Cuộc chạy đua nhằm bảo đảm nguồn cung cấp vaccine COVID-19

Thứ Sáu, 26/06/2020, 07:30
Cùng với cuộc chạy đua giữa các tập đoàn dược phẩm để tìm ra vaccine ngừa COVID-19, một cuộc chạy đua khác cũng đang diễn ra ráo riết không kém giữa các quốc gia nhằm bảo đảm nguồn cung cấp một khi chế tạo được vaccine.


Nguy cơ thiếu lọ đựng vaccine

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến nay, có 11 vaccine ngừa COVID-19 đang được thử nghiệm lâm sàng, 126 vaccine khác đang trong giai đoạn tiền lâm sàng (thử nghiệm trên súc vật). Hiện giờ chưa thể biết dự án nào tiến triển nhanh hơn hết, nhưng một số tập đoàn đang quảng cáo rầm rộ cho sản phẩm tương lai của họ, như Tập đoàn Moderna của Mỹ khẳng định là đến tháng 7, vaccine thử nghiệm của họ sẽ bước vào giai đoạn 3, tức là giai đoạn chót.

Tập đoàn dược phẩm AstraZeneca  của Anhcùng với Đại học Oxford đang cùng nghiên cứu chế tạo một loại vaccine, sẽ được thử nghiệm trên 50.000 người tình nguyện. Tập đoàn này khẳng định là đến mùa thu năm nay sẽ biết được công hiệu của vaccine.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến thăm một cơ sở sản xuất vaccine của Sanofi gần thành phố Lyon.

Tập đoàn Johnson & Johnson của Mỹ cũng lạc quan không kém khi khẳng định là họ có thể cung cấp một tỷ liều vaccine năm tới. Còn Tập đoàn Sanofi của Pháp hiện đang phát triển hai loại vaccine, mà sắp tới đây sẽ bắt đầu được thử nghiệm tiền lâm sàng…

Giáo sư Frédéric Tangy, Giám đốc Phòng thí nghiệm vaccine của Viện Pasteur, cho biết thông thường việc sản xuất một vaccine mới có thể mất từ 8 đến 15 năm, dĩ nhiên là ngoại trừ vaccine ngừa cúm, mỗi năm hoặc mỗi hai năm phải được chế tạo lại, nhưng đó là vẫn là cùng một sản phẩm, được làm với cùng một cách thức. Khởi đầu nghiên cứu chế tạo một vaccine mới từ con số không để ngừa một bệnh mới sẽ mất một thời gian dài như thế, thậm chí dài hơn. Bởi đã hơn 30 năm rồi người ta vẫn chưa tìm ra virus ngừa AIDS.

Theo Giáo sư Frédéric Tangy, đốt cháy giai đoạn có nghĩa là chế tạo một vaccine chỉ trong vòng 6 tháng, 9 tháng, một năm. Nhiều công ty đã bỏ qua giai đoạn thử nghiệm trên súc vật, hoặc thử nghiệm rất ít trên súc vật, không lập đi lập lại đủ các thí nghiệm. Dĩ nhiên có điểm tích cực là sẽ có vaccine một cách khá nhanh chóng, nhưng có nguy cơ là chúng ta sẽ có một vaccine với những tác dụng phụ nghiêm trọng, vì đã không được thử nghiệm đàng hoàng, trong khi chúng ta đang trong thời kỳ mà nhiều người không mấy tin tưởng vào vaccine. 

Nhưng các liều vaccine đó sẽ được đựng trong các lọ thủy tinh và cung cấp đủ các lọ vaccine này cho tất cả mọi người là cả một bài toán nan giải. Tổng giám đốc của AstraZeneca, Pascal Soriot, cũng thừa nhận đây là một vấn đề hóc búa. Tập đoàn của ông, cũng như các tập đoàn khác, đang dự trù khả năng chứa nhiều liều vaccine trong cùng một lọ.

Các tập đoàn lớn cũng cho biết đã bắt đầu điều chỉnh các dây chuyền sản xuất của họ để có thể sản xuất các lọ vaccine này. Nếu cần, họ cũng có thể nhờ đến các công ty gia công. SGD Pharma, một trong những nhà sản xuất lớn nhất thế giới về lọ thủy tin cho ngành dược phẩm, đã bảo đảm là họ sẽ làm hết mình để tránh trường hợp khan hiếm lọ thuốc.

Bảo đảm nguồn cung cấp

Để bảo đảm nguồn cung cấp vaccine, các chính phủ tham gia tài trợ cho việc nghiên cứu chế tạo hoặc đăt mua trước, thường là đặt mua từ nhiều tập đoàn khác nhau. Không chỉ bảo đảm cung cấp cho các nước châu Âu, Tập đoàn AstraZeneca còn cam kết là sẽ không kiếm lời trên vaccine này, theo tuyên bố của Chủ tịch đặc trách nước Pháp của Tập đoàn Olivier Nataf, giá một liều vaccine của AstraZeneca sẽ khoảng 2 euro.

Hiện tại, do áp lực quốc tế, các tập đoàn dược phẩm khó mà bán vaccine với giá quá cao, nhưng các chuyên gia của Ngân hàng UBS dự báo, nếu thế giới phải cần đến vaccine ngừa COVID-19 một cách thường xuyên, chắc chắc là các tập đoàn sẽ không thể tiếp tục bán vaccine với giá "hữu nghị" nữa.

Đối với các nước đang phát triển, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres vào đầu tháng 6 đã cho rằng vaccine tương lai sẽ phải được xem như là "tài sản chung" của thế giới, phải đến được với mọi người, trên nguyên tắc tương trợ giữa các nước giàu với các nước nghèo.

Còn Giáo sư Frédéric Tangy, Giám đốc Phòng thí nghiệm vaccine của Viện Pasteur, thì khẳng định tiếp cận vaccine là một trong những quyền căn bản của con người. Kể từ khi tiêu diệt được bệnh đậu mùa vào thập niên 1960, thế giới đã cam kết là sẽ cung cấp những vaccine công hiệu cho toàn thể người dân.

Đó là điều tối thiểu, vì không thể để cho trẻ em ở nước bên này không được bảo vệ, trong khi bước qua bên kia biên giới, trẻ em được chích ngừa đàng hoàng. Vấn đề này đang được đặt lại ngày nay. Những sản phẩm được chế tạo theo các công nghệ rất tiên tiến ở các nước Âu Mỹ đòi hỏi được bảo quản trong môi trường rất lạnh, tức là -80°C.

Ngay cả tại Paris, không phải bệnh viện nào cũng có tủ lạnh với nhiệt độ -80°C. Đó là những vaccine được chế tạo cho những nước rất giàu, nơi mà người ta có thể bỏ ra 100, 250, thậm chí 500 USD cho một liều vaccine, rồi sau đó sẽ được hệ thống bảo hiểm y tế hoàn trả. Và như vậy là một phần của thế giới sẽ bị gạt sang một bên.

"Tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh là tại Viện Pasteur, chúng tôi làm ngược lại. Cũng như các loại vaccine khác, loại vaccine ngừa COVID-19 mà chúng tôi đang phát triển là dựa trên vaccine ngừa bệnh sởi, loại vaccine đang được sản xuất trên toàn thế giới, rẻ tiền và ai cũng có thể tiếp cận thông qua các chương trình chích ngừa mở rộng của WHO", ông Frédéric Tangy nói.

Ngày 17-6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã kêu gọi góp chung các nguồn lực ở châu Âu và trên thế giới để giúp phát triển các vaccine tương lai và đặt mua trước các vaccine này.

Quý Đức (theo RFI)
.
.
.