“Cuộc chiến” chống COVID-19 qua ảnh

Thứ Năm, 17/09/2020, 08:15
Cuốn sách ảnh ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt, tác nghiệp trong điều kiện đặc biệt, được xem là tác phẩm “có một không hai”. Nội dung cuốn sách nóng hổi chất thời sự nhưng không kém phần nghệ thuật...


Lao vào… ổ dịch

Sơ mi trắng, đầu cạo trọc lóc, nụ cười luôn thường trực trên môi là hình ảnh rất đỗi quen thuộc của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á. Sau nửa năm xách máy ảnh chạy theo “cuộc chiến” chống COVID-19 trên mọi miền đất nước, Nguyễn Á trở về, mang theo hàng ngàn bức ảnh quý giá, ấn tượng.

Nguyễn Á bắt đầu dấn thân vào “cuộc chơi lớn COVID-19” từ khi thế giới vẫn còn chưa hết bàng hoàng vì sự xuất hiện của nó. Anh đã cầm chiếc máy ảnh ra tuyến đầu ổ dịch như: thôn Hạ Lôi, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện dã chiến Củ Chi...

Bằng nhiều phương tiện di chuyển xe máy, tàu hỏa, ô tô, máy bay... Nguyễn Á đã khiến người xem không khỏi kinh ngạc khi thấy ống kính của anh có mặt ở hầu hết những điểm nóng, ở biên giới giáp ranh Trung Quốc cho tới các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hàng ngàn sự việc, con người được ghi lại qua ảnh.

Khi vào các bệnh viện, các bác sĩ đã tạo điều kiện tốt nhất cho Nguyễn Á làm việc, dành cho anh sự ưu ái rất lớn. Từ quần áo chuyên dụng cho đến các vật dụng hỗ trợ tránh tiếp xúc với bệnh nhân.

Các ca bệnh COVID-19 nặng nhất như bệnh nhân số 19 (BN19) điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BN91 – phi công người Anh, điều trị tại BV Chợ Rẫy… đều được Nguyễn Á bám sát, ghi lại những khoảnh khắc của đội ngũ y bác sĩ, người bệnh chiến đấu từng giành giật sự sống. 

Như lúc bác sĩ Vũ Đình Phú – Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chăm sóc cho BN19, BN nặng đã 3 lần ngừng tim. Hoặc những khoảnh khắc bác sĩ Phan Thị Xuân – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (HSCC), bác sĩ Trần Thanh Linh - Phó trưởng khoa HSCC và các bác sĩ, y tá, hộ lý tại Bệnh viện Chợ Rẫy chăm sóc cho BN91, tập vật lý trị liệu cho người bệnh trong suốt những ngày dài điều trị. 

Qua tấm kính bảo hộ, ánh mắt của người thầy thuốc hằn rõ những nếp nhăn qua hàng đêm thiếu ngủ hay giọt lệ nghẹn ngào, đau đáu ngóng chờ tin người thân từ bên ngoài song sắt cánh cổng bệnh viện...

Công an huyện Mường Khương (Lào Cai) giúp bà con nghèo bản Choán Vá trong mùa dịch bệnh.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có số lượng bệnh nhân nhiễm COVID-19 có thời điểm cao nhất cả nước, đây là nơi Nguyễn Á đến rồi quay lại tổng cộng 4 lần, đồng nghĩa với việc số lần anh phải khai báo y tế cứ liên tục, xuyên suốt.

Từ khi bắt tay vào thực hiện, xác định con đường sẽ rất dài và khó khăn nên anh luôn tự nhủ mình phải thật cẩn thận, kiên nhẫn, bình tĩnh và tranh thủ “đánh nhanh, rút gọn” khi tiếp cận các ổ dịch để tránh các rủi ro có thể xảy ra. Anh phải giấu gia đình, vì không muốn ai lo nghĩ. Nếu chẳng may rơi vào cách ly 14 ngày và tệ hơn nữa nếu anh bị nhiễm bệnh thì sẽ như thế nào đây. Nguyễn Á không hình dung được cái viễn cảnh xót xa ấy. Gia đình anh sẽ lo lắng đến mức nào.

Cũng chưa bao giờ đi chụp ảnh mà anh phải làm công văn nhiều đến vậy. Toàn công văn xin tác nghiệp ở những địa điểm nóng bỏng nhất, hiểm nguy nhất, hệ lụy nhiều nhất. Nhưng dù là khó khăn đến mấy, Nguyễn Á vẫn quyết tâm thực hiện, với mục tiêu đề ra: Vào thẳng các bệnh viện lớn, nơi có số lượng bệnh nhân nhiễm COVID-19 vào hàng “top”, tiếp theo là các khu cách ly, khu vực biên giới, khu vực quân sự... Đi đến đâu, người ta cũng trợn tròn mắt nhìn anh. Anh không xa lạ nhưng việc anh làm thì lạ và ít người dám nghĩ tới.  

Để theo kịp diễn biến dịch bệnh, Nguyễn Á thường xuyên cập nhật thông tin về bệnh viện, khu cách ly, người nhập cảnh và sẵn sàng vác máy lên đường ngay lập tức, ở bất kỳ nơi nào.

Nụ cười hạnh phúc của sản phụ sinh con trong mùa dịch.

Thông điệp về tình yêu thương

Hình ảnh có thể chưa nói lên tất cả nên Nguyễn Á đã chăm chút, tỉ mẩn lắng nghe, ghi chép lại lời tâm sự, bộc bạch của những con người anh từng gặp gỡ, tiếp xúc với họ trong mỗi chặng đường. 

Là tâm sự rút hết gan ruột của Đại úy Nguyễn Vũ Hiệp, Đội trưởng Đội Tổng hợp Công an huyện Mường Khương (Lào Cai): “Trong đợt dịch vừa qua, có đôi lần tôi nán lại trước hình ảnh người chiến sĩ cảnh sát nhân dân kiên nhẫn thuyết phục một cô gái có ý định trốn cách ly trong nhiều giờ liền, những anh chiến sĩ ăn vội, nằm tạm để luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ...”.

Trong chuyến đi thiện nguyện, giúp đỡ bà con thôn Choán Ván, dù lội bộ hơn 8 cây số đường đèo dốc, suối sâu, vực cao nhưng những người lính trẻ vẫn không nề hà, chẳng chùn chân mỏi gối. Ở bản làng nghèo khó xa ngái ngút ngàn tầng mây của tỉnh Lào Cai, bà con quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nào biết đến COVID là gì.

Không chủ quan, không lơ là, chính quyền, trong đó lực lượng Công an là nòng cốt đã tổ chức nhiều chuyến đi tuyên truyền, vận động, giải thích cho bà con hiểu để họ chủ động phòng tránh dịch bệnh. Nguyễn Á xách máy ảnh lần theo bước chân của những cán bộ Công an. 

Anh ghi lại những khoảnh khắc đời thường nhất của tình quân dân nơi rẻo cao biên viễn. Hình ảnh chiến sĩ vác gạo, mì tôm, luồn rừng, lội suối lên bản Choán Ván, giúp bà con vun xới luống ngô, cuốc đất trồng tỉa. Nụ cười, ánh mắt, cái nắm tay... chất phác, hồn hậu, tự nhiên như chính cuộc sống đời thường của họ. 

Bộ đội giúp đỡ người dân trong khu cách ly.

Hàng nghìn bức ảnh là quá trình thâu đêm suốt sáng bám sát sự kiện, ống kính giàu tính phóng sự và hơi thở cuộc sống của Nguyễn Á đã ghi nhận được tinh thần và hành động vào cuộc quyết liệt của các lực lượng y tế, quân đội, công an, các nhà khoa học, truyền thông báo chí, đặc biệt là tấm lòng nhân ái, nhường cơm sẻ áo, cảm thông chia sẻ ngọt bùi của nhân dân mọi miền Tổ quốc.

Mỗi bức ảnh là một câu chuyện xúc động lòng người. Đó là những “chiến sĩ blouse trắng” phải tạm xa gia đình, con cái, tạm gác tất cả những nhu cầu riêng tư hối hả, căng mình làm nhiệm vụ cứu chữa người bệnh. 

Là những cán bộ chiến sĩ Công an, Quân đội không quản ngại khó khăn, gian khổ, chấp nhận hy sinh, dựng hàng nghìn lều bạt, ăn lán, ngủ rừng, sẵn sàng nhường chỗ ở, nơi làm việc của mình để tiếp nhận người cách ly. 

Đó là những anh dân phòng, chị thanh niên xung phong, bác bảo vệ khu phố tới tận nhà người dân tích cực vận động tuyên truyền phòng chống dịch bệnh... Tinh thần và trách nhiệm của họ xứng đáng được tôn vinh bởi những mỹ từ tốt đẹp nhất, những lời tri ân sâu sắc nhất.

Nguyễn Á cho biết, trong cuộc đời cầm máy của mình thì khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 6-2020 là dấu ấn đáng nhớ nhất đối với anh, là sự trải nghiệm đặc biệt của giá trị nghề nghiệp. Và bộ sách ảnh này cũng đặc biệt nhất trong tổng số 13 cuốn sách ảnh anh từng ra mắt và triển lãm.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á hạnh phúc và tự hào khi hoàn thành được bộ sách ảnh để đời.

Những ngày cuối tháng 7, khi quá trình thiết kế cuốn sách ảnh bước vào giai đoạn hoàn thiện cũng là lúc một đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 mới, tâm dịch tại TP. Đà Nẵng. Diễn biến dịch lần này hết sức phức tạp, số lượng bệnh nhân nhiễm COVID-19 tăng rất nhanh, nhiều bệnh nhân cao tuổi và có bệnh nền đã tử vong. 

Tất cả các cấp, các ngành dốc toàn lực lượng hướng về Đà Nẵng. Ai cũng lo lắng cho sự an toàn và đưa ra cảnh báo cho những người có ý định đến cũng như rời Đà Nẵng. Nguyễn Á đã tìm nhiều cách để tới Đà Nẵng nhưng đều thất bại. 

Vậy là không thể có một bộ ảnh trọn vẹn vì thiếu đi những khoảnh khắc chống chọi với dịch bệnh COVID- 19 của đồng bào mình tại khu vực miền Trung. Từ trong trái tim mình, Nguyễn Á bồn chồn và lo lắng nhưng chỉ biết cầu nguyện cho Đà Nẵng thân thương cố gắng vượt qua sóng gió COVID- 19.  

Mục tiêu cuối cùng của cuốn sách ảnh, Nguyễn Á muốn truyền tải thông điệp về tình yêu thương lẫn nhau giữa con người với con người, tương thân tương ái và mong muốn được nhân rộng ra hơn bao giờ hết. 
Ngọc Hoa
.
.
.