Con số 1% ám ảnh

Thứ Sáu, 04/10/2019, 10:28
Một câu chuyện cũ nhưng vẫn luôn thời sự suốt thời gian qua, đó là tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho tới lúc này dù chỉ còn 1% chưa hoàn thành nhưng chưa biết khi nào mới có thể vận hành.


Sự chậm trễ trong việc vận hành đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông đã khiến TP Hà Nội cũng chịu thiệt hại lớn về tài chính. Bởi theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông dự kiến chạy thương mại từ tháng 9-2017.

Ngay từ thời điểm đó, Thành phố đã phải làm thủ tục vay lãi để chuẩn bị công tác vận hành, quản lý, bảo trì, bảo dưỡng. Đã có khoảng 1.000 người được tuyển dụng, đào tạo để phục vụ những phần việc này. Thế nhưng do dự án chậm tiến độ nên một số công nhân đã bỏ đi, trong khi mỗi năm Hà Nội vẫn phải trả lãi vay gần 300 tỷ đồng cho vận hành dự án.

Thừa nhận dự án chậm trễ khiến Hà Nội phải tốn kém nuôi bộ máy, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể cho rằng, từ tháng 9-2018, dự án Cát Linh - Hà Đông đã vận hành thử để kiểm định lại thông số kỹ thuật.

Từ đó đến nay thời gian thử nghiệm đã hơn 1 năm nhưng vẫn chưa thể đưa vào khai thác thương mại. Theo ông Thể, đến nay dự án tuy còn 1% nhưng vẫn còn những việc phải làm rõ trước khi dự án đưa vào vận hành. Đặc biệt là công tác nghiệm thu, bổ sung biển báo giao thông để khi hệ thống lái tự động trục trặc thì lái tàu có thể vận hành thủ công...

Sau 8 lần dự án này trễ hẹn vào khai thác, người dân thủ đô càng bức xúc khi những thông tin về dự án được công bố. Mới đây, khi kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) gửi tới Bộ GT-VT cho thấy: hàng loạt sai phạm trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh tăng vốn và ký kết hợp đồng dự án.

Theo KTNN, có nhiều "lỗ hổng" trong quá trình đầu tư khiến Bộ GT-VT phải điều chỉnh vốn đầu tư dự án từ 8.769 tỉ đồng lên 18.001 tỉ đồng, tăng 205% so với tổng vốn đầu tư ban đầu được duyệt. Tuy nhiên, khi quyết định điều chỉnh tăng vốn dự án vào tháng 2-2016, Bộ GT-VT không báo cáo Thủ tướng để trình Quốc hội thông qua chủ trương điều chỉnh vốn là chưa thực hiện đúng nghị quyết 49 của Quốc hội, trái với quy định của Luật Đầu tư công.

Dù là dự án trọng điểm của ngành GT-VT, quy mô đầu tư nhiều nghìn tỉ đồng nhưng quá trình đầu tư dự án có hàng loạt "lỗ hổng" được KTNN phát hiện sau nhiều năm thực hiện. Đó là chủ đầu tư dự án đã không tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc dự án; bản vẽ thiết kế cơ sở chưa thể hiện được kết cấu chính của dầm cầu, trụ cầu tuyến đường sắt; khi lập dự án không tính toán đến việc xử lý nền đất yếu dẫn đến phải điều chỉnh bổ sung.

Đặc biệt, lưu lượng hành khách sử dụng đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đơn vị tư vấn Trung Quốc giả định tính toán, phân tích hiệu quả kinh tế dự án cao hơn nhiều lần so với số liệu dự báo của Viện Chiến lược GTVT.

Cũng theo KTNN, khi phân tích hiệu quả kinh tế dự án, chủ đầu tư không xem xét đến chi phí vận hành cao, chiếm tỉ trọng lớn trong giai đoạn khai thác dự án nên kết luận đường sắt Cát Linh - Hà Đông hiệu quả về kinh tế là thiếu chính xác. Phương án tài chính của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông ngay từ khi lập dự án đã phải bù lỗ nhưng các bên liên quan chưa đề xuất phương án khai thác hiệu quả.

Tổng vốn đầu tư dự án được điều chỉnh tăng 9.321 tỉ đồng nhưng chủ đầu tư chưa chứng minh được hiệu quả kinh tế xã hội khi tăng vốn dự án. Hơn nữa, việc tăng vốn này chưa xác định cơ sở điều chỉnh tăng chi phí các hạng mục thiết bị, chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ và chi phí chạy thử.

KTNN cho biết: đến hết tháng 6-2018, số vốn rót vào đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông theo báo cáo của chủ đầu tư khoảng 11.337 tỉ đồng, nhưng kết quả kiểm toán chỉ ghi nhận khoảng 8.679 tỉ đồng đã đầu tư vào dự án. Số chênh lệch khoảng 2.656 tỉ đồng do chủ đầu tư tính sai khối lượng 360 triệu đồng, sai đơn giá 175 tỉ đồng, sai khác 698 tỉ đồng, chưa đủ điều kiện quyết toán 1.781 tỉ đồng….

Về tiến độ dự án, theo hợp đồng EPC thời gian hoàn thành, chạy thử, bàn giao dự án vào năm 2014, sau đó được điều chỉnh kéo dài tới tháng 9-2017. Nhưng đến nay, công trình vẫn chưa được bàn giao cho chủ đầu tư. Chủ đầu tư dự án cũng chưa làm rõ trách nhiệm của tổng thầu về những thiệt hại do việc chậm tiến độ gây ra để xử lý theo quy định.

Cho tới lúc này, ngày chính thức vận hành đoàn tàu vẫn chưa được chốt. Tuy nhiên, điều người dân mong muốn là cùng với việc sớm đưa vào vận hành tuyến đường sắt này, rồi đây các cơ quan chức năng phải làm rõ trách nhiệm của những người liên quan tới công trình này. Bởi không thể để những đồng tiền thuế của người dân đóng góp lại có thể để cho một nhóm người tiêu hoang phí như vậy. Nếu cứ để sự việc trôi qua trong bình yên, thì việc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sẽ như "nước đổ lá khoai".

Tân Lương
.
.
.