- Xin Thiếu tướng cho biết về các hiểm họa của TPSDCNC đối với ANQP và đời sống xã hội?
- Thế kỷ 21 nhân loại chứng kiến những bước nhảy vọt của khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, viễn thông, tạo nên một thế giới "phẳng" không biên giới giữa các quốc gia. Bên cạnh những giá trị to lớn đem lại cho nhân loại, những thành tựu của khoa học công nghệ đang bị tội phạm triệt để lợi dụng, trở thành công cụ, phương tiện gây án đắc lực của tội phạm. Về cơ bản, TPSDCNC gồm 2 dạng chính: Thứ nhất là loại chuyên tấn công, xâm nhập trái phép vào hệ thống máy tính, cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ, cơ sở dữ liệu nhằm mục đích phá hoại hoặc trộm cắp dữ liệu. Thứ hai là loại TPSDCNC như công cụ, phương tiện để thực hiện những hành vi phạm tội truyền thống, như lừa đảo qua mạng, trộm cắp thông tin thẻ tín dụng, trộm cắp tiền trong tài khoản, trộm cắp cước viễn thông, rửa tiền, đánh bạc, cá độ bóng đá, môi giới mại dâm, buôn bán ma túy...
Khác với trước đây, giới hacker (tin tặc) ngày nay thực hiện hành vi phạm tội có mục đích kinh tế, chính trị rõ ràng và thường liên kết lại để tạo thành những mạng lưới, ổ nhóm, đường dây tội phạm xuyên quốc gia. Hoạt động của TPSDCNC đã phát triển đến mức chuyên môn hóa cao, với sự phân công chặt chẽ vai trò, trách nhiệm giữa các thành viên, gồm các khâu riêng biệt như: Viết virus, mã độc - Phát tán mã độc - Thu thập lợi ích - Tái phân phối lợi ích. Sự tấn công của hacker và sự lan truyền virus có sức phá hoại mạnh mẽ, tốc độ lan truyền nhanh chóng, tội phạm trên mạng Internet lan tràn, hoạt động khủng bố trên mạng ngày càng gia tăng, thậm chí không gian mạng đang dần trở thành "chiến trường" của các cuộc chiến tranh mạng.
Tính chất tổ chức, xuyên quốc gia của TPSDCNC đã gây thiệt hại ngày càng nặng nề, tác động rất lớn đến sự phát triển bền vững của các quốc gia.
 |
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
|
Tại Việt Nam, ứng dụng công nghệ thông tin đã và đang được đưa lên tầm chiến lược quốc gia. Do đó, khi chúng ta tăng cường phát triển công nghệ thông tin, thúc đẩy Chính phủ điện tử, mở rộng thanh toán điện tử, thương mại điện tử… thì sự thông suốt mạng thông tin và an toàn thông tin, phòng chống TPSDCNC là một thách thức lớn. Đặc biệt, khi Việt Nam gia nhập mạng thông tin quốc tế (Internet) thì đồng nghĩa với việc phải đón nhận những nguy cơ, rủi ro đến từ TPSDCNC trên toàn cầu. Những nguy cơ đó bao gồm nguy cơ bị tấn công mạng (tấn công từ chối dịch vụ Ddos, tấn công vào cơ sở dữ liệu SQL Injection), thư rác, fishing, khai thác lỗ hổng máy chủ website, lây nhiễm mã độc vào máy tính cá nhân như virus, phần mềm gián điệp. Những rủi ro bao gồm tê liệt hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, phá hủy dữ liệu thông tin quan trọng quốc gia, trộm cắp thông tin, bí mật nhà nước, doanh nghiệp, thông tin cá nhân.v.v.
Nguy hiểm hơn, Việt Nam không loại trừ khả năng phải đương đầu với nguy cơ về một cuộc chiến tranh mạng trong tương lai, mà mục tiêu là hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia với sức tàn phá khủng khiếp, đe dọa nghiêm trọng nền an ninh, quốc phòng của đất nước.
- Từ kết quả điều tra khám phá các ổ nhóm TPSDCNC trong năm 2014 ở nước ta, Thiếu tướng nhận thấy tình hình hoạt động của loại tội phạm này có những động thái đáng chú ý nào?
- Năm 2014, tại Việt Nam, nổi lên tình hình TPSDCNC hoạt động tấn công phá hoại cơ sở hạ tầng mạng máy tính và cơ sở dữ liệu. Theo thống kê của các tổ chức bảo mật quốc tế, Việt Nam hiện đứng thứ 12 trên thế giới về số lượng các website bị tấn công, tăng 9 bậc so với cùng kỳ năm trước (năm 2013 đứng thứ 21). Tội phạm chủ yếu tấn công với quy mô lớn, phức tạp, kéo dài… vào website các cơ quan nhà nước, các ngành khối tài chính, thương mại, dịch vụ và sản xuất, để đạt được lợi ích lớn hơn, thay vì thực hiện các cuộc tấn công nhanh, thu lời nhỏ giọt như trước đây. Nguy hiểm hơn, các nhóm tin tặc nước ngoài đã tiến hành các cuộc tấn công vào hơn 1.380 website, cổng thông tin điện tử của các bộ, ngành và doanh nghiệp của nước ta (tính đến ngày 14/7/2014), gây tê liệt hệ thống, dẫn đến không thể truy cập, hoặc để cài đặt mã độc, phần mềm gián điệp.
Bên cạnh đó, các hành vi phạm tội khác cũng đang diễn biến phức tạp và gia tăng nhanh chóng. Năm 2014 TPSDCNC tập trung vào các nhóm hành vi như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông, mạng Internet (nổi lên là hành vi lừa đảo qua mạng xã hội và qua điện thoại); trộm cắp, mua bán, sử dụng trái phép thông tin thẻ tín dụng; làm thẻ tín dụng giả thực hiện các giao dịch khống để rút tiền, hoặc thanh toán dịch vụ - hàng hóa; trộm cắp cước viễn thông; mua bán các loại thiết bị, phần mềm có chức năng nghe lén cuộc gọi thoại; lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thương mại điện tử; huy động vốn trái phép; kinh doanh đa cấp; mua bán trái phép tiền điện tử; đánh bạc, cá độ bóng đá qua mạng... Đáng chú ý là tình hình nhiều đối tượng nước ngoài (Trung Quốc, Đài Loan) nhập cảnh vào Việt Nam, câu kết với các đối tượng trong nước, hình thành nên những ổ nhóm TPSDCNC chuyên làm thẻ tín dụng giả, trộm cắp cước viễn thông và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
 |
Các đơn vị thuộc Cục Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nhận Thư khen của Bộ Công an về thành tích phá án.
|
Năm 2014, lực lượng Cảnh sát phòng chống TPSDCNC đã nỗ lực hết mình để tập trung đấu tranh nhằm kiềm chế sự gia tăng của loại tội phạm này. Lực lượng Cảnh sát phòng chống TPSDCNC trên toàn quốc đã xác lập hàng trăm chuyên án, điều tra khám phá và xử lý theo pháp luật hàng nghìn vụ việc liên quan đến sử dụng công nghệ cao. Điển hình như, trong thời gian diễn ra World Cup 2014 vừa qua, Cục Phòng chống TPSDCNC đã khám phá thành công 9 chuyên án và ngăn chặn hơn 1.500 website chuyên cá độ bóng đá; phối hợp với các đơn vị, địa phương khám phá, xử lý hơn 60 vụ làm giả thẻ tín dụng rút tiền qua ATM.
- Thiếu tướng có dự báo gì về xu hướng TPSDCNC trong thời gian tới và chúng ta cần làm gì để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm?
- Trong thời gian tới, TPSDCNC tiếp tục là vấn đề mang tính toàn cầu có phạm vi ảnh hưởng xuyên quốc gia, đòi hỏi sự quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Cùng với quá trình ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin, viễn thông vào mọi mặt của đời sống xã hội ở nước ta, dự báo TPSDCNC sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường, với những thủ đoạn mới đa dạng và tinh vi, xảy ra trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Môi trường mạng Internet tiếp tục là "địa bàn" trọng điểm của TPSDCNC và ngày càng xuất hiện nhiều nguy cơ đe dọa đến việc đảm bảo an toàn thông tin số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng. Các đối tượng trong nước và nước ngoài sẽ tăng cường kết hợp, sử dụng công nghệ mới và liên tục thay đổi để tránh bị phát hiện.
Hệ thống mạng máy tính, cơ sở dữ liệu thông tin số, thông tin quốc gia, thương mại điện tử, thanh toán điện tử tiếp tục phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức mới từ TPSDCNC trong nước và quốc tế. Đặc biệt, nguy cơ về một cuộc chiến tranh mạng hoàn toàn có thể xảy ra. Tội phạm tấn công, cản trở, gây rối loạn hoạt động mạng máy tính, mạng Internet, thiết bị số kết hợp với các hành vi phát tán vi-rút, phần mềm độc hại, phần mềm gián điệp để phá hoại, trộm cắp thông tin sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng và rất khó để phát hiện, xử lý. Tội phạm trộm cắp, sử dụng trái phép thông tin thẻ tín dụng, làm giả thẻ tín dụng sẽ còn rất phức tạp, nhất là tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam phạm tội. Tội phạm lừa đảo qua thương mại điện tử sẽ còn gây thiệt hại lớn. Tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc, cá độ qua mạng Internet sẽ hoạt động tinh vi, xảo quyệt hơn dưới nhiều hình thức với số lượng lớn người tham gia. Cuộc đấu tranh, phòng chống TPSDCNC sẽ ngày càng phức tạp và cam go.
 |
Bộ Công an tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống TPSDCNC xâm phạm trật tự, an toàn xã hội.
|
Để chiến thắng TPSDCNC, chúng ta buộc phải bước trên đường đua ứng dụng khoa học, công nghệ. Trong đó, cần tập trung thực hiện những giải pháp cơ bản, trọng tâm, như chủ động nâng cao nhận thức về các nguy cơ, đe dọa từ TPSDCNC để có biện pháp tự bảo vệ, phòng ngừa loại tội phạm này. Nhà nước cần xây dựng Chiến lược tổng thể cấp quốc gia về phòng thủ an ninh mạng, quan tâm đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm nâng cao năng lực cho cơ quan chuyên trách. Đồng thời, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống TPSDCNC và tăng cường hợp tác quốc tế để mở rộng không gian phòng thủ, chủ động phòng, chống tội phạm từ xa.
- Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!
Trung Hiếu