"Cuộc chiến kép" của ông Donald Trump

Thứ Hai, 18/05/2020, 07:03
Hãng tin The New York Times cho hay, việc công khai các hồ sơ nộp thuế đã trở thành thông lệ mà mọi Tổng thống Mỹ đều thực hiện kể từ thời Tổng thống Richard Nixon cầm quyền những năm 1970. Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016 đã tuyên bố rằng ông sẽ công khai những tài liệu này.

Tranh luận của các luật sư

Hãng tin The New York Times cho hay, việc công khai các hồ sơ nộp thuế đã trở thành thông lệ mà mọi Tổng thống Mỹ đều thực hiện kể từ thời Tổng thống Richard Nixon cầm quyền những năm 1970. Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016 đã tuyên bố rằng ông sẽ công khai những tài liệu này.

Nhưng cuối cùng ông lại quyết định giữ kín mọi hồ sơ thuế. Chính vì thế mà song song với cuộc điều tra về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, đảng Dân chủ đã thúc đẩy các cuộc điều tra tại Quốc hội xung quanh hồ sơ tài chính của Tổng thống, tổ chức Trump Organization và gia đình ông. Tại phiên toà hôm 12-5, các luật sư của đương kim Tổng thống Mỹ đã được tranh luận tại Toà án tối cao thông qua điện thoại.

Tổng thống Donald Trump đối mặt với nhiều mối lo mới trong khi lo chống dịch COVID-19.

Các luật sư của Tổng thống đã cố gắng ngăn chặn 3 ủy ban của Quốc hội Mỹ và luật sư quận Manhattan tiếp cận với nhiều năm khai thuế của Tổng thống và các hồ sơ tài chính khác của thành viên gia đình và công ty của ông Donald Trump. Các ủy ban Hạ viện cho biết họ đã đệ trình những hồ sơ đó để giúp giải quyết những lo ngại về những xung đột lợi ích có thể có của ông Donald Trump và xem xét luật pháp liên quan đến đạo đức của chính phủ, ngân hàng và sự can thiệp của nước ngoài vào bầu cử.

Luật sư quận Manhattan, Cyrus R. Vance Jr., đã đưa ra trát đòi hầu tòa của mình như một phần của cuộc điều tra về các vi phạm tài chính có thể xảy ra của ông Donald Trump và các trợ lý của ông cả trước và sau khi ông trở thành Tổng thống. Luật sư này lập luận rằng, việc này có thể không cần thiết nhưng vì ông Donald Trump đã phá vỡ một trong những lời hứa đầu tiên của mình với người dân Mỹ 4 năm trước.

Trở lại năm 2016, ông Donald Trump khi đó là ứng cử viên đảng Cộng hoà cho biết ông sẵn lòng chia sẻ tờ khai thuế của mình với công chúng, vì mọi ứng cử viên Tổng thống đã làm việc này một cách không do dự trong 4 thập kỷ qua. Đến nay, ông Donald Trump đã làm Tổng thống hơn 3 năm và đang vận động cho một nhiệm kỳ khác, nhưng người Mỹ vẫn không rõ nhiều về mạng lưới công ty rộng lớn của ông cũng như cách tài chính và hoạt động của những công ty này có thể ảnh hưởng đến quyết định của ông.

Hãng AP nhận định, các cuộc công khai thuế trước đó của ông Donald Trump luôn hợp pháp nhưng một phán quyết của Tòa án tối cao về bản chất cho phép các Tổng thống miễn trừ khỏi điều tra và truy tố sẽ là một vết thương khủng khiếp cho sự cai trị của pháp luật.

Ông Donald Trump đã thua cả hai vụ kiện liên quan đến trát đòi hầu tòa tại các tòa án liên bang thấp hơn và không có gì ngạc nhiên nếu Quốc hội có thẩm quyền rộng rãi để đưa ra trát đòi hầu tòa cho tất cả các loại thông tin.

Tại phiên xử, các luật sư của Tổng thống đã vin vào lý do này để lập luận rằng, các nhà lãnh đạo trong Quốc hội của đảng Dân chủ đang cố gắng làm tổn thương chính trị của ông Donald Trump. Bản thân ông Donald Trump cũng nói rằng việc đáp trả những trát đòi hầu tòa này sẽ khiến ông mất tập trung vào công việc của mình.

9 thẩm phán của Toà án tối cao Mỹ. ảnh: Getty.

Giới quan sát cho rằng, quyết định cuối cùng của tòa án buộc Tổng thống Donald Trump công khai hồ sơ tài chính có thể tạo ra những tác động lâu dài tới khả năng của các nghị sĩ giám sát các Tổng thống.

Đáng chú ý là trong hệ thống luật pháp Mỹ không có quy định nào yêu cầu các đời tổng thống phải công khai những thông tin tài chính cá nhân. Tuy nhiên, 9 thẩm phán của Tòa án Tối cao Mỹ đều cho rằng Tổng thống Donald Trump đang phá bỏ truyền thống.

Thẩm phán Elena Kagan còn nêu rõ Tòa án tối cao Mỹ chưa từng phải xem xét vụ việc nào tương tự và tình thế hiện tại buộc Hội đồng thẩm phán 9 người sẽ phải đưa ra quyết định khó khăn trong vụ việc mà hai đầu cán cân là Quốc hội và Tổng thống. Được biết, các cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ xoay quanh những câu hỏi chính như liệu Tổng thống Donald Trump có liên quan tài chính với phía Nga hay không và liệu ông có tận dụng lỗ hổng kế toán để trốn thuế trong những năm 1990 và 2000 hay không.

Trong quá trình điều tra, Công ty Mazars, phụ trách kế toán lâu năm cho ông Trump, Ngân hàng Deutche Bank của Đức và Ngân hàng Capital One đều đã nhận được các yêu cầu nộp kê khai tài chính của ông Donald Trump trong giai đoạn 2011-2018.

Và "cuộc chiến" giành ưu thế bầu cử

Trong khi lo đối phó với những việc hầu toà, Tổng thống Donald Trump cũng đang đau đầu trước dịch COVID-19. Đại dịch này từ khi bùng phát tại Mỹ đã khiến gần 90.000 người thiệt mạng.

Mặc dù ông Donald Trump đã cố gắng đưa ra nhiều biện pháp giải quyết những thiệt hại của dịch bệnh gây ra cũng như ngăn chặn sự lây lan của nó nhưng đến nay, phần lớn người dân vẫn cho rằng Mỹ thực sự chưa có cách làm hiệu quả và bởi thế mà nước này tuy không phải nơi khởi phát dịch bệnh nhưng lại là ổ dịch lớn nhất thế giới.

Theo những gì mà Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin phát biểu trong chương trình Fox News Sunday, kể từ đầu tháng 3, Quốc hội Mỹ đã thông qua các gói ngân sách trị giá 3.000 tỷ USD chống dịch COVID-19, bao gồm trợ cấp tiền cho người dân và các công ty.

Trong tháng 5, Toà án tối cao Mỹ tiến hành 10 phiên xử online, trong đó có phiên xử liên quan đến công khai tài chính của ông Donald Trump. ảnh: Getty

Nhưng đến tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã tăng vọt lên 14,7%, mức cao nhất kể từ sau cuộc đại khủng hoảng những năm 1930 và dự báo có thể lên tới 25% trong tháng 5 và 6, trước khi nền kinh tế Mỹ có thể phục hồi mạnh vào cuối năm.

Hôm 12-5, Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã đề xuất một dự luật giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 gồm gần 1.000 tỷ USD hỗ trợ chính quyền các bang và địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch; 75 tỷ USD cho việc xét nghiệm, thanh toán trực tiếp lên tới 6.000 USD cho mỗi hộ gia đình ở Mỹ; 10 tỷ USD hỗ trợ khẩn cấp cho doanh nghiệp nhỏ và 25 tỷ USD cho cơ quan dịch vụ bưu chính; mở rộng thanh toán thất nghiệp liên bang đến tháng 1-2021… Tuy nhiên, dự luật này lại được dự báo có thể không được Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua.

Hãng Reuters cho rằng, đảng Cộng hoà lấy lý do muốn đánh giá tác động của các biện pháp hỗ trợ trị giá gần 3.000 tỷ USD mà Quốc hội đã phân bổ từ đầu tháng 3 để trì hoãn việc thông qua dự luật mới này của đảng Dân chủ cho thấy mâu thuẫn trong chính quyền ông Donald Trump vẫn ngày càng lớn cho dù đất nước đối mặt với dịch bệnh. Nhiều nhà phân tích lý giải, đề xuất của đảng Dân chủ đang là nước cờ mạo hiểm nhằm "hạ bệ" Tổng thống Donald Trump.

Nguyên do là vì cuộc khảo sát mà Reuters công bố hôm 12-5 cho thấy, trong khi số ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ tăng cao, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Donald Trump tiếp tục giảm. Hiện ông Donald Trump đang bị ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden dẫn trước 8 điểm trong cuộc khảo sát này.

Chỉ có 41% người trưởng thành Mỹ ủng hộ các hành động của Tổng thống Trump, giảm 4 điểm so với cuộc khảo sát tương tự từ giữa tháng 4. 56% những người được hỏi không tán thành với cách điều hành đất nước của nhà lãnh đạo Mỹ, tăng 5 điểm so với cùng kỳ tháng trước.

Kết quả cuộc khảo sát cũng chỉ rõ, người Mỹ dường như đang ngày càng gia tăng chỉ trích cách Tổng thống Donald Trump xử lý cuộc khủng hoảng liên quan đến chống dịch COVID-19. Vì vậy, ông Donald Trump đang nỗ lực để cải thiện tỷ lệ ủng hộ mình tại các bang chiến lược.

Chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống và Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC) đến nay đã vận động được 61,7 triệu USD, nâng tổng số tiền gây quỹ của ông chủ Nhà Trắng lên 255 triệu USD - một lợi thế hơn so với đối thủ Joe Biden.

Khánh Chi (tổng hợp)
.
.
.