Cư dân đảo đổi đời nhờ internet

Chủ Nhật, 10/12/2017, 16:04
Trong nửa cuối của tháng 11 năm 2017, người ta nói nhiều đến hành trình 20 năm internet vào Việt Nam. Không chỉ ở các thành phố lớn, đồng bằng, mà internet đã ra tận đảo xa, tác động không nhỏ đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân… 

Không còn cảnh bị "cô lập" với đất liền, không còn cảnh đi biển nhờ kinh nghiệm, giờ đây, nhiều người dân trên đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) biết tận dụng thời cơ và dùng internet để khởi nghiệp, làm giàu trên chính quê hương của mình.

Đời cha nhờ kinh nghiệm, đời con nhờ internet

Trở về quê sau khi tốt nghiệp Đại học Đồng Tháp, song song với việc đi làm tại một cơ sở viễn thông của huyện, Trần Tấn Nghĩa (28 tuổi, ngụ xã Long Hải) còn hỗ trợ cha mình quản lý, giám sát hồ cá của gia đình.

Nếu như ngày xưa, ở thời cha ông, việc đi biển cũng như nuôi tôm, cá ở bè, hồ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác thì giờ đây, con cá, con tôm có triệu chứng gì lạ mà không hiểu, hoặc mấy ngày tới thời tiết như thế nào, "cứ hỏi anh Goole là ra hết".

Ngoài cá mú, hồ cá nhà Tấn Nghĩa nuôi cả tôm hùm.

Ông Trần Văn Hữu (54 tuổi) nhớ lại, ở thời của ông, người dân đi biển thì nhìn trời nghe gió, hên xui, lúc đúng lúc không. Sau này do sức khỏe hạn chế nên ông Nghĩa ở nhà đắp hồ nuôi cá, nuôi tôm dựa vào kinh nghiệm truyền lại; cá, tôm có bệnh cũng không biết cách chữa; trong khi đó, một năm cán bộ khuyến nông chỉ xuống khảo sát vài lần. Năng suất lao động bấp bênh, mùa được mùa mất do không chủ động được cách nuôi trồng.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của gần 10 năm trước. Sau này, internet bùng nổ và ra tận Phú Quý; nhất là vài năm trở lại đây, mạng 3G, 4G gần như được phủ sóng, câu chuyện chủ nghĩa kinh nghiệm trở nên lỗi thời và không còn phù hợp nữa.

Mạng internet cùng với nguồn thông tin khổng lồ được tích hợp sẵn và kho thông tin mới được cập nhật, bổ sung từng giờ từng phút, cho phép mọi người dân đều có thể tra cứu bất cứ thông tin, thắc mắc nào, từ thời tiết, khí hậu, cho tới kinh tế, văn hóa, khoa học, xã hội…

Thay vì "trông trời, trông đất, trông mây, trông mưa" như trước, giờ đây người dân có thể "đón đầu" thời tiết. Thay vì chờ cán bộ khuyến nông xuống khám thì dân mới biết con tôm, con cá bệnh gì, chữa như thế nào; giờ đây, có thể lên mạng tự trang bị cho mình những kiến thức về nuôi trồng hải sản, cách phòng bệnh, chữa bệnh cho tôm, cho cá.

Được biết, Nghĩa cùng gia đình đã bỏ ra khoảng 400 triệu đồng để kè biển thành hồ nuôi cá mú và tôm hùm. Vào lúc cao điểm, hồ gia đình cậu nuôi khoảng vài nghìn con cá, vài nghìn con tôm. Giá cá, tôm mấy năm trước cao, nay hạ hơn nhưng cũng vẫn ở mức trên 350 ngàn/ kg cá mú (mỗi con 3-5kg), 700 - 900 ngàn/ kg tôm hùm.

Không chỉ hướng dẫn cha mình cập nhật thông tin trên internet, Nghĩa còn giới thiệu đến những người họ hàng của mình. Riêng 10 hồ nuôi cá, tôm lớn ở đảo thì có tới 7 hồ thuộc sở hữu họ hàng nhà Nghĩa.

Ngoài các hồ nuôi cá, nuôi tôm, trên địa bàn huyện đảo Phú Quý còn có hàng trăm bè cá ở ngoài biển. Nhờ chủ động thời tiết và phòng bệnh cho cá, thu nhập mỗi bè hằng năm lên tới hàng trăm triệu đồng.

Trong khi đó, người dân đi biển, đi đánh bắt xa bờ thì nay cũng sắm cho mình chiếc điện thoại kết nối 3G, 4G. Thậm chí như trường hợp ông Nguyễn Văn Tài (47 tuổi, ngụ xã Long Hải), một trong những triệu phú của đảo, ông còn dùng dịch vụ internet qua vệ tinh để theo dõi, liên lạc với các tàu của gia đình mình khi đánh bắt xa bờ. 

Ở đảo Phú Quý bán hàng tận miền núi phía Bắc

Sau khi tốt nghiệp Đại học FPT, làm kĩ sư phần mềm 7 năm ở TP. Hồ Chí Minh, năm 2013, Thái Nghĩa (35 tuổi) quyết định dắt vợ về đảo lập nghiệp. Nói về việc vì sao rời bỏ một nơi sầm uất như TP. Hồ Chí Minh để về cái đảo "chỉ có tiếng cá quẫy" này, Nghĩa nói, anh muốn chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già là một lẽ, lẽ còn lại cũng vì thu nhập lúc ở thành phố trừ ngược trừ xuôi cũng chẳng dư giả gì nên anh muốn thử xem về quê mình có sống ổn hơn không.

Cha con ông Trần Văn Hữu - Trần Tấn Nghĩa đang xem thông tin về cách phòng bệnh cho cá mú trên mạng.

Tận dụng những kiến thức học được và kinh nghiệm tích lũy của mình sau 7 năm, lúc mới về Phú Quý, Nghĩa mở tiệm internet với khoảng 20 đầu máy. Sau đó, anh lấy tiền lãi từ đây, mở thêm cửa hàng, rộng quy mô kinh doanh, cung cấp các thiết bị âm thanh, kĩ thuật số.

Ngoài cửa hàng cố định bán cho người dân đang sống trên đảo, Thái Nghĩa còn mở các gian hàng điện tử trên các trang mua bán trên mạng nổi tiếng như Lazada, Sendo…., nhận đơn hàng trong Nam ngoài Bắc. Thậm chí, anh không giới hạn phạm vi bán hàng. Chỉ cần có đơn hàng, ở Sơn La, Lai Châu, anh cũng không từ chối.  

Nghĩa nói, dù ở đảo Phú Quý nhưng anh không có cảm giác bị biệt lập với thế giới sôi động trong đất liền. Chỉ cần một chiếc laptop nối mạng hoặc một chiếc điện thoại thông minh kết nối 3G/4G là cả thế giới trong tầm tay.

Điện thoại của anh lúc nào cũng trong tình trạng online 24/24, tiếp khách mọi lúc mọi nơi. Nhờ internet, anh có thêm nhiều mối khách hàng. Cũng nhờ internet, anh cũng cập nhật được những công nghệ, sản phẩm mới để giới thiệu với khách hàng của mình. 

Hỏi Nghĩa thu nhập hiện nay của anh ra sao, anh có sống ổn ở đây không? Nghĩa cười: "Về quê là một trong những quyết định sáng suốt nhất của tôi". Hiện nay, tổng thu nhập hằng tháng của vợ chồng anh là 45- 50 triệu đồng, thời điểm cuối năm bán được nhiều hàng, có khi lên tới 60- 70 triệu đồng/ tháng. Với mức thu nhập này, vợ chồng anh hoàn toàn sống ổn, sống khỏe trên đảo.

Con cái có điều kiện được học hành đến nơi đến chốn. Thái Nghĩa cho biết, anh đang chuẩn bị mở một siêu thị điện máy đầu tiên trên đảo Phú Quý vào năm sau. Dự định siêu thị này có diện tích 100m2.

Bỏ đi biển, làm "thơ le" nhờ internet

Trong câu chuyện internet tác động đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân trên đảo tiền tiêu này, những người trẻ như Tấn Nghĩa, Thái Nghĩa… tiếp cận công nghệ để làm ăn cũng không có gì lạ.

Tuy nhiên, già như ông Nguyễn Văn Tiễn (52 tuổi, ngụ xã Tam Thanh) mà vẫn theo kịp đám trẻ lại là chuyện có một không hai. Ông chính là người cho "thơ le" (tiếng địa phương nghĩa là "thuê loa" -PV) di động karaoke đầu tiên và cũng là duy nhất trên hòn đảo cách đất liền 56 hải lý này.

Trước đây, ông Tiễn đi biển. Nhưng vì lí do tuổi cao sức yếu, không còn chịu được những cơn gió quật hay bão biển, ông quyết định "về hưu". Nhận thấy mạng internet trên đảo được phủ sóng mạnh, nhu cầu đời sống tinh thần của dân Phú Quý càng ngày càng đi lên, dịch vụ vui chơi cho khách du lịch khi đến đảo lại nghèo nàn, nhàm chán, chẳng cần ai "mách", ông Tiễn tự nghĩ và mở ra dịch vụ kinh doanh cho thuê loa di động karaoke nhờ các gói mobile internet, đặc biệt là 4G.

Năm 35 tuổi, anh Thái Nghĩa về quê làm lại từ đầu.

Để sử dụng được dịch vụ của ông Tiễn "thơ le", rất đơn giản, khách chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh kết nối internet. Mà theo lời ông kể, vì nhu cầu đi biển cập nhật thời tiết cũng như làm ăn, người dân Phú Quý ai mà chẳng sắm cho mình một chiếc điện thoại thông minh kết nối 3G, 4G.

Thành ra,  dịch vụ của ông không lúc nào "ế" khách. Nhất là vào cuối tuần, dịp lễ Tết, hoặc mùa dân không đi biển, nhu cầu giải trí tăng cao, ông kéo loa đi kéo loa về như đi chợ.

Ông Tiễn đầu tư cho mình 8 chiếc loa lớn nhỏ để khởi nghiệp khi về già. Giá thuê loa mỗi giờ là 30.000 đồng với loa nhỏ và 50.000 đồng với loa lớn. Vào mùa cao điểm, ông kiếm được 500.000 đồng - 600.000 đồng mỗi ngày. Bình thường không phải lễ Tết thì số tiền bỏ túi dao động vài trăm nghìn. Với số tiền đó, hai vợ chồng ông bà sống trên đảo cũng thoải mái, không phải phụ thuộc vào con cái.

Ông nói: "Ngày xưa, muốn làm “ca sỹ”, phải có ai đó đệm đờn ghi-ta cho mà hát. Giờ đây, chỉ cần mở điện thoại ra, bật 4G hoặc bật wifi lên, muốn hát bài gì, thể loại gì, phong cách gì cũng đều có hết. Sau khi tìm được nhạc phiên bản karaoke, kết nối điện thoại với loa là người người, nhà nhà đều có thể trở thành ca sỹ".

Dù đã già nhưng ông Tiễn cũng tỏ ra nhanh nhạy chẳng khác gì người trẻ khi biết tự "PR" dịch vụ của mình. Ngoài việc tự quảng cáo trên Đài Phát thanh - Truyền hình của huyện, ông còn kết nối với hệ thống nhà nghỉ, nhà trọ, homestay trên đảo để giới thiệu về dịch vụ của mình.

Giờ đây, du khách ra đảo Phú Quý, muốn làm "ca sỹ", chỉ cần nhấc máy gọi là ông Tiễn kéo loa đến tận nơi. Ai không hiểu cách sử dụng, ông hướng dẫn tận tình. Thậm chí, ai yêu cầu ông hát, ông cũng ở lại hát cùng khách cho vui.

Tại sự kiện internet Day 2017 và Lễ kỷ niệm 20 năm internet Việt Nam được tổ chức vào ngày 22-11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nhận định: "Sau 20 năm hòa mạng toàn cầu, internet Việt Nam đã có những bước tiến ấn tượng khi len lỏi vào khắp các ngõ ngách của đời sống, làm thay đổi thói quen, cuộc sống của nhiều người".

Theo đó, cuộc cách mạng về hạ tầng internet, đặc biệt là băng rộng di động (với 3G) tạo ra thay đổi rất lớn trong đời sống của người dân trên khắp đất nước, đặc biệt ở những vùng xa xôi, hẻo lánh như biên giới, hải đảo. Giờ đây, với cuộc các mạng 4.0 và hạ tầng 4G một sự thay đổi lớn kế tiếp đang bắt đầu.

Ba câu chuyện nhỏ của người dân ở đảo Phú Quý, dù nhỏ, nhưng cũng đủ để ta thấy rằng, internet đã xâm nhập và tác động mạnh mẽ đến đời sống vật chất, cũng như tinh thần của người dân như thế nào. Giờ đây, chỉ cần một chiếc điện thoại, máy tính, ipad kết nối internet, 3G hoặc 4G, bất kì ai, ở độ tuổi nào cũng có thể khởi nghiệp và làm giàu cho chính mình.

Đậu Dung
.
.
.