Công an vùng cao xoá bỏ nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc"

Thứ Bảy, 02/05/2020, 10:01
Thượng úy Nguyễn Lưu Nguyên Trưởng Công an xã Krông Pa và đồng đội của anh cùng với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể dập tắt nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" ở địa phương.

Ngược lên buôn Thu, xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) trong buổi sáng tháng tư, giữa mùa con ong đi lấy mật, miền sơn cước lấp loáng sắc hoa vàng, tím bên những triền đồi. 

Ngồi bên tách trà nóng trong căn nhà sàn, tôi nghe ông Ma Lấc, cán bộ hưu trí đã có hơn 20 năm làm Trưởng Công an xã Krông Pa, bày tỏ niềm vui khi người kế nhiệm là Thượng úy Nguyễn Lưu Nguyên và đồng đội của anh cùng với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể dập tắt nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" ở địa phương.

1- Vụ việc khởi phát cách đây 4 tháng dẫn đến mâu thuẫn kéo dài đến cuối mùa lúa rẫy thì "bùng cháy" dữ dội khi người trong cuộc được cho đã bị kẻ xấu tung chiêu "cầm đồ thuốc độc" qua đời. 

Những cuộc thách đố hành xử bằng hủ tục lạc hậu giữa hai dòng họ ở buôn Thu, xã Krông Pa cứ tái diễn âm ỉ, dây dưa, nhưng rất ít người phát hiện vì mỗi bên đều có lời nguyền của riêng họ.

Nói đến hủ tục lạc hậu ở những buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số, Trung tá Sô Mai Độ - Đội trưởng Đội xây dựng phong trào toàn dân Bảo vệ An ninh Tổ quốc Công an huyện Sơn Hòa, chia sẻ : "Từ thời xa lắc xa lơ, nhiều hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan đậm chất huyền hoặc, mơ hồ luôn ngự trị trong tâm tưởng người dân ở những buôn làng vùng cao. 

Hàng chục năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn đặc biệt khó khăn nên diện mạo kinh tế - xã hội miền núi thật sự đổi mới và phát triển, không chỉ là "điện, đường, trường, trạm", mà đời sống mỗi người, mỗi nhà cùng với trình độ dân trí, nhận thức pháp luật, khoa học công nghệ…đã được nâng cao, nhiều hủ tục mê tín dị đoan cơ bản đã được đẩy lùi. 

Thế nhưng vài ba năm lại tái xuất một, hai vụ đòi hành xử theo hủ tục chỉ vì nghi kỵ "ma lai", "cầm đồ thuốc độc", Công an kịp thời phát hiện, tham mưu và phối hợp chính quyền cùng đoàn thể ở địa phương ngăn chặn kịp thời. Chỉ riêng vụ việc nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc"  ở buôn Thu nhùng nhằng kéo dài từ khi người được cho bị trúng "thuốc độc" lâm bệnh đến lúc chết"

Thượng úy Nguyễn Lưu Nguyên - Trưởng Công an xã Krông Pa chỉ tay về phía bến nước trên sông Cà Lúi, nơi ông Ksor Y Tai thách thức gia đình ông Ksor Y Sơn "lặn nước".

Ngừng một lát để hồi tưởng những câu chuyện rỉ tai, truyền miệng từ thời xa xưa, Trung tá Sô Mai Độ tâm sự : "Không biết từ bao giờ, người già ở các buôn làng nói rằng, ai lấy được sợi râu mép con hổ đem vào rừng sâu, núi cao, cấy vào măng tre lâu ngày sẽ hóa thành những con sâu. Nuôi những con sâu ấy bằng lá cây nghễ để lấy phân đưa về làm phép thuật mới hóa thành "thuốc độc". 

Người "cầm đồ thuốc độc" sẽ giàu có, muốn sát hại ai chỉ cần bỏ "thuốc độc" vào thức ăn, nước uống. Nếu có phép thuật cao "tay ấn" chỉ cần khấn vái, nguyền rủa thì "đối thủ" sẽ chết…Chuyện rất mông lung, mơ hồ nhưng hàng chục năm về trước đồng bào dân tộc thiểu số vẫn cứ tin đó là sự thật".

Vì tin "cầm đồ thuốc độc" là sự thật nên ông Ksor Y Sơn nghi ngờ Ksor Y Tai ám hại mình lâm bệnh nặng dần. Đến khi ông Y Sơn qua đời thì người thân càng thêm nghi ngờ, nên dòng họ hai bên "tuyên chiến" gay gắt.

2- Ngồi bên triền suối róc rách tiếng nước chảy qua những gộp đá giữa buổi trưa ở miền sơn cước, Thượng úy Nguyễn Lưu Nguyên - Trưởng Công an xã Krông Pa cho biết, Y Tai kém hơn Y Sơn 14 tuổi nhưng họ vẫn thường uống rượu với nhau. 

Một buổi chiều giữa tháng 4/2019, Y Tai cùng người em trai mang lưới ra sông Cà Lúi đánh bắt được mớ cá rô phi. Về đến nhà, Y Tai bày rượu gạo ra rồi mời Y Sơn đến. Cuộc vui kéo dài đến quá nửa đêm mới tàn, Y Sơn bước về nhà trong trạng thái chuếnh choáng men say nhưng vẫn nhớ con cá rô phi Y Tai đã nướng cho mình".

Nào ngờ mấy hôm sau Y Sơn lên cơn đau bụng âm ỉ, vợ con ông vào rừng đào rễ, hái lá rồi tìm thầy bốc thuốc mang về nấu nhưng sau cả tuần uống thuốc dân gian, bệnh trạng của Y Sơn thêm nặng. 

Chợt nhớ con cá rô phi của Y Tai dành riêng cho mình, Y Sơn nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc", vì từ khi phát bệnh đến giờ Y Tai né tránh không đến thăm, rồi từ bỏ rượu. Nghĩ vậy nên khi bà Mí Nhúi đến thăm, Y Sơn nói rằng mình đã bị Y Tai "cầm đồ thuốc độc".

Nghe bà Mí Nhúi mách lại, Y Tai nổi giận đến nhà của Y Sơn để hỏi cho ra lẽ, đồng thời giải thích cho người anh em biết rằng "cái bụng" của Y Tai không xấu. Không ngờ Y Sơn vẫn khẳng định mình lâm bệnh là do "thuốc độc" của Y Tai. Liên tục mấy hôm sau đó, Y Tai kéo anh em, vợ con đến nhà Y Sơn kêu đòi phán xử đúng, sai bằng hủ tục "lặn nước".

Trung tá Sô Mai Độ - Đội trưởng Đội xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc Công an huyện Sơn Hòa, cùng đồng đội trong một lần về buôn làng ở xã Krông Pa.

Trung tá Sô Mai Độ chia sẻ : "Luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số là những quy định bất thành văn được hình thành trong đời sống ở các buôn làng từ thời xa xưa rồi lưu truyền từ đời này sang đời khác. Đặt ra luật tục là để xử phạt những hành vi sai trái, thói hư tật xấu của những người làm ảnh hưởng đến đời sống buôn làng. 

Còn "lặn nước" là biến tướng từ luật tục sang hủ tục lạc hậu chỉ vì tin vào "thần linh". Khi có sự nghi ngờ hay mâu thuẫn, bất đồng giữa hai bên mà không lý giải được thì chính họ hoặc cử người anh em của họ ra suối "lặn nước" trước sự chứng kiến của dòng họ hai bên. 

Mỗi bên sắm lễ vật gồm gà, heo, rượu ché rồi rước "thầy" cúng bái "thần linh" trước mỗi cuộc "lặn nước". Người nào ngoi đầu lên khỏi mặt nước thì người đó là kẻ xấu, cố tình ám hại hoặc vu oan người khác, phải nộp phạt rượu, bò, heo, gà, thậm chí còn bị đẩy đuổi ra khỏi buôn làng để sinh sống biệt lập".

Trong nhật ký công tác của Thượng úy Nguyễn Lưu Nguyên ghi lại :  ngày 18/12/2019, Y Tai đi xe máy ngược xuôi trên chặng đường hơn 70 km để rước "thầy cúng" Ma Nga từ buôn Thô, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh về tận buôn Thu, xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa để làm lễ cúng "lặn nước". 

Do trước đó Công an xã đã nỗ lực vận động Y Sơn từ chối, nên Y Tai lấn tới cho rằng dòng họ Y Sơn đặt điều vu khống khiến cho mâu thuẫn gay gắt.

Thượng úy Nguyễn Lưu Nguyên - Trưởng Công an xã Krông Pa, về buôn Thu để tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự.

Bi kịch lên đến đỉnh điểm sau hai lần Y Sơn được người con rể là Rơ Chăm Rer đưa lên tận buôn làng xa xôi ở Kon Tum rồi về Sông Hinh gặp hai "thầy thuốc" Turn Tá và Mí Canh. Cả hai "thầy thuốc" đều phán rằng người bệnh đã bị "cầm đồ thuốc độc", nên lần này đến lượt dòng họ của Y Sơn lên tiếng oán trách. 

Công an xã Krông Pa bám buôn Thu nhiều ngày đêm để thu thập thông tin, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và trạm y tế địa phương lần lượt đến nhà hai bên. 

Bên này vận động Y Tai không nên thách đấu "lặn nước" để giải quyết mâu thuẫn vì đó là hủ tục lạc hậu, không có thần linh phù hộ mà người nào có kỹ năng và sức khỏe tốt hơn sẽ lặn nước lâu hơn. 

Bên kia thuyết phục gia đình Y Sơn không nên nghi kỵ mơ hồ mà cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để điều trị. Hai việc tưởng chừng đơn giản nhưng muốn chuyển hóa nhận thức mỗi bên không phải là chuyện dễ. Bí thư Đảng ủy xã, ông Kpă Thinh và Chủ tịch UBND xã, ông Lê Văn Diễu đã phải trực tiếp vào cuộc.

Sau khi người thân đưa ông Y Sơn đến Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa rồi chuyển tiếp đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên gần một tuần thì họ đưa ông về nhà trong tình trạng sức khỏe vẫn đang bất ổn, đến chiều tối ngày 19/1/2020 bệnh nhân qua đời. Lúc đó dòng họ Y Sơn đổ lỗi cho Y Tai là đối tượng trực tiếp gây ra cái chết người thân của họ bằng chiêu thức "cầm đồ thuốc độc".

Bằng cách nói ví von, Thượng úy Nguyên tâm sự : "Đám cháy vừa mới lắng dịu chưa kịp dập tắt thì lại bùng phát dữ dội khi ông Y Sơn chết. 

Anh em không chỉ tiếp tục "cắm chân" ở buôn Thu để cùng cấp ủy, chính quyền xã động viên, chia sẻ nỗi đau mà còn phân công cán bộ đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên sao chép hồ sơ bệnh án để có căn cứ giải thích cho gia đình, dòng họ Y Tai biết rằng ông ấy mắc bệnh xuất huyết tiêu hóa, sốt rét lâm sàng và xơ gan. Đã có kết luận từ bệnh viện nhưng tâm trí người thân Y Sơn vẫn chưa an, trong khi Y Tai cứ muốn chứng minh "cái bụng" của mình không xấu".

"Lại kiên trì mềm mỏng thuyết phục, vận động nhiều ngày đêm nữa, cuối cùng chúng tôi đã tìm thấy niềm vui khi bên này không còn nghi kỵ, bên kia từ bỏ thách thức lặn nước, mọi người ở buôn Thu đều vui…" - Thượng úy Nguyên chia sẻ.

Thượng úy Nguyễn Lưu Nguyên - Trưởng Công an xã Krông Pa, trao đổi công việc cùng đồng đội.
Tạm biệt buôn Thu giữa buổi chiều mênh mang nắng gió. Nhìn ánh mắt thiện cảm của Ma Lấc cùng cái bắt tay mạnh mẽ với Thượng úy Nguyễn Lưu Nguyên, tôi cảm nhận một luồng gió mới đã thổi vào đời sống văn hóa buôn làng nơi này. 

Và tôi nhớ mãi câu nói của ông Nay BLung - Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa : "Từ những nỗ lực tích cực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và Công an xã Krông Pa kiên trì vận động thuyết phục, đặc biệt là đã kịp thời sử dụng thông tin trong hồ sơ bệnh án để giải thích ổn thỏa bên này, ngăn chặn thách thức bên kia…

Tôi tin từ nay buôn Thu cùng nhiều buôn làng khác ở miền núi Sơn Hòa không còn nghi kỵ "ma lai", "cầm đồ thuốc độc", không còn hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan" .

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.