Còn nhiều “điểm nghẽn” để phát triển hệ thống xe đạp công cộng

Thứ Tư, 15/05/2019, 19:03
Theo nhiều ý kiến đánh giá của các chuyên gia đầu ngành, hệ thống xe đạp công cộng (XĐCC) là giải pháp cần thiết để giải tỏa giao thông, giảm kẹt xe, ô nhiễm môi trường tại TP HCM. Tuy nhiên, để triển khai, phát triển dự án này, thành phố cần phải giải quyết nhiều “điểm nghẽn” đã và đang tồn tại…


Nhiều yếu tố để phát triển xe đạp công cộng

TP Hồ Chí Minh là địa phương có các chương trình thí điểm XĐCC đầu tiên của cả nước. Điển hình có hai hệ thống đã triển khai thí điểm: Một là hệ thống XĐCC tại Công viên phần mềm QuangTrung (quận 12) triển khai từ cuối tháng 6-2017 phục vụ trong nội khu. Để sử dụng hệ thống “bike share” này, người dùng cần đăng ký thẻ khách hàng tại cổng Tô Ký hoặc cổng quốc lộ 1. Tại trạm mượn xe, người sử dụng quét thẻ lần đầu đọc thẻ tại trạm trung tâm, sau đó chọn xe. Người sử dụng lấy xe ra khỏi trạm trung tâm và sử dụng trong nội khu.

Hệ thống có cảm biến nhận biết xe, tình trạng xe đã ra khỏi trạm và ghi nhận thông tin khách hàng mượn xe vào cơ sở dữ liệu. Để trả xe, người sử dụng quét thẻ tại trung tâm và chọn số trụ khóa để trả, hệ thống sẽ ghi nhận người sử dụng đã trả xe và lưu vào cơ sở dữ liệu.

Hệ thống thứ hai là hệ thống chia sẻ xe đạp E-bike (sử dụng năng lượng mặt trời) triển khai từ tháng 4-2018, nằm trong dự án giao thông công cộng Easy Move do Công ty TNHH TM&KT Tân Kỷ Nguyên được sự hỗ trợ của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh triển khai thực hiện trong khuôn viên 640ha, với 100 xe, giúp sinh viên di chuyển giữa các giảng đường và các khu ký túc xá.

E-Bike được thiết kế theo chế độ quản lý tự động cho thuê xe thông qua ứng dụng Easy Move cài đặt trên điện thoại thông minh. Để sử dụng E-Bike sinh viên phải đăng ký tài khoản thông qua app ứng dụng trên điện thoại. Mỗi xe đều có mã QR (mã vạch phản hồi nhanh), sinh viên sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR để mở khóa. Thời gian thuê xe được tính từ lúc hệ thống mở khóa xe và kết thúc khi người dùng khóa xe đặt lại trạm. Các hệ thống trên xe đạp cũng được sạc bằng pin năng lượng mặt trời và lắp thiết bị định vị để quản lý.

Riêng với hệ thống chia sẻ xe đạp E-bike triển khai thực hiện trong khuôn viên khu đô thị Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, tại đây có làn đường dành riêng cho xe đạp; nhất là với gần 60 ngàn sinh viên, CB-GV-CNVC đang học tập và làm việc tại khu đô thị… Hệ thống này hoàn toàn miễn phí cho người dùng và phù hợp cho những đoạn đường ngắn giữa các trường, viện, ký túc xá, nhà công vụ, trạm xe bus, nhà văn hóa và các tòa nhà hành chính.

Khó khăn thách thức của hệ thống chia sẻ xe đạp E-bike là số lượng xe và trạm ban đầu vẫn còn ít so với điều kiện khuôn viên và nhu cầu sử dụng tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh do chi phí đầu tư ban đầu lớn.

Mới đây, theo một khảo sát của nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh tại hai khu vực là Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) và Khu đô thị Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (quận Thủ Đức) kết quả quả cho thấy 65% người dân Khu đô thị Phú Mỹ Hưng và 41% sinh viên Khu đô thị Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh sẵn sàng cho việc di chuyển bằng xe đạp…

Sinh viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh trải nghiệm ứng dụng E-Bike.

Chưa thể thực hiện ngay một cách đại trà

Tuy nhiên, xung quanh việc triển khai XĐCC cũng đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm. Theo PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, Trưởng Khoa Đô thị học, Trường Đại học KHXH & NV TP Hồ Chí Minh, giao thông TP Hồ Chí Minh có lợi thế là đường nhỏ, vốn phù hợp với lưu thông xe hai bánh. Tuy nhiên, lợi thế trên cũng chính là khó khăn của thành phố vì xe đạp sẽ cùng lưu thông với xe máy trong cùng một làn đường, do vậy người đi xe đạp khó có sự an toàn so với xe máy.

Bên cạnh đó, xe đạp còn thiếu hấp dẫn đối với người sử dụng bởi điều kiện về hạ tầng giao thông không đảm bảo, thời tiết nắng nóng, đó là chưa kể đến tâm lý đi xe đạp thì nghèo, ít tiền... Những yếu tố này đã và đang là những thách thức đối với việc phát triển hệ thống XĐCC.

Trong khi đó, ThS Nguyễn Tất Thắng, Phó Trưởng phòng Quản lý kỹ thuật, Sở Quy hoạch kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho hay, TP Hồ Chí Minh trong tình trạng quá tải mặt đường và vỉa hè, mặt khác, ở các đường phố hiện nay còn chưa có làn đường dành riêng cho xe đạp, do vậy làm thêm một làn đường nữa và bãi giữ cho xe đạp là bất khả thi…

Do vậy, TP Hồ Chí Minh chỉ nên triển khai mô hình thực tế tại một số khu vực có không gian tương đối khép kín như Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khu đô thị Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao, Khu công viên phần mềm Quang Trung, các khu công nghiệp lớn, khu du lịch, di tích lịch sử, các trường đại học, trung tâm thương mại… 

Từ đó, tính toán và nhân rộng ra các khu vực có lưu lượng người di chuyển lớn, hướng đến kết nối với nhau và kết nối với phần lõi đã xây dựng. Đối tượng tác động chính ở các khu vực này chủ yếu sẽ là lãnh đạo, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và những người làm việc ở các khu công nghiệp trong phạm vi 5km tính từ trạm kết nối.

Phú Lữ
.
.
.