Công an Bắc Giang: Đấu tranh hiệu quả với việc mua bán súng tự chế

Thứ Ba, 05/05/2020, 12:34
Đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí, đặc biệt là các loại súng - là chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang nhằm ngăn chặn tình trạng sử dụng các loại vũ khí gây án..


Phát hiện hàng chục ổ nhóm mua bán phụ kiện súng hơi

Ngày 21/4, Công an huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang bắt đối tượng Nguyễn Văn Tú, SN 1984, trú ở thôn Bãi Ban, thị trấn Nhã Nam, thu giữ 63kg đạn chì cùng hơn 400 linh kiện. Tú khai mua số hàng trên của một đối tượng ở Hà Nội về bán kiếm lời. Theo đó, để thu hút khách hàng, Tú thường xuyên đăng tải các clip về "hàng nóng" này trên mạng xã hội và kênh Youtube.

Ngay sau khi bắt Tú, ngày 22/4, Công an Bắc Giang tiếp tục bắt Tô Văn Quân, SN 1985, trú ở phố Tân Quang, thị trấn Nhã Nam cũng mở một shop có tên "Thiên Thanh" trên mạng để rao bán mặt hàng cấm này, đồng thời công khai số điện thoại để khách hàng liên hệ, kết bạn qua Zalo đặt hàng.

Chỉ trong mấy tháng đầu năm nay, riêng Công an huyện Tân Yên phối hợp với các ngành liên quan phát hiện, bắt giữ 6 vụ mua bán linh kiện, phụ kiện để lắp ráp, chế tạo súng hơi, súng tự chế; thu giữ 136kg đạn chì, khoảng 1,7 nghìn linh kiện, phụ kiện lắp ráp, chế tạo súng. Riêng ngày 21/4, đơn vị bắt giữ 3 vụ, 3 đối tượng đều ở thị trấn Nhã Nam, thu số linh kiện, phụ kiện lớn nhất từ trước đến nay (hơn 1,2 nghìn), đây cũng là lần đầu tiên cơ quan Công an thu được cả đạn chì.

Công an tỉnh Bắc Giang thu giữ linh kiện súng tự chế.

Qua phân tích cho thấy, hầu hết các đối tượng mua bán đều có người nhà đang kinh doanh tại khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn và bản thân cũng có hoạt động kinh doanh, buôn bán tại địa phương nên "núp bóng" kinh doanh mặt hàng cấm này. Điển hình như Nguyễn Văn Tú tận dụng cửa hàng kinh doanh điện thoại di động để bán hàng; Tô Văn Quân cũng tập kết hàng tại xưởng sửa chữa ôtô của mình; hai đối tượng Nguyễn Anh Tuấn (SN 1980), Dương Văn Luật (SN 1993), cùng ở thôn Bãi Ban, lại "núp" dưới danh nghĩa bán hàng online...

Trước đó, ngày 11/3, tại quốc lộ 17 thuộc địa phận thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên, Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh Bắc Giang) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra xe môtô BKS 95B1-089.09 do Nguyễn Văn Quyền (SN 1992), trú tại thôn Chính Lan, xã Lan Giới, huyện Tân Yên điều khiển. 

Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong bao tải có chứa 50 linh kiện, phụ kiện chi tiết súng như: Ống ngắm, van điều áp, ống ngắm nối bình hơi, đầu nối van… dùng để lắp ráp súng hơi. Bước đầu chủ hàng là Nguyễn Văn Quyền khai nhận: Toàn bộ số linh kiện trên không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc và được bản thân mua tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, sau đó thuê xe ôtô khách vận chuyển về nhà tập kết. Bằng các biện pháp nghiệp vụ kết hợp vận động thuyết phục, Quyền đã tự nguyện giao nộp thêm 50 chi tiết linh kiện, phụ kiện khác.

Ngăn chặn buôn bán súng tự chế qua mạng

Quán triệt việc triển khai thực hiện Kế hoạch 105/KH-BCA-C06 (KH 105) ngày 13/3/2020 của Bộ Công an về tổng kiểm tra, mở cao điểm vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, hiện nay, tình trạng đối tượng mua bán trái phép vũ khí mạng xã hội khá phổ biến. Bên cạnh đó, trên mạng còn có nhiều clip hướng dẫn lắp ráp, sử dụng vũ khí. 

“Các đơn vị nghiệp vụ cần phải phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, gỡ bỏ các clip, chương trình trên, không để các đối tượng học theo; đồng thời xử lý nghiêm hành vi mua bán trái phép vũ khí, kể cả qua mạng xã hội” - Thượng tướng Lê Quý Vương yêu cầu.

Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Thứ trưởng, ngoài việc xử lý nghiêm các hành vi mua bán trái phép vũ khí, Công an Bắc Giang còn tăng cường nắm tình hình qua mạng xã hội để phát hiện, bắt giữ các đối tượng vi phạm.

Qua các vụ việc, lực lượng chức năng trong tỉnh phát hiện, bắt giữ hai năm trở lại đây cho thấy, hầu hết các đối tượng đều khai nhận gom hàng trôi nổi trên thị trường rồi rao bán trên mạng để kiếm lời.

Như trường hợp đối tượng Nguyễn Văn Tú, để thu hút khách hàng, Tú thường xuyên đăng tải các clip về "hàng nóng" này trên mạng xã hội và kênh Youtube. Mới nhất, trước khi bị bắt vào chiều 21/4, buổi sáng cùng ngày, hắn phát một clip dài hơn 13 phút giới thiệu về súng Condor U cấu hình cao cùng các mẫu combo khác. Cùng đó, Tú khẳng định sẽ ship hàng trên toàn quốc, khách hàng chỉ phải trả tiền sau khi đã nhận và kiểm tra chất lượng. 

Đối tượng Nguyễn Văn Quyền cũng cho biết, để “tiếp cận” với khách hàng, Quyền đã dùng nhiều số điện thoại đăng ký các tài khoản Zalo, Facebook khác nhau và rao bán các loại phụ kiện trên nhiều trang mạng. Khi có khách đặt mua, Quyền đóng phụ kiện vào bưu phẩm và gửi qua đường dịch vụ chuyển phát nhanh (COD) tại điểm bưu điện trên địa bàn.

Xử lý nghiêm hành vi mua bán, tàng trữ vũ khí, súng tự chế

Để ngăn chặn hành vi mua bán, vận chuyển phụ kiện, linh kiện chế tạo súng, ngày 23-3, Công an tỉnh Bắc Giang có kế hoạch tổng kiểm tra, mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Công an huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã huy động các lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các nút giao thông trọng điểm, nơi công cộng; lên danh sách khoảng 20 trường hợp có biểu hiện kinh doanh linh kiện, phụ kiện súng trên địa bàn; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân giao nộp, kiên quyết xử lý các đối tượng cố tình vi phạm.

Trước đó, Công an huyện Lục Nam cũng đã đến rà soát các hộ còn giữ súng săn trong nhà, vận động giao nộp được 10 khẩu; đồng thời tuyên truyền người dân không mua bán, tàng trữ sử dụng trái phép vũ khí. 

Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Lục Nam cho biết: "Hiện nay, để sở hữu một khẩu súng tự chế không khó bởi linh kiện lắp ráp được bày bán nhiều ở biên giới phía Bắc. Thậm chí, chỉ cần vào các trang mạng, như Facebook, Zalo… người dân có thể dễ dàng tìm thấy các địa chỉ bán linh kiện và hướng dẫn cách lắp ráp. Cũng vì đơn giản, rẻ tiền, nên nhiều thanh, thiếu niên lén lút lắp ráp rồi sử dụng. Đây là loại vũ khí cực kỳ nguy hiểm, có độ sát thương cao nên một số đối tượng đã sử dụng để giải quyết mâu thuẫn cá nhân, dùng để gây án... Chính vì vậy, việc phát hiện, đấu tranh với loại tội phạm này được Giám đốc Công an tỉnh quán triệt, yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc để phòng ngừa các vụ án xảy ra”.

Công an tỉnh Bắc Giang cũng đã phối hợp với ngành Bưu điện phát hiện, xử lý việc vận chuyển, mua bán súng tự chế qua đường bưu chính. Theo đó, Công an còn phối hợp với bưu điện tỉnh hướng dẫn từng bưu điện huyện, thành phố và các trung tâm khai thác vận chuyển về các vật phẩm cấm gửi qua đường bưu chính. Đối với khách đóng gói, niêm phong riêng và có đề nghị không mở kiểm tra thì yêu cầu khách hàng phải cam kết các điều khoản trong hợp đồng.

Thượng tá Vũ Mạnh Tùng, Phó trưởng Công an huyện Tân Yên cho biết: “Qua tuyên truyền và bắt giữ nhiều vụ kinh doanh linh kiện súng tự chế, người dân đã tự động giao nộp hàng chục linh kiện, phụ kiện. Điều này cho thấy người dân đã ý thức được trách nhiệm cũng như hậu quả của việc kinh doanh hàng cấm. Lãnh đạo Công an huyện yêu cầu toàn lực lực tập trung bám nắm địa bàn, kịp thời lên phương an điều tra, xử lý. Nếu địa bàn nào còn xảy ra những vụ việc liên quan đến kinh doanh linh kiện, phụ kiện súng tự chế, đội trưởng các đội nghiệp vụ và trưởng Công an xã, thị trấn sẽ phải chịu trách nhiệm”.

Phương Thủy
.
.
.