"Công chúa thuốc lào" khiến bệnh nhân khóc ròng vì đau đớn

Thứ Ba, 19/12/2017, 21:50
Thời gian gần đây, một người phụ nữ tự xưng là "công chúa thuốc lào" thường xuất hiện tại chùa thôn Cán Khê (xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, Hà Nội) vào thứ bảy hằng tuần để chữa bệnh cho người dân quanh vùng.


Có một điều đặc biệt là, bất kể bệnh nào bệnh nhân cũng được "công chúa thuốc lào" chữa bằng phương pháp kéo, nắn, bẻ chân, bẻ tay và thậm chí là rút lưỡi. Người dân khắp nơi ùn ùn kéo đến ngôi chùa thôn Cán Khê để xin "Thần y" chữa bệnh.

Vừa chữa bệnh vừa hút thuốc lào

Người phụ nữ được mệnh danh là "công chúa thuốc lào" tên là Nhung. Không ai biết xuất thân thật của "công chúa thuốc lào", cũng không ai biết người đàn bà này đến từ đâu. Người ta chỉ biết, mỗi sáng thứ 7 người phụ nữ này xuất hiện tại chùa thôn Cán Khê thì bệnh nhân lại kéo đến đông nghịt, xếp thành hàng dài chờ tới lượt mình được "thần y" khám bệnh.

Vị "thần y" này xuất hiện với bộ đồ thể thao bó sát, khoe đường cong cơ thể. Đôi môi đánh son đỏ sậm, điều đặc biệt nhất là vị "thần y" này liên tục rít thuốc lào rồi nhả khói nghi ngút.

Ban đầu, khi cô Nhung xuất hiện tại chùa thôn Cán Khê thì chỉ có người ở địa phương hoặc ở những vùng lân cận biết mà tìm tới.Nhưng chỉ sau 2 lần xuất hiện cùng với những lời đồn thổi  "một tấc lên trời" về khả năng chữa bệnh siêu phàm của cô Nhung thì bệnh nhân cùng người nhà bệnh nhân từ các nơi đổ về. Gần thì Sóc Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, xa hơn là Phú Thọ, Thanh Hóa, thậm chí tận Nghệ An ra thuê trọ, ăn chực nằm chờ cả tuần để được cô Nhung chữa bệnh.

Chân dung "công chúa thuốc lào".

Suốt từ cổng thôn Cán Khê tới cửa nhà văn hóa, bệnh nhân ngồi, nằm nhốn nháo, la liệt. Có những đứa trẻ còn ẵm ngửa, có thanh niên liệt cả người ngồi trên xe lăn, miệng ú ớ mếu máo, có cả những cụ già ốm yếu quặt quẹo được con cái rước tới chờ đợi "thần y" chữa trị.

Cụ Thắng, người thôn Cán Khê vẫn còn nhớ rõ cảnh chữa bệnh lạ lùng của cô Nhung. Cụ kể: "Tôi hơn 80 tuổi rồi mà chưa thấy ai chữa bệnh khác thường như thế. Kể cả người bệnh bị liệt, khoèo phải ngồi xe lăn hay đi lại bằng nạng, dù người lớn hay trẻ nhỏ, cô Nhung đều chữa bằng cách kéo, nắn, bẻ chân hoặc tay. Mỗi bệnh nhân được cô kéo, bẻ chừng vài phút.

Không chỉ dùng tay, cô còn tỳ cả người, cả gối để bẻ. Nhiều trẻ nhỏ đau không chịu nổi sau mỗi động tác kéo, vặn của cô Nhung lại khóc thét, đến là tội nghiệp. Người lớn thì nghiến răng chịu đựng, hi vọng phép màu sẽ xảy ra.

Quả thật, sau khi bẻ, kéo giãn… các bệnh nhân được dìu đứng lên, có người tự bước đi được vài bước chân. Mỗi lần như thế, mọi người lại hò reo, vỗ tay ầm ĩ".

Hình ảnh cô Nhung chữa bệnh tại Cán Khê.

Với bệnh nhân câm hay chậm nói, cô Nhung có cùng một cách chữa là vuốt dọc hầu họng và dùng tay lót khăn kéo, lắc phải, lắc trái lưỡi của bệnh nhân câm. Còn với bệnh nhân điếc, liên tục được cô vỗ "ù" tai, và vuốt dọc từ cổ lên sát dái tai.

Sau bài chữa này, có người bập bẹ thốt ra vài từ không rõ tiếng, có người không nói tiếng nào. Cô Nhung tuyên bố chữa bệnh không lấy tiền, và thực tế đúng như vậy. Nếu ai yêu quý muốn trả ơn, cô chỉ đòi hỏi thuốc lào.

Tài năng chữa bệnh của nữ "thần y" vẫn là một dấu hỏi, song tài năng hút thuốc lào của cô Nhung đúng là hiếm có. Cô có thể vểnh điếu kéo sòng sọc liên tiếp vài ba cữ thuốc, xả khói trắng mù mịt rồi tiếp tục chữa bệnh mà chẳng có dấu hiệu "phê pha" chút nào. Đúng là không hổ danh "công chúa thuốc lào".

Chảy máu ròng ròng sau khi bị rút lưỡi

Phương pháp kéo, nắn, rút lưỡi hay vỗ "ù" tai như "công chúa thuốc lào" thực hiện không phải là cách quá mới lạ. Trên thực tế, lương y Võ Hoàng Yên (quê Cái Nước, Cà Mau) cũng áp dụng phương thức như vậy từ hàng chục năm qua, và cho thấy hiệu quả rất khả quan, mang lại cho ông danh tiếng không chỉ trong nước mà cả ở tầm quốc tế.

Thầy thuốc nhân dân, BS. Trần Văn Bản, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cũng thừa nhận: "Xoa bóp bấm huyệt là một phương pháp của Đông y, trong đó có hình thức kéo, vặn… Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, đòi hỏi người thầy thuốc phải có kiến thức nhất định, để không gây tổn thương đến xương khớp của người bệnh".

Quay lại với việc chữa bệnh của cô Nhung, người tự xưng là "công chúa thuốc lào" tại thôn Cán Khê. Phóng viên đã gặp khá nhiều bệnh nhân từng được cô Nhung chữa trị, phản hồi của họ đều không mấy tích cực. Như bà Ngô Thị Hương, người dân thôn Cán Khê từng được "công chúa thuốc lào" chữa ngọng.


Bà Ngô Thị Hương diễn lại cảnh bị cô Nhung "rút lưỡi" để chữa ngọng.

Hôm gặp phóng viên, bà Hương vẫn phải ăn cháo do miệng vẫn còn rất đau. Bà Hương nhớ lại: "Cô Nhung dùng khăn quấn qua lưỡi và rút mạnh nhiều lần, dẫn tới chảy máu phần dưới lưỡi làm tôi đau lắm. 5 ngày sau mới hết chảy máu, suốt mấy ngày tôi chỉ húp nước cháo". Vừa nói bà Hương vừa thè lưỡi ra chỉ cho chúng tôi xem những vết xước chằng chịt ở lưỡi.

Không xa nhà bà Hương là nhà của anh Huỳnh Văn Tuấn (34 tuổi, người dân thôn Cán Khê). Anh Tuấn bị ngọng từ nhỏ sau một cơn sốt cao năm 2 tuổi. Cha mẹ đã đưa anh chữa trị nhiều nơi, song không có hiệu quả. Dần dà, anh chấp nhận rằng mình sẽ ngọng mãi. Anh lập gia đình, xây nhà đẹp, và quên luôn ý định chữa chứng ngọng.

Bất chợt, cô Nhung về thôn Cán Khê và tuyên bố chữa được cả ngọng, cả câm khiến anh Tuấn muốn thử vận may. Do là người làng, anh được cô Nhung "ưu tiên" giúp đỡ ngay trong buổi đầu tiên. Bàn tay mềm mại của cô vuốt dọc họng anh mấy lần, rồi cô bảo anh há miệng, cô dùng khăn mỏng quấn lấy lưỡi của anh và giật mạnh. Đau quá! Anh Tuấn suýt bật khóc, nhưng ngọng vẫn hoàn ngọng.

Khi tiếp xúc với phóng viên, bằng giọng ngọng nghịu, anh Tuấn nói: "Cô Nhung bảo phải chữa năm ba lần mới khỏi hẳn, nhưng chữa một lần đã gần chết rồi, chữa đến lần thứ 2 thì chết luôn, chứ còn khỏi cái gì nữa".


Anh Huỳnh Văn Tuấn vẫn còn phẫn nộ sau khi được cô Nhung chữa bệnh.

Ngoài ra, phóng viên cũng tìm gặp một số người được cho là đã đi lại được sau khi cô Nhung chữa trị. Song những người này cho biết, ngay tại nhà văn hóa, đúng là họ bước đi một vài bước, tuy nhiên, sau đó, họ vẫn trở về với trạng thái bại liệt ban đầu.

Lý giải việc những người liệt đi lại bằng nạng có thể tự đứng lên, hoặc tự bước chân đi, BS. Trần Văn Bản, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết: "Khi khớp cứng, dây chằng gân cơ co. Khi kéo giãn, khớp được thả ra, dây chằng giãn ra, do vậy, có thể hoạt động được ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, nếu không chữa cơ bản thì cơ khớp sẽ lại co vào giống như dây cao su kéo giãn ra nhưng khi bỏ tay ra lại co vào bình thường.

Do đó, thầy thuốc phải có kinh nghiệm, kéo giãn theo đúng tư thế giải phẫu lúc đó mới đạt yêu cầu. Nếu không phải là một thầy thuốc chuyên sâu thực hiện thì rất nguy hiểm. Việc kéo giãn, bẻ, vặn nếu không được thực hiện bởi người có kiến thức chuyên sâu dễ gây mẻ, vỡ, thậm chí gãy xương, tổn thương bao dịch ổ khớp… hoặc mất đi tư thế giải phẫu, sẽ gây tổn hại trầm trọng hơn đến người bệnh".

Trên mạng xã hội tồn tại nhiều video, hình ảnh về việc chữa bệnh của "công chúa thuốc lào". Trong các clip, cô đều chữa bệnh bằng phương pháp kéo, nắn như đã thực hiện tại thôn Cán Khê. Các clip này đều nhận được sự ủng hộ, quan tâm của hàng trăm nghìn người.

Tuy vậy, thông tin về nhân thân của "công chúa" khá hiếm hoi, ngoài việc cô tên Nhung, chỉ biết thêm rằng "công chúa thuốc lào" quê gốc tại Dốc Lã, Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội. Người dân cho biết, cả hai vợ chồng cô Nhung đều không có mặt tại địa phương từ lâu.

Trước đây, cô Nhung hành nghề bói toán, lập điện thờ tại gia, khoảng gần tháng nay nghe nói còn khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, người dân cũng cho biết chỉ nghe nói thế, chứ chưa từng chứng kiến cô Nhung khám, chữa bệnh cho ai. Và cô Nhung đã chuyển đi nơi khác sinh sống, thi thoảng mới về Dốc Lã.

Khi được hỏi về việc cô Nhung chữa được bệnh cho người liệt, câm điếc… nhiều người hàng xóm khá ngỡ ngàng. Mọi người vẫn chỉ biết đến cô Nhung thường hay lên đồng, ca hát rất hay.

Sau một thời gian chữa bệnh tại thôn Cán Khê gây náo loạn, cô Nhung đã bị chính quyền xã yêu cầu dừng hoạt động. Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyên Khê cho biết nhóm của cô Nhung chữa bệnh khi không có giấy phép hành nghề, không đủ điều kiện để hành nghề khám, chữa bệnh.

Khi phát hiện, chính quyền địa phương đã yêu cầu nhóm này dừng mọi hoạt động khám, chữa bệnh và lập biên bản. Tuy nhiên, cô Nhung không ký mà chỉ xin không khám, chữa bệnh tại địa phương nữa rồi ra về. Cô Nhung khai rằng, trước kia làm nghề buôn bán cát sỏi, cho nên việc chữa bệnh này thực chất chỉ là phương pháp kinh doanh, hành nghề để đánh bóng tên tuổi.

Song Anh
.
.
.