Công an xã ở vùng biên giới Gia Lai

Chủ Nhật, 20/12/2020, 19:16
Ia O là xã biên giới miền núi thuộc huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, có biên giới đường sông (Sê San) dài 5,5km tiếp giáp với huyện Andoung Meas, tỉnh Ratanakiri của Campuchia. Dù phải quản lý địa bàn rừng núi khá rộng, nhưng trong thời gian qua, cán bộ chiến sỹ Công an xã Ia O đã hoàn thành tốt các mặt công tác được giao, đảm bảo an ninh trật tự cho địa bàn…


1.Tôi bất ngờ khi nghe Đại úy Trần Việt Hùng, Trưởng Công an xã Ia O, cho biết xã có 11.000 dân nhưng diện tích rộng tới 137,39km2, nghĩa là tương đương với diện tích hơn một huyện ở đồng bằng. Đất rộng, người thưa trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, vì thế sau khi được điều động về xã, trực tiếp gặp đồng bào, anh mới thấy có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

Ngay sau khi nhận địa bàn, Đại úy Hùng yêu cầu xây dựng quy trình giải quyết các loại thủ tục hành chính theo phương châm nhanh, gọn. Trước đây quy định về xử lý thủ tục hành chính vào các ngày thứ 2,4,6, thì nay Công an xã cử cán bộ trực tiếp dân trong tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ 7, Chủ nhật. Để khắc phục tình trạng nhiều người đến tuổi trưởng thành nhưng không có giấy tờ tùy than, Công an xã đã phối hợp với Đội Cảnh sát quản lý hành chính Công an huyện xuống tận xã làm thủ tục cấp chứng minh nhân dân cho bà con. Đối với người già, người bệnh không thể băng rừng lội suối đến được thì trực tiếp xuống tận thôn bản lăn tay, lấy thông tin cá nhân để cấp giấy chứng minh nhân dân. Từ đầu năm 2020 đến nay đã cấp mới cho 216 người và cấp lại cho 140 trường hợp khác.

Cán bộ Công an xã tuần tra địa bàn.

Những ngày không trực, anh em thay nhau xuống các làng cùng ăn, cùng ở với dân. Ma chay thì mang hương hoa đến viếng; cưới hỏi thì huy động anh em đến dựng rạp, trang trí phông màn; rồi vận động con vệ sinh nhà cửa, ốm đau phải đến trạm y tế để được chữa miễn phí… Lúc đầu người dân có phần e ngại, khép kín, nhưng chỉ vài tháng sau đã thay đổi cách nhìn, họ xem anh em Công an xã như những thân, tất cả công to việc lớn gì trong nhà, trong giòng tộc và tất cả các loại hình lễ hội truyền thống, họ đều mời anh em Công an xuống bàn bạc, cho ý kiến…

Cũng trong thời gian cùng ăn, cùng làm với dân, Đại úy Hùng còn nhận thấy ở nhiều làng vẫn còn tình trạng tảo hôn. Vì thế, anh em lại xuống từng làng, thông qua những người có uy tín từng bước vận động giải thích các quy định của pháp luật và làm cho người dân hiểu được cái chưa tốt của việc cưới vợ, gả chồng ở tuổi vị thành niên. Riêng những mâu thuẫn, bất đồng Đại úy Hùng cùng anh em thống nhất giao cho trưởng thôn, Công an bán chuyên trách và những người có chức sắc trong họ hàng nếu phát hiện thì phải thông báo ngay để anh em có biện pháp hòa giải kịp thời.

Với cách làm này, Công an xã Ia O phối hợp với các ban ngành địa phương hòa giải hàng chục vụ mâu thuẫn, trong đó có việc giúp một cặp vợ chồng ở làng Dăng không ly hôn. Anh Hòa, người dân tộc Thái và chị Thoan người dân tộc Ja Rai kết hôn đã gần chục năm. Do phong tục, tập quán của hai dân tộc này khác nhau nên trong ngày cưới, trong bộ sính lễ của bên gái (theo mẫu hệ) thiếu một món bánh khiến cho bà con hai họ có đôi chút chưa được ưng cái bụng về nhau. Mâu thuẫn nhỏ nhặt này tưởng chừng đã đi vào quên lãng bởi hai vợ chồng đã chung sống hạnh phúc và đã có 3 mặt con, nhưng lại được một người trong dòng họ khơi lại trong một dịp lễ hội vào đầu năm 2019.

Chuyên cũ khơi lại nhưng đã khiến vợ chồng mâu thuẫn tới mức đưa nhau ra tòa ly hôn. Nắm bắt được vụ việc, Đại úy Hùng cùng anh em Công an xã xuống tận nơi gặp gỡ hai bên gia đình, nói cho họ biết điều hay lẽ phải, và nếu ly hôn thì 3 đứa con sẽ bơ vơ… Sau khi nghe giải thích, anh Hòa, chị Thoan và dòng họ hai bên đã nghe ra nên rút đơn ly hôn và cho đến nay họ sống hạnh phúc...

Cũng từ việc bám sát địa bàn mà anh em Công an xã phát hiện tình trạng rất nhiều thanh niên đến tuổi lao động nhưng không có công ăn việc làm nên thường tụ tập đánh bài, ăn nhậu bê tha dẫn đến kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Để tạo điều kiện cho những thanh niên này có cơ hội phụ giúp gia đình, các anh đã chủ động liên hệ với đồn Biên phòng và các đơn vị kinh tế Quốc phòng tạo điều kiện, hướng dẫn kỹ thuật rồi tiếp nhận vào làm công nhân hưởng lương hàng tháng.

2. Trong câu chuyện với tôi, Đại úy Hùng bảo rằng khi về địa bàn miền núi, các anh phải tìm hiểu lối sống, phong tục, tập quán của đồng bào để từ đó thấy tập tục nào không phù hợp với đời sống hiện tại thì sẽ tìm cách thuyết phục để bà con thay đổi. Như đợt dịch COVID-19 hồi đầu năm 2020, nhiều người chưa hiểu dịch bệnh là gì nên rất chủ quan. Anh em trong đơn vị đã vận động nhà tài trợ ủng hộ khẩu trang, nước rửa tay rồi phối hợp với thanh niên, phụ nữ, y tế xuống từng nhà trực tiếp hướng dẫn theo cách cầm tay chỉ việc. Việc tiếp theo là tranh thủ nói chuyện với những người có tầm ảnh hưởng rộng như trưởng tộc, trưởng làng, những cán bộ từng được đưa đi đào tạo văn hóa để họ ủng hộ.

Đại úy Trần Viết Hùng - Trưởng Công an xã Ia O giải quyết công việc cho người dân trong ngày Chủ nhật.

Ngay cả việc ở đồng bằng sẽ rất đơn giản là chấp hành luật giao thông thì ở đây cán bộ Công an xã cũng phải rất mất thời gian tuyên truyền. Đa số bà con đều nghĩ mình bỏ tiền ra mua một chiếc xe môtô, một chiếc máy cày thì ra đường muốn chạy thế nào cũng được, ngược, xuôi không quan trọng, miễn là khỏi phải đi bộ cho đỡ mệt.

Để giúp bà con hiểu được luật khi tham gia giao thông và đặc biệt là Nghị định 100 của Chính phủ về trật tự an toàn giao thông, anh em phải xuống từng làng, tập hợp đồng bào lại để nhìn các anh điều khiển phương tiện nhiều lần trên đường, sau đó giảng giải cho bà con biết khi ra đường phải đội mũ bảo hiểm, chạy xe phía bên lề phải, muốn qua đường phải giảm ga - bật đèn xin đường để báo hiệu và khi đã uống rượu hoặc bia thì không được điều khiển phương tiện…

Sau nhiều đợt thực hiện tuyên truyền thực tế, Công an xã đã tổ chức tuần tra, xử lý đối với những trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Mặc dù đã được tuyên truyền, nhưng mỗi ngày, Công an xã phát hiện ít nhất trên 20 trường hợp vi phạm. Các trường hợp này, anh em trong lúc tuần tra sẽ ra tín hiệu dừng phương tiện rồi nhắc nhở, yêu cầu bà con cam kết thực hiện những gì đã được hướng dẫn và nếu vi phạm quá 3 lần mới xử phạt vi phạm hành chính. Nhờ cách làm này anh đã được bà con nhiệt tình tiếp nhận và đã từng bước áp dụng vào thực tế nên cho đến nay tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông của đồng bào là rất ít, mỗi tháng toàn xã chỉ ghi nhận 4-5 trường hợp.

3. Do địa bàn rộng nên Công an xã đã lồng ghép công tác tuyên truyền pháp luật, trên cơ sở đó tiến hành xây dựng các tổ tự quản phòng chống tội phạm. Từ đầu năm đến nay Công an xã và các tổ tự quản đã phát hiện hai vụ việc. 18h ngày 27-1-2020, trong lúc tuần tra đã phát hiện xe ôtô bán tải BKS: 51C-254.96 đậu ở bìa rừng sát khu vực biên giới với nhiều biểu hiện nghi vấn nên đã kiểm tra.

Tại thời điểm trên phát hiện bên trong xe có cất giấu 1 khẩu súng Rulo, 2 băng đạn và 3 mã tấu nên đã lập biên bản chuyển Công an huyện xử lý. Mở rộng điều tra, Công an huyện Ia Grai, đã bắt giữ 7 đối tượng liên quan do Trần Quốc Bảo, sinh năm 1991, ngụ tỉnh Kon Tum cầm đầu, thu giữ thêm 1 khẩu súng AK, 1 súng AR15, 1 súng Rulo, 30 viên đạn và 2 xe bán tải. Gần đây nhất, khoảng 6h ngày 5-10-2020, qua công tác tuần tra, Công an xã phối hợp với các tổ tự quản bắt quả tang đối tượng Võ Xuân Phương, sinh năm 1993 tại Kon Tum đang thực hiện hành vi trộm chó của một nhà dân ở làng Dăng…

Cán bộ Công an xã thường xuyên xuống địa bàn nắm bắt tình hình.

Hiện đơn vị đã xây dựng được 9 tổ tự quản với 66 thành viên ở 9 thôn làng và 1 tổ bảo vệ đường biên, cột mốc, bảo vệ dòng sông Sê San, nhưng do đồng bào còn chưa tự chủ được nên tạm thời phân bố theo thể thức Công an bán chuyên trách làm tổ trưởng, Biên phòng làm tổ phó, đồng bào làm tổ viên và tới đây các tổ đường biên, đường sông do Công an chính quy đảm nhận.

Trao đổi với chúng tôi, ông K'Sor Tuy - Bí thư Đảng ủy xã Ia O khẳng định, khi thấy các anh Công an xuống từng làng cùng làm việc, giúp đồng bào dựng rạp đám cưới, sửa chữa nhà cửa, đường sá, hướng dẫn pháp luật nên được đồng bào thương lắm. Công tác xây dựng các tổ tự quản phòng chống tội phạm đã giúp đồng bào bảo vệ tài sản của gia đình mình và đặc biệt là trật tự an toàn trên tuyến biên giới được bảo đảm.

Đức Cương
.
.
.