Công an cùng đồng bào Khmer chống dịch COVID-19

Thứ Bảy, 18/04/2020, 10:47
Dù có những bất tiện và giảm đi đáng kể niềm vui đón Tết Chôl Chnăm Thmây đồng bào Khmer vẫn đồng tình ủng hộ, chủ trương chung chống dịch COVID-19 của Chính phủ.

Với đồng bào Khmer mỗi năm đón 3 cái Tết, riêng Tết Chôl Chnăm Thmây có ý nghĩa quan trọng. Không chỉ là thời điểm quy tụ bên gia đình, con cháu để thực hiện các nghi lễ đền ơn, đáp nghĩa với tổ tiên, ông bà.

Tết Chôl Chnăm Thmây còn là dịp để đồng bào Khmer tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ.

Tuy nhiên, vào thời điểm này, dịch bệnh COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp mọi hoạt động đều được tạm hoãn theo chỉ đạo của chính quyền địa phương. Dù có những bất tiện và giảm đi đáng kể niềm vui đón Tết nhưng đồng bào vẫn đồng tình ủng hộ, tuân thủ nghiêm chủ trương chung của Chính phủ.

1. Xã Núi Tô (huyện Tri Tôn, An Giang) là địa phương có tới 76% dân số là người Khmer. Trên địa bàn xã có 3 ngôi chùa lớn, người dân nơi đây phần lớn theo tín ngưỡng Phật giáo.

Khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, Công an huyện Tri Tôn đã chỉ đạo Công an xã sắp xếp công tác, phân công cán bộ, chiến sỹ (CBCS) chủ động xuống phum sóc "cùng ăn, cùng ở, cùng chống dịch", hòa nhịp với cuộc sống của bà con đồng bào Khmer.

Thiếu tá Nguyễn Thị Hồng Giàu, Trưởng Công an xã Núi Tô, dù mới được phân công phụ trách Công an cơ sở, nhưng luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm.

Thiếu tá Giàu cùng anh em Công an xã dành nhiều thời gian, thường xuyên xuống địa bàn, ân cần thăm hỏi đời sống người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh, tuyên truyền các quy định về phòng chống dịch.

Bằng những lời thăm hỏi chân thành của cán bộ Công an, công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, có chiều sâu, đặc biệt là bà con đồng bào Khmer tích cực chấp hành quy định về khai báo y tế, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Thiếu tướng Bùi Bé Tư, Giám đốc Công an tỉnh An Giang chúc Tết, tặng quà trụ trì các chùa Khmer trên địa bàn.

Ông Chau Sóc Thanh, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Tri Tôn cho biết: "Tôi đánh giá rất cao vai trò phối hợp của lực lượng Công an địa phương trong việc tuyên truyền và đảm bảo cho đồng bào Khmer đón Tết cổ truyền an toàn và thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch COVID-19. Công an huyện Tri Tôn đã tranh thủ sự đồng tình của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc, và các vị trụ trì, Àchar đã góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào trên địa bàn về việc phòng, chống dịch".

Với vai trò nòng cốt, gắn bó với đồng bào Khmer, Phòng An ninh xã hội, Công an tỉnh An Giang phối hợp với Công an huyện Tri Tôn, Tịnh Biên đã phân công CBCS đến thăm và chúc Tết các chùa Khmer và bà con đồng bào Khmer trên địa bàn các huyện miền núi.

Thực hiện chỉ đạo sâu sát của Bộ Công an và Ban Giám đốc Công an tỉnh, từng CBCS được phân công nhiệm vụ luôn theo sát, "đến tận ngõ, gõ cửa từng nhà", thường xuyên thông tin về tình hình dịch bệnh, cũng như nâng cao ý thức cảnh giác cho bà con đồng bào Khmer trong việc phòng, chống dịch bệnh giữa thời điểm diễn ra Tết Chôl Chnăm Thmây.

Đồng thời chia sẻ những thiệt thòi, hạn chế của bà con phum sóc khi phải đón Tết trong thời diểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát ngày càng nguy hiểm.

Cũng như An Giang, những ngày qua, các cán bộ Công an tỉnh Sóc Trăng đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer đón Tết cổ truyền tại nhà.

Đại tá Hồ Thị Ngọc Hoa, Trưởng Công an huyện Long Phú (Sóc Trăng), cho biết, Công an huyện tổ chức các đoàn đến chùa gặp gỡ sư Trụ trì, Ban quản trị chùa, tuyên truyền, vận động việc tổ chức đón Tết và công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đảm bảo an toàn cho bà con. Rất phấn khởi khi bà con thực hiện tốt, không tổ chức lễ ở chùa, không tụ tập đông người.

Ở xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) có hơn 90% dân số là đồng bào Khmer, không khí đón mừng Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay yên ả. Hầu hết bà con Phật tử hạn chế việc ra đường hơn so với những năm trước. Việc đón Tết cũng được tiến hành tại gia nhiều hơn so với những năm trước, nhà nào ăn mừng Tết tại nhà nấy nhằm tránh việc tụ tập đông người trong những ngày Tết.

Công an tỉnh Bạc Liêu cùng chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể cũng đã tích cực tuyên truyền Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ đến Ban Quản trị các chùa Khmer và đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh; vận động các chùa tổ chức đón Tết Chôl Chnăm Thmây gọn nhẹ nhất; đối với đồng bào Khmer nên đón Tết tại nhà, hạn chế đi lễ tại chùa, tránh tụ tập đông người nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng.

Cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh An Giang tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác cho bà con đồng bào Khmer trong việc phòng, chống COVID-19.

2. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Lý Kim Chưng (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu), chia sẻ: "Năm nay gia đình tôi sẽ tổ chức đón Tết Chôl Chnăm Thmây tại nhà, không đi lễ ở chùa. Đồng thời cũng tuyên truyền, vận động bà con trong xóm biết để cùng thực hiện".

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, các ngành, các cấp đã tiếp xúc, vận động Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, Ban quản trị các chùa Khmer phát huy tốt vai trò, uy tín của mình trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc nhưng đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân.

Đồng thời, giải thích cho đồng bào, Phật tử Khmer hiểu rõ tình hình dịch bệnh COVID-19, từ đó chung tay cùng chính quyền và nhân dân trong tỉnh ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan của dịch bệnh.

Công an tỉnh Sóc Trăng tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và tặng nước rửa tay sát khuẩn cho các chùa Khmer trên địa bàn.

Hòa thượng Tăng Nô, Phó Hội trưởng Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh đã có công văn yêu cầu Trụ trì và Ban quản trị các chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn chỉ đạo các tổ trưởng tuyên truyền cho đồng bào Khmer trong tỉnh.

Tại các điểm chùa, đề nghị Trụ trì và Ban quản trị các chùa thực hiện các nghi lễ như lễ rước đại lịch không được tập trung bà con phật tử trong thời gian rước đại lịch, thành phần thực hiện gồm 2 vị sư, 4 vị ban quản trị chùa; lễ đắp núi cát, khuyến cáo các chùa không tổ chức.

Còn đối với lễ cầu siêu, các vị sư tổ chức cầu siêu chung cho tất cả linh hồn người quá cố tại một điểm và chỉ tổ chức một lần. Tuyên truyền đồng bào không đến chùa thực hiện việc cầu siêu, mà chủ yếu cung cấp danh sách các ông bà, tổ tiên đã qua đời cho các tổ trưởng chuyển đến các vị sư để làm lễ cầu siêu chung.

Lễ tắm Phật chỉ làm tượng trưng. Việc tổ chức dâng cơm cho các vị sư tại điểm chùa đề nghị giao cho tổ trưởng thực hiện, mỗi tổ dâng cơm 1 ngày cho các vị sư, không để bà con đến dâng cơm. Không cho phép người dân kinh doanh, buôn bán tại chùa, không tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí…

Hòa thượng Chau Cắt, Trụ trì chùa Mỹ Á (xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) bày tỏ sự hài lòng về hiệu quả từ công tác tuyên truyền, vận động phòng, chống dịch của lực lượng Công an.

"Các sư vẫn thường xuyên khuyên bà con hạn chế tối đa  đến chùa, ưu tiên việc ở nhà và chỉ nên đi xa nếu thấy thực sự cần thiết. Nếu dịch bệnh lây cho một người, sẽ có thể lây cho một phum sóc, một đồng bào…, điều đó sẽ vô cùng nguy hại. Trong trường hợp buộc phải đi ra ngoài thì phải luôn luôn đeo khẩu trang, hoặc rửa tay diệt khuẩn theo khuyến cáo ngành Y tế và hướng dẫn lực lượng Công an để đảm bảo an toàn cho sức khỏe cộng đồng", Hòa thượng Chau Cắt chia sẻ.


Văn Đức – Trần Lĩnh
.
.
.