Còn nhiều bất cập xung quanh đề án thu phí ôtô vào nội đô TP HCM

Chủ Nhật, 28/07/2019, 22:07
Lý do gì việc thu phí ôtô vào trung tâm TP Hồ Chí Minh sau mấy năm đề xuất vốn đã bị dư luận phản ứng, nay lại được công bố sẽ triển khai? Có đúng là khi thu phí ôtô vào trung tâm, việc kẹt xe, ùn tắc sẽ giảm đáng kể? Việc thu phí sẽ được tiến hành ra sao? Nguồn phí này nếu thu sẽ sử dụng như thế nào?... Các câu hỏi này hiện vẫn đang có nhiều đáp án trái chiều!


Thu phí ôtô để hạn chế ùn tắc giao thông ở trung tâm?

Thông tin Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh đã có văn bản đề xuất với UBND Thành phố lắp đặt 34 trạm thu phí nhằm thu phí ôtô vào nội đô TP Hồ Chí Minh dù mới chỉ là đề xuất của cấp Sở và phải đợi UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt chủ trương mới có thể triển khai, nhưng do vấn đề này khá “hot”, liên quan thiết thực đến đời sống người dân nên được dư luận đặc biệt quan tâm.

Mục tiêu của đề án được cho là nhằm hạn chế ùn tắc giao thông khu vực trung tâm…

Mới đây nhất, tại cuộc họp với các địa phương chiều 22-7-2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, lưu ý đề xuất này. Thủ tướng nhấn mạnh: “Đề xuất thu phí ôtô vào trung tâm thành phố đang có rất nhiều ý kiến, phải tính toán rất kỹ vấn đề này”, và yêu cầu TP Hồ Chí Minh phải thảo luận, bàn bạc kỹ lưỡng về hình thức thu phí thế nào.

Đề án thu phí ôtô vào khu vực trung tâm mà Sở GTVT TP Hồ Chí Minh vừa trình UBND thành phố dựa trên đề xuất của Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD) trước đây.

Trao đổi về đề án này, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, đây là thời điểm phù hợp để Sở đề xuất dự án khi các vướng mắc về công nghệ, chế tài và pháp lý thu phí ở lần đề xuất trước đều đã được giải quyết. Theo ông Đường, trước khi đưa ra đề xuất này, trong năm 2019, Sở GTVT đã tổ chức nhiều cuộc họp với các chuyên gia giao thông hàng đầu thành phố.

Mới đây, Hội đồng tư vấn về giao thông đô thị của TP Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức kỳ họp lần thứ hai vào ngày 14-6 để lấy ý kiến về dự án nói trên. Chủ tịch Hội đồng là Giám đốc Sở GTVT, các thành viên gồm những chuyên gia trong ngành giao thông của thành phố. Trong cuộc họp này có 13/19 thành viên tham dự cơ bản thống nhất nên Sở mới đề xuất.

Theo thống kê của Sở GTVT, trong 6 tháng đầu năm, lượng ôtô đăng ký mới tăng hơn 15% (xe máy tăng 6%) trong khi khu vực nội đô đã quá tải, tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm thường xuyên diễn ra. Nếu thành phố không có giải pháp, tình hình kẹt xe ở trung tâm sẽ ngày càng nghiêm trọng.

Do đó, với sự đồng tình của Hội đồng giao thông đô thị thành phố, Sở GTVT đã trình UBND thành phố để xin chủ trương đầu tư công để ghi vốn, làm cơ sở thuê tư vấn nghiên cứu khả thi, lập nghiên cứu có đánh giá sâu hơn.

Theo đó, 34 trạm thu phí sẽ được lắp đặt tại quận 1, quận 3 và giáp ranh quận 5, quận 10. Vành đai thu phí sẽ bao gồm các tuyến đường như Hoàng Sa - Nguyễn Phúc Nguyên - Ba Tháng Hai - Lý Thường Kiệt - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng.

Cách thức lắp đặt này sẽ tạo thành một vành đai khép kín khu vực trung tâm thành phố và một số trục đường giao thông chính thường diễn ra tình trạng kẹt xe. Đáng nói, theo Sở GTVT thì các trạm thu phí này sẽ là trạm thu phí không dừng nên sẽ không trở thành điểm nghẽn về ùn tắc giao thông.

Việc thu phí này sẽ áp dụng đối với ôtô vào khu vực trung tâm thành phố, không áp dụng thu phí chiều ra và không thu phí đối với xe buýt, xe công vụ, xe gắn máy. Mức thu phí dự kiến áp dụng từ 40.000 - 60.000 đồng/lượt xe (tùy loại ôtô, xe tải, xe chở khách nhỏ hoặc lớn).

Phương án triển khai được đề xuất là hình thức đầu tư công, giao một đơn vị của thành phố (Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn) làm chủ đầu tư, quản lý theo quy định, sau khi thực hiện xong sẽ tổ chức đấu thầu thuê đơn vị vận hành, khai thác và nguồn thu nộp về ngân sách.

Theo đại diện Sở GTVT thì hiện công nghệ thu phí nhận dạng qua tần số vô tuyến đã phổ biến, các trạm BOT trên toàn quốc đã áp dụng để thu phí không dừng. Mặt khác, Nghị quyết 54 của Quốc hội cho phép TP Hồ Chí Minh ban hành một số loại phí. Đây là những cơ sở để Sở GTVT đưa ra đề xuất này…

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng phải tính toán thật cụ thể, chi tiết vùng sẽ thu phí.

So với đề xuất cách đây hai năm của Công ty ITD, điểm khác cơ bản của dự án này là hình thức đầu tư và tổng mức đầu tư. Cụ thể, nếu như năm 2017, Công ty ITD đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công tư thì nay Sở GTVT đề xuất chuyển sang đầu tư công. Đồng thời, tổng mức đầu tư được kéo giảm từ 1.660 tỷ đồng xuống còn 250 tỷ đồng.

Giải thích về chênh lệch này, ông Ngô Hải Đường cho biết, con số mà nhà đầu tư đề xuất năm 2017 là tổng kinh phí trong vòng đời 15 năm của dự án, bao gồm cả chi phí lãi vay, bảo trì, thay thế thiết bị. Trong khi đó, Sở GTVT đề xuất 250 tỷ đồng dựa trên toàn bộ định mức đơn giá chi phí đầu vào như cổng thu phí, hệ thống đường truyền, chi phí thanh toán bù trừ… giống các trạm BOT đang thực hiện.

Theo kế hoạch, chủ đầu tư sẽ thực hiện từ nay đến năm 2021, bao gồm các cổng thu phí được thiết kế đa làn, không dừng và một trung tâm điều hành kết nối các cổng, xử lý thông tin và điều hành việc thu phí.

Đại diện Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho rằng khi triển khai đề án sẽ giảm được lượng xe ôtô vào khu vực nội đô từ 30% đến 50%; góp phần kéo giảm ùn tắc khu vực trung tâm thành phố, giúp các phương tiện khác lưu thông nhanh hơn, đặc biệt vào giờ cao điểm; đồng thời thúc đẩy người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng, giảm ô nhiễm môi trường và bổ sung nguồn ngân sách bảo trì đường bộ, phát triển giao thông công cộng tại TP Hồ Chí Minh.

Cần xem xét về tính khả thi

Đánh giá về đề án này, nhiều chuyên gia đã có những ý kiến khá tâm huyết và đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải đáp. Nhưng cũng từ một số ý kiến của chuyên gia, cho thấy đề án này còn những điều cần phải xem xét, nghiên cứu kỹ hơn.

 Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh, nhiều lần nhắc đi nhắc lại câu: “Họ đã quá vội vàng, đáng lẽ họ phải làm thật kỹ trước khi công bố hay đề xuất”.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa cho biết, ông là thành viên Hội đồng tư vấn về giao thông đô thị của TP Hồ Chí Minh: “Trong kỳ họp vào ngày 14-6 vừa qua để lấy ý kiến về dự án nói trên, Hội đồng mới chỉ bỏ phiếu đồng ý về mặt chủ trương và yêu cầu đơn vị tổ chức triển khai kế hoạch này phải lập đề án chi tiết để trình lại cho Hội đồng hay nhiều hội đồng khác duyệt một lần nữa về các vấn đề kỹ thuật… nhưng họ chưa thực hiện bước này thì đã vội vàng công bố”.

Khu vực thu phí được đề xuất.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa thừa nhận việc thu phí là nên làm, vấn đề là thời điểm và tổ chức như thế nào. Ở một số nước trên thế giới như Malaysia hay Hàn Quốc… họ không làm trạm thu phí đồ sộ, khi vào trung tâm thành phố chắc chắn sẽ không ai thấy trạm nào cả, nhưng xe ôtô vào là sẽ được ghi nhận và trừ phí vào thẻ của tài xế, rất thuận tiện. Đồng thời, đề án này cũng chưa làm rõ sẽ thu phí một lần hay thu theo giờ, kiểu như người dân vào trung tâm thành phố có việc rồi ra ngay hoặc vào từ sáng nhưng tới chiều và tối mới ra thì thu như thế nào.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa thì TP Hồ Chí Minh cũng phải tính toán thật cụ thể, chi tiết vùng sẽ thu phí. “Nếu xác định vùng thu phí rộng là rất vô lý, vì như thế dư luận sẽ cho là lạm thu, phí chồng phí. Chỉ nên thu phí vùng “downtown” (tạm hiểu là vùng đông đúc, dày đặc nhất) như các nước đang thực hiện”. Ngoài ra, thực tế thành phố có nhiều đường để vào trung tâm chứ không nhất thiết phải đi qua các cổng thu phí này. Do vậy, Sở GTVT nên tính toán kỹ các cổng thu phí cho phù hợp để tài xế không né tránh.

Đặc biệt, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng, việc đại diện Sở GTVT khẳng định khi tiến hành thu phí sẽ giảm được 30-50% lượng xe vào nội đô, giảm kẹt xe là “rất khó nói”. Bởi đơn giản chuyện kẹt xe phụ thuộc vào hoạt động dịch vụ và mật độ dân số.

Chẳng hạn các hoạt động dịch vụ như bệnh viện, các trường học, các siêu thị, trung tâm thương mại được chuyển bớt ra khỏi nội đô thì chắc chắn giảm được đáng kể số lượng người dân vào trung tâm nội đô. Còn như hiện tại, khi có nhu cầu khám, chữa bệnh, học tập, mua sắm… người dân dù phải đóng phí vẫn sẽ đi vào trung tâm.

“Để giảm mật độ dân số, số lượng xe vào trung tâm thành phố, người ta có nhiều phương pháp và cách thức khác nhau chứ không phải vì thu phí thì người dân sợ nên không vào. Bởi thực tế, dù có thu phí xe ô tô, nhưng người dân khi có công việc ở trung tâm thì họ vẫn phải đi xe vào, nên rất khó có chuyện người dân hạn chế vào trung tâm thành phố khi bị thu phí”, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa nói.

Trong khi đó, KTS. Ngô Viết Nam Sơn thẳng thắn nêu ý kiến: “… Phương án này không khả thi về mặt kinh tế, chỉ làm lợi cho nhà cung cấp dịch vụ, còn người dân thì gặp bất tiện. Khi nào thành phố có một hệ thống giao thông công cộng hiện đại, tiện lợi phục vụ đủ nhu cầu đi lại của người dân, khi đó mới tính đến việc thu phí ôtô vào khu vực trung tâm”.

Ngoài ra, KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho rằng thành phố có thể áp dụng phương án đơn giản và hiệu quả hơn là tăng phí đậu xe khu trung tâm. Dẫn chứng việc tăng phí đậu xe ở 23 tuyến đường quận 1, 5 và 10 đã phát huy hiệu quả, chuyên gia này đề nghị Sở GTVT mở rộng thêm các tuyến đường khác.

TS.Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịchHội Tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý TP Hồ Chí Minh lại cho rằng đề án này là một vấn đề khoa học và thực tiễn; để có cơ sở chứng minh đề án này có hiệu quả hay không cần phải có những nghiên cứu, tính toán khoa học. “Nếu cho đến nay thành phố chưa có cơ sở, tính toán khoa học về đề án này thì Hội của chúng tôi sẽ sẵn sàng giúp tính toán hoàn toàn miễn phí”, TS. Nguyễn Bách Phúc đề nghị.

Phú Lữ
.
.
.