Sự thật về con số 43 tuyệt mệnh và gã phu trầm có tài chữa bách bệnh bằng xương người:

Con số 43 và chuyến đi định mệnh của nhóm phu trầm xứ Huế

Thứ Năm, 23/10/2014, 10:00

Chiều thu xứ Huế, trời mưa xám lạnh, đã trải qua 24 năm từ sau chuyến đi trầm định mệnh, nhưng khi nhắc lại chuyện cũ gương mặt ông Lê Văn Náo (54 tuổi, xã Hương Thị, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) vẫn hằn vẻ u buồn. Ông Náo kể rằng: Khoảnh khắc bi thảm khi một gốc cây trầm lớn ngã đè và cướp mất sinh mạng của người em trai là anh Lê Văn Cương (còn gọi là cậu Trước) trời cũng xám lạnh như hôm ni.

Rồi một tháng sau, phải chứng kiến cảnh người chị sinh đôi của anh Cương là chị Lê Thị Sương vì "lời nguyền huyết ngải" bỗng dưng chết trong điên loạn, đã ám ảnh ông suốt cả cuộc đời... Chuyến săn trầm định mệnh ngày đó có 43 phu trầm, cùng một gã phu trầm học việc tên là Mai Văn Vinh. Sau này Vinh chính là gã thầy thuốc lang băm, nhân vật chính gây chấn động dư luận bởi phương thuốc bí truyền bằng xương người mà chúng tôi muốn đề cập đến.

Cái chết của một phu trầm và con số 43

Chuyện bắt đầu từ những ngày đầu tháng 5/1990, cả nhà ông Lê Văn Náo, những anh em bà con cùng bạn bè hàng xóm trong làng gồm 43 người kéo nhau đi săn trầm tại biên giới Việt - Lào. Nhiều ngày loanh quanh trong rừng thẳm, toán phu trầm đã gặp được một gốc trầm kỳ lớn đến mấy người ôm không xuể. Tuy nhiên, niềm vui sắp được đổi đời nhờ trúng đậm kỳ nam có lẽ lại báo hiệu bằng một điềm xấu khác. Chả là, hôm ấy rừng già trời đổ mưa giông, sấm chớp đì đùng.

Trong đoàn phu trầm có anh Lê Văn Cương không hiểu sao cả ngày đó cứ giữ nét mặt buồn rười rượi. Đến buổi cơm trưa anh ta đã không chịu ăn uống, còn xoay lưng nhìn xa xăm về phía bìa rừng. Giữa cơn mưa lớn, vậy mà mặc sự ngăn cản của nhiều người, anh Cương cứ một mực đòi xách ba lô, băng rừng chạy đến chỗ gốc trầm. Và rồi anh Cương gặp chuyện, gốc trầm ban sáng cả nhóm đào dang dở gặp mưa, mục đất bỗng đổ ầm, đè nghiến anh bên dưới. Anh Cương chết không kịp kêu cứu lấy một tiếng, máu của anh hòa với nước mưa loang đỏ cả góc rừng...

Theo quan niệm mê tín của đám phu trầm thì con số 43 là con số kém may. Kỳ lạ và mê tín đến nỗi, những phu trầm giờ khi nhắc đến chuyến đi ngày ấy ai cũng tỏ ra lo sợ và tuyệt đối kiêng kỵ con số 43. Do bởi, ban đầu tham gia chuyến đi trầm có 43 người cùng trong một làng. Dọc đường đi bị rã đám và lạc mất nhau vì bị Bộ đội Biên Phòng phát hiện truy đuổi, nhiều người bỏ trốn, phải ẩn nấp khắp các đoạn rừng.

Rừng già nhiều hiểm nguy và hậu quả của "ngậm ngải tìm trầm" đã lấy đi không biết bao nhiêu sinh mạng và luôn là nỗi ám ảnh của các phu trầm nuôi ảo vọng đổi đời.

Những phu trầm còn sót lại tiếp tục gặp thêm một nhóm phu trầm của làng khác rồi quyết định nhập chung thành một nhóm mới, đếm đi đếm lại quân số cũng đúng 43 người. Gom, lượm nhặt những dụng cụ, ba lô của phu trầm vứt khi bỏ chạy thì tìm được 43 cái. Kiểm tra bao gạo để tính toán lương thực lúc đi đường thì còn đúng 43 lon gạo...?!.

Sự trùng hợp khó lý giải của con số 43, lại thêm cái chết của anh Cương trong đoàn do gốc trầm ngã đè lên. Hôm đưa xác anh Cương từ rừng trở về, dọc đường đi đám phu trầm còn gặp không ít chuyện ly kỳ. Về đến làng lại có chết chóc của người thân anh Cương mà không thể lý giải, khiến đến mấy chục năm sau mà những phu trầm còn lại vẫn hoang mang...!

Vụ thiêu xác giữa rừng già và "lời nguyền huyết ngải" 

Ông Lê Tranh, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Hương Thọ, người đi cùng chuyến trầm năm đó đã kể lại: Hôm đó khi anh Cương chết, mấy anh em phu trầm bỏ xác anh lên võng, định thay nhau cáng ra khỏi rừng nhưng máu từ cái xác thấm qua võng, cứ chảy ta lênh láng. Đường xa nhiều ngày, nghập ghềnh vất vả, lại sợ xác của anh Cương khó được bảo toàn cho đến khi về đến nhà bởi thú rừng đuổi theo mùi tử khí nên đám phu trầm quyết định phải thiêu xác, chỉ đem tro cốt về nhà... 

Trong đoàn bấy giờ ai cũng chối từ việc "khâm liệm" và thiêu xác cho anh Cương. Chỉ có mỗi phu trầm Mai Văn Vinh (trú xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) là xung phong đảm nhiệm. Theo như lời Vinh khăng khăng thì anh ta đã từng quen tay làm nghề khâm liệm nên không hề sợ sệt với mấy cái xác chết như vầy. Bí đường, đám phu trầm đành răm rắp dựng một cái rạp, quây đậy bằng những tấm ni lông bạt.

Tiếp đó pha một ấm trà nóng thay rượu, chuẩn bị một xoong đậu lạc cho Vinh, rồi chia nhau đi kiếm củi khô về gom thành một đống lớn châm lửa đốt. Do ghê sợ cảnh Vinh tiến hành róc da, chặt tay, chân, xẻ thịt tử thi, rồi một mình làm công đoạn đem thiêu... nên hầu hết đám phu trầm đều tản ra xa, chẳng mấy ai dám đứng chứng kiến sự việc cho đến khi Vinh hoàn tất, gom tro cốt của anh Cương xếp tất cả vào gùi, mới dám quay lại rồi cùng nhau tiếp tục về quê.

Những phu trầm trong số 43 phu trầm và chuyến đi định mệnh kể lại sự việc.

Những tưởng đã tạm ổn và bình yên trở về làng, nhưng vừa mới ra đến bìa rừng đoàn phu trầm lại vấp phải một con rắn lớn nằm chắn ngang đường. Con rắn lớn bằng cả thân một cây to, mắt sáng rực, không rõ là loài rắn gì vì thân to như giống trăn, lại đen tuyền đầu ngóc lên, phì phì như rắn hổ chúa. Dùng mọi cách, dụng cụ để xua đuổi kiểu gì chăng nữa nó vẫn không chịu bò đi. Rắn cứ trườn qua, uốn lại cản đường trở về của đám phu trầm, đôi lúc lại như muốn báo một điềm xấu nào đó mà đám phu trầm khó hình dung nổi.

Có phu trầm tỏ ra có chút am tường thì lại nhận định hết sức mê tín: Do nhóm phu trầm đi không hợp ngày, lại lặp lại đúng số xấu 43 nên "Thần rừng" hiện về oán trách bằng "lời nguyền huyết ngải". Sợ thì quả có sợ, bấy lâu cũng nghe chuyện "ngậm ngải tìm trầm" hay chuyện "lấy của rừng phải trả nợ với rừng". Nhưng đang giữa bạt ngàn rừng rậm, sự sống cái chết rất mong manh, đám phu trầm còn xá gì đến chuyện hiển linh, mà cứ vậy cắm cúi bước đi... 

Suốt 12 ngày băng rừng già từ Lào về Việt Nam, trên đường đi còn gặp nhiều trắc trở, nhưng cả đoàn phu trầm vẫn quyết đưa xác anh Cương về với đất mẹ. Ông Náo anh ruột anh Cương đi cùng trong đoàn đã tâm sự: Sau cái chết và chứng kiến cảnh em bị thiêu đốt, nhiều tháng liền tôi bị ám ảnh nặng nề. Lỗi không phải của tôi, tôi cũng hiểu sinh mạng của em hay anh đều quý như nhau và không ai muốn bỏ xác nơi đất khách quê người.

Nhưng bấy giờ, vì quá thương xót nên tôi chỉ ước được chết thay người em đã mất. Trở về đến làng sau cái ngày định mệnh, anh em gia đình phu trầm nhà họ Lê cũng vẫn chưa thoát khỏi kiếp nạn, mà lại gặp thêm chuyện mất mát người thân đau lòng khác. Điều đặc biệt, người chết lần này là cô em gái tên là Lê Thị Sương chính là chị em sinh đôi với anh Cương, phu trầm tử nạn trong chuyến đi 43 người vừa qua. Nhà làm đám tang cho anh Cương chưa lâu, thì chị Sương bỗng nhiên phát bệnh lạ, ban đầu là sốt cao, nói nhảm rồi vật vã khắp nhà, một tháng sau thì Sương mất. Người am tường thì cho rằng anh em sinh đôi thường gặp chuyện như thế, chết 1 sẽ thành 2. Còn "lời nguyền huyết ngải" theo những tin đồn mê tín cứ vậy loan nhanh.

Làm nghề phu trầm phải đối diện với rừng thiêng nước độc, ai cũng biết có tỷ lệ rủi ro rất lớn khó tránh dù bất cứ cánh rừng nào. Nhưng có lẽ chẳng ai chuẩn bị trước tinh thần để chịu cảnh tang tóc, thê lương ập đến với chuyến đi trầm lần đó. Cả đoàn trầm gồm 43 người chỉ một mình anh Cương tử nạn, và càng đau đớn hơn nếu thân nhân phu trầm Cương biết rằng sau chuyến đi chết chóc đó, một phần xương thịt của anh bị cất giấu cho mục đích riêng của kẻ trục lợi.

Chính bản thân anh Náo, một nhân chứng sống cũng không thể nghĩ rằng em ruột anh lại chết một cách bi thảm như thế, rồi lại còn bị người ta đem xương đi chữa bệnh. Sau chuyến đi trầm định mệnh đó, trong đám phu trầm ngày ấy xuất hiện một kẻ trục lợi, hắn là Mai Văn Vinh, sau này "nổi danh" làm thầy lang băm chữa bệnh bằng xương người gây chấn động dư luận.

Nạn nhân, phu trầm Lê Văn Cương (tên thường gọi là Trước; sinh ngày 10/10/1966); mất ngày 5/5/1990 âm lịch. Hàng năm, gia đình họ lấy ngày 4/5 âm lịch để làm ngày kỵ anh Trước. Vì mê tín dị đoan và tin vào lời nguyền nên sau cái chết của anh Cương, một miếu thờ đặt tên là "miếu ông Trước" cũng đã được lập lên ngay tại sân vườn nhà phu trầm Mai Văn Vinh .

Hoài Thu - Thiên Phúc
.
.
.