Cuộc chạy đua Nhà trắng 2020 và…

Thứ Tư, 25/03/2020, 10:45
Cuộc tranh cử Tổng thống năm 2020 cũng là một trong những "nạn nhân" của đại dịch COVID-19. Thực tế những ngày qua cho thấy, sự xuất hiện của virus COVID-19 đã - đang không chỉ làm thay đổi nhiều vấn đề trong việc tổ chức tranh cử mà hơn thế, nó còn trở thành một yếu tố mới được quan tâm hàng đầu trong chương trình tranh cử của các ứng cử viên.


Vào thời điểm đầy nhạy cảm này, cả nước Mỹ đang trong cơn khủng hoảng tinh thần vì đại dịch COVID -19. Dẫu rằng ca bệnh đầu tiên xuất hiện tại Mỹ có muộn hơn so với một số quốc gia khác, nhưng một khi chủng virus COVID-19 đã có cơ hội thâm nhập vào lãnh thổ của đất nước cờ hoa thì điều tất yếu sẽ xảy ra là: nó sẽ lập tức lan truyền với một tốc độ chóng mặt nếu như không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời và căn cơ ngay từ đầu.

Theo con số thống kê của tờ Thời báo New York, hiện đã có hơn 3. 557 số người Mỹ tại 49 bang được phát hiện dương tính với virus COVID-19. Và đã có 68 bệnh nhân tử vong. Hậu quả của đại dịch COVID-19 đối với nước Mỹ còn trở nên nặng nề hơn khi nó là "thủ phạm" làm tê liệt nhiều trường học, cơ sở hạ tầng, dịch vụ kinh doanh, v. v…Chỉ trong một phiên giao dịch ngày 26 tháng 2 vừa qua, sàn chứng khoán của thành phố New York đã giảm 1100 điểm - một mức giảm kỷ lục trong lịch sử ngành chứng khoán.

Người dân Mỹ đang mong chờ những vị lãnh đạo như ông Joe Biden có thể dẫn dắt đất nước ra khỏi đại dịch Corona.
Nhà Trắng sẽ phải có những biện pháp bảo vệ tổng thống Donald Trump khỏi virus COVID-19 tốt hơn, tránh những trường hợp như với tổng thống Jair Bolsanaro lập lại.

Cuộc tranh cử Tổng thống năm 2020 cũng là một trong những "nạn nhân" của đại dịch COVID- 19. Thực tế những ngày qua cho thấy, sự xuất hiện của virus COVID -19 đã - đang không chỉ làm thay đổi nhiều vấn đề trong việc tổ chức tranh cử mà hơn thế, nó còn trở thành một yếu tố mới được quan tâm hàng đầu trong chương trình tranh cử của các ứng cử viên. 

Điều đáng chú ý nhất ở đây chính là: những điểm khác nhau trong cái cách mà hai đảng chính trị cầm quyền ở Mỹ đang tiếp cận dịch COVID-19 nhằm thông qua đó để có thể tạo ra cơ hội lợi thế cho mình trong cuộc bầu cử sắp tới sẽ được diễn ra như thế nào?!

Đảng Cộng hoà

Dịch COVID-19 có khả năng trở thành một thứ chướng ngại lớn nhất đối với chiến dịch tái tranh cử Tổng thống của ông Donald Trump. Việc đại dịch lây lan với tốc độ chóng mặt cùng với những hậu quả tiêu cực - trường học đóng cửa, thị trường chứng khoán suy sụp, giá dầu tăng chóng mặt, v.v… - đang thử thách lòng tin của cử tri đối với ông Trump. Nếu như trong trường hợp xấu nhất, một cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra bởi virus CoVID -19 sẽ khiến ông Trump mất đi rất nhiều lá phiếu của người dân dành cho mình.

Chuyện tương tự đã từng xảy ra trước đó với đảng Cộng hòa. Mặc dù đã hơn một thập kỷ trôi qua, song người ta vẫn còn nhớ, sau khi bong bóng bất động sản tại nước Mỹ bất ngờ bị vỡ và dẫn đến cuộc đại khủng hoảng kinh tế vào năm 2008, đã có rất nhiều cử tri vốn ủng hộ nguyên Tổng thống George W. Bush trong cuộc bầu cử 2004 chuyển sang bỏ phiếu cho ông Barack Obama.

Sự chậm chạp trong cách mà Nhà Trắng phản ứng với dịch bệnh đang chịu sự chỉ trích của chính các thành viên của đảng Cộng hòa. Ông Trump cố ý liên tục giảm nhẹ tầm nguy hiểm của virus COVID-19 trong các buổi họp báo. Đơn cử như ngày 26 tháng 2, ông này đã trả lời báo chí rằng,  người dân Mỹ "ít có khả năng bị nhiễm bệnh và chết!". Vậy mà chỉ chưa đến ba tuần sau, tại Mỹ đã có hơn 40 người chết, và quốc gia này đang đứng trước nguy cơ trở thành ổ dịch lớn thứ ba sau Trung Quốc và Châu Âu.

Đồng thời với đó, các quan chức của bộ Y tế Mỹ đã thất bại trong việc nhanh chóng đưa ra những kịch bản mang tính chiến lược kiểm soát dịch COVID-19. Người dân Mỹ đang đặc biệt chú ý đến việc thiếu hụt các bộ dụng cụ chẩn đoán virus COVID-19 trên toàn lãnh thổ. Ông Reed Galen, một chiến lược gia chính trị từng cố vấn cho chiến dịch tranh cử Tổng thống của cố Thượng nghị sỹ John McCain, đã đưa ra nhận xét như sau: "Trừ khi ông Trump và nội các của mình chấn chỉnh được cái cách mà họ đối phó với dịch Corona, nếu không chiến dịch tái tranh cử của ông Trump sắp tới hoàn toàn có thể sẽ thất bại!".

Ông Trump trong một cuộc viếng thăm Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ gần đây.

Quả thật thì Nhà Trắng đã có một số điều chỉnh như bổ nhiệm Phó tổng thống Mike Pence chỉ đạo chiến dịch kiểm soát đại dịch; hay là việc ban bố lệnh cấm đi lại giữa Mỹ và Trung Quốc, Hàn Quốc, Ý và Iran, v. v... Tuy vậy, có vẻ như những động thái này đã triển khai quá muộn và vẫn chưa có các biện pháp hữu hiệu trong việc giải quyết được vấn đề các bệnh viện, cơ sở y tế địa phương gần như không có cách nào để chẩn đoán virus COVID-19.

Theo một số cuộc khảo sát gần đây, đại dịch COVID-19 đang là vấn đề được cử tri Mỹ quan tâm nhất. Khoảng 46% người dân Mỹ không tin rằng quốc gia của họ đã trong tư thế tự tin sẵn sàng để đối phó nếu đại dịch xảy ra. Lời nhận xét của ông Trump về việc giữ chiếc du thuyền Grand Princess ngoài khơi nhằm mục đích "không để số người chết tăng trên đất Mỹ" nếu không khiến người dân hoang mang thì lại khiến họ giận dữ vì sự thiếu sẻ chia của Tổng thống.

Để đối mặt với nền kinh tế trong khủng hoảng, ông Trump đã thúc giục chính phủ và quốc hội thông qua một gói kích cầu bao gồm các biện pháp như: giảm thuế, trả lương nghỉ bệnh, cho doanh nghiệp nhỏ vay vốn,v.v…Có vẻ như ông Trump đã rất tự tin khi trả lời phóng viên vào ngày 9 tháng 3 rằng: "Những biện pháp kích thích kinh tế sắp tới sẽ có tác động vô cùng lớn đối với xã hội và nền kinh tế Mỹ. Chúng sẽ giúp chúng ta vượt qua thời điểm khó khăn này!".

Một mối lo khác là khả năng ông Trump và các quan chức của mình bị nhiễm bệnh, cho dù qua xét nghiệm thì vị Tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ âm tính với virus CoVID-19 . Trong số các cá nhân mà ông Trump đã từng tiếp xúc, có nhiều người đã nhiễm hay nghi ngờ nhiễm virus COVID-19 như Nghị viên Doug Collins; Nghị viên Matt Gaetz, và Fábio Wajngarten, Thư ký truyền thông của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro.

Tuy vậy, ông Trump vẫn không tỏ ra ngừng nghỉ trong những hoạt động đối ngoại và vận động tranh cử Tổng thống. Trong tháng hai vừa qua, ông đã tổ chức sáu buổi mít - tinh thu hút được hơn 100.000 người. Với việc nhiều người tập trung trong các không gian kín gió như sân vận động như thế, khả năng họ và bản thân ông Trump bị lây nhiễm là vô cùng cao.

Một điều nữa, nếu như một khi chẳng may mà đại dịch COVID-19 còn tiếp tục kéo dài hơn nữa sẽ khiến người dân Mỹ vô cùng ngần ngại khi ra khỏi nhà. Vậy thì đến ngày bầu cử mùng 3 tháng 11 sắp tới, số cử tri đi bỏ phiếu sẽ suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là với nhóm cử tri cao tuổi vốn rất trung thành với ông Trump.

Tháng ba và tháng tư này sẽ là thời điểm mà không ai bảo ai, nhưng mọi con mắt trên khắp nước Mỹ và cả thế giới sẽ đổ dồn vào ông Trump. Cách mà ông ấy và nội các của mình xử lý dịch Corona như thế nào sẽ quyết định xem liệu người dân Mỹ có nên tiếp tục đặt lòng tin vào Tổng thống đương nhiệm của mình nữa hay không. Có thể chúng ta sẽ nhìn thấy trước kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống 2020 trong vòng vài tuần sắp tới mà không phải chờ đến thời điểm tháng 11 tới đây nữa.

Đảng Dân chủ

Trong gần một năm qua, những cá nhân tham gia cuộc chạy đua giành chức ứng cử viên tranh chức Tổng thống của đảng Dân chủ Mỹ đã "chiến đấu" với nhau xoay quanh những lý tưởng và kế hoạch chính trị của họ. Ấy thế nhưng bây giờ thì họ còn có một vấn đề khác quan trọng và vô cùng cấp bach để mà tranh luận: dịch COVID-19 ! Chỉ trong vòng một tuần vừa qua, hai ứng cử viên còn lại trong cuộc đua đã có những bước đi lớn trong việc đề ra những chính sách đối phó với chủng virus COVID-19 và thể hiện tư chất lãnh đạo của mình.

Nguyên Phó tổng thống Joe Biden, trong một bài phát biểu gần đây của mình đã có vài lời sau khi đề cập tới chiến dịch phòng trừ đại dịch, rằng: "Dịch Corona đã làm lộ ra một loạt thiếu sót của chính quyền đương nhiệm. Người dân Mỹ không chỉ lo sợ virus, họ còn lo sợ về sự thiếu chuẩn bị và mập mờ của nội các ông Trump việc đối phó với virus!". Đây giống như một lời "tuyên chiến" trực tiếp của ông Biden với ông Trump, và nó đã - đang lấy được lòng tin của nhiều cử tri trong bối cảnh cả nền kinh tế - xã hội Mỹ đang bị đảo ngược vì COVID-19.

Những cuộc mít tinh tranh cử tại Mỹ hiện nay là điều không thể.

Ai cũng hiểu rằng, trong cuộc tranh cử Tổng thống sắp tới, lợi thế lớn nhất của ông Trump là nền kinh tế đã đi vào đà tăng trưởng một cách tương đối ổn định sau những năm trì trệ dưới thời ông Barack Obama. Thế nhưng với thị trường tài chính "lao dốc không phanh" và thị trường lao động đóng băng như hiện nay, người dân Mỹ khó còn có thể tin vào khả năng của ông Trump được nữa.

Chỉ hai tiếng sau khi ông Biden có bài phát biểu nói trên, Thượng nghị sỹ Bernie Sanders, ứng cử viên thứ hai trong cuộc đua đến Nhà Trắng, đưa ra lời cảnh báo về khả năng số người Mỹ chết vì virus COVID-19 có thể sẽ còn nhiều hơn số quân nhân thiệt mạng trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Ông Bernie Sanders thẳng thắn kết luận như sau: "Chúng ta có một vị Tổng thống, có một nội các thiếu cả kiến thức, kinh nghiệm lẫn thái độ thích hợp để đối mặt với dịch Corona. Và người Mỹ đang phải chết vì sự bất tài của họ!".

Bản thân hai ông Biden và Bernie cũng chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID - 19. Theo lệ thường thì đáng lẽ họ đang phải đi xuống các địa phương để tiếp xúc cử tri thuộc đảng Dân chủ. Thế nhưng bây giờ cả hai ông chỉ có thể ở tại quê hương của mình - Wilmington, Delaware và Burlington, Vermouth và tổ chức các buổi phát biểu, họp báo qua mạng Internet mà thôi.

Các nhà phân tích chính trị so sánh dịch COVID-19 với một cơn lốc xoáy đang tàn phá đất nước cờ hoa trên mọi mặt khác nhau. Và "cơn lốc xoáy" đó hoàn toàn có thể cuốn bay đi sự nghiệp của bất kỳ chính trị gia nào. Bà Whit Ayres, chuyên gia phân tích của đảng Cộng hòa,  đưa ra nhận xét thế này: "Điều mà cử tri theo dõi sát sao nhất là cái cách mà các ứng cử viên đối phó với đại dịch Corona như thế nào!".

Trong cuộc bầu cử sơ bộ tìm ứng cử viên tranh cử chức Tổng thống của đảng Dân chủ thì ông Biden đang dẫn trước ông Sanders với một khoảng cách khá lớn. Nhiều khả năng vị nguyên Phó tổng thống Mỹ này sẽ chiến thắng và tiến đến đối đầu với ông Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Nếu trường hợp này xảy ra thì ông Biden sẽ có lợi thế về mặt thâm niên chính trường. Vì lẽ ông này đã từng tham gia chính trị ngay từ những năm 1960 của thế kỷ trước, trong khi kinh nghiệm của Tổng thống Trump chỉ gói gọn trong hai thập kỷ vừa qua mà thôi.

"Ngoài kinh nghiệm làm việc với giới chính trị gia Washington, cử tri, đặc biệt cử tri da đen, còn nhìn vào hai nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama mà tin rằng ông Biden có khả năng đem sự ổn định trở lại cho nước Mỹ!" - Bà Whit Ayres nói thêm.

Một nhóm cử tri khác có thể sẽ bỏ phiếu cho ông Biden là những hộ gia đình trung lưu sống ở vùng ngoại ô. Lý do duy nhất mà họ bỏ phiếu cho ông Trump trong cuộc bầu cử hồi năm 2016 là khả năng quản lý kinh tế vĩ mô của vị Tổng thống đương nhiệm này. Nay thì nền kinh tế Mỹ đang xuống dốc không phanh, nên khả năng họ sẽ chuyển sang bỏ phiếu cho ông Biden là khá cao. Kết quả của một số cuộc khảo sát cử tri gần đây đã phần nào khẳng định điều này.

Điều tương tự cũng đang xảy ra với các cử tri nông thôn. Ngay từ trước khi đại dịch Corona xảy ra, hầu hết những người nông dân Mỹ đã phải chịu thiệt hại nặng nề do cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc và Liên minh Châu Âu do ông Trump gây ra. Nay thì các thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Mỹ hoặc là đã đóng cửa, hoặc là đang giảm đáng kể lượng hàng nhập khẩu. Những tổn thất này đủ nặng nề để chuyển phiếu của cử tri nông thôn Mỹ từ ông Trump sang ông Biden.

Mặt khác, ngay cả người dân Mỹ cũng đang bị chia rẽ về vấn đề virus COVID-19 dựa theo quan điểm chính trị của họ. Do chính quyền ông Trump liên tục có những lời "giảm nhẹ" độ nguy hiểm của dịch COVID-19, nhiều người dân Mỹ ủng hộ đảng Cộng hoà vì thế cũng trở nên có thái độ dửng dưng, coi nhẹ dịch bệnh. Khoan nói đến sự nguy hiểm cho sức khoẻ chính bản thân họ, virus COVID-19 và những hậu quả mà nó đem lại có thể sẽ không làm những người này thay đổi lá phiếu của họ.

*

Thời điểm hiện tại có thể sẽ là quá sớm để khẳng định tác động của đại dịch COVID-19 tới cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020 này. Tuy vậy, chúng ta có thể chắc chắn một điều rằng, khi cử tri Mỹ đi bỏ phiếu vào tháng 11 tới, câu chuyện liên quan tới virus COVID-19 sẽ là một trong những vấn đề được họ quan tâm nhất.

Hiện các ứng cử viên của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều đang cố gắng hết sức để lợi dụng vấn đề thời sự nói trên nhằm giảm độ tín nhiệm của cử tri đối với đối thủ, đồng thời khẳng định được khả năng lãnh đạo của mình. Bên chiến thắng sẽ phải là người  đưa ra được một thông điệp rõ ràng, căn cơ và lạc quan nhất, qua đó tạo được lòng tin nơi người dân của họ về một nước Mỹ sẽ được vực dậy sau cơn khủng hoảng bởi đại dịch COVID - 19.

Lê Công Vũ (tổng hợp)
.
.
.