Cộng đồng cho - nhận: Biến tướng đa cấp hay "hậu duệ" của "siêu lừa Madoff"?

Thứ Tư, 10/08/2016, 14:10
Thời gian gần đây, trên nhiều diễn đàn mạng rộ lên quảng cáo các mạng lưới "cho- nhận" (cộng đồng M). Không cần đầu tư, kinh doanh, không tạo ra sản phẩm, chỉ dùng tiền của người sau trả cho người trước với lãi suất cực khủng, cộng đồng M đang là một biến tướng đa cấp lôi kéo những nhà đầu tư nhẹ dạ ném tiền vào canh bạc tới 99,9% là thua cuộc.


Cho tiền thực, nhận tiền "hơi"

Bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam vào năm 2015, cộng đồng M liên tục phát triển với nhiều phiên bản khác nhau như M5, X6, STS6… Để làm tài liệu hướng dẫn cho những người muốn tham gia hệ thống luân chuyển sự giàu có M5 thông qua trang web vphp.xxx, những người "sáng lập" cộng đồng này tại Việt Nam đã soạn ra bộ quy chế và cẩm nang gồm 7 phần nhằm giới thiệu cũng như hướng dẫn người mới tham gia.

Người chơi sau khi đặt lệnh chờ và mua mã PIN, vẫn được giữ tiền của mình. Lúc này, hệ thống đã bắt đầu tính lãi với mức 1%/ ngày. Chỉ khi nào nhận lời giúp đỡ người khác, người chơi mới phải gửi số tiền trong tài khoản của mình cho những người nhận sự giúp đỡ theo danh sách đính kèm, gồm họ tên, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, địa chỉ…

Khi những người được giúp đỡ xác nhận đã nhận được tiền thì xong một giao dịch. Lúc này, người chơi sẽ đăng ký lệnh nhận giúp đỡ và sẽ có một danh sách những người giúp đỡ chuyển đủ số tiền gốc (mức chung là 6,6 triệu đồng) cộng với 1% lãi suất nhân với số ngày chờ đợi giúp đỡ mà mình đặt lệnh. Thời gian là từ 4-8 ngày cho 1 giao dịch, và bất kể cho hay nhận, lãi suất sẽ tự động nhân 1% với số ngày mà người chơi chính thức tham gia.

Mất thêm 1 chút phí, cách thức chơi của STS6 như sau: người chơi nộp tiền vào tài khoản, đặt lệnh cho tiền với phí 150.000 đồng và đợi hệ thống cung cấp danh sách người nhận, sau đó chuyển tiền cho những người nhận và tới lượt đăng ký nhận tiền. Số tiền cho đi của mỗi lần là 8 triệu đồng. Khi người nhận (những người chơi khác) xác nhận đã nhận tiền, giao dịch được hoàn tất và sau 8 - 10 ngày, người cho sẽ được chuyển về đầy đủ số tiền gốc và lãi suất tính trên số ngày chờ tiền về tài khoản với mức 1 - 1,5%/ngày (tương đương 360 - 540%/năm).

Trên trang web của STS6, những lời quảng cáo "có cánh" ngập tràn: Đến với STS6 - Hệ thống luân chuyển sự giàu có (Cộng đồng M6), mức rủi ro hầu như không đáng kể (tối đa là 8 triệu đồng), giúp người chơi có thêm một dòng thu nhập đều đặn từ vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi tháng bên cạnh nguồn thu nhập hiện tại. Mô hình tài chính này hiện nay đang phát triển tại Việt Nam và thế giới và thu hút rất nhiều nhà đầu tư cá nhân...

Theo quảng cáo, STS6 được sáng lập bởi các chuyên gia Tài chính, Công nghệ hàng đầu của Nhật bản và Mỹ do nữ doanh nhân người Mỹ gốc Nhật Sami Tora là Giám đốc điều hành.

STS6 là một cộng đồng kết nối toàn cầu, tại Việt Nam STS6 có hệ thống sever riêng để phù hợp với cộng đồng STS6 Việt Nam. Để thuyết phục thêm khách hàng, trang web này còn "gạch đầu dòng" hơn chục điểm nổi bật của công ty như STS6 không phải là Công ty đa cấp; không phải là mô hình đầu tư tài chính; không có công ty; không có ông chủ; không có trụ sở văn phòng hay nhà máy; không bán hàng hóa hay sản phẩm.

STS6 do một nhóm lập trình viên; do chuyên gia tài chính nước ngoài làm trọng tài cuộc chơi; không thu tiền của bất kỳ ai. Là một phần mềm quản lý luật chơi, STS6 tồn tại được nhờ mã pin; sử dụng tiền VND hoặc tiền điện tử Bitcoin để giao dịch. STS6 là Cộng đồng mong muốn giúp đỡ và chia sẻ lẫn nhau giữa các thành viên trên hệ thống luân chuyển tài chính thông minh cho đi và nhận lại; thành viên đăng ký hoàn toàn miễn phí; dòng tiền luân chuyển cho và nhận được chuyển trực tiếp giữa các thành viên với nhau nên hoàn toàn minh bạch và rủi ro từ STS6 là hoàn toàn không có…

Đa cấp biến tướng, rủi ro nhãn tiền

Đáng chú ý, đây là sân chơi không tạo ra giá trị từ việc bán hàng hóa hay dịch vụ - vì sân chơi này không kinh doanh hàng hóa hay dịch vụ, cũng chẳng mua gì của ai và cũng chẳng bán gì cho ai. Nó chỉ hoạt động trên phương thức cộng đồng luân chuyển sự trợ giúp với nhau - mô hình Ponzi, được tạo ra bởi Charles Ponzi: "vay" - "cho vay". Người "vay" sẽ tìm và hứa hẹn trả lãi (rất cao) cho người"cho vay", sau đó quá trình này diễn ra và người "vay" trả lãi đúng cam kết để lấy uy tín, sự uy tín này sẽ lấy ra làm bằng chứng để người "vay" tiếp tục đi chào mới rất nhiều người "cho vay" khác.

Nhờ sự uy tín này, kết hợp với lòng tham (vì lãi cao) của những người đang có sẵn tiền nên số lượng người "cho vay" sẽ càng ngày càng nhiều, và mô hình này sẽ lan tỏa rất nhanh. Không những thế, Ponzi còn tạo ra 1 hệ thống, nếu những người "cho vay"đi kiếm thêm nhiều "người cho vay" khác nữa, thì lợi nhuận của người giới thiệu sẽ tăng lên theo các cấp độ.

Theo như Ponzi nói với những khách hàng "cho vay", thì ông ta sẽ lấy tiền đó đầu tư sinh lãi, sau đó lấy lãi đó trả cho khách hàng. Nhưng thực sự không phải như vậy, năm 1920, Ponzi đã phải thụ án do hoạt động mô hình "lấy tiền người vào sau và trả cho người vào trước". Như vậy mô hình Ponzi này thực chất là đa cấp, chỉ khác 1 chỗ cơ bản là không có món hàng nào để bán.

Trên thế giới, mô hình Ponzi này đã từng được siêu lừa Madoff áp dụng và vụ vỡ nợ khi ông này bị hầu tòa đã khiến thị trường tài chính Mỹ rúng động. Tuy nhiên, dựa vào sự nhẹ dạ của nhiều người, mô hình cho- nhận vẫn lôi kéo được người chơi với những lời chào mời hấp dấn.

Nhìn lại hàng chục gạch đầu dòng như trên, người chơi dễ rơi vào "ma trận" hư thực mà điều đánh vào chủ yếu là lợi nhuận khủng, không hề có bất kỳ rủi ro nào trong khi lại được xây dựng và vận hành trên một cơ sở rất… hiện đại từ công nghệ đến yếu tố con người (Nhật Bản và Mỹ). Chỉ cần người chơi nhẹ dạ, dĩ nhiên sẽ ném tiền vào theo kiểu được ăn cả, ngã về không, vì số tiền thực tế bỏ vào cũng không quá lớn, trong khi lợi nhuận lại cực khủng.

Một thành viên của STS6 cho biết số người tham gia cộng đồng này đã lên tới 100 nghìn người. Vậy, tính một cách đơn giản, nếu mạng lưới nói trên có 100.000 người tham gia thì số tiền mà các thành viên cho đi tối thiểu trong một tháng là 660 tỷ đồng (mỗi lệnh cho tối thiểu là 6,6 triệu đồng). Với lãi suất 30%/tháng (1%/ngày), số tiền lãi mà toàn hệ thống phải có để chi trả cho người chơi là 198 tỷ đồng. Để có đủ số tiền lãi này, ít nhất, tháng đó, hệ thống phải có thêm 30.000 tài khoản mới tham gia.

Như vậy, nếu không có thêm người tham gia, hệ thống sẽ bị âm 198 tỷ đồng và bị sập là đương nhiên. Trên các diễn đàn xã hội, bên cạnh những lời quảng cáo, chiêu dụ hấp dẫn, đã bắt đầu xuất hiện những lời chửi rủa, than vãn của người chơi trót cho tiền, nhưng chờ mãi chưa được nhận tiền về.

Theo nhận định, trong cuộc chơi này, được lợi lớn nhất là "nhà cái" - người vận hành mạng lưới. Mỗi lệnh chuyển tiền, nhà cái thu về mức phí 150.000 đồng. Nếu mạng lưới có 100.000 người tham gia, thực hiện 100.000 lệnh chuyển tiền thì số tiền thu về của nhà cái là 1 tỷ đồng.

Trên thực tế, trước khi các mạng lưới như STS6, X6… thành lập, rất nhiều sàn cho - nhận tương tự đã mọc ra, trả lãi đến 150%/tháng, nhưng rồi cũng nhanh chóng biến mất. Có thể kể đến những cái tên như MMM Asean, MMM Bank… Nguyên nhân khiến các sàn này sập chủ yếu là do không có người cho mới và nhiều người chơi cũ bỏ sàn.

Theo phân tích của các chuyên gia tài chính, thực tế, các sàn cho - nhận là những biến tướng của mô hình lừa đảo đa cấp online, tương tự mô hình hoạt động của một số đồng tiền ảo cũng như các quỹ đầu tư tài chính thời gian gần đây như AMT VN, BXP, GSM, Tresk Global green…

"Theo tôi, người chơi cần phải hết sức cảnh giác, vì không thể có lợi nhuận nào "khủng" như thế được, Chưa kể, muốn huy động tiền của dân, các doanh nghiệp phải được cấp phép, song những mạng lưới trên đứng ngoài vòng pháp luật. Như vậy, người chơi càng rủi ro vì khi bất trắc xảy ra, họ không thể nhờ pháp luật can thiệp". Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu khẳng định.

10 dấu hiệu có thể cảnh báo sự bất ổn của một kế hoạch đầu tư

1. Một kế hoạch quá béo bở để trở thành hiện thực. Nếu ai đó đứng ra đảm bảo một khoản lợi nhuận vừa kếch xù vừa chắc chắn, thì bạn nên tránh xa lời đề nghị như vậy.

2. Đưa ra lời "đảm bảo". Không ai đảm bảo được lợi nhuận, trừ phi họ mời chào các loại trái phiếu hoặc chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cố định. Còn lợi nhuận trên thị trường không bao giờ được đảm bảo.

3. Một cơ hội phức tạp và hiếm có. Có đôi khi người ta phán rằng họ tiếp cận được một cơ hội đặc biệt, không phải ai cũng được chào mời- thực chất là 1 cái bẫy

4. Những mô hình kinh doanh mới. Có thể bạn được chào mời cơ hội tham gia đầu tư cho một công nghệ 'làm thay đổi thế giới' nào đó. Công nghệ ở đây có thể về lý thuyết thì tuyệt vời, nhưng khả năng cao là nó không hề tồn tại.

5. Lôi kéo bởi một "người giới thiệu". Đây là một trong những trò lừa đảo kinh điển trong sách vở, dựa trên sức mạnh của các mối quan hệ xã hội. Tên lừa đảo sẽ trả tiền cho những người ở tầng trên cùng, nhằm khiến họ lôi kéo thêm bạn bè người quen. Khi tên lừa đảo đã có được điều hắn muốn thì tất nhiên hắn sẽ cao chạy xa bay, còn bạn thì ở lại với hai bàn tay trắng.

6. Áp lực thời gian. Nhiều tay lừa đảo sẽ tạo áp lực cho bạn bằng những lời "chào bán ngắn hạn" buộc bạn đưa ra quyết định sớm. Chúng không cho bạn thời gian cân nhắc xem các cổ phiếu chào bán này có giá trị gì hay không.

7. Không sử dụng tài khoản độc lập của bên thứ ba. Không có hình thức đầu tư nào lại "đổ" tiền của bạn và của người khác vào trong một tài khoản chung. Bạn luôn cần phải có tài khoản riêng được chịu trách nhiệm bởi ai đó chứ không phải đối tượng lừa đảo, ngoài ra bạn cần phải được cập nhật thông tin tài khoản định kỳ.

8. Thuyết âm mưu. Kẻ lừa đảo nhắm vào nỗi sợ hãi của con người. Chúng có thể bóng gió rằng nhà nước đang chủ động "kiềm hãm" bạn khỏi công cuộc làm giàu bằng cách bưng bít thông tin hoặc cấm đoán một số loại hình đầu tư nào đó mà chúng rất sẵn lòng giới thiệu cho bạn.

9. Không đăng ký giấy phép. Bất cứ công ty đầu tư chính thống nào cũng như các nhân viên chào bán các khoản đầu tư phải được cơ quan chức năng nào đó cấp phép. Hãy đảm bảo bạn xác nhận được việc người chào bán có đăng ký. Việc này có thể không phải lúc nào cũng bảo vệ được bạn, nhưng ít ra cũng hữu dụng khi bạn cần cầu cứu trong trường hợp bị lừa đảo.

10. Những lời khuyên đầu tư thực sự tồi. Bọn lừa đảo sẽ khuyến cáo bạn "dồn hết tài sản" vào mối đầu tư của chúng. Chúng có thể còn hối thúc vay thêm hoặc trích khoản tiền hưu trí của bạn để góp vào quỹ đầu tư với chúng. Bất cứ điều gì đi ngược lẽ thường đều là tín hiệu cảnh báo cho bạn.

(sưu tầm)

Lệ Thúy
.
.
.