"Công dân đặc biệt" ở Phú Thứ

Thứ Hai, 06/05/2019, 10:16
Chúng tôi tìm đến nhà anh Lê Ngọc Trân (SN 1975, ở khu phố Phú Thứ, thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) theo lời giới thiệu của cán bộ Công an thị trấn. Dù biết anh là gương điển hình tiên tiến trong công tác tái hòa nhập cộng đồng, là nhân tố nổi bật trong phát triển kinh tế hộ gia đình của địa phương, chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ khi bước vào ngôi nhà của anh.


Nhìn những tấm bằng khen, giấy khen của Bộ Công an và UBND huyện Tây Hòa được treo trang trọng trong nhà, chúng tôi hiểu anh Trân phải nỗ lực như thế nào để vượt qua lầm lỡ, làm lại cuộc đời.

Anh Trân là anh cả trong một gia đình nghèo có 7 người con. Gia cảnh khó khăn nên anh phải sớm nghỉ học, bươn chải đủ nghề để giúp đỡ cha mẹ và lo cho các em ăn học. Năm 1999, cha của anh bất ngờ bị tai biến mạch máu não. Để có tiền chữa bệnh, bao nhiêu vật dụng lớn nhỏ trong nhà đều lần lượt “đội nón” ra đi. Thế nhưng, dù cố gắng đến đâu, Trân cũng chẳng thể giữ được cha mình ở lại. Từ khi cha mất, anh như trở thành một con người khác, dữ dằn và bất cần hơn.

Anh Trân là gương điển hình tiên tiến trong công tác tái hòa nhập cộng đồng.

Đầu năm 2000, phong trào khai thác gỗ trái phép tại các cánh rừng Hòa Thịnh, Hòa Mỹ ở huyện Tây Hòa trở nên rầm rộ. Thời điểm ấy, thấy nhiều người sáng tay không vào rừng, chiều cầm tiền đi ra nên anh Trân liền theo chân lâm tặc.

Đến tháng 4-2000, trong một chuyến đi rừng, anh bị cơ quan chức năng xã Hòa Thịnh bắt quả tang. Do nghe theo lời kích động của các đối tượng xấu nên nhóm của anh Trân tấn công làm bị thương một công an viên. Với hành vi ấy, Trân bị TAND huyện Tây Hòa tuyên án 2 năm 6 tháng tù. Đó cũng là thời điểm vợ anh vừa mới hạ sinh con gái đầu lòng.

Lỡ sa chân vào con đường tội lỗi, nghĩ về người vợ hiền và con thơ đang ngóng chờ ở nhà, trong lòng anh Trân lại dấy lên những xót xa, ân hận. Từ đó, anh quyết tâm thay đổi để làm lại cuộc đời. Nhờ cải tạo tốt, anh được đặc xá, tha tù trước thời hạn 9 tháng.

“Lúc đầu, tôi nghĩ muốn hòa nhập cộng đồng, chỉ cần có lòng tin và ý chí, quyết tâm cao là đủ, nhưng khi đối mặt với thực  tế lại khó vô cùng. Gần 2 năm xa rời cuộc sống đời thường, nhiều đổi thay khiến tôi hết sức bỡ ngỡ. Nhưng điều mà tôi khổ nhất chính là thái độ xa lánh, kỳ thị của những người xung quanh. Tôi đi xin việc khắp nơi nhưng vô ích, bởi chẳng ai dám thuê một thằng vừa đi tù về. Vậy là phải nằm nhà suốt gần một năm trời”, anh Trân bộc bạch.

Năm 2004, được sự bảo lãnh của Hội Nông dân xã Hòa Bình 2 (nay là thị trấn Phú Thứ), anh Trân được vay 15 triệu đồng từ chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tây Hòa để phát triển kinh tế. Có vốn, anh đầu tư nuôi 150 con gà, vịt. Vậy mà, chỉ cách 2 hôm trước ngày xuất chuồng, một trận đại dịch ập tới khiến đàn gà, vịt chết sạch, gia đình coi như trắng tay.

Không nhụt chí, anh Trân tiếp tục vay thêm 30 triệu đồng để tái đàn. Trời không phụ lòng người chịu khó, năm đó, vợ chồng anh chăn nuôi thành công, đủ tiền trả nợ ngân hàng. Cũng từ đó, anh mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi đạt hiệu quả cao.

Hiện tại, vợ chồng anh đã có cơ ngơi khá khang trang với một ngôi nhà cấp 4 rộng rãi và cơ sở chăn nuôi với hơn 1.400 con vịt đẻ, 200 con vịt xiêm, 5 con bò lai, 30 con heo thịt… đem lại tổng thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.

Mải lo làm ăn, phát triển kinh tế, anh Trân không để ý đến sức khỏe của mình cho đến một ngày cuối năm 2012. Khi đang cho vịt ăn, anh bỗng cảm thấy đầu óc choáng váng, toàn thân đang nóng chuyển sang lạnh toát. Nghi có điều bất ổn về sức khỏe, anh vội vàng đi khám bệnh.

Nghe bác sĩ thông báo về căn bệnh ung thư bướu, trời đất quanh anh như sụp đổ. Lúc ấy, anh cứ nghĩ cuộc đời mình vậy là chấm hết, chỉ muốn buông xuôi tất cả. Thế nhưng khi về nhà, vừa nhìn thấy nét mặt lo lắng của vợ và 2 cô con gái, anh liền thay đổi ý định.

“Khi đó, khối u trong người tôi lớn đến mức nhiều bệnh viện đều từ chối mổ bởi cơ hội sống sót chưa đến 40%. Sau một thời gian dài thuyết phục, các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) mới quyết định phẫu thuật với điều kiện tôi phải viết cam kết tự nguyện, không được khiếu kiện về sau. Tôi gật đầu không một chút đắn đo, bởi đời mình đã một lần lầm lỡ và còn quá nhiều dự tính còn dở dang nên không thể chết vào lúc này được”, anh Trân kể.

Ca phẫu thuật kéo dài 12 giờ đồng hồ đã thành công. Và quãng thời gian điều trị ung thư sau đó có lẽ là những tháng ngày khốn khổ nhất cuộc đời anh Trân. Tiền thì hạn hẹp, vợ con, anh em đều bận bịu nên hằng tuần chỉ mình anh bắt xe vào TP Hồ Chí Minh để xạ trị.

“Lúc ấy, toàn thân tôi teo tóp, từ 80kg xuống còn chưa đầy 60kg. Người như xác không hồn, không ăn được gì. Nạp một chút cơm, cháo vào cũng nôn ói. Thế rồi nhờ lịch trình sinh hoạt khoa học và chăm chỉ luyện tập thể thao nên căn bệnh quái ác ấy đã phần nào được đẩy lùi. Lần cuối đi chụp xét nghiệm, trong người không còn tế bào ung thư, tôi vui mừng khôn xiết vì khát khao sống đã trở thành hiện thực”, anh Trân cho biết.

Sau khi ra tù, anh Trân chăm lo làm ăn, đến nay mỗi năm thu nhập gần 200 triệu đồng.

Sức khỏe ổn định, ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Trân còn tích cực tham gia vào tổ bảo vệ dân phố khu phố Phú Thứ. Hằng ngày, anh cùng cán bộ Công an thị trấn Phú Thứ tuần tra dọc các tuyến đường trọng điểm.

Bản thân anh đã 2 lần phát giác và trấn áp 2 đối tượng có hành vi trộm cắp, bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý. Anh cũng trực tiếp tham gia 10 vụ vây bắt các đối tượng trộm, cướp ở thị trấn Phú Thứ. Ngoài ra, anh còn được chính quyền địa phương tín nhiệm phân công giúp đỡ 2 đối tượng đang chấp hành án treo trên địa bàn.

Trong cuộc đời mỗi người, có những lần vấp ngã, điều quan trọng là phải dũng cảm nhìn thẳng vào lỗi lầm quá khứ để làm cho hiện tại và tương lai tốt đẹp hơn. Và trên hành trình trở về nẻo thiện, anh Trân không những rũ bỏ quá khứ tội lỗi, vượt qua những mặc cảm tự ti, vượt lên chính mình để làm lại cuộc đời, mà cảm hóa người lỗi lầm và góp phần giữ gìn sự bình yên cho khu dân cư ở nơi mình sinh sống.

“Tôi có thế nào thì mọi người quanh đây đều biết cả rồi. Quá khứ trót làm điều tội lỗi, dĩ nhiên tôi vẫn ân hận về điều đó. Nhưng quan trọng là biết nhìn về những điều đó để phấn đấu vươn lên, không lặp lại những sai lầm. Tôi mong những người từng lầm lỡ tích cực lao động, mạnh dạn tham gia các hoạt động xã hội để tránh sa đà, quay trở lại con đường cũ”, anh Trân chia sẻ.

Theo ông Võ Công Hoan - Bí thư Chi bộ khu phố Phú Thứ, là một người hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng, anh Trân đã chứng minh cho nhiều người thấy rằng, vấp ngã mà biết đứng lên thì dù hoàn cảnh khó khăn đến đâu cũng sẽ vượt qua.

Anh không những chăm chỉ lao động tạo ra thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, mà còn giúp đỡ người dân xung quanh. Anh sống hòa đồng và góp ý thẳng thắn xây dựng khu dân cư nên người dân và bạn bè xung quanh tin tưởng, quý mến.

Trong nhiều đợt sinh hoạt tại địa phương, anh đã lấy chính hoàn cảnh của mình để làm bài học cho những người lầm lỡ. Với những việc làm của mình, anh Trân là một trong những cá nhân tiêu biểu của tỉnh Phú Yên được Bộ Công an tặng bằng khen trong thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Nhận xét về anh Trân, Trưởng Công an thị trấn Phú Thứ Nguyễn Mười cho biết: “Từ một người lầm lỗi, anh Trân đã sớm biết hối cải, vươn lên trong cuộc sống, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng. Với bản tính hiền lành, chất phác, anh chăm chỉ làm ăn, đem lại cho gia đình kinh tế vững vàng. Ngoài ra, bản thân anh còn năng nổ, tích cực tham gia rất hiệu quả công tác giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương”.

Sau cuộc gặp gỡ với anh Trân, chúng tôi càng tin rằng, làm lại cuộc đời không bao giờ là quá muộn.

Phan Nhuận Phin
.
.
.