Cơn sốt mang tên tế bào gốc…

Thứ Hai, 25/03/2013, 15:58

Hiệu quả của công nghệ Tế bào gốc trong việc điều trị liền vết thương là không thể phủ nhận. Nhưng để nhân rộng một công nghệ có hiệu quả cao đến với thực tiễn còn là một vấn đề nan giải.

Từ năm 2003, Viện Bỏng quốc gia đã tiến hành nghiên cứu nuôi cấy tế bào gốc từ trung bì da và đã chế tạo ra tấm nguyên bào sợi để bám dính và đóng kín vết thương ứng dụng trong điều trị liền vết thương. Mỗi năm, Viện Bỏng quốc gia tiến hành ghép nguyên bào sợi cho khoảng 150 bệnh nhân bỏng và 300 bệnh nhân có vết thương mãn tính không thể điều trị bằng các phương pháp truyền thống.

Hiệu quả của công nghệ Tế bào gốc trong việc điều trị liền vết thương là không thể phủ nhận. Nhưng để nhân rộng một công nghệ có hiệu quả cao đến với thực tiễn còn là một vấn đề nan giải.

Phép nhiệm màu của Tế bào gốc - Căn nguyên của cơn sốt

Năm 1995 đánh dấu mốc đầu tiên khi các nhà y khoa của Việt Nam bắt tay nghiên cứu ứng dụng điều trị bằng phương pháp tế bào gốc (TBG) trong lĩnh vực huyết học. Cho đến nay, TBG  ngoài ứng dụng đặc biệt những bệnh lý về máu như : Ghép tự thân để điều trị nhóm bệnh như đa u tủy xương, ung thư máu. Ghép đồng loại để điều trị ung thư máu, tiền- ung thư máu… Có thể ứng dụng điều trị nhiều nhóm bệnh lý khác nhau: Những nghiên cứu mới nhất của TBG trong ứng dụng chữa các bệnh về chân thương cột sống, bệnh về khớp.

Tế bào gốc là loại tế bào có khả năng biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác, có thể thay thế những tế bào mất đi do tổn thương….do vậy trong điều trị liền vết thương do bỏng, vết thương mạn tĩnh và vết loét. Viện bỏng Quốc gia đã nghiên cứu và chế tạo ra Tấm nguyên bào sợi, tế bào sừng là một sản phẩm ứng dụng trong điều trị liền vết thương. Theo thống kê, khoảng 3% bệnh nhân bỏng nhập viện bị tử vong. Đối với diện bỏng sâu trên 50%, phương pháp cấy ghép da là không khả thi, thay vào đó là việc sử dụng công nghệ mô để nuôi cấy thành những lớp tế bào, sau đó cấy ghép lên vết thương mới có cơ hội cứu chữa được. Ngoài chữa bỏng, nguyên bào sợi còn để điều trị những vết loét do chiếu xạ, các di chứng của tiểu đường... mà phương pháp điều trị truyền thống không làm được.

Tiến sỹ BS Đinh Văn Hân - Chủ nhiệm Labo nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc kể về một bệnh nhi nhập viện do bỏng nước sôi độ 4 toàn bộ phần da chân. Sau 2 lần ghép màng tế bào gốc bệnh nhân đã được ra viện trong tình trạng vết bỏng đã hồi phục hoàn toàn. Tính đến thời điểm này, đã có hàng nghìn bệnh nhân được cứu chữa bằng phương pháp cấy tế bào. Tất cả các bệnh nhân được chữa khỏi bệnh đều không để lại di chứng.

Hiệu quả cao, ứng dụng thấp

Bệnh nhân bỏng điều trị tại Viện bỏng Quốc gia.
Mặc dù hiệu quả đối với quá trình điều trị liền vết thương là không thể phủ nhận nhưng để áp dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị vết thương còn gặp rất nhiều cản trở. Trong những thập niên 70, 80, công nghệ nuôi cấy tế bào sừng và nguyên bào sợi của da phát triển khá mạnh trên thế giới nhưng lại bộc lộ những hạn chế như tỉ lệ thành công không cao, thời gian nuôi cấy kéo dài, nhưng nguyên nhân chính làm cho công nghệ này không còn được "mặn mà" đối với thế giới đó là khả năng ứng dụng thực tế có nhiều hạn chế và giá thành quá cao.

Các tế bào gốc được lấy từ da mặt trong đùi của bệnh nhi (tế bào sừng, nguyên bào sợi …) sẽ được đưa vào môi trường nuôi cấy trên các đĩa nuôi cấy, sau một thời gian (khác nhau tùy từng loại tế bào) từ một số tế bào ban đầu, các tế bào sẽ phát triển, nhân lên và liên kết với nhau để tạo nên các "màng" tế bào nuôi cấy. Quá trình nuôi cấy được thực hiện hoàn toàn trong Labo nuôi cấy tế bào gốc với một quy trình hết sức khắt khe để có được chất lượng tế bào như mong muốn.

Nuôi cấy tế bào sợi đã khó, tìm ra được màng nền phù hợp cho tế bào sợi còn khó hơn, bởi loại màng nền "chính hiệu" rất đắt. Một tấm màng nền có diện tích bằng bàn tay (khoảng 100 cm2) có giá lên tới xấp xỉ 1.000 USD. Có lẽ chỉ rất ít số bệnh nhân của Viện (mà phần lớn ở nông thôn) có thể chi trả được. Mà không có màng nền thì rất khó có thể ghép tế bào nuôi cấy lên vết bỏng. Sau một thời gian tìm tòi, nhóm bác sĩ nghiên cứu của Viện nhận ra loại màng nền phổ thông Tegaderm cũng có tác dụng như loại màng nền "xịn", giá thành 100cm2 chỉ khoảng 300.000 đồng.

TS.BS. Đinh Văn Hân - Chủ nhiệm Labo nghiên cứu ứng dụng tế bào đã chủ trì, tham gia nhiều công trình khoa học về nuôi cấy tế bào da, tế bào gốc, và liền vết thương; tham dự nhiều hội nghị, hội thảo khoa học về các lĩnh vực liên quan.

Mặc dù đã nghiên cứu để cho ra sản phầm Màng nguyên bào sợi với giá thành rẻ hơn gấp nhiều lần so với sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ nhưng, trong quá trình ghép còn rất nhiều khó khăn. Tế bào nào cũng có hiện tượng thải ghép do không tương hợp. Việc chọn tế bào tự thân hay đồng loại là tùy vào mỗi trường hợp bệnh nhân. Tất cả các quá trình điều trị liền vết thương bằng cấy ghép màng nguyên bào sợi  đòi hỏi một kíp đồng bộ gồm các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, từ việc nuôi cấy đến khi những người trực tiếp điều trị vết thương.

Đối với các vết thương mãn tính như điều trị vết loét của người đái tháo đường, tấm nguyên bào sợi góp phần  hỗ trợ lành vết thương trong quá trình điều trị. Ngoài môi trường bệnh viện, việc sử dụng các tấm nguyên bào sợi là hoàn toàn không khả thi.

TS.BS Đinh Văn Hân cho biết hiện nay để tăng khả năng ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong chữa trị liền vết thương, Viên Bỏng quốc gia đã tiến hành nuôi cấy tế bào, thu gom dịch chiết tế bào để nghiên cứu ra những sản phẩm thuốc có thể sử dụng trực tiếp, đại trà mà không cần quy trình bảo quản quá khắt khe trong môi trường phòng thí nghiệm. Dịch chiết tế bào không phải là tế bào sống mà các chất đóng vai trò là nguyên vật liệu như: protein hay các yếu tố tăng trưởng, các yếu tố kích thích tế bào hoạt động và phát triển…. giúp vết thương nhanh liền. Ngoài ra, các nghiên cứu về tế bào gốc dây rốn và tế bào gốc mô mỡ cũng đang được tiến hành tại đây phục vụ cho việc điều trị lành vết thương trên các bệnh nhân bỏng, vết thương mãn tính.

Trong lĩnh vực thẩm mỹ chăm sóc da như công nghệ lăn kim chính là áp dụng các nguyên tắc trong điều trị lành vết thương. Các sản phẩm chăm sóc da với công nghệ tế bào gốc bản chất là dịch chiết tế bào - là sản phẩm của quá trình tế bào gốc đã ly giải chứ hoàn toàn không có bất kì một tế bào gốc nào giống như những quảng cáo rùm beng đánh lừa người tiêu dùng đang tràn lan khắp thị trường.

* Quá trình liền vết thương trên da bao gồm nhiều thành phần và yếu tố tham gia. Mỗi thành phần, mỗi yếu tố có những chức năng riêng khác nhau, nhưng tác động, hỗ trợ, điều chỉnh lẫn nhau, nhằm tạo nên bản giao hưởng của liền vết thương mà trong đó tế bào gốc đóng vai trò nhạc trưởng. Chính vì vậy, tế bào gốc đặc biệt quan trọng đối với quá trình liền vết thương và trong chất lượng liền sẹo. Sản phẩm từ công nghệ tế bào gốc không chỉ hỗ trợ liền vết thương mà còn cải thiện tối đa chất lượng liền sẹo.

* Năm 1968 lần đầu tiên Marvin Karasek thực hiện nuôi và biệt hóa tế bào của da thỏ thành công, cho đến nay công nghệ nuôi cấy tế bào sừng và nguyên bào sợi có những bước tiến dài. Một trong những người có nhiều đóng góp nhất cho kĩ thuật nuôi cây là Green Howard (Hoa Kỳ). Năm 1978 ông đã tìm thấy sự liên quan giữa tế bào sừng và nguyên bào sợi trong quá trình nuôi cấy. Năm 1980, ông đã thành công khi cấy 1cm2 dây rốn, sau một thời gian nuôi cấy đã đạt 3m2 biểu bì. Với những cống hiến của mình và bằng sự kiện trên, ông được xem là ông tổ của kĩ thuật nuôi cấy tế bào sừng.

Ứng dụng tế bào gốc trong điều trị tổn thương cột sống

Một nghiên cứu mới đây cho biết rằng các tế bào gốc mỡ có thể trở thành nguồn cung cấp cho liệu pháp thay thế các tế bào nhằm điều trị rối loạn hệ thống thần kinh trung ương. Tiến sĩ Yuki Ohta, người đứng đầu nghiên cứu này, hiện đang làm việc tại Viện Y khoa thuộc trường Đại học St. Mariana, Nhật Bản cho biết trong nghiên cứu này, lần đầu tiên các nhà nghiên cứu chứng minh thành công các tế bào mỡ khác với các tế bào thần kinh trong các thí nghiệm trên cơ thể sống.

Các tế bào mỡ này phát triển trong điều kiện nuôi cấy khiến chúng trở thành các tế bào mỡ DFAT. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng các yếu tố dinh dưỡng thần kinh trong tế bào DFAT đã góp phần thúc đẩy sự phục hồi chức năng sau khi bị tổn thương tuỷ sống. Nghiên cứu này cho thấy khả năng sử dụng các tế bào gốc từ mỡ của bệnh nhân để giúp họ điều trị tổn thương tuỷ sống.

Trong tháng 1/2013 vừa qua, Bệnh viện Việt Đức cùng Trung tâm công nghệ sinh học nuôi cấy và hợp tác ứng dụng công nghệ tế bào gốc Trí Phước đã ký kết hợp tác và ra mắt Trung tâm nghiên cứu và sản xuất tế bào gốc mô mỡ tại Việt Nam. Theo một số nghiên cứu y học trên thế giới, trong số gần 2.000 trường hợp bị liệt tủy sống đã phẫu thuật, 50% số bệnh nhân được điều trị bằng tế bào gốc mỡ có tỉ lệ phục hồi 23%, còn 50% không sử dung tế bào gốc mỡ tỉ lệ phục hồi chỉ là 3%.

Hiện nay ở Việt Nam, bệnh viện Việt Đức là đơn vị đầu tiên được Bộ Y tế cho phép ứng dụng tế bào gốc mỡ trong điều trị lâm sàng chấn thương cột sống có liệt tủy. Bệnh viện Việt Đức đã tiến hành phẫu thuật cho hơn 2.000 ca bệnh nhân bị chấn thương cột sống. Sau phẫu thuật, hầu hết những bệnh nhân đều rất khó phục hồi do dây thần kinh bị tổn thương, để lại nhiều di chứng như liệt hoàn toàn... Việc sử dụng tế bào gốc mỡ sẽ giúp tiết ra các chất kích thích để tạo tế bào thần kinh mới giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn, giảm di chứng. Bệnh viện Việt Đức sẽ tiến hành điều trị thử nghiệm tế bào gốc mỡ trên 48 bệnh nhân bị chấn thương liệt tủy sống đã phẫu thuật, trong thời gian 2 năm.

Ưu điểm nổi trội của tế bào gốc mỡ so với tế bào cuống rốn và tủy xương là thu từ mô mỡ với số lượng tế bào gốc nhiều, dễ thu nhận, ít gây đau đớn cho bệnh nhân, dễ nuôi cấy và nhân bản, không gây phản ứng phụ vì sử dụng chính tế bào gốc của bệnh nhân để điều trị. Việc đưa Trung tâm nghiên cứu và sản xuất tế bào gốc mô mỡ vào hoạt động sẽ mở cơ hội điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh nan y như tim mạch, tiểu đường, thoái hóa khớp. Ngoài ra, đề tài khoa học ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị bệnh giữa công ty công nghệ sinh học Trí Phước và Bệnh viện Việt Đức góp phần điều trị tổn thương cột sống có liệt tủy cho bệnh nhân với chi phí thấp hơn nhiều lần so với chi phí điều trị tại nước ngoài.

X.Q.

Cẩm Huyền
.
.
.