Công nhân thấp thỏm tìm chỗ gửi con

Thứ Tư, 25/05/2016, 09:14
Khu công nghiệp cứ xây dựng, doanh nghiệp thu hút công nhân, song một dịch vụ thiết thực là chỗ gửi con của công nhân lại thiếu. Nghịch lý này xảy ra nhiều năm qua, khiến biết bao nữ công nhân khổ sở tìm nhà trẻ gửi con, thậm chí phải phó mặc cho những nhà trẻ không đủ tiêu chuẩn, không được cấp phép.


Thấp thỏm lo âu

Chúng tôi tìm về thôn Giang Liễu, xã Phương Liễu (Quế Võ, Bắc Ninh) lúc trời nhá nhem tối, công nhân tan ca tất tưởi đi đón con. Nỗi lo cuộc sống và con cái khiến nhiều nữ công nhân trở nên mệt mỏi. Không chỉ công việc, việc tìm chỗ gửi con cũng hết sức khó khăn.

Nhiều công nhân cho biết, công nhân tăng đột biến, nhưng thôn Giang Liễu chỉ có một điểm gửi trẻ. Sau đó, nhiều điểm tự phát, nhận một đến ba em mọc lên, đáp ứng nhu cầu trước mắt của bà con.

Nhiều nữ công nhân Bắc Ninh thiếu chỗ gửi con.

Chị Trần Thị Ánh Hồng, một trong những công nhân nhiều năm trọ tại thôn Giang Liễu tâm sự: "Khổ lắm anh a! Vợ chồng tôi bàn nhau là em nghỉ ở nhà trông con. Nhưng làm như thế thì chồng em không kham nổi, mà em cũng không thể bị mất việc được. Phải đi làm giữ chân. Em gửi con cho một bác 60 tuổi, nghe người ta nói thì bác ấy chu đáo. Nhưng ai biết sự thật có được như vậy không".

Chị Hồng và hàng trăm người mẹ khác không lo sao được, khi họ chẳng còn lựa chọn nào ngoài những nhóm trẻ tự phát. Nhiều người dân đã tự liên hệ, nhận trông nom hai trẻ, với giá 1,5 triệu đồng/trẻ/tháng. Một số khác nhận trông một trẻ, giá 2,5 triệu đồng/tháng.

Ai hỏi đến, kiểm tra thì người ta bảo: "Tôi trông cháu đấy chứ!". Trước thực trạng này, ông Nguyễn Viết Lý, Trưởng thôn Giang Liễu thốt lên: "Thôn thiếu nhiều chỗ tiếp nhận trẻ em quá. Chỉ có một trường, tiếp nhận 330 cháu. Còn các nhóm tự phát thì không thể kiểm soát nổi".

Chung nỗi niềm ấy, ông Nguyễn Đức Cao, Phó trưởng BQL các KCN Bắc Ninh bày tỏ: "Phương Liễu chỉ là một trong rất nhiều xã công nghiệp thiếu nhà trẻ mầm non. Tình trạng bức xúc lắm rồi".

Cảnh khát chỗ gửi con cũng xảy ra ở KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội). Nhiều công nhân đã phải thay phiên nhau nghỉ, một số thì về "rước" mẹ lên trông các cháu. Song, cuộc sống đối với công nhân đã trở nên hết sức mệt mỏi.

Chị Đỗ Bạch Mai, công nhân trong KCN Bắc Thăng Long thuê trọ tại thôn Bầu, xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) thốt lên: "Để tìm chỗ gửi con an tâm đi làm mà sao khó thế! Gửi vào chỗ không bảo đảm, nếu con bị đánh đập thì buốt ruột lắm. Tình trạng ấy đã xảy ra nhiều lần rồi.

Đúng ra các doanh nghiệp, KCN phải tính đến chuyện này từ lâu!". Cũng bởi chị và anh Lê Văn Tiến lập gia đình với nhau, mãi bốn năm sau mới có một đứa con nên chị "nâng như nâng trứng". "Nhưng thương con thì bố mẹ cũng phải đi làm thì mới có ăn. Tìm và nhờ các kiểu, nhưng chẳng có cửa nào đưa con vào gửi ở trường mầm non công lập.

Họ phải gửi gắm con cho những người thiếu kỹ năng nuôi dạy (ảnh chỉ mang tính minh họa).

Bên ngoài nhiều chỗ gửi lắm, nhưng tin sao được anh! Gửi một đứa con mà cả nhà lo ngay ngáy", chị Mai thổ lộ. Thực tế thì khi con trai được 18 tháng, chị Mai đã từng gửi ở một nhóm trẻ tư, nhưng về nhà thấy con quấy khóc bất thường, đêm hay giật mình. Lo ngại chỗ đang gửi không an toàn, chị đã về Thái Nguyên đón mẹ đẻ ra trông giúp.

 Cách dãy nhà chị thuê trọ là một khu gần 20 phòng tiếp nối nhau cũng có ba em nhỏ không được đến trường. Bà Hồ Thị Hà, quê ở Đô Lương (Nghệ An) ra trông cháu cho con đi làm công nhân, bộc bạch: "Tôi bảo vợ chồng nó gửi con về lúc cháu 16 tháng. Được một tháng, nó bảo nhớ không chịu được. Với lại con vẫn còn bú, thiếu mẹ tội nghiệp. Thế là tôi phải theo ra đây trông cháu. Chúng nó tìm mãi rồi, chỗ để tin tưởng được hiếm quá. Sao ở ngoài này, gửi con lại khổ thế hả giời?".

Mang những tâm sự của các công nhân gặp cán bộ cơ sở, ông Hoàng Đức Khang, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chung cho hay: "Trẻ em độ tuổi mầm non của công nhân lớn hơn rất nhiều so với trẻ em cùng tuổi ở địa phương. Hiện chúng tôi thống kê được, có 1.800/3.200 cháu được học trên địa bàn. Còn các cháu khác hoặc gia đình trông nom, hoặc học ở nhóm trẻ bên ngoài, có khi là ở xã bên cạnh".

Cảnh "khát" chỗ gửi con an toàn đâu chỉ cháy bỏng ở một KCN Bắc Thăng Long, mà đang diễn ra ở hàng trăm KCN trong cả nước. Điều đáng nói là, khó khăn chỗ gửi con xảy đến ở hầu hết những nơi tập trung đông KCN mà 5 năm trước người viết bài từng tìm hiểu, như Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… Ngần ấy năm trôi qua, dù một số địa phương đã cố gắng nhưng tiến triển chẳng đáng là bao.

Thiếu thốn nhiều bề

Phải thấy rằng hằng năm nhiều bảo mẫu đã hành hạ, đánh đập các em bị phát hiện đã khiến dư luận bức xúc. Hay vụ cháu bé chết sau hai ngày được gửi tại Trường Mầm non tư thục Tuổi Ngọc, thị trấn Dĩ An (Bình Dương) mấy năm trước vẫn là nỗi ám ảnh cho biết bao nữ công nhân.

Những cảnh lạnh người tương tự vẫn diễn ra, khi nhiều cơ sở tư thục bị phát hiện ngược đãi trẻ em. "Là người có con trong độ tuổi đi gửi, biết thông tin ấy, chúng tôi như đứng trên đống lửa. Hàng nghìn bà mẹ đâu có lựa chọn khác, ngoài gửi vào những chỗ chẳng biết có an toàn hay không", chị Lê Thị Nương, xóm trọ Như Ý - KCN Sóng Thần (Bình Dương) chia sẻ.

Công nhân ở KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) khao khát chỗ gửi con an toàn.

Giáo dục trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo có vai trò hết sức quan trọng, đây là giai đoạn đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ em. Với con số gần hai triệu công nhân làm việc tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), trong đó hơn 50% lao động nữ, phần lớn là người ngoại tỉnh, xuất thân từ nông thôn, đời sống còn nhiều khó khăn, ít được hưởng thụ về phúc lợi xã hội. Nhiều trong số đó lập gia đình, sinh con dẫn đến nhu cầu gửi trẻ của công nhân lao động ngày càng tăng, gây ra tình trạng quá tải ở một số trường công lập tại địa phương.

 Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện cả nước có khoảng 13.700 trường mầm non, nhưng phân bố không đều, tại các KCN, KCX gần như vắng bóng. Không ít cơ sở vùng ven mọc lên, với điều kiện thiếu thốn, giá rẻ là lựa chọn bất khả kháng của chị em công nhân. Nhiều người chia sẻ, chỉ với mức thu nhập khiêm tốn, họ không đủ để gửi con vào những nơi chất lượng cao.

Theo điều tra của chúng tôi, 35,8% công nhân gửi con về quê cho ông/bà, người thân trông hộ, 4,1% vợ/chồng nghỉ thay nhau trông con. Điều đó đồng nghĩa với việc công nhân sinh lo lắng dẫn đến năng suất lao động giảm sút, hoặc khi một người nghỉ, một người đi làm thì áp lực kinh tế sẽ tăng lên.

Có một nghịch lý là, trường đại học thì đang thừa, nhưng đang thiếu khoảng 363 trường mẫu giáo, mầm non và thiếu 27.000 giáo viên. Không chỉ vậy, nhiều cơ sở trường lớp hiện tại vừa xuống cấp vừa lạc hậu, kéo chất lượng mầm non xuống thấp. Tương tự, đội ngũ giáo viên không chỉ thiếu về số lượng, mà còn hạn chế về chất lượng, nhất là ở các KCN có đông người lao động.

Vì sao việc đầu tư xây dựng trường mầm non lại không được quan tâm, nhất là ở những nơi công nhân lao động nghèo đang "khát"? Thực tế chỉ ra, các KCN, KCX thiếu quỹ đất dành cho xây dựng trường mầm non, hay chính xác hơn là vượt quá khả năng của họ; thiếu sự đầu tư của cơ quan hữu quan địa phương. Song, ở ngoài KCN, nhiều nhà trẻ, nhóm trẻ tự phát mọc lên khi chưa được cấp phép hoạt động, đã và sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy.

Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết: "Đúng là nhiều phụ huynh phải gửi trẻ ở các nhóm lớp hạn chế về chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, thậm chí còn gửi cả ở một số điểm giữ trẻ không có phép, không đáp ứng được các yếu tố về an toàn, về chất lượng của giáo viên mầm non.

Sở cũng đã chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện tăng cường phối hợp kiểm tra, xử phạt các cơ sở giữ trẻ mầm non không phép. Các phòng giáo dục và đào tạo cũng có nhiều biện pháp chuyên môn để hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non tư thục hoàn thiện về cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên mầm non, nhân viên nuôi dưỡng để bảo đảm yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm công tác an toàn cho trẻ".

Nguyễn Học
.
.
.