóng cuộc sống của hàng triệu người cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX trong một thời gian dài đã gây nên hy vọng tích cực về sự giải phóng cư dân của hành tinh chúng ta khỏi sự phụ thuộc vào giai cấp và sự nô lệ trực tiếp. Cùng với sự phát triển công nghệ thế giới đã tránh được việc sử dụng lao động trẻ em, sự vi phạm quyền lao động của cá nhân và sự bắt buộc lao động suốt ngày đêm của một bộ phận lớn dân cư để khỏi chết đói.

Con người ngày càng lệ thuộc vào công nghệ, thậm chí trở thành nô lệ của nó.

Nhưng sự phát triển vũ bão của sản xuất cho phép không chỉ thoát được những thực tại của quá khứ. Trong một thời gian rất ngắn toàn thế giới đã trở nên "phổ quát": trên giá các quầy hàng xuất hiện hàng nghìn đồ vật giống nhau, choán đầy hàng chục nghìn ngôi nhà cùng xây một kiểu. Khi truyền thanh và truyền hình xuất hiện hàng triệu người đã nghe những thông tin giống nhau và bất giác cùng ghi nhớ những tiền đề lặp đi lặp lại. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người thế giới vấp phải nguy cơ mất bản sắc cá nhân.

Đáng chú ý là tình hình mới nảy sinh đó một thời gian dài không gây ra thắc mắc gì, bởi vì sự tiến bộ kỹ thuật đã giải thoát cho mọi người khỏi cảnh bần cùng và cảnh phải tìm cách sống sót, đã làm cho việc giao tiếp trở nên dễ dàng và đã thống nhất hàng triệu cá nhân với nhau nhờ truyền thông. Chỉ mấy chục năm sau thì những nhà triết học, tâm lý học, xã hội học hàng đầu như Z. Freud, E. Fromm và H. Marcuse mới gióng lên hồi chuông lo âu.

Theo nhà triết học, xã hội học và văn hóa học người Đức Herbert Marcuse thì trong những hoàn cảnh đó do lỗi của các phương tiện truyền thông đại chúng sẽ không có sự lựa chọn, mà chỉ có ảo tưởng về sự lựa chọn.

Việc khắp nơi đều dùng tivi, radio, và bây giờ là internet, dẫn đến chỗ hàng ngày đầu óc con người bị ngập tràn dòng thác thông tin cứ lặp đi lặp lại. Chính do sự lặp lại nên con người dường như bị lập trình hóa: hắn thường xuyên nghe thông điệp này hoặc thông điệp khác, dù đó là sự quảng cáo hàng hóa hay một chương trình văn nghệ truyền hình đến mức hắn bắt đầu coi hành động của mình là hành động thiện chí.

Ngoài ra, trong thực tại một chiều như vậy, nơi tư duy của cá nhân bị đẩy xuống hàng sau, thì sự sùng bái tiêu dùng mà mỗi năm càng tăng lên sẽ đóng vai trò quan trọng. Các nhà triết học lớn đã không mệt mỏi nói về việc những nhu cầu giả do truyền thông đại chúng và quảng cáo áp đặt đã che lấp cá nhân và buộc nó hành động một cách phi lý.

Không phải ngẫu nhiên mà lại có nhiều người làm việc chỉ để kiếm tiền mua những thứ đồ không cần thiết treo đầy tủ ở nhà. Đồng thời sự sùng bái tiêu dùng đã lên đến mức một người mua trung bình cũng không thể trả lời được câu hỏi hắn mua một thứ đồ này hay khác như thế để làm gì.

Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, hiện nay trên thế giới có một phần ba đồ ăn bị vứt đi. Nhưng người tiêu dùng hiện đại được giáo dục theo quảng cáo không thèm đếm xỉa gì đến những vấn đề toàn cầu như nạn đói trên thế giới hay môi trường sinh thái bị hủy hoại, bởi hắn là người mang cái gọi là ý thức "sống sướng". Những quyền và những sự tự do cá nhân được thỏa mãn bề ngoài như thế dẫn đến chỗ những người mang ý thức "sống sướng" sẵn sàng đồng lõa với các tội ác trong xã hội, bất luận nặng nhẹ ra sao.

Marcuse cho rằng thực tế đó nói lên sự tha hóa của tính tự trị cá nhân và sự hiểu biết những gì đang xảy ra. Hơn thế, ông còn khẳng định rằng những nguyên tắc của thực tại mới đã kịp đưa những đặc điểm dễ nhận biết không chỉ vào sự giống nhau bề ngoài của các sự vật và đối tượng choán đầy gần như mỗi căn hộ, không chỉ vào hành vi đoán trước được của mọi người, mà cả vào ngôn ngữ của con người.

Tất nhiên, không nên cho rằng tuyệt đối tất cả các thành viên của xã hội đều tán đồng cuộc sống trong thực tại một chiều. Nhưng các nhà phê phán chỉ ra rằng trên thực tế không thể nào thoát được nó. Trong thời đại tin học điều này gắn với việc con người không có khả năng chống chọi lại số lượng và chất lượng của khối thông tin đổ lên hắn.

Nhu cầu của con người hiện nay dường như không thể thiếu mạng xã hội.

Đáng chú ý là cá nhân càng biết nhiều sự kiện trong ngày do các phương tiện truyền thông đại chúng đưa ra thì càng cảm thấy mình trống rỗng. Thường có nhiều nhà báo làm việc trong các lĩnh vực thông tin than phiền về sự trống rỗng bên trong. Nhiều người trong số họ khẳng định rằng họ buộc phải làm việc với dòng thác thông tin không liên quan gì đến mình khiến bị bào mòn và nhanh chóng quên hết mọi thứ, không còn thời gian và sức lực để nghĩ về cuộc sống riêng.

Trong trường hợp đó, nếu con người muốn suy nghĩ độc lập và khước từ tham gia vào sự tiêu dùng toàn cầu, hắn sẽ vấp phải vấn đề tìm kiếm thông tin. Khi trở thành người tìm kiếm hắn sẽ hiểu ra rằng bất kỳ nhu cầu nào cũng sẽ có hàng nghìn ý kiến tỏ ra là đúng đắn nhưng lại thường đối lập nhau được đưa ra. Phần đông mọi người hoàn toàn khước từ sự cần thiết tìm kiếm sự thật và bằng lòng tin vào ý kiến của các phương tiện truyền thông, quảng cáo và văn hóa đại chúng.

Đồng thời các cuộc điều tra xã hội học cho thấy rằng mặc dù mức độ hạnh phúc bề ngoài, ngày càng có nhiều người thực ra cảm thấy mình bị thất lạc trong thế giới thông tin, trở nên trống rỗng và bất hạnh. Các con số thống kê về các vụ tự tử và bạo lực nói lên rằng ý thức "sống sướng" không cứu được cá nhân khỏi sự bất lực hoàn toàn. Khối rác thông tin tích tụ trong đầu qua hàng năm dẫn tới chỗ con người trở nên khiếp sợ khi phải đối diện chính mình, bởi thực tế là hắn không còn gì của mình. Điều này diễn ra là vì trong thực tại một chiều con người ngày càng gắn mình với đồ vật nhiều hơn với ý nghĩa. Trong sách "Có hay sống" E. Fromm nhận xét: "Nếu tôi là cái tôi có và nếu cái tôi có bị mất đi - vậy thì khi đó tôi là ai?"

Marcuse cho rằng lối thoát duy nhất ra khỏi thực tế này là phải "Từ Chối Mạnh" việc sử dụng đồ vật và dòng thác thông tin áp đặt vào mình. "Như thế, tắt tivi và các phương tiện thông tin giống như nó sẽ có thể thúc đẩy đến một sự khởi đầu mà những mâu thuẫn cốt lõi của Chủ nghĩa Tư bản không thể nào dẫn tới được - sự phá hủy hoàn toàn hệ thống".

Dễ hiểu rằng một kết luận như thế là ảo tưởng và không bao giờ thành hiện thực được. Tuy nhiên cũng thấy rõ rằng hiện nay lối thoát ra khỏi tình trạng một chiều là ngày càng có khả năng, nhưng nó chỉ chạm đến một số rất ít người và không làm thay đổi hệ thống nói chung.

Rất may, chính Internet và những quyền tự vệ và tự do của cá nhân đã cho phép có thể tự nguyện từ bỏ một loạt các quy tắc trong xã hội ví như việc tiêu dùng thiếu kiểm soát hoặc việc nhai lại các truyền thông quảng cáo. Rõ ràng lối thoát duy nhất ra khỏi cái lồng "con người một chiều" là sự tự phát triển, là ý thức so sánh các nguồn thông tin khác nhau, là sự phát triển năng lực suy nghĩ, là sự từ bỏ niềm tin mù quáng vào các phương tiện thông tin đại chúng. Và khi các điều kiện lịch sử cho phép sử dụng những thông tin rất khác nhau chứ không phải lập ra một danh mục các tài liệu cấm thì lối thoát ra khỏi tình trạng một chiều hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn và sự bền chí của từng cá nhân cụ thể.

Ngân Xuyên
.
.
.