Cuộc chiến của niềm tin

Thứ Sáu, 27/03/2020, 11:53
Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang lây lan khắp nơi, không chỉ khơi mào cuộc chiến của đội ngũ y tế toàn cầu mà còn là cuộc chiến về niềm tin giữa con người với con người.


Từ một đối thủ vô hình ...

Virus, một dạng siêu vi khuẩn vô cùng nhỏ bé, không thể nhìn thấy bằng mắt thường, không có cấu tạo tế bào, sống kí sinh, không thể tự di chuyển... Những thông tin đó đã là quá nhiều đối với nhận thức của một người bình thường về đối thủ của chúng ta trong những ngày này, khi con virus có tên "SARS-CoV-2" đang lây lan trên phạm vi toàn cầu.

"SARS-CoV-2" là tên một chủng virus mới đã được xác lập bởi Tổ chức y tế thế giới WHO vào trung tuần tháng 2 vừa rồi. Một cái tên mang đầy đủ tính chất khoa học của nó, một cái tên rất ngắn gọn xúc tích dễ hiểu với một bộ mã giản đơn gồm chữ và số như bất cứ thứ gì mà con người có thể tạo ra được. Nhưng, những nỗi ám ảnh mà con virus đó tạo nên thực sự đáng sợ.

Nỗi lo của WHO là sự thiếu hợp tác giữa các quốc gia trong phòng chống dịch COVID-19.

Kể từ khi chính thức xuất hiện lần đầu tiên vào ngày cuối cùng của năm 2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc trên một bản tin nhỏ thông báo về căn bệnh viêm phổi mới, một dịch bệnh cấp độ toàn cầu đã hình thành. Tính đến ngày 10 tháng 3 năm 2020, hơn 110 nghìn ca dương tính với SARS-CoV-2 đã được ghi nhận trên toàn thế giới với hơn 4.000 trường hợp tử vong. 

Dịch bệnh có tên COVID-19 đã lan ra 113 quốc gia và vùng lãnh thổ, trải dài trên khắp 5 châu lục toàn cầu đẩy loài người đứng trước nguy cơ về một đại dịch có mức độ lây lan lớn nhất trong lịch sử. Đáng sợ là, những con số này vẫn đang ngày càng lớn dần, chưa có dấu hiệu ngừng lại.

Vậy là từ một đối thủ nhỏ bé, gần như vô hình, con virus SARS-CoV-2 đã trở thành mối quan tâm lớn nhất của nhân loại, vượt cả trên nền hòa bình Trung Đông, chiến tranh ở Syria, khủng hoảng nhập cư châu Âu, bầu cử Mỹ hay thậm chí là cả những lễ trao giải điện ảnh lớn nhất thế giới. Một nỗi sợ vô hình đang bao trùm lên toàn cầu.

Đến một cuộc chiến thực sự

Cuộc chiến chống COVID-19 thực sự bắt đầu tại Trung Quốc vào ngày 23 tháng 1 năm 2020 khi lệnh phong tỏa thành phố Vũ Hán hơn 50 triệu dân được đưa ra. Vào thời điểm đó, nhiều tỉnh thành khác của Trung Quốc cũng ghi nhận những ca nhiễm bệnh. Con số người lây nhiễm và tử vong tăng lên chóng mặt mỗi ngày phát đi từ Trung Quốc gây nên tâm lý hoang mang đối với nhiều quốc gia trong khu vực. Từ Vũ Hán, những bệnh nhân nước ngoài đầu tiên được ghi nhận tại Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam. Mức độ cảnh báo dịch được nâng cao tại một loạt quốc gia châu Á.

Những chuyến bay đến và đi từ những vùng có dịch từ hạn chế đến mức ngừng hẳn. Những người đi lại đến và đi giữa các vùng dịch bị theo dõi. Nhiều đường biên giới quốc gia bị đóng cửa, những lệnh cấm nhập cảnh từ một vài quốc gia có dịch đã được đưa ra.

Thế nhưng virus vẫn không hề dừng lại. Tốc độ lây lan nhanh được hỗ trợ bởi sự kết nối toàn cầu đã giúp nó vượt qua khỏi mọi sự kiềm tỏa của con người. Vượt ra khỏi châu Á đến châu Âu, Bắc Mỹ, virus lan đến Trung Đông, Nam Mỹ và cả Châu Phi. Cho đến lúc này, chỉ còn một đại lục duy nhất chưa ghi nhận người lây nhiễm đó là châu Nam Cực. Từ những biện pháp cách ly đầu tiên với vài trường hợp lây nhiễm, đến nay mức độ cách ly đã lên đến hàng chục triệu người. Italy, quốc gia châu Âu với 61 triệu dân đã trở thành đất nước thực hiện lệnh phong tỏa toàn quốc. Nhưng, liệu điều đó có tác dụng trước một cơn bệnh đã lan ra toàn cầu? Hệ thống y tế dự phòng toàn thế giới dường như đã bị đánh bại.

Tuy nhiên sức tàn phá lớn nhất của con virus lại mới chỉ bắt đầu lộ diện. Thị trường chứng khoán New York mất hơn 10% trong vòng một tuần. Sắc đỏ tràn ngập tại các trung tâm tài chính toàn cầu. Giá dầu thô giao tháng 4 giảm 40% bất chấp những nỗ lực của OPEC. Hình bóng về cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu như năm 2008 đang dần trở lại. Nền kinh tế thế giới lung lay dữ dội vì một đối thủ vô hình. Giờ thì khi những cơ chế đáng tự hào nhất của loài người lại trở nên mong manh yếu đuối hơn bao giờ hết. Từ sức mạnh chính trị, kinh tế, cơ chế kiểm soát cho đến những hệ thống y tế tân tiến nhất đều đã bị đánh bại, loài người sẽ phải đối diện với đối thủ của mình bằng chính sức mạnh nội tại của mình.

Cuộc khủng hoảng niềm tin

Khi dịch bệnh bắt đầu ảnh hưởng tới cuộc sống thì cũng là lúc nó đánh thức những bản tính ẩn giấu bên trong mỗi con người, vì quyền lợi của chính mình. Một tin đồn thất thiệt về virus có thể khiến hàng ngàn người lo sợ. Người ta tranh nhau từng bao gạo, thùng mỳ tôm cho đến cả những cuộn giấy vệ sinh vì cảm thấy cần tự bảo vệ mình. Sự ích kỷ và nhỏ nhen được dịp bùng phát trong cơn khủng hoảng.

Hình ảnh những người gốc Á đeo khẩu trang trở thành nỗi ám ảnh những ngày này.

Bất chấp những cảnh báo lây lan, rất nhiều cá nhân lây nhiễm đã vi phạm các nguyên tắc cách ly và theo dõi y tế.  "Bệnh nhân số 17"  trở thành cụm từ được tìm kiếm nhiều nhất trong mấy ngày qua ở Việt Nam trên internet là biểu hiện của sức ép dư luận cực lớn dồn lên cô gái nhỏ bé này. Một "bệnh nhân số 31" trở thành kẻ thù dân tộc tại Hàn Quốc. Cá nhân hay cộng đồng, điều gì quan trọng hơn?

Sự kỳ thị dành cho người lây nhiễm cũng bùng nổ khắp nơi. Những người dân Hàn Quốc thậm chí còn lập rào chắn ngăn đồng bào của mình được đưa về từ vùng dịch. Họ tấn công các chính trị gia vì đã biến khu vực của mình thành vùng cách ly. Nỗi sợ hãi, lo lắng hay sự ích kỷ đã được kích hoạt trong mỗi người khi cảm nhận được một điều gì đó gây ảnh hưởng xấu tới mình đang đến. Ngay tại Mỹ hay Nhật, những cuộc khủng hoảng giấy vệ sinh cũng trở nên trầm trọng đến mức mà người ta phải bất ngờ.

Từ những bất đồng ban đầu giữa các quốc gia về cách phòng chống dịch đã làm dấy lên nghi ngại về việc dịch bệnh được sử dụng như một công cụ chính trị giữa thời khủng hoảng của các chính trị gia. Dòng tweet mới nhất của Tổng thống Mỹ so sánh căn bệnh cúm mùa với COVID-19 đang gây ra nhiều tranh cãi. Những người ủng hộ ông nói rằng đúng là không có gì đáng lo lắng cả. 

Còn những người phản đối thì chỉ trích ông đang lảng tránh vấn đề. Bởi từ con số 0,1% số người tử vong ban đầu cho đến con số 3,5% số ca nhiễm tử vong được ghi nhận sau đó là một mức độ chênh lệch cực kỳ lớn. Nó làm dấy lên những nghi ngờ giữa các quốc gia về việc cố tình che dấu dịch trước đó. Bất chấp những nỗ lực của WHO kêu gọi hợp tác chống lại "kẻ thù số 1" của nhân loại lúc này, nhiều quốc gia phương Tây vẫn tìm cách đổ lỗi cho Trung Quốc. Họ gọi virus là corona Vũ Hán dù đã xác nhận có những ca bệnh không hề liên quan gì tới thành phố này.

Không cách nào dễ dàng hơn để đối mặt với vấn đề là đổ tội cho người khác, và nó dĩ nhiên dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Việc một người Châu Á bị kỳ thị tại Châu Âu lúc này cũng không còn hiếm hoi nữa. Một hashtag #JeNeSuisPasUnVirus (tôi không phải là virus) khởi nguồn từ Pháp bởi những du học sinh châu Á tại đây đã nhanh chóng lan rộng và được dịch ra nhiều thứ tiếng nhưng cũng không thể ngăn được ánh mắt xa lánh ngay tại trung tâm văn minh của thế giới này. Cuối cùng thì con virus hay chính những con người đang tấn công lẫn nhau?

Nhưng khi mà những ổ dịch mới nhất tại chính châu Âu đang bùng phát với mức độ khủng khiếp hơn cac châu Á thì chúng ta có nên cùng nhau ngồi lại để giúp đỡ chính mình. Trung Quốc, nơi bùng phát ổ dịch đầu tiên giờ lại đang trở thành quốc gia sớm nhất vượt lên cuộc khủng hoảng. Những biện pháp mạnh mẽ ban đầu của đất nước này từng bị chỉ trích nay đang được lặp lại trên toàn cầu. 

Thực sự thì, chúng ta cần phối hợp, đoàn kết hơn là soi mói những vấn đề của nhau. Đã đến lúc, chúng ta phải chấp nhận một thực tế rằng, khi thế giới đã rộng mở và kết nối chặt chẽ với nhau thì vấn đề của một quốc gia, một khu vực đã trở thành vấn đề chung của toàn cầu. 

Không sự chia cắt, phân biệt đối xử nào có thể giúp cho con người đứng trước những nỗi sợ ẩn giấu trong chính mình được nữa. Khi phải đối diện với con virus vô hình lạnh lẽo có thể làm nguội cả những họng súng, chúng ta không thể giành chiến thắng bằng sự nghi ngờ. Đối diện trực tiếp với nỗi sợ của mình và tự trả lời câu hỏi lớn nhất: bạn có đủ niềm tin vào con người?

Bởi cuối cùng, mọi cuộc chiến đều chỉ thực sự diễn ra giữa con người với con người mà thôi.

Tử Uyên
.
.
.