Của công vẫn dễ thành “của ông”

Thứ Hai, 20/07/2020, 08:33
Chuyên đề Cảnh sát Toàn cầu số 263, xuất bản tháng 6-2020 đã đề cập đến một thứ tài sản công là đất đai, khi giao cho các địa phương, đơn vị quản lý thì liên tục xảy ra sai phạm.


Các sai phạm này hầu hết đều ở dạng quyền sử dụng đất đai từ chỗ do chính quyền, đơn vị quản lý được trao vào tay doanh nghiệp để thực hiện các dự án dưới hình thức góp vốn; hoặc là cố tình bỏ qua các nguyên tắc tài chính để xác định giá trị thấp hơn nhiều so với thực tế gây thiệt hại cho nhà nước.

Mới nhất là việc Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ngày 11-7 tống đạt quyết định khởi tố, thực hiện lệnh khám xét đối với 5 bị can là lãnh đạo, cán bộ thuộc UBND TP Hồ Chí Minh và các sở, ngành liên quan của TP để điều tra về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí, quy định tại điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.

5 bị can tại TP Hồ Chí Minh bị khởi tố lần này, có một Phó Chủ tịch đương nhiệm của UBND TP Hồ Chí Minh, một nguyên Giám đốc Sở Xây dựng và một Phó giám đốc đương nhiệm của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh. Các bị can được xác định liên quan vụ án tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri).

Ông Trần Vĩnh Tuyến (trái), Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, ông Trần Trọng Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, TP Hồ Chí Minh vừa bị khởi tố.

Sagri là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND TP Hồ Chí Minh, được chính Thanh tra TP Hồ Chí Minh kết luận đã để xảy ra nhiều sai phạm trong quản lý sử dụng vốn, đất đai, tài sản nhà nước. Cụ thể là có sai sót ở hàng loạt dự án liên quan đến đất công sản, với diện tích hàng trăm hécta, do Sagri thực hiện, đặc biệt là các dự án như Khu sản xuất nông nghiệp Phạm Văn Cội và dự án Trồng chuối xuất khẩu tại xã Phạm Văn Cội hay Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (tất cả đều tại huyện Củ Chi)...

Sagri còn được xác định là đã “qua mặt” UBND TP Hồ Chí Minh để gây ra các sai phạm nghiêm trọng khác tại hàng loạt dự án đầu tư sử dụng đất công sản, mà điển hình là tại dự án Cụm công nghiệp Láng Le - Bàu Cò ở huyện Bình Chánh với diện tích hơn 89ha, tổng mức đầu tư 693 tỉ đồng.

Đặc biệt là dự án phát triển Khu nhà ở tại quận 9. Năm 2009, khu đất thực hiện dự án này (diện tích hơn 3,6ha) được UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương chuyển mục đích để xây dựng chung cư và Sagri làm chủ đầu tư.

Đáng nói ở dự án này là Sagri không thuê công ty thẩm định giá khi chuyển nhượng dự án cho đối tác, không lập thủ tục đề nghị cơ quan chức năng xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung khi dự án điều chỉnh quy hoạch với các chỉ tiêu về cơ cấu sử dụng đất, mật độ xây dựng... Sagri đã chuyển nhượng dự án cho đối tác với giá hơn 168 tỉ đồng, tương đương khoảng 10,5 triệu đồng/m2, thấp hơn giá chuyển nhượng dự án liền kề tại thời điểm chuyển nhượng khoảng 29 triệu đồng/m2.

Sai phạm ở Sagri lần nữa gióng lên tiếng chuông “cảnh báo đỏ” đối với thực trạng quản lý tài sản công là đất đai ở nước ta. Và sai phạm dạng này thì không chỉ xảy ra ở TP Hồ Chí Minh mà còn ở nhiều địa phương, bộ, ngành, đơn vị khác.

Nhưng chuyện sai phạm trong việc quản lý tài sản công thì không chỉ xảy ra trong lĩnh vực đất đai mà còn ở nhiều lĩnh vực khác. Trong những năm gần đây, thông qua việc xử lý của các cơ quan chức năng và từ phát hiện của báo chí cũng như người dân, còn nổi lên ba lĩnh vực khác cũng “nóng” không kém. Đó là nhà công, xe công và mua sắm tài sản công.

Xe công là thứ tài sản công dễ bị lạm dụng nhất. Lạm dụng từ việc mua sắm vượt định mức, vượt số lượng đến việc sử dụng trái qui định Nhà nước, mà cụ thể là Bộ Tài chính, trong những nỗ lực để quản lý, đã tham mưu ban hành nhiều văn bản qui định về việc mua sắm và sử dụng xe công.

Nếu xét trên góc độ các qui định thì thấy khá ổn, mọi thứ liên quan đến xe công đều đi dần vào rõ ràng, minh bạch. Nhưng trong thực tế thì còn nhiều vấn đề phải nói, mà đặc biệt là việc quản lý sử dụng xe công. Tình trạng sử dụng xe công như “tài sản của ông” vẫn đang gây nhiều bức xúc trong dư luận. Xe công đưa cán bộ đi viếng chùa, ăn nhậu, tiệc tùng, đưa đón vợ con, cháu chắt… vẫn tràn lan. Mới nhất là chuyện xe công vào tận thang máy bay để đón vợ của một bộ trưởng, rồi đón con cháu của một Phó Bí thư Tỉnh ủy.       

Nhà công, gọi là nhà công vụ, không chỉ bị lạm dụng trong việc sử dụng, mà gây bức xúc nhất là chuyện được bố trí để ở khi đang công tác nhưng nghỉ hưu rồi không chịu trả, vẫn bám trụ để sử dụng trong khi nhà của mình thì đem cho thuê. Ngân sách mất một khoản rất lớn khi thực hiện các đợt hóa giá nhà công với giá rẻ và nay thì còn lộ ra những vụ án lớn với việc tư nhân thâu tóm nhà đất công có tổ chức, có sự tiếp tay của chính quyền địa phương, mà trường hợp của Phan Văn Anh Vũ ở TP Đà Nẵng là một đơn cử.

Mua sắm tài sản công thì đã có quá nhiều qui định, chế tài nhưng xem ra đây vẫn là “chùm khế ngọt”, rất dễ lạm dụng, lợi dụng để trục lợi. Chuyện bắt tay nhau để nâng khống giá trị tài sản khi mua sắm hệ thống máy xét nghiệm trong thời gian phòng, chống đại dịch COVID-19 cũng chỉ là chuyện rất bình thường trong thực tiễn. Có vụ chỉ là vài triệu, vài chục triệu đồng nhưng cũng không hiếm vụ tài sản kê khống phải tính đến hàng tỉ đồng.

Sẽ là phiến diện khi chỉ nhìn vào những sai phạm để qui kết cho một vấn đề, nhất là đối với những vấn đề mang tầm quốc gia. Nhưng khi sai phạm xảy ra hàng loạt, cụ thể như vài lĩnh vực được nêu ở đây, thì vấn đề không còn ở mức độ phát sinh hay đơn lẻ, mà là thực trạng cần phải được đánh giá ở cấp vĩ mô. Cụ thể là cần có những kế sách hiệu quả hơn để quản lý chứ không chỉ dựa vào những qui định và những chế tài hay hình thức giám sát lâu nay vẫn áp dụng.

Vì sao vậy? Vì những qui định và những chế tài hay hình thức giám sát ấy vẫn còn nhiều kẽ hở để những kẻ trục lợi và tham nhũng lộng hành.

Lương Duy Cường
.
.
.