Cứ xuống nước ắt biết bơi

Thứ Tư, 03/08/2016, 15:29
Cha mẹ nào sinh con ra cũng đều có chung một mong ước là các con mình luôn khỏe mạnh, thông minh, học hành đỗ đạt để sau này thành người có ích cho xã hội. Tất nhiên, sự trưởng thành của các con luôn mang lại niềm vui, lòng tự hào cho cha mẹ.

Tuy nhiên, học hành giỏi giang chưa hẳn là tất cả. Những bậc phụ huynh biết "nhìn xa trông rộng" ngoài việc tạo mọi điều kiện cho con phát triển thể chất, nâng cao kiến thức, họ còn biết định hướng, xây dựng và phát triển các kỹ năng sống cơ bản cho con mình.

Người bạn tôi làm quản trị nhân lực ở một công ty liên doanh nước ngoài kể, năm nào công ty cũng tuyển dụng lao động trẻ vào một số vị trí nhất định. Khá nhiều bạn sinh viên có điểm học bạ đẹp như hoa, ngoại ngữ lưu loát nhưng khi nhà tuyển dụng đưa ra tình huống giả định cần xử lý khi thuyết phục tập thể hay làm việc theo nhóm thì… lắc đầu.

Minh họa: Lê Tâm.

Nghĩa là các bạn trẻ này hầu như chưa có hoặc rất ít trải nghiệm về kỹ năng này. Tất nhiên, những nhà tuyển dụng luôn thực dụng và họ không bao giờ chấp nhận những nhân viên mà khi tuyển vào, họ phải đào tạo quá nhiều những kỹ năng cơ bản đó.

Kỹ năng sống theo cách hiểu của Tổ chức Y tế thế giới WTO là khả năng thích nghi và hành vi tích cực cho phép cá nhân có khả năng đối phó hiệu quả với nhu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày.

Hiểu một cách đơn giản hơn, kỹ năng sống chính là năng lực của mỗi người và người có nhiều kỹ năng mềm để giải quyết các tình huống của cuộc sống chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn. Các kỹ năng này cần được giáo dục, trang bị từ khi bắt đầu đi học tiểu học và nâng cấp dần trong quá trình phát triển nhân cách.

Mới đây thôi, chúng ta không khỏi bàng hoàng, xót xa khi biết ở Nghệ An trong một ngày tháng 5 có tới 5 em nhỏ bị tử vong vì đuối nước. Tiếp đó, một ngày tháng 6, tại Đồng Nai cũng có 3 em nhỏ từ 9-13 tuổi chết vì bị trượt chân xuống hố nước gần nhà.

Nếu các em được nhà trường, cha mẹ cho học bơi từ nhỏ, chắc chắn sẽ không xảy ra những tai nạn thương tâm như thế. Đó chỉ là một kỹ năng thoát hiểm trong một tình huống cụ thể.

Trong thực tế còn vô vàn những tình huống khác. Nếu không được trải nghiệm hoặc trang bị những kiến thức cần thiết, người trong cuộc hẳn sẽ gặp nhiều khó khăn và dễ phải nhận những hậu quả xấu.

Một trong những hoạt động bổ ích nhất vào dịp hè mà phụ huynh nên làm là cho trẻ nhỏ theo học các lớp kỹ năng. Cách nhà tôi không xa là một trung tâm rèn luyện kỹ năng cho trẻ từ 6-15 tuổi, hàng ngày rất đông các em tới học. Mỗi khóa chỉ 7-10 ngày và học phí gần một triệu rưỡi.

Đến đây, các em luôn vui vẻ, không chỉ có thêm bạn mới mà còn được trang bị nhiều kiến thức khác như: Rèn luyện tính tự tin, trang bị khả năng giao tiếp, kỹ năng làm việc theo nhóm nhỏ, hiểu biết về giá trị của lao động cũng như cách kiếm tiền, tiêu tiền và rất nhiều kỹ năng bảo vệ bản thân.

Tất nhiên, với các em lớn hơn thì sẽ được trang bị những kỹ năng khác phù hợp với độ tuổi và nhận thức. Những kỹ năng này nếu được rèn luyện thương xuyên sẽ trở thành những thói quen tốt, hình thành tính cách và trẻ sẽ tự tin hơn về bản thân.

Đi học kỹ năng, trẻ tiếp thu rất nhanh. Chỉ tiếc rằng, nhiều kỹ năng đơn giản nhưng trẻ không được học ở trường lớp với các thầy cô giáo nhiều kinh nghiệm. Còn ở nhà, hầu như các phụ huynh cũng không dành thời gian thỏa đáng dạy con và muốn đứa trẻ ngồi vào bàn học nhiều hơn là nô đùa, vui chơi với bạn bè.

Tôi thật sự ấn tượng khi xem clip về một ông bố ngoại dạy con học bơi. Một cậu bé chừng 5, 6 tuổi đang câu cá ở một hồ nước nhỏ.

Người cha đi đến hỏi chuyện con và nói, con muốn biết bơi qua hồ nước không, cậu bé đang phân vân không biết trả lời có hay không thì bất ngờ người cha bế thốc cậu bé lên và ném xuống nước.

Tất nhiên lúc đầu cậu bé chìm nghỉm nhưng ngay khi vừa nhô lên mặt nước, cậu quẫy đạp và xoải tay sang bờ bên kia. Trên bờ, người cha khoanh tay đứng nhìn, vì ông biết chắc chắn một điều, cứ xuống nước ắt sẽ biết bơi!

Tuấn Nguyễn
.
.
.