Hậu thanh tra tại Trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội)

Còn nhiều vấn đề nổi cộm, phức tạp

Thứ Bảy, 22/03/2014, 11:01

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngày 13/3/2013 Bộ GD&ĐT đã có Quyết định 40/GD-TT về việc tiến hành thanh tra trường ĐH Ngoại thương. Ngày 18/3 Đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT bắt đầu thanh tra 4 nội dung lớn, gồm 3 nội dung về tài chính, 5 nội dung về cơ sở vật chất, 2 nội dung về đạo tạo tuyển sinh, 3 nội dung về tổ chức cán bộ theo đơn tố cáo. Ngày 16/7/2013 Thanh tra Bộ GD&ĐT đã ban hành bản Kết luận thanh tra số 548/KL-TTr.

Từ những chồng đơn tố cáo của các nhà khoa học tại trường Đại học Ngoại thương (ĐHNT), một cơn "địa chấn" đã bùng lên tại ngôi trường danh tiếng này vào những tháng đầu năm 2013. Với chỉ thị của Phó thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ĐT) tiến hành thanh tra toàn diện những vấn đề dư luận bức xúc, nhưng bằng Kết luận thanh tra số 548/KL-TTr ngày 16/7/2013, đáng tiếc Thanh tra Bộ GD&ĐT mới chỉ kết luận được "một nửa" của sự thật. Logic tiếp theo là những ai dám nói lên tất cả sự thật bắt đầu nhận "trái đắng" vì sự công tâm, trung thực của mình. 

Chuyện "voi chui lọt lỗ kim"

Thông báo số 37/TB-BGDĐT ngày 24/1/2014 của Bộ GD&ĐT cho biết cơ quan này đã "nghiêm khắc phê bình" ông Hoàng Văn Châu - Hiệu trưởng, bà Đào Thị Thu Giang - Phó Hiệu trưởng nhà trường, sau hàng loạt những sai phạm của họ trong tất cả các lĩnh vực như tài chính, cơ sở vật chất,  đào tạo tuyển sinh, tổ chức cán bộ…một lần nữa làm dấy lên những bất bình, không phục, chán nản  trong đội ngũ các nhà khoa học nơi đây. 

Để bạn đọc tiện theo dõi, CSTC xin tóm lược nội dung sự việc như sau: Đầu năm 2013, báo chí đã có nhiều bài điều tra phản ánh những sai phạm có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, mất dân chủ nghiêm trọng của ông Hoàng Văn Châu - Hiệu trưởng và bà Đào Thị Thu Giang - Phó Hiệu trưởng trường ĐHNT, theo tố cáo của đông đảo giảng viên nhà trường.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngày 13/3/2013 Bộ GD&ĐT đã có Quyết định 40/GD-TT về việc tiến hành thanh tra trường ĐHNT. Ngày 18/3 Đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT bắt đầu thanh tra 4 nội dung lớn, gồm 3 nội dung về tài chính, 5 nội dung về cơ sở vật chất, 2 nội dung về đạo tạo tuyển sinh, 3 nội dung về tổ chức cán bộ theo đơn tố cáo. Ngày 16/7/2013 Thanh tra Bộ GD&ĐT đã ban hành bản Kết luận thanh tra số 548/KL-TTr.

Nhận xét về văn bản này, TS. Nguyễn Huyền Minh - Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế (KT&KDQT) - trường ĐHNT nói: "Bản Kết luận thanh tra chưa đi đến cùng bản chất của sự việc, những vấn đề mấu chốt, cần làm rõ thì lại nói là không có cơ sở kết luận... thể hiện sự thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu bao che sai phạm...". Bà thẳng thắn bày tỏ ngờ vực: "Điểm bất thường là thanh tra đã không làm rõ (hoặc không kết luận) các vấn đề mà chính các thành viên trong đoàn đã mắt thấy, tai nghe và kí xác nhận vào biên bản làm việc. Nên không có gì ngạc nhiên khi tình hình trường tiếp tục bất ổn, xấu đi sau thanh tra". Biên bản họp chi bộ Khoa KT&KDQT ngày 30/8/2013 cũng ghi rõ: "bản thân Thanh tra đã bỏ qua các thông tin, bằng chứng mà CB, GV của Khoa đã cung cấp".

Được biết, mặc dù qua thanh tra đã phát hiện các sai phạm như để ngoài sổ sách nhiều khoản thu, chi sai quy định, đồng nghĩa với việc có những dấu hiệu của sự "tư túi", tham ô và những sai phạm khác. Trong 14 điểm sai phạm thuộc 4 nhóm nội dung, bà Đào Thị Thu Giang - (Phó Hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất, kế toán - tài vụ) được xác định có 6 sai phạm, thế nhưng tại bản Kết luận lại ghi: "Trường đã thực hiện công khai thu, chi tài chính, cơ bản đúng theo quy định".

Trao đổi với nhóm PVĐT, các giảng viên đã cung cấp thông tin về hàng loạt sai phạm của lãnh đạo nhà trường đã không được phản ánh khách quan, đầy đủ trong Kết luận thanh tra, như đã "lờ" đi nhiều khoản thu, chi để ngoài sổ sách, thiếu minh bạch, có biểu hiện tham ô; nhiều hạng mục chi "khống", chênh lệch hàng tỉ đồng giữa thực chi và báo cáo các cơ quan chức năng của Bộ.

Việc bà Giang thu hồi tiền sinh hoạt phí và tiền lương hợp đồng khoán việc của các giáo viên trong Chương trình tiên tiến và Dự án Mutrap III có nhiều sai phạm, như thu tiền không có phiếu thu, sau đó giả mạo chữ ký, lập chứng từ "lùi ngày" để hợp thức hóa… đã không được thanh tra kết luận rõ ràng. Sự việc ông Châu chỉ đạo làm giả chứng từ vào ngày 17/6/2012, để hợp thức hóa các khoản thu từ năm 2008 đến 2012 đưa vào sổ kế toán năm 2011, được nhiều nhân chứng phản ánh và có dấu hiệu của hành vi "giả mạo trong công tác", nhưng thanh tra vẫn "phớt lờ".

Việc sửa chữa các nhà A, nhà B và D, thanh tra chỉ dựa vào các chứng từ, tài liệu, chứ không kiểm tra thực tế. Chẳng hạn, theo thiết kế nhà 12 tầng không có nhà vệ sinh trong phòng Hiệu trưởng, nhưng khi thi công tự bổ sung thiết kế, làm "đội" chi phí xây dựng. Việc lập hồ sơ thanh quyết toán tiền sửa chữa nhà B có dấu hiệu thất thoát khoảng 1 tỷ đồng (thể hiện tại hợp đồng số 02/2009 TTHĐ-TH ngày 10/11/2009).

Việc thu tiền phạt nộp chậm học phí của sinh viên; việc sử dụng xe ô tô công trái phép; việc để ngoài sổ sách số tiền luyện thi sau đại học mỗi năm từ 3-5 tỷ đồng suốt từ năm 2009 đến nay; việc đầu tư mua sắm trang thiết bị tại một số khoa và phòng ban. Việc ông Châu trong 7 năm (từ 2005 đến 2012) đã bổ nhiệm và tái bổ nhiệm hơn 120 trưởng, phó trưởng khoa, phòng và tương đương mà không họp bàn trong Ban Giám hiệu, kí tuyển dụng 493 người, trong đó nhiều người không đủ tiêu chuẩn... đều không được thanh tra đi sâu xác minh làm rõ để có hình thức xử lý thỏa đáng.

Đọc kỹ bản Kết luận thanh tra, thấy những sai phạm của một số nhân vật trong Ban giám hiệu trường ĐHNT đã được "bọc lót" bởi những "con chữ" thông minh. Chẳng hạn, việc yêu cầu giám định "tuổi mực" để xác định thời điểm ký chứng từ là không thể thực hiện trong điều kiện nền kỹ thuật hình sự ở nước ta hiện nay. Thế nên phải chăng "quả bóng" đã được chuyền sang "chân" bộ phận giám định để đảm bảo tính "khách quan", vì đã tiên liệu sẽ không đủ điều kiện kết luận?. Trong khi đó, việc trưng cầu giám định tự dạng (chữ viết, chữ ký) sẽ cho kết quả nhanh chóng hơn, lại chưa được Đoàn thanh tra triển khai. 

Những câu hỏi còn để ngỏ trong bản Kết luận thanh tra còn rất nhiều, nhưng điều chúng tôi quan tâm là chuyện gì đang diễn ra tại không gian "hậu thanh tra" ở trường đại học danh tiếng này.

Những chỉ đạo, xử lý bất thường

Sau đợt thanh tra, tất cả những cá nhân các nhà khoa học đã dũng cảm đứng về lẽ phải, dám tố cáo sai phạm, tiêu cực đều lần lượt chịu "quả đắng". Trong đơn tố cáo gửi tới các cơ quan, bà Nguyễn Thị Thúy, Khoa Đào tạo Tại chức - trường ĐHNT cho biết sau khi có kết luận thanh tra, tình hình ở trường ĐHNT căng thẳng, bức xúc hơn và các sai phạm vẫn tiếp diễn.

"Nạn nhân" đầu tiên là PGS, TS Trịnh Thị Thu Hương - Phó trưởng Khoa KT&KDQT. Cái "mũ sai phạm" bà bị người ta "chụp" lên đầu, vì đã "không viết biên lai" khi cầm hộ tiền lương (của các giảng viên tham gia dự án Mutrap III) để nộp trả lại cho bà hiệu phó. Thay vì bắt lỗi "chính chủ" là bà Giang vì đã không làm phiếu thu, Ban giám hiệu lại "kết tội" này cho bà Hương. Cả Khoa  KT&KDQT đã "ngớ người" ra, khi "trên" yêu cầu phải kiểm điểm bà Hương. Tại biên bản họp chi bộ Khoa ngày 30/8/2013, tất cả 15 đảng viên dự họp đều phát biểu bà Hương bị oan ức, đồng thời chỉ ra sự không chính xác và tự mâu thuẫn của kết luận thanh tra.

Trong khi kiến nghị về nội dung kết luận thanh tra chưa được làm sáng tỏ, thì đợt bình xét thi đua cuối năm 2013 đã trở thành "cuộc chiến" của những lá phiếu. "Chưa bao giờ nội tình trường tôi rối ren như thế này"  - một vị lãnh đạo khoa cho biết.

Một điểm bất bình thường nữa là 3 vị Phó Hiệu trưởng như PGS, TS Nguyễn Văn Hồng, Nguyễn Đình Thọ, Bùi Ngọc Sơn và TS. Đặng Thị Nhàn, TS Nguyễn Thục Anh, cùng nhiều giảng viên, lãnh đạo các khoa và trung tâm đã bị gạt khỏi các danh hiệu Chiến sỹ thi đua, Tập thể lao động xuất sắc… dù hoàn thành tốt nhiệm vụ. phải chăng bởi họ đã đứng về lẽ phải tố cáo tiêu cực?

Trong khi ấy, 5 đơn vị và một số cá nhân có sai phạm theo kết luận thanh tra vẫn được xét thưởng. Chưa hết, trong cuộc họp thực hiện kết luận thanh tra mặc dù ông Châu và bà Giang được xác định có tới 14 thiếu sót, sai phạm trong nhiều lĩnh vực, nhưng vẫn nhận được 11/14 phiếu đề nghị "không kỷ luật". Trong khi đó, 3 vị Phó hiệu trưởng khác không liên quan đến những sai phạm này, không được nhắc tới trong bản Kết luận thanh tra của Bộ GD&ĐT lại nhận được một số phiếu đề nghị khiển trách và cách chức. Những lá phiếu  này được bỏ trong một hội đồng gồm 14 người, trong đó có tới 6 người đã mắc các sai phạm được nêu trong Kết luận thanh tra, liệu có đảm bảo khách quan?

Những vấn đề nổi cộm, phức tạp trên liệu bao giờ được giải quyết một cách triệt để, để giúp trường ĐHNT ổn định và phát triển đúng hướng? 

Trong báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2013, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nêu rõ: Trong suốt quá trình thanh tra, kiểm toán, các cơ quan tuy đều phát hiện ra sai phạm nhưng vẫn ít chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự mà đa phần chỉ xử lý hành chính. Việc chuyển các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng từ cơ quan thanh tra, kiểm toán sang cơ quan điều tra còn bị kéo dài; đặc biệt, rất ít người dân tham gia tố cáo tham nhũng.

Tình trạng này có nguyên nhân từ việc giải quyết đơn thư còn để kéo dài, và nhất là người dân có tâm lý sợ bị trả thù nên rất ngại tố cáo tham nhũng; Đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, thủ đoạn phạm tội lại tinh vi, có nhiều thủ đoạn đối phó, che giấu hành vi nên việc phát hiện, truy tố gặp khó khăn.

Trong quá trình điều tra các vụ án tham nhũng đều phải gia hạn thời gian, nhiều vụ án phải gia hạn tới ba lần; Việc tự phát hiện tham nhũng rất yếu, đa phần do báo chí và dư luận xã hội. Trong khi đó, việc xử lý hành vi tham nhũng còn chưa nghiêm, chưa kịp thời, thậm chí có biểu hiện "nương nhẹ". Để xảy ra tình trạng trên, một phần do người đứng đầu chưa quyết liệt, nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi còn bị buông lỏng… Kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, còn có biểu hiện nói không đi đôi với làm, hoặc thậm chí làm chiếu lệ.

Liệu đây có phải là bài học cho Trường Đại học Ngoại thương?

Nhóm PVĐT
.
.
.